Thủ
tướng Phạm Minh Chính thăm Campuchia, bàn vấn đề gì?
BBC Tiếng
Việt
8 tháng 11 2022
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cpr703d8n48o
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lên đường thăm
chính thức Campuchia từ ngày 8-9/11 và dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN từ ngày
10-13/11.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Chính trên
cương vị Thủ tướng và cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt
Nam đến Campuchia trong Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.
Tham gia đoàn công tác cùng Thủ tướng có Phó
Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng
Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Kế hoạch
và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng
Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các quan chức
khác.
Trong cuộc họp báo ngày 3/11, người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết đây là lần đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh
Chính tham dự trực tiếp những hội nghị cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối
tác. Các hội nghị cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại trao đổi, đối thoại trực
tiếp giữa lãnh đạo sau hơn hai năm gián đoạn do Covid-19.
Việt Nam, Campuchia điện
đàm, 'quyết tâm tăng cường hợp tác'
Thủ tướng Hun Sen: ‘Tôi
không có quyền nhượng đất cho Việt Nam’
Việt Nam và Campuchia
thúc đẩy hợp tác quốc phòng, phân định biên giới
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đây sẽ là
dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về những nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN,
tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng
quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu
vực và thế giới.
Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại
giao ngày 24/6/1967. Năm 2005, lãnh đạo hai nước nhất trí phương châm mới của
quan hệ song phương là “láng giềng tốt, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn
diện, bền vững, lâu dài”.
"Từ đó, quan hệ được củng cố và tăng cường
trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước,
đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới,"
trang Khmer Times viết về chuyến công du của Thủ tướng VN.
Trong những năm qua, quan hệ chính trị song
phương đã phát triển hiệu quả, thể hiện qua các chuyến thăm, gặp gỡ và trao đổi
thường xuyên dưới các hình thức khác nhau, kể cả trong bối cảnh đại dịch
Covid-19.
Hợp tác giữa các bộ, cơ quan, địa phương, giao
lưu nhân dân, nhất là khu vực biên giới cũng có nhiều tiến bộ. Trong khi đó,
quan hệ phối hợp trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Chính phủ hai nước cũng cam kết tạo điều kiện
thuận lợi cho công dân nước mình sinh sống trên lãnh thổ của nhau theo luật
pháp của nước sở tại.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển
nhanh chóng, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 9,54 tỷ USD vào năm 2021,
tăng 79,1% so với năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm nay, con số này là 8,45
tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất siêu 487,7
triệu USD.
Việt Nam đang triển khai 198 dự án còn hiệu lực
tại nước láng giềng với tổng vốn đăng ký 2,92 tỷ USD, đứng đầu trong các nước
ASEAN và thứ 5 trong số các nước đầu tư vào Campuchia.
Lịch sử quan hệ phức
tạp
Việt Nam và nước láng giềng Campuchia có một lịch
sử quan hệ phức tạp, với nhiều mâu thuẫn còn tồn tại, trong đó có vấn đề biển đảo
ở vịnh Thái Lan và phân chia biên giới trên đất liền.
Đặc biệt, đường biên giới đất liền dài 1.158
km giữa hai nước là chủ đề gây tranh cãi nhiều năm. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ
ra tại Campuchia trong các năm gần đây liên quan tới vấn đề biên giới với Việt
Nam.
Hai nước láng giềng là đồng minh thân thiết nhất
sau khi quân đội Việt Nam giúp những người Campuchia đào tẩu lật đổ chế độ diệt
chủng Khmer Đỏ vào năm 1979. Hà Nội là một trong số ít ân nhân của một
Campuchia bị quốc tế cô lập trong suốt những năm 1980.
Trung Quốc đã châm ngòi một cuộc chiến tranh
biên giới nhằm vào Việt Nam trong suốt thập kỷ đó để trả đũa việc Việt Nam giúp
lật đổ Khmer Đỏ, một đồng minh của Bắc Kinh.
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền từ năm
1979 cũng nhờ sự bảo trợ của Việt Nam trong những năm đầu, dù quan hệ
Campuchia-Việt Nam đã suy yếu đáng kể kể từ đầu những năm 2010 khi Phnom Penh bắt
đầu xoay trục sang Bắc Kinh, theo David Hutt viết trên Asiatimes.
Năm 2019, Việt Nam và Campuchia đã ký hai văn
bản pháp lý công nhận kết quả phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền, với
84% khối lượng công việc đã hoàn thành, mở ra hy vọng vấn đề sẽ dần được giải
quyết.
Thủ tướng Hun Sen, người đã cầm quyền 37 năm tại
Campuchia, vốn là một đồng minh lâu năm của Việt Nam. Tuy nhiên, càng ngày thì
đường hướng ngoại giao của Campuchia, đặc biệt là xu hướng ngả về Trung Quốc,
càng khiến Việt Nam lo ngại.
Một trong những động thái rõ ràng nhất cho thấy
Campuchia ngả về Bắc Kinh đó là nước này không "hòa giọng" cùng các
quốc gia ASEAN khác trong việc lên án hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Sự
tham gia của Campuchia vào sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung
Quốc cũng là một bước đi mà Việt Nam đang theo dõi sát sao.
Trong những năm gần đây, ông Hun Sen tỏ ra xa
cách Hoa Kỳ, kể từ sau khi Washington chỉ trích tình trạng chính phủ Campuchia
lạm quyền.
Bên cạnh những vấn đề tồn đọng lâu dài giữa
hai nước nêu trên, việc người Việt Nam bị lừa sang Campuchia bóc lột lao động
cũng là vấn đề cần lưu ý giữa hai nước.
Theo số liệu mới nhất, tính tới ngày 21/9, hơn
1.000 công dân Việt Nam được cứu khỏi các cơ sở ở Campuchia, hàng nghìn người
khác được hỗ trợ làm thủ tục.
Trong buổi họp thường kỳ ngày 22/9, bà Lê Thị
Thu Hằng còn nói thêm rằng, từ đầu tháng 9, khi Campuchia mở chiến dịch truy
quét, số lượng công dân Việt Nam được cơ quan đại diện cùng với phía Campuchia
giải cứu đã lên tới khoảng 400 người.
Hun Sen: Căn cứ của
Campuchia 'không phải độc quyền dành cho TQ'
Campuchia bỏ dự án của
Mỹ để theo Trung Quốc?
WSJ: 'Campuchia 'cho Trung
Quốc đóng tại căn cứ hải quân'
Căn cứ hải quân
Trung Quốc ở Campuchia?
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a195/live/eeff1f50-5f21-11ed-b950-4dadc68f0cfc.jpg.webp
Campuchia xác nhận
san bằng cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ để phát triền căn cứ hải quân bằng tiền
của Trung Quốc
Gần đây, mặc dù ông Hun Sen đã bác bỏ thông
tin cho rằng Trung Quốc có kế hoạch lập căn cứ hải quân ở Ream và một căn cứ
không quân ở Dara Sakor, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy Bắc Kinh bơm tiền
cho việc xây dựng hạ tầng ở đây.
Căn cứ hải quân Ream có vị trí chiến lược nằm
trên Vịnh Thái Lan, là nơi dẫn vào vùng Biển Đông đang có tranh chấp gay gắt giữa
các nước trong khu vực và là nơi có tuyến hàng hải toàn cầu quan trọng. Ream chỉ
cách biên giới Việt Nam - Campuchia 100km.
Bắc Kinh, với Đường Lưỡi Bò, đã tuyên bố chủ
quyền đối với phần lớn vùng biển này.
Wall Street Journal năm ngoái đưa tin về
một dự thảo thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc cập cảng tàu chiến tại căn cứ
hải quân Ream gần thành phố ven biển Sihanoukville của Campuchia.
Phnom Penh hồi tháng Sáu bác bỏ tin này, và
nói chính quyền Campuchia theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập.
Tiến sĩ Alexander Vuving trả lời trên
trang Asiatimes hồi
tháng 6/2022:
“Sự hiện diện của Trung Quốc tại căn cứ hải
quân Ream là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho quan hệ giữa một bên là Campuchia với
Trung Quốc và bên kia là Việt Nam. Nó đánh dấu một điểm không thể quay lại
trong quan hệ Campuchia-Việt Nam và Trung Quốc-Việt Nam."
--------------------
TIN LIÊN QUAN
Việt Nam, Campuchia điện
đàm, 'quyết tâm tăng cường hợp tác'
25 tháng 11 năm 2020
.
Căn cứ của Campuchia
'không phải độc quyền cho TQ'
7 tháng 10 năm 2020
.
Campuchia bỏ dự án của
Mỹ để theo Trung Quốc?
4 tháng 10 năm 2020
.
WSJ: 'Campuchia cho TQ
đóng tại căn cứ hải quân'
22 tháng 7 năm 2019
.
Thủ tướng Hun Sen: ‘Tôi
không có quyền nhượng đất cho Việt Nam’
21 tháng 6 năm 2022
.
VN và Campuchia: Giải
quyết vấn đề phân định biên giới
23 tháng 12 năm 2021
No comments:
Post a Comment