Viện
lý do an ninh để trừng phạt Trung Quốc : Liệu Mỹ có "run
tay"?
Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày: 03/06/2021 - 14:29
Hạ Viện Mỹ chỉ trích bộ Thương Mại « nhẹ
tay » trừng phạt Trung Quốc : nhiều công nghệ nhạy cảm của
Hoa Kỳ vẫn lọt vào tay quân đội Trung Quốc. Washington liệu có những công cụ hiệu
quả để ngăn chận Trung Quốc « đánh cắp công nghệ cao của Mỹ » hay
không ?
Ảnh minh họa : Quốc
kỳ Mỹ và Trung Quốc. Greg Baker / AFP
Trong thông cáo ngày 01/06/2021, Ủy ban đặc
trách về giám sát các hoạt động kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc thuộc
Hạ Viện tố cáo bộ Thương Mại Hoa Kỳ « không làm tròn bổn phận » nhằm « bảo
đảm an ninh quốc gia » và tránh để những công nghệ nhạy cảm của Mỹ
rơi vào tay « quân đội Trung Quốc ».
Báo cáo của Ủy ban này mang tên « Unfinished
Business : Export Control and Foreign Investment Reformes » chỉ
trích bộ Thương Mại chậm trễ trong việc đề xuất một danh sách khoanh vùng những
công nghệ được coi là « nhạy cảm ». Những lĩnh vực đó, một khi
được quy định, bắt buộc phải được chính quyền Mỹ « xem xét » trước
khi tiến hành mọi dự án trao đổi mậu dịch hay đầu tư giữa các công ty Hoa Kỳ với
các đối tác Trung Quốc.
Ủy ban của Hạ Viện Mỹ căn cứ vào hai bộ luật cải
tổ thương mại và đầu tư hiện hành từ 2018 nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ
an ninh Hoa Kỳ đồng thời hạn chế các hoạt động chuyển giao công nghệ với các đối
tác nước ngoài. Tên chính thức của hai văn bản liên quan là Export
Control Reform Act (ECRA) và Foreign Investment Risk Review Modernization
Act (FIRRMA). Cả hai theo đuổi cùng một mục tiêu, đó là siết chặt chính sách xuất
khẩu và rà soát quy trình đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, để ngăn chận
nền kinh tế số 2 thế giới thâu tóm các công nghệ nhạy cảm của Mỹ nhất là để phục
vụ những mục đích quân sự của quốc gia châu Á này.
Hạ Viện Mỹ một mặt khiển trách sự chậm trễ đến
hơn hai năm của bộ Thương Mại, mặt khác nêu lên một loạt những câu hỏi như có
nên cho mở điều tra về sự chậm trễ này ? Liệu khâu giám sát các hoạt động xuất
khẩu của Mỹ có cần phải chuyển sang một cơ quan nào khác, không trực thuộc bộ
Thương Mại Hoa Kỳ hay không ?
Theo giới quan sát, thực ra, đằng sau sự chậm
trễ này là cả một danh sách dài nhiều thách thức về mặt công nghiệp, kinh tế và
cả về chính trị đối với bản thân nước Mỹ. Hãng tin Anh Reuters nhắc lại : với
luật Export Control Reform Act (ECRA) chẳng hạn, từ tháng 11/2018 các nhà sản
xuất Mỹ bị cấm cung cấp cho một số tập đoàn Trung Quốc như Hoa Vi hay
Hikvision.
Tập đoàn Trung Quốc này có trụ sở tại Hàng
Châu, là một trong những nhà cung cấp lớn trên thế giới các trang thiết bị theo
dõi qua video. Gần 1/3 doanh thu của tập đoàn trong năm 2018 có được là nhờ các
hợp đồng làm ăn với nước ngoài. Năm 2017, đại tập đoàn này đã trúng thầu 5 hợp
đồng trị giá 240 triệu đô la với các cơ quan đặc trách về an ninh tại tỉnh Tân
Cương.
Ngoài ra, bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã công bố danh
sách 45 lĩnh vực thuộc diện « công nghệ mới » như phần mềm
cho phép nhận diện khuôn mặt, công nghệ trí thông minh nhân tạo hay những phát
minh trong ngành « vũ khí sinh học »…
Về mặt chính trị chẳng hạn, dưới hai chính quyền
Trump và Biden, Hoa Kỳ đã đặc biệt quan tâm đến những hoạt động xuất nhập khẩu
và các dự án đầu tư giữa các công ty quốc gia với Trung Quốc liên quan đến những
phương tiện cho phép theo dõi các công dân. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban thẩm
định về kinh tế và an ninh Mỹ-Trung của Hạ Viện Hoa Kỳ nhìn nhận rằng bộ
Thương Mại thường xuyên bị « trễ so với những phần mềm mới » được
sử dụng trên thị trường.
Về thực chất kinh tế : đành rằng hai chính quyền
Trump và Biden liên tiếp thông báo đưa các công ty Trung Quốc vào «
danh sách đen » vì là những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của
Hoa Kỳ, nhưng chỉ cần nhìn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đủ thấy mức độ lệ
thuộc của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này lớn tới mức độ nào.
Một nghiên cứu gần đây của báo tài chính Nhật
Bản cho thấy trong số 3.800 mặt hàng phổ biến nhất trong giao thương quốc tế,
có tới 320 sản phẩm được làm ra từ Trung Quốc. Còn theo khảo sát do ngân hàng Hồng
Kông HSBC thực hiện hồi tháng 11/2020, có tới 70 % các doanh nghiệp Mỹ vẫn dự
trù duy trì hoặc mở rộng chuỗi cung ứng Trung Quốc từ nay đến 2025. Sau cùng
theo nghiên cứu gần đây nhất của đại học Anh Oxford Economics, Trung Quốc cũng
là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, đặc biệt là mua hàng
của Mỹ.
Trong những điều kiện đó liệu rằng chính quyền
Biden có dễ dàng mạnh tay giới hạn các dịch vụ đầu tư và thương mại giữa các
công ty Hoa Kỳ với Trung Quốc hay không ? Lời giải đáp cho câu hỏi này có thể
giải thích phần nào sự chậm trễ của bên bộ Thương Mại Mỹ trong mục tiêu ngăn chận
Trung Quốc thâu tóm công nghệ cao của Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment