Thursday, 24 June 2021

VẮC-XIN MADE IN VIETNAM, GIỮA CÁC NGHI VẤN KHÔNG LỜI ĐÁP (Tuấn Khanh)

 



NỘI DUNG :

 

Vắc-xin made in Vietnam, giữa các nghi vấn không lời đáp

Tuấn Khanh

.

VẮC XIN VIỆT   

Nguyễn Tiến Tường

.

Tiêm 70% dân số cũng chưa chắc đạt miễn dịch cộng đồng   

Nguyễn Đăng Anh Thi  -  Kinh tế Saigon Online

 

===================================================

.

.

Vắc-xin made in Vietnam, giữa các nghi vấn không lời đáp

Tuấn Khanh

24/06/2021

https://nhacsituankhanh.com/2021/06/24/vac-xin-made-in-vietnam-giua-cac-nghi-van-khong-loi-dap/

 

Tin từ báo chí nhà nước Việt Nam loan đi, nói rằng vào ngày 15-6-2021, công ty Thông tin Công ty Nanogen có công văn “Xin cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin Nanocovax”. Nghe có vẻ như công ty đăng ký sản xuất vaccine có thương hiệu made in Vietnam đã sẳn sàng để ra mắt. Tin này đang gây chú ý khắp nơi vì có lẽ trong nguy nan, dường như nguồn cứu viện đã xuất hiện kịp thời. Thế nhưng nhiều chi tiết lộ ra, khiến dân chúng hoang mang.

 

Trong công văn gửi đích danh cho thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen nói rằng “Dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc – xin Nanocovax đạt 99,4%. So sánh với các loại vắc-xin khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn. Dù vậy, giá bán dự kiến hiện đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều”.

 

Bên cạnh việc vui mừng của một số người, vẫn có nhiều ý kiến – đặc biệt là giới chuyên gia y tế, sinh học, miễn dịch… thắc mắc vì sao công ty Nanogen công bố rõ – theo nguyên tắc bằng y văn – thành quả thử nghiệm của mình để dân chúng yên tâm hơn.

 

Trước đó, một số báo nhà nước đã nhanh tay ca ngợi theo lời của công ty Nanogen, và khẳng định rằng vắc xin này sẽ là thứ tốt nhất, đáng tin tưởng với người Việt Nam. Thậm chí giới dư luận viên cũng rộ lên lời ca ngợi sớm thành quả này như một Việt Nam xuất chúng đáng tự hào.

 

Có nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội rằng, công ty Nanogen gửi công văn lên chính phủ, vì quá nóng lòng khi thấy tập đoàn Vingroup cũng nhảy vào thương vụ lớn này, khi gấp rút thành lập công ty Vinbiocare vào đầu tháng 6-2021, để tiến vào lãnh vực sản xuất vắc xin. Có thể sợ bị mất thị phần, nên Nanogen đã liều lĩnh đòi đi trước, khi khả năng chưa đủ.

 

Một ngày sau khi nhận thư đòi cho sản xuất vắc xin made in Vietnam, phản hồi từ Bộ y tế như gáo nước lạnh, dập tắt ước mơ này của công ty Nanogen. Trả lời báo chí, tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang – Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) bác bỏ và khẳng định phía Bộ Y tế không thể nóng vội, vì không nhận được từ công ty Nanogen bất kỳ dữ liệu chi tiết và cụ thể nào về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và đặc biệt là hiệu lực bảo vệ của vắc xin nói trên.

 

Ông Quang còn nói rằng nếu cho phép, sau này Bộ Y tế không biết phải giải trình như thế nào với xã hội. Tức mọi thứ, cho tới nay chỉ như chỉ là nghe thấy từ phát ngôn của công ty Nanogen, không ai biết gì, ít nhất qua bản công bố báo cáo khoa học. Thậm chí bản ghi âm phỏng vấn nhanh của báo Người Lao Động với ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen khiến nhiều người càng nghi ngờ, khi thấy cách trình bày của ông Nhân rất lờ mờ.

 

Dư luận trong nước cũng bùng lên trên các trang mạng, sau lời từ chối nhanh và công khai bất ngờ này của Bộ Y tế. Nhiều người nói rằng Bộ Y tế thận trọng là đúng, nhưng cũng có người bình luận hóm hỉnh rằng “muốn bứt phá với anh Vượng à (chủ tập đoàn Vingroup), không dễ đâu”.

 

https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2021/06/capturenh.jpg

Nhung Ho

 

Tuy nhiên, đáng nói, vào ngày 24-6-2021, trên mạng facebook bỗng xuất hiện tuyên bố của bà Hồ Thị Hồng Nhung, có chức danh tiến sĩ ngành Vi sinh Miễn dịch, Đại Học Huế, khẳng định vắc xin Made in Vietnam của công ty Nanogen chỉ là một cú lừa.

 

Nguyên văn, bà Nhung viết như sau: “Cty Nanogen chưa bao giờ sản xuất vaccine. Việc sản xuất vaccine yêu cầu cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP sản xuất thuốc tiêm. Đội ngũ sản xuất vaccine là đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp, kinh nghiệm về sản xuất, kiểm định, đảm bảo chất lượng, bảo quản, động vật thí nghiệm… vô cùng tốn kém. Nhân sự là điều kiện khó nhất và ở Việt Nam nhân viên đẳng cấp này vô cùng hiếm. Tôi không tin vào thông tin Nanogen đã nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine ngừa Covid 19 cũng như không tin vào bất kỳ thông tin nào Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid 19 thành công “.

 

Không chỉ vậy, trong cách nói của mình, tiến sĩ Hồ Thị Hồng Nhung như khẳng định rằng cái gọi là công ty Nanogen này luôn nói dối, lừa đảo. Bà dẫn chứng rằng khi dịch H5N1 vừa xảy ra trên thế giới, công ty này từng tuyên bố đã giải mã được virus. Nói về vụ sản xuất vắc xin, bà nhắc rằng từ lúc tuyên bố sản xuất vắc xin cho đến giờ, công ty Nanogen chưa bao giờ giới thiệu đội ngũ khoa học của họ là gồm những ai, và ai là đang đứng đầu công trình nghiên cứu này. Đó là chưa nói việc công ty Nanogen bị coi là tự thông tin lập lờ là vắc xin của họ được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) chấp nhận.

 

Mọi thứ như đang mở ra nhiều suy nghĩ, cùng với các câu hỏi đơn giản, và có vẻ như chính các quan chức cũng bị một phen bất ngờ khi lâu nay, biểu lộ vui mừng đến khắp nơi. Thậm chí, người ta cũng từng chuyền tay nhau xuýt xoa hình ảnh phó thủ tướng Vũ Đức Đam trật vai áo cho chích thử nghiệm hàng “made in Vietnam”.

 

Câu hỏi được đặt ra, thật sự nếu mọi thứ là dối trá, thì sao họ liều lĩnh bất ngờ vậy? Chỉ có một đáp án duy nhất có thể: Đó là một thương vụ, đem lại lợi nhuận khổng lồ và một lời nói dối tỏa sáng, nhanh tay đặt trên sinh mạng dân tộc Việt Nam.

 

Theo lời tự quảng cáo của công ty Nanogen, thì công ty này có tên đủ là Công ty CP công nghệ sinh học dược NANOGEN, hoạt động từ năm 1998; chuyên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công các tiến bộ của ngành công nghệ sinh học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam trong việc sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp hàng đầu trong khu vực Châu á Thái Bình Dương. Nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này nằm trong Khu công nghệ cao TPHCM.

 

==================================================

.

.

VẮC XIN VIỆT   

Nguyễn Tiến Tường

03:33  24/06/2021    

https://www.facebook.com/nguyentuong.tuongnguyen.5/posts/4154890007962677

 

Bộ Y tế và Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen cãi nhau gay gắt trên mặt báo về việc xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax.

 

Công ty Nanogen gửi đơn khiến nghị lên thủ tướng để xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax sau kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch đạt 99,4%, giá lại rẻ nhất thế giới, được đánh giá từ Học viện Quân Y và Viện Pasteur TP.HCM.

 

Bộ Y tế nói rằng Nanogen đã nôn nóng đốt cháy giai đoạn. Vì rằng quá trình thử nghiệm phải qua giai đoạn 3, là giai đoạn quan trọng nhất. Tất cả các loại vắc xin hàng đầu thế giới đều trải qua giai đoạn nghiêm cẩn này.

 

Cãi tới cãi lui, Nanogen nói bộ nặng “xin cho”, bộ thì nói Nanogen hồ đồ. Ca này đặt Chính phủ vào một tình huống làm “trọng tài” giữa lúc dịch bệnh. Mà chính phủ hay bất kỳ ai, chẳng qua cũng là người trần mắt thịt, sao nắm được chuyên môn.

 

Tôi nghĩ Bộ Y lớn gan đến mấy cũng không dám nghĩ tới chuyện làm khó nhau trong tình huống này. Nanogen là một quá trình rất dài, có sự hậu thuẫn của lãnh đạo quốc gia. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ năng thăm hỏi động viên đội ngũ y bác sĩ và người thử nghiệm trong quá trình nghiên cứu. Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định Nanogen là một trong hai “trụ cột” chống dịch; một mặt mở cơ chế mở để nhập nhiều vắc xin, một mặt đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin Việt Nam, “vừa chạy vừa xếp hàng”.

 

Nano Covax đã ở gần vạch đích hơn lúc nào hết, đó là sự hoan hỷ dành cho người Việt. Không phải “tự hào” mông lung hoặc giá cả rẻ, nó giải quyết được nguồn cầu vắc xin lớn và có thể gạt vắc xin Tàu ra khỏi lựa chọn của người dân.

 

Nhưng với tư cách công dân, tôi nghĩ sự cẩn trọng của bộ Y tế là đúng đắn. Lãnh đạo quốc gia cũng người trần mắt thịt, không ai dám phiêu lưu bằng một chữ ký ảnh hưởng sinh mệnh triệu triệu người.

 

Công dân ráng chờ thêm một chút cũng để chắc chắn an toàn cũng không có gì phiền luỵ. Nhưng Bộ Y tế, là người làm lớn, không nên cãi cọ với DN. Đừng biến nó thành cuộc chiến truyền thông lắm thị phi. Bộ Y tế cần điềm đạm kiến giải vì sao kéo dài mốc thử nghiệm giai đoạn 3 của Nano Covax. Và nữa, với vai trò điều tiết, bộ cần xây dựng các kịch bản nguồn cung vắc xin trong trường hợp Nano Covax được đưa vào tiêm chủng (hoặc không).

 

Khi đó, đương nhiên phải minh bạch chính sách nhập khẩu và điều phối vắc xin của các bên còn lại, như VNVC chẳng hạn. Cảm giác người dân lấn cấn chính là chỗ này.

 

Cá nhân tôi tin rằng ai to gan hoặc tham lam tới mức “bảo hộ” hoặc “độc quyền” tính mệnh của trăm triệu người Việt trong bối cảnh này. Tuy nhiên, hãy biểu thị sự minh bạch bằng hành động thay vì cãi nhau như vậy!

 

59 BÌNH LUẬN   

 

===================================================

.

.

Tiêm 70% dân số cũng chưa chắc đạt miễn dịch cộng đồng   

Nguyễn Đăng Anh Thi  -  Kinh tế Saigon Online

Thứ Năm,  24/6/2021, 09:29 

https://www.thesaigontimes.vn/317643/tiem-70-dan-so-cung-chua-chac-dat-mien-dich-cong-dong.html

 

(KTSG) - Ngày 15-6, Bộ Y tế cho biết Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccin ngừa Covid-19 cho 70% dân số, đối tượng là người trưởng thành, để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, những nghiên cứu thực tiễn gần đây cho thấy việc miễn dịch cộng đồng phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của vaccin.

Đa dạng giá và hiệu quả vaccine

 

Tính đến thời điểm này, mới có sáu loại vaccin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, gồm: Pfizer, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Sinopharm và Sinovax. Trong đó, duy nhất Johnson & Johnson là chỉ tiêm một liều, còn lại đều phải tiêm hai liều. Riêng tại Mỹ, hiện chỉ có ba loại vaccin được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) phê duyệt gồm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson, riêng AstraZeneca vẫn chưa được phê duyệt.

 

Biospace, trang thông tin khoa học và đời sống toàn cầu cho biết, giá vaccin đang dao động khá liên tục theo thời điểm và theo thị trường. Theo giá đặt mua của chính quyền Mỹ công bố, một liều Pfizer có giá 19,5 đô la, cao gấp 9 lần so với giá 2,15 đô la của AstraZeneca. Giá mỗi liều của Moderna dao động khoảng 25-37 đô la, trong khi của Johnson & Johnson là 10 đô la.

 

New York Times ghi nhận giá mỗi liều vaccin Sinopharm bán cho Hungary là 36 đô la, trong khi thông tin từ India Times cho biết giá mỗi liều cũng loại này bán cho Bangladesh là 10 đô la, cho Sri Lanka là 15 đô la. Tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đồng ý trả cho Sinopharm 30,6 đô la mỗi liều dùng trong nội địa.

 

Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào giá bán, những loại vaccin rẻ hơn là một lựa chọn hấp dẫn.

Nhưng để so sánh công bằng, ta phải xem xét bài toán tổng chi phí. “Chi phí” gồm giá tiền mua, vận chuyển và bảo quản, hiệu quả kháng virus của vaccin, và số giờ công lao động bị mất đi vì những phản ứng phụ. Công bằng hơn, nếu sau tiêm vaccin mà dịch vẫn bùng phát thì thiệt hại kinh tế của xã hội vẫn phải tính vào chi phí vaccin. Theo đó, cái giá thật được giới chuyên gia tính toán thì một số loại vaccin rẻ hơn lại có “giá” cao gấp nhiều Pfizer.

 

“Tiền nào của đó”, một số loại hiện có giá rẻ nhất được ghi nhận có phản ứng phụ nhiều hơn và hiệu quả bảo vệ thấp hơn. Biospace cho biết hiệu quả của AstraZeneca trung bình chỉ khoảng 70%. Pfizer và Moderna dù có giá cao hơn nhưng hiệu quả bảo vệ được các nghiên cứu ghi nhận lên đến 95%. Tại Chile, hiệu quả của vaccin Sinovac chỉ đạt 16% sau mũi đầu tiên và tăng lên 67% sau mũi thứ hai. Nghiên cứu của Peru cho thấy hiệu quả Sinopharm thực tế chỉ là 33%.

 

https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/317643/402f9_1_200.jpg

 

 

Miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào hiệu quả vaccin

 

Một mô hình nghiên cứu của nhóm tác giả Raina MacIntyre, Valentina Costantino và Mallory Trent thuộc Viện Kirby, Đại học New South Wales đăng trên tạp chí Science Direct đã chỉ ra quan hệ giữa hiệu quả vaccin và tỷ lệ dân số cần tiêm để đạt khả năng miễn dịch cộng đồng.

 

Kết quả trên cho thấy hiệu quả vaccin càng cao thì tỷ lệ dân số cần tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng càng thấp, và ngược lại.

 

Theo đó, nếu hiệu quả vaccin đạt 95%, chỉ cần 63% dân số tiêm vaccin đã có thể đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu hiệu quả vaccin đạt 90%, cần 66% dân số tiêm vaccin. Nếu hiệu quả vaccin đạt 80%, tỷ lệ dân số cần tiêm tăng lên 75%. Nhưng nếu hiệu quả vaccin chỉ đạt 60%, cần phải tiêm cho toàn bộ 100% dân số, bất kể già trẻ gái trai.

Nói cách khác, nếu chọn vaccin có hiệu quả bảo vệ dưới 80% thì dù có tiêm cho 75% dân số vẫn không đạt miễn dịch cộng đồng. Và nếu hiệu quả vaccin chỉ đạt 60%, mục tiêu miễn dịch cộng đồng sẽ không bao giờ đạt được trong thực tế.

 

 

Hai hình ảnh trái ngược tại Seychelles và Israel

 

Kết quả nghiên cứu trên khá chính xác với diễn biến dịch gần đây trên toàn cầu. Hãy nhìn vào hai quốc gia thuộc nhóm có tỷ lệ tiêm vaccin cao nhất thế giới. Đó là Seychelles, đảo quốc ở Ấn Độ Dương có 98.000 dân, và Israel, quốc gia Trung Đông có 9,3 triệu dân. Mật độ dân số Israel cao gấp đôi Seychelles.

 

Ngày 18-6, Seychells có 72% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccin, theo dữ liệu từ Our World in Data. Ấn tượng hơn, nước này có đến 68% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccin. Đó là những tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới hiện nay (hình 1).

 

Cùng ngày đó, Israel có 64% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccin, trong đó 60% dân số đã tiêm đủ hai liều vaccin. Nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ tiêm vaccin, ta dễ nhầm tưởng rằng Seychells sẽ kiểm soát dịch tốt hơn Israel. Thực tế hoàn toàn ngược lại.

 

Ngay từ đầu tháng 6, Israel đã dỡ bỏ hoàn toàn những hạn chế về tập trung đông người, cuộc sống gần như trở lại bình thường trước đại dịch. Trong khi nước này coi như đã đạt miễn dịch cộng đồng, Seychelles lại đang vật lộn với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng.

Theo Our World in Data, tỷ lệ số ca nhiễm mới tính trung bình trên 1 triệu dân trong 14 ngày qua tại Seychelles là 19.981,7 ca, tại Israel chỉ là 34,2 ca (hình 2). Để dễ hình dung, con số này tại Việt Nam đang là 45,9 ca nhưng đã rất căng thẳng.

 

Nghĩa là, với tỷ lệ tiêm vaccin vượt trội hơn, mật độ dân số thấp hơn, nhưng số ca nhiễm mới tại Seychelles đang cao gấp 584 lần Israel. Điều gì làm nên sự khác biệt một trời một vực này?

 

Câu trả lời đơn giản: hiệu quả của vaccin. Khoảng 57% số vaccin được sử dụng tại Seychelles là Sinopharm, 43% còn lại là AstraZeneca. Israel gần như sử dụng 100% vaccin Pfizer khi nguồn cung Moderna còn hạn chế.

 

Rõ ràng, hiệu quả bảo vệ, cũng chính là chất lượng của vacccin, mới là yếu tố quyết định bảo vệ người dân khỏi đại dịch. Xét về chi phí, Israel đã thành công trong chiến lược vaccin của họ, dù tiêm ít nhưng hiệu quả cao.

 

Cũng theo quan sát từ dữ liệu trên Our World in Data, nhóm các quốc gia dùng vaccin Trung Quốc như Chile, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) hiện đang có tỷ lệ số ca nhiễm mới gấp hàng trăm, thậm chí đến 1.000 lần so với nhóm các quốc gia dùng vaccin Mỹ như Canada, Malta, và Mỹ (hình 3).

 

Mới đây, Bahrain và UAE lại tiếp tục tiêm thêm một “liều tăng cường” thứ ba là vaccin Pfizer để đối phó làn sóng dịch bùng phát tồi tệ nhất từ trước đến nay.

 

Trong khi đó, những quốc gia chọn Pfizer và Moderna với hiệu quả trên 95% giờ đang hái quả ngọt.

 

Mỹ đã có hơn một nửa dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccin, trên 45% dân số đã tiêm đủ hai liều và đang dần trở lại bình thường.

 

Tính đến ngày 20-6, Canada đã có 67% dân số được tiêm ít nhất một liều, xếp thứ ba thế giới, chỉ sau Malta và Seychelles. Có 74% vaccin được sử dụng tại Canada là Pfizer, 24% là Moderna và chỉ có 8% là AstraZeneca. Dù hiện chỉ có 19% dân số đã tiêm đủ hai liều, Canada vẫn tự tin hướng đến mục tiêu hoàn toàn trở lại cuộc sống bình thường vào tháng 9 tới.

 

Ngày 18-4, đỉnh dịch tại Canada đạt 3.244 ca trên 1 triệu dân. Hiện nay, số ca nhiễm mới giảm liên tục và hiện chỉ còn 412 ca trên 1 triệu dân, nghĩa là giảm 87% trong vòng hai tháng. Chỉ trong vài tuần nữa, Canada có thể đạt trên 65% dân số được tiêm đầy đủ vaccin. Khả năng đạt miễn dịch cộng đồng đang trở thành hiện thực.

 

Hình 1 :

https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/317643/b0554_2.jpg

 

Hình 2 : 

https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/317643/b0554_2.jpg 

 

Hình 3 :

https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/317643/b0554_2.jpg

 

 

Nếu tiêm 70% dân số, hiệu quả vaccin thấp nhất phải là 86%

 

Theo nghiên cứu đã dẫn của Đại học New South Wales, nếu muốn tiêm cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng như Bộ Y tế kỳ vọng, hiệu quả của vaccin sử dụng tại Việt Nam thấp nhất phải là 86%.

 

Các biến chủng ngày càng khó lường khi nguồn lực tài chính dành cho vaccin còn hạn chế là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Do vậy, thành công tại Israel là một gợi ý để tỉnh táo và kiên nhẫn để chọn vaccin hiệu quả cao từ 95% trở lên như Pfizer hay Moderna để dập dịch triệt để.

 

Nếu không thể chọn những vaccin hiệu quả từ 86% trở lên, hãy chọn những loại hiệu quả thấp nhất là 80%, nhưng lúc ấy phải tiêm cho 75% dân số. Và nếu chọn vaccin có hiệu quả dưới 70%, khả năng bùng phát dịch trở lại là rất lớn dù có tiêm đến 72% dân số như bài học nhãn tiền của Seychells.

 

Những vaccin hiệu quả thấp chỉ là giải pháp “câu giờ” nhưng cũng đầy tốn kém cho Việt Nam vì không thể đạt miễn dịch cộng đồng.

 

Dù biết rằng việc đặt mua vaccin không dễ, nhưng thà chậm mà chắc. Việt Nam và Philippines liên tiếp mua thành công những liều Pfizer đầu tiên cho thấy nếu quyết tâm sẽ đạt được, khi nhu cầu tại các quốc gia phát triển đang giảm dần.

 

Quan trọng hơn nữa, chủ động vào nguồn vaccin “Made in Vietnam” mới là lựa chọn bền vững và lâu dài cho quốc gia thoát khỏi đại dịch.

 

Suy cho cùng, vaccin giá rẻ đôi khi lại thành rất đắt và ngược lại. 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats