Việt
Nam: Khi chính quyền bị nhiễm “virus thành tích”
Nguyễn Long Chiến
June 21,
2021
https://saigonnhonews.com/article-can-promote/viet-nam-khi-chinh-quyen-bi-nhiem-virus-thanh-tich/
Chuyện Việt
Nam nói hoài không hết: mới đây, một tòa án cấp huyện “vẽ” ra 59 vụ án ảo để lấy
thành tích báo cáo thi đua. Thành tích, người ta hay gọi nó là bịnh, bây giờ
lây nhanh không thua Covid-19.
Trong lúc
thành phố Sài Gòn chủ trương giãn cách thì cũng thành phố làm lễ ra quân chích
ngừa vaccine rầm rộ. Tập họp đông người không là “mồi” cho virus chắc? Chích ngừa
là lo cho sức khỏe nhân dân. Cần phải biểu dương lực lượng để nhân dân thấy nhà
chức trách yêu thương nhân dân? Rồi một cháu bé 5 tuổi mang một số tiền 100 triệu
đồng “tiết kiệm” hai năm ra để ủng hộ quỹ mua vaccine. Nhìn cặp mắt cháu trong ảnh,
tôi thấy dường như cháu có vẻ bất an: số tiền lớn như thế, ngay cả một vị bộ
trưởng cũng không có để ủng hộ quỹ, huống hồ chi cháu; bất an là phải rồi. Cháu
được truyền thông quảng bá như một “Phù Đổng Thiên Vương” thời đại dịch. Trẻ
con tuổi cháu có em còn phải đi bán vé số không đủ ăn để sống. Tiền tiết kiệm
“to” như thế chỉ có thể nhờ… “Thánh Gióng” độ trì.
Theo tôi,
bịnh thành tích xuất phát từ hai yếu tố: tự tôn và tự ty. Vì tự ti, người ta mới
yêu thích thành tích – thành tích càng to, tự tôn, tự ti càng lớn. Thành tích
là lẽ sống còn trong chốn quan trường? Đố ai thăng tiến nếu không có thành
tích.
Ban đầu,
thành tích là để đo lường khả năng cống hiến cho xã hội của mỗi con người trong
guồng máy quốc gia. Càng về sau, thành tích là mục tiêu chứ không phải mục tiêu
là cống hiến. Tôi thường thấy, người thật sự muốn cống hiến, hơi trớ trêu, lại
là người không màng thành tích.
Người ta
hay nói, giáo dục là máy cái của mọi cỗ máy. Máy cái nghe sao
máy móc quá. Không sao. Trong học đường, sản phẩm của máy cái, thành tích không
còn là ghi nhận công lao giảng dạy và học tập mà trở thành những con số “ám ảnh”
không những trò lẫn thầy, ngành giáo dục, mà cả xã hội.
Cháu
bé 5 tuổi mang một số tiền 100 triệu đồng “tiết kiệm” hai năm ra để ủng hộ quỹ
mua vaccine
Tôi từng
là học sinh rồi sinh viên, được đào tạo một thời gian gần 15 năm trong nền giáo
dục thể chế VNCH. Học bạ chúng tôi có ghi điểm số, thứ hạng, cả giấy khen (gọi
là bằng danh dự) của từng tháng, từng học kỳ, từng năm, từng cấp học. So sánh với
các cháu học sinh và sinh viên, chúng tôi thấy việc học hành thế hệ chúng tôi
không nặng nề bằng thế hệ các em sau này. Có thể học chương trình nhẹ hơn, “thấp”
hơn, nhưng chúng tôi và cả thầy cô không hề bị áp lực bởi thành tích, hay vật
vã với chỉ tiêu thi đua.
Học là học
cho bản thân không phải để học cho người khác. Thành tích nếu có là ghi nhận
công sức học tập mà không phải để làm điều kiện thi đua, đánh giá phẩm chất học
sinh. Dạy là để cho học sinh tiến bộ như thầy, hơn thầy, chứ không phải dạy để
đạt thi đua danh hiệu này kia. Mục đích tối thượng của dạy học là giúp “khai
trí” học sinh. Thi đua lập thành tích không phải là mục tiêu của người thầy; tiền
đồ của người thầy là tiền đồ dành cho học sinh. Thế thì cần gì phải phấn đấu trở
nên “thầy giáo ưu tú”, “thầy giáo nhân dân”?
Học sinh học
để mở mang trí tuệ chứ không phải để đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Giỏi,
xuất sắc được ghi nhận chứ không phải lấy “giỏi”, “xuất sắc” là mục đích học tập
cho thành tích thi đua.
Máy cái sẽ đẻ ra các cỗ máy con. Giáo dục
làm sao để con người không coi thành tích là tối thượng: cống hiến mới là tối
thượng.
Giáo dục
như vậy có quá lý tưởng, có là không tưởng?
Không đạt
đến một mức độ giáo dục con người Việt Nam thành những người cống hiến – tùy
theo vai trò của mình trong xã hội – thì chí ít, giáo dục cũng không thể coi
thi đua lập thành tích là… “cống hiến”.
Người ta
cho rằng thi đua lập thành tích là… yêu nước. Có chỗ nào đó “sai sai” không?
Thi đua là
yêu nước. Yêu nước là thi đua. Một số người có suy nghĩ như thế. Tôi thấy hơi bất
ổn. Chúng ta không thi đua nhưng yêu nước, được không? Một người chạy xe ôm mỗi
ngày làm ra vài trăm ngàn; anh ta không thể “thi đua” với ai cả. Thi đua mà vắng
khách thì làm sao thi đua? Anh này không “yêu nước” ư? Đưa một người gấp rút đến
trạm xá băng bó vì tai nạn té xe, anh xe ôm nhận thù lao nhưng anh đã làm một
việc có ích: giúp đỡ người khác trong cơn hoạn nạn. Yêu đồng bào – tôi cho là
đó là yêu nước. Anh xe ôm này không được xem là yêu nước vì không
thi đua với đồng nghiệp đưa người bị nạn đi cấp cứu? Những nhân viên y tế, những
bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, nguy hiểm tính mạng rình rập họ từng giờ từng
phút. Lấy lại lẽ sống cho một người sắp chết vì Covid, ngăn chặn dịch lây lan…
là cống hiến hay thi đua?
Mọi người ở
mọi cương vị tận tâm với công việc của mình chính là cống hiến. Mục đích tận
tâm vì công việc để có thành tích thi đua, điều ấy thế nào?
Khi con người
làm việc mà không đoái hoài đến thành tích, họ sẽ tự do cống hiến, có thể nói
nhiều hơn khi nghĩ đến thi đua.
Đây là điều
đơn giản lại hóa ra rất phức tạp và không dễ dàng biến thành hiện thực. Tự tôn
hay tự ty, tôi nghĩ, chính là thủ phạm đẻ ra thành tích. Đối nghịch với hai cái
này là khiêm cung và tự tin. Không cần thành tích,
người ta sẽ tự do có cống hiến nhiều hơn hay ít hơn? Tự tin và khiêm cung, tôi
thấy không nhiều trong con người Việt Nam ngày nay, nhất là ở những nhà quản trị
đất nước. Nếu gọi là tính cách – cho văn vẻ hơn – căn tính dân tộc, thì TỰ TÔN
và TỰ TI có lẽ là phổ biến. Đây là cội nguồn của bịnh thành tích. Điều rất buồn,
căn tính này vẫn không hề thay đổi như hơn 100 năm trước lúc cụ Phan Châu Trinh
vạch ra: “Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối
nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti (*)
Người ta
nóng lòng cải cách giáo dục bằng đủ mọi biện pháp. Có một biện pháp đơn giản
không thấy nói đến: làm sao biến học sinh tự tôn, tự ti thành công dân tự tin
và khiêm cung. Biết đâu hết bịnh thành tích. Chích ngừa cho người dân là một
nhiệm vụ. Làm từ thiện (như góp tiền mua vaccine) là việc tự tâm. Các việc này
không phải là thành tích để tự hào. Làm được như thế, người ta sẽ thấy ra, niềm
tự hào của dân tộc Việt Nam không nên đặt trọn vào một đội bóng đá, đá bằng
chân, và một ông ngoại quốc có tên “lạ hoắc” Park Hang-seo.
(*) Pháp
Việt Liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Phan Châu Trinh, Phan Châu Trinh toàn
tập, tập 3, trang 57-58, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005.
No comments:
Post a Comment