Saturday, 19 June 2021

VÀI HOÀI NIỆM NHÂN NGÀY CỦA CHA (Phạm Gia Cẩn)

 



Vài Hoài Niệm Nhân Ngày Của Cha

PHẠM GIA CẨN

Jun 18, 2021

https://saigonnhonews.com/article-can-promote/vai-hoai-niem-nhan-ngay-cua-cha/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/05/photo-1569870614214-04b2aef402c6-750x430.jpg

Minh họa: Ante Hamersmit/Unsplash

 

Kỷ niệm của tôi với ba chắc nhiều nhất so với 12 anh chị em khác trong nhà. Nếu có người có thể qua mặt được tôi vụ này thì chắc là chị Trang. Chẳng gì chị được ba cưng nhất nhà. Ba quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho chị – đứa con gái đầu – như em bé, lúc nào cũng nghĩ con mình còn nhỏ bé, cần sự bảo bọc của cha mẹ. Nghe kể hồi xửa, hồi xưa mạ đau bụng sinh chị, ba mượn xe xích lô gần nhà để chở vợ đi sinh trong giờ giới nghiêm. Lại nữa, khi ba đích thân đưa chị đi nhận nhiệm sở dạy học ở Quảng Đức, một tỉnh lỵ đèo heo hút gió. Thấy chị gần khóc vì một mình phải ở nơi xa lắc xa lơ, ba nói với chị: Nếu con không thích dạy ở đây, thì ba đưa con… về! Có được một ông bố như vậy, quả là dzách lầu! (Chắc gien di truyền quá đậm, nên bây giờ con cái của tôi cũng hay càm ràm bố vì cái “tội” lúc nào cũng chăm con chu đáo). Nhờ Trời, chị không nghe lời ba, ở lại với sự nghiệp gõ đầu trẻ, để rồi ba năm sau chị được lãnh phần thưởng ưu hạng, xài cả đời: lấy chồng xứ xa.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/05/photo-1439920120577-eb3a83c16dd7-e1623957194479-1024x768.jpg

Minh họa: Liane Metzler/Unsplash

 

Tuổi thơ của tôi và cha

 

Còn về chuyện của tôi, chắc vì hồi nhỏ có da có thịt hơn anh chị em khác, ra đời khoảng 4,5-5kg gì đó, rồi được bà vú, mà cả nhà gọi là Thím Hai, chăm quá kỹ nên tướng tá coi cũng đỡ. Nhất là mỗi lần đứng chung với Sâm – thằng em kế bệnh tim từ nhỏ, thì càng bảnh nữa. Từ nhỏ, được cưng chiều, nên đi đâu tôi cũng được ba cho đi theo. Lúc tôi chừng 4-5 tuổi, chưa phải đi nhà trẻ, đi học như con nít bây giờ. Tôi nhớ buổi tối, sau khi ăn cơm xong, khi các anh chị lớn bị gom vô phòng học chung với nhau, thì ngoài phòng khách, còn hai người rảnh nhất nhà: ba, ngồi ghế salon đọc báo; và tôi, vì chưa đến tuổi phải vật lộn với mấy con chữ con số, chẳng biết làm gì ngoài việc quanh quẩn bên ba. Khi phòng học bên trong im ắng, sau khi lớp trên chỉ vẽ bài cho lớp dưới, và lớp dưới dò bài cho lớp… dưới hơn. Tôi mè nheo với ba:

 

– Ba, ba chở con đi chơi đi.

 

Ba ngưng đọc báo, nhướng mắt nhìn tôi qua cặp kính:

 

– Đi đâu nữa giờ này!

 

– Thì đi coi xinê đi ba. Ngọc Hiệp, Ngọc Lan… gì cũng được.

 

– Ừ, thì đi. Vô thay đồ đi.

 

Thế là thằng tôi hí hửng vô nhà hối Thím Hai thay đồ, hăm hở leo lên chiếc xe hơi hình dạng ngồ ngộ, màu xám bạc, hiệu Willys để ba chở đi.

 

Càng khoái chí vì không những được coi phim đã đành, mà trước khi đến rạp, bao giờ ba cũng ghé đường Minh Mạng, gần nhà Thầy Hưởng, mua cho tôi gói bắp bung thơm lừng mùi bơ. Gói bắp làm bằng giấy pelure trắng đục, bơ nóng dính lốm đốm vào tờ giấy, nhìn thôi nước miếng đã tuôn đầy miệng rồi. Thường thì ba hay dắt tôi vào rạp Hòa Bình, ngay trung tâm Đà Lạt. Bởi vì ba làm việc ở Ty Thông tin, nên đối với mấy ông chủ rạp thì ba được coi như là… người nhà. Ông chủ rạp xinê, người gốc Hoa, lúc nào cũng vui vẻ niềm nở:

– Dạ, chào ông Trưởng Ty. Ông dắt con đi coi phim à…

 

Vào rạp, sau khi người soát vé – À quên, người hướng dẫn (vì có vé đâu mà soát!) đưa hai cha con vào chỗ ngồi hạng nhất xong, Ba thì thào bên tai tôi, dặn dò:

– Coi phim đi. Khi nào con thấy đèn sáng, mọi người đứng dậy hết thì đánh thức ba dậy, rồi ba chở con về!

 

Thế rồi, ông bắt đầu tựa đầu vào ghế và… tìm giấc ngủ. Mặc kệ tôi với đám cao bồi, lục lâm thảo khấu trên màn bạc bắn súng, đánh nhau ầm ầm trong quán rượu. Mặc kệ lũ trẻ con – có cả tôi nữa, nhảy lưng tưng trên ghế, miệng la hét chí chóe đầy phấn khích: Ảnh tới! Ảnh tới!… Mỗi khi cao trào có tình huống căng thẳng, và nhân vật chính, một chàng cao bồi đầu đội mũ rộng vành, hai bên hông dắt hai khẩu súng, phi trên lưng ngựa hiên ngang xuất hiện. Rồi đến khi hết phim. Đèn trong rạp bật sáng. Khi mọi người lục tục ra về, tôi lay ba dậy, hai ba con mắt nhắm mắt mở lên xe về nhà.

 

Chương trình duyệt phim của tôi ngày nào cũng vậy. Đều đặn và kéo dài cho tới khi tôi bắt đầu bước chân vào lớp Năm C trường Trần Bình Trọng (lớp 1 bây giờ) mới giảm dần. Sau này, lớn thêm chút nữa, hàng tuần muốn coi phim, ba không đưa đi nữa mà chỉ ghi vào một tờ giấy: Xin cho bốn cháu vào xem. Thế là anh em tôi và bạn bè gần nhà, gom đủ 4, 5 đứa dắt díu nhau đi, đến rạp chìa tờ giấy có chữ ký của ba, tha hồ coi phim.

 

 

Cha và gia đình

 

Còn chuyện học hành, trộm vía ông, thì so với thời nay, ba khá là thoải mái với con cái vì ông đã có Hương, con gái thứ tư trong nhà. Chị Hương có máu sư phạm hồi còn trong bụng mạ, chịu khó dạy dỗ, hò hét và phết roi vô mông lũ em lóc nhóc ham chơi hơn học, nghịch phá không ngơi nghỉ. Hàng tháng, ba duyệt ký thông tín bạ (sổ báo điểm) của cả đám con mà ít la mắng khi có đứa bị tụt thứ hạng. Nghiêm trọng lắm thì nghe tiếng ba lẩm bẩm: Đồ con khỉ, học hành như vậy hả? Tệ hơn nữa là: Đồ ăn mày!… Rồi thôi. Mà đúng ra, thường thì ba chỉ ký vào mấy cái thông tín bạ lên hạng, vì đứa nào bị tụt hạng thì trình cho… mạ ký. Tháng sau lên hạng lại chuyển về cho ba duyệt. Đối với mạ thì chuyện học hành có gì đâu mà phức tạp, căng thẳng: đi học không bị Thầy Cô mắng vốn, không ham chơi cúp cua, đừng bị ở lại lớp, còn vị thứ ăn thua gì! Chả bù với đám cháu nội, ngoại của bà sau này được ba má chúng để mắt tới chuyện học hành như canh tà. Cứ đòi sổ điểm của con phải 9, 10; nhìn thấy điểm 6, 7 là đã gầm gừ với con rồi!

 

Thỉnh thoảng sau khi ăn trưa, ba kiểm tra bài vở của anh Hoàng:

 

– Hoàng! Mang vở ra đây ba coi!

 

– Dạ, dạ! Con mang ra liền.

 

Thế rồi 5 phút, 10 phút, 15 phút liền trôi qua. Trong khi chờ Hoàng lục tung cả bàn học cũng chưa tìm ra vở, thì ngoài salon đã nghe tiếng ba ngáy pho pho. Thế là Hoàng thoát nạn.

 

Còn khi tôi học lớp 12, xài cây viết máy Hero 331 của Trung Cộng, đã là niềm mơ ước của khối thằng bạn tay chân lúc nào cũng lem nhem vì xài viết “nguyên tử” bơm. Đứa nào bảnh lắm cũng chỉ có viết máy Kim Tinh, Trường Sơn ngoài Bắc mang vô mà thôi (Ý quên, xin lỗi các bạn gái có xài Pilot 57, loại viết máy lừng danh được các nữ sinh ưa thích hồi đó). Cũng vì cây viết này, mà tôi xém đập lộn với một thằng trong xóm vì tội “cầm nhầm” khi tới nhà tôi chơi. Vậy mà, một hôm tôi đang ngồi học bài, ba đưa cho tôi cây viết máy Parker 51 màu xanh ngọc mà ông vẫn thường dùng hàng ngày: con lấy cây viết này mà làm bài, học bài.

 

Cây Parker 51 này lâu nay là bảo vật bất ly thân của ba thường dùng khi viết lách, làm thơ… Ở nhà, không ai dám rờ vô cây “thượng phong bảo kiếm” này, dù đôi khi, nó được để hờ hững giữa tập vở, trên vài dòng thơ ông đang làm dở dang. Vậy mà không hiểu vì sao ba lại cho tôi. Niềm vui sướng choáng ngợp của tôi lúc đó cũng phải nhường chỗ cho lòng tự hào đang dâng trào như một chú lính mới toe được giao trọng trách từ một ông tướng tổng tư lệnh. Sau này tôi có đọc ở đâu đó một câu đại ý như vầy: Có ba thứ của người đàn ông không thể cho người khác mượn được. Một là vợ, hai là xe hơi, ba là cây bút máy đang xài (Ai hay dùng viết máy mới biết, khi viết, ngòi bút sẽ nghiêng và mòn theo một kiểu cầm bút của chủ nhân. Cho người khác mượn bút, khi viết lại sẽ có cảm giác không còn trơn tru như ban đầu nữa).

 

 

Chừng đã bao phen danh trước lợi/ Giữ gìn nếp áo dẫu tua te!

 

Anh chị em tôi, mỗi khi có dịp ngồi với nhau, thường hay kể chuyện hồi xưa thế này, hồi xửa thế kia. Chuyện cũ được kể đi, kể lại vẫn làm cả nhà lăn ra cười. Nhưng có một chuyện, của riêng tôi với ba – mà tôi chưa từng kể cho cả nhà, hay với bất kỳ ai. Bởi vì nội dung của nó chẳng giống bất kỳ câu chuyện nào của một ông bố nói chuyện với thằng con trai đang tuổi đẹp nhất của thời thanh niên.

 

Chuyện là như vầy: Khoảng năm 1983-1984 gì đó (nói cho có vẻ xưa xưa vậy mà!), tôi đi làm ở Sài Gòn. Một lần về thăm nhà, sau khi đi uống café với bạn về, tôi gặp ba ngay trước sân nhà. Hai ba con đứng nói chuyện bên bụi trúc đen cạnh bậc tam cấp. Ba hỏi chuyện tôi ở Sài Gòn. Từ chuyện ăn, chuyện ở, chuyện làm… Rồi bất ngờ, một cách tự nhiên, ba hỏi tôi:

 

– Con có bồ chưa? Có quen bạn gái nào chưa?

 

Tôi ấp úng trả lời:

 

– Dạ, cũng… cũng chưa có đâu, ba!

 

Lúc đó tôi cũng đã có quen một vài cô, nhưng chỉ là bạn, hay hơn… bạn một tý thôi. Chưa có dính vô chuyện yêu đương với cô nào cả.

 

– Vậy hả? Chưa quen ai hả? Nhưng mà có quen ai, con cũng đừng hại đời người ta nghe chưa!

 

Tôi ngỡ ngàng nhìn thẳng vào mắt ba sau khi nghe ba nói để tìm một ẩn ý sau câu dặn dò quá đặc biệt này. Nhưng đáp trả tôi là một khuôn mặt hoàn toàn nghiêm trang, thẳng thắn của ba. Không có một tý gì gọi là đùa cợt, giỡn chơi sau câu Gia huấn ca động trời này.

 

– Dạ.

 

Tôi dạ mà không kịp nghĩ ngợi, như một phản xạ lúc còn nhỏ khi nghe người lớn dạy dỗ điều gì thì mặc nhiên điều đó phải là chân lý, không cần phải băn khoăn đúng sai, hay dở.

 

Trong cuộc sống luôn biến động, đầy bất trắc này thì ai cũng có thể đã thấy, hoặc mường tượng được một tình huống thường xảy ra khi bà mẹ ngồi tâm sự với cô con gái rượu đang tuổi cập kê:

 

– Nè con, thời buổi này Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều. Quen với ai, con phải để ý giữ mình. Không thì hư đời với người ta, rồi khổ thân một mình, nghe chưa!

 

Tôi đoan chắc rằng người có giàu trí tưởng tượng đến đâu, cũng không hình dung được một ông bố nói chuyện với con trai mà lại lo xa tránh chuyện làm hư đời con gái người ta. Vậy mà tôi đã được ba dạy dỗ nghiêm túc, thẳng thắn như vậy. Không ẩn ý xa xôi như cụ Nguyễn Trãi viết cho bá tánh về những kẻ trăng hoa:

 

Nọ những kẻ nước nguyền non hẹn

Thấy mùi hoa bướm nghển, ong chào

Miệng đời dê diếu biết bao,

Đông ra quốc pháp, nhục vào gia thanh

(Gia huấn ca)

 

Một câu nói dạy con cũng đã một phần minh chứng rõ ràng cuộc đời ba: một công chức tận tụy, liêm khiết, ngay thẳng; một ông bố thương yêu, chìu chuộng các con; một người chồng hiền lành, chung thủy. Những người đẹp làm ba mất ăn, mất ngủ để xưng tụng, ca ngợi – có chăng – là những nàng Thơ diễm lệ, mộng ảo theo ông cả đời, ngoài mạ. Một lần tôi về nhà, vừa trông thấy tôi vào phòng khách, ba vội vàng cầm một cuốn sổ to, giọng hơi nghẹn vì giận, phân trần với tôi:

 

– Con coi, mạ làm như vậy có được không?

 

Giữa một bài thơ ông làm và viết rất trang trọng ca ngợi về một bóng hồng mơ hồ không tên tuổi (đại loại như kiểu Nguyên Sa mơ màng: Trên đời này sẽ chẳng có giai nhân, Bởi anh gọi tên em là nhan sắc!) là hai vạch chéo cả trang giấy bằng viết Bic gằn mạnh đến nỗi rách cả giấy. Hằn lên những dòng thơ được ba viết nắn nót là ba chữ ngắn ngủi được mạ viết với nét chữ khá to, nét viết run run vì giận dữ: Đồ phản bội!

 

Tôi vào “làm việc” với mạ một hồi, mắc cười thấy bà lúng túng phân bua cho cơn ghen khi đọc những dòng thơ lai láng tình cảm của ông dành cho người tình không chân dung! Để rồi sau đó, thay mặt mạ, tỏ lòng hối hận nhận lỗi, tôi chép lại trang này cẩn thận trên tờ giấy khác, rồi dán chồng lên, ba mới nguôi ngoai hết giận. Ba làm rất nhiều thơ trong cuộc đời nổi trôi theo thời thế. Thơ ba mang tính tự sự, nhẹ nhàng như chính con người ông. Trong hàng ngàn bài thơ đủ thể loại của ba, tôi thích nhất một bài tứ tuyệt thể hiện đúng bản chất con người ông. Tôi đã chép bài thơ này vào mỗi đầu trang cuốn sổ tay làm việc của mình. Để hàng ngày, khi bắt đầu làm việc, lật sổ ra đọc để nhớ ba và nghe ba căn dặn:

 

Chợ đời lăn lộn thân đơn lẻ

Chẳng ngại mưa đông lẫn nắng hè

Chừng đã bao phen danh trước lợi

Giữ gìn nếp áo dẫu tua te!

 

Anh chị em tôi, có lúc đã bị bầm dập, te tua trong chợ đời vì thời cuộc. Nhưng phúc thay, dẫu đã thong thả hay còn vất vả trong cuộc sống, ai cũng cố giữ gìn nếp áo mà ba mạ đã mặc cho từ khi mở mắt chào đời.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/05/photo-1530651796427-6edd0e06319e.jpg

Minh họa: Pawel Czerwinski/Unsplash

 

 

Phải như hồi xưa thì…!

 

Khi tôi còn nhỏ khoảng sáu, bảy tuổi, có một chuyện ghi sâu vào trí nhớ non nớt của tôi cho đến ngày nay, nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung chuyện cũ mồn một như vừa mới xảy ra hôm qua. Một buổi chiều cuối năm, cả nhà đang tất bật trong không khí chuẩn bị Tết đang rộn rã. Mạ bận rộn bên mấy chảo mứt dừa, mứt bí, mứt gừng…; các anh chị lớn dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế; ba đang sửa soạn lại bàn thờ gia tiên, thì bác Tích, một nhân viên trong cơ quan của ba đến thăm. Sau khi chào hỏi, bác hơi ngập ngừng nói chuyện với ba. Đại ý bác nói cuối năm nhà vét ao cá để bán chuẩn bị ngày Tết. Có mấy con cá chép to, hai vợ chồng bàn với nhau mang tới nhà ông Trưởng ty, tặng người lãnh đạo mình để tỏ lòng quý mến trong dịp Xuân gần về.

 

Ba bất ngờ và có vẻ cảm động. Nhưng rồi ông cương quyết lắm. Ông nói nhà chú thì nghèo, con cái đông, dành dụm cả năm mới có được lứa cá bán Tết, làm sao mà tôi nhận được. Chú mang mấy con cá này về đưa cho thím mang ra chợ bán, thêm ít tiền mua sắm cho các cháu. Bác Tích năn nỉ hoài cũng không lay chuyển được ý của ba, đành phải xách xô cá ra về. Tôi nhìn theo dáng bác gầy gò, khắc khổ mà thấy tội tội, thương thương; rồi nghĩ thầm tại sao ba không nhận để cho bác vui, khi cất công một quãng đường xa đến để tỏ tấm lòng thành của mình.

 

Sau này khi lớn lên, bon chen giữa chợ đời, nhớ lại chuyện xưa, tôi hiểu bác Tích lúc ấy có lẽ buồn vì ba cứng nhắc quá, nhưng trong tâm chắc bác không giận một người công chức, dù có chức trách cao nhưng luôn giữ mình liêm khiết, trong sạch trong công việc và với bạn bè đồng nghiệp.

 

Bây giờ, qua trải nghiệm thời gian, tôi từ từ nghiệm ra tính cách của người xưa – Những người mà có lúc ta đã nhăn mặt, khó chịu khi bị rầy la vì những chuyện như: Nghe nhạc gì mà ồn ào vậy? (khi ta đang say sưa thưởng thức Boney M); hoặc: Con trai gì mà để tóc tai bờm xờm như con gái vậy? (thời mà lũ thanh niên, đứa nào mà không để mái tóc Stone theo phong trào Hippy)… Chính những khắt khe có lúc cực đoan của người xưa mà xã hội luôn có những chuẩn mực mà bây giờ hầu hết mọi người đều thầm so sánh và nuối tiếc: hồi xưa đâu có vậy…!, Phải như hồi xưa thì…!

 

Cái thời hồi xưa khi đi học, gặp thầy cô, học sinh đua nhau khoanh tay: Con thưa Thầy, Con thưa Cô… liên tục như sợ Thầy Cô chưa nghe, như sợ bạn mình chào trước!

Cái thời hồi xưa khi chơi đùa với bạn, rồi cãi lộn, đỏ mặt tía tai gườm gườm nhau như hai con gà chọi, mà miệng đứa nào cũng la làng:

 

– Mày ngon thì đụng tao trước đi! Mày ngon thì đánh tao trước đi!

 

Còn bên ngoài cả đám bạn vây xung quanh, hò hét khích bác:

 

– Đứa nào đụng trước làm anh! Đứa nào đánh trước làm cha!

 

May mắn, vì không có đứa nào dám ngon để cả gan làm anh, làm cha thiên hạ nên rốt cục chỉ đánh nhau bằng miệng là nhiều hơn dùng tay chân.

 

Cái thời hồi xưa mà trong lớp bị ghép đôi với đứa con gái nào đó là tức đến khóc, chảy nước mắt thật sự. Rồi tự nhiên nổi sùng với đứa con gái đó một cách vô cớ, làm như vì nó mà mình bị phạm một tội lỗi ghê gớm, động trời.

 

Để rồi bây giờ bàng hoàng khi đọc trên báo, trên mạng biết chuyện đánh lộn, đâm chém nhau giữa học sinh ở Việt Nam là chuyện bình thường; nữ sinh cấp II ghét bạn thì đánh bạn dã man, xong rồi lột áo làm nhục và thản nhiên quay phim tung lên mạng… Tình trạng này đang khiến những bậc phụ huynh lo lắng cho con em mình khi môi trường sống đã bị ô nhiễm, vẩn đục. Chỉ vì những chuẩn mực của xã hội đã hoàn toàn đổi ngôi, giá trị vật chất được quá coi trọng, đời sống tinh thần bị bỏ bê.

 

Và có lẽ chỉ vì, bây giờ, chẳng còn nhiều “người xưa” như ba dạy dỗ, khuyên răn theo “kiểu cổ” mà những giá trị của nó thật ra không bao giờ có thể gọi là “cổ” hay “xưa”…

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats