Trẻ
em – Nhà trường – Thế giới : Quan Niệm của Hannah Arendt về Giáo dục
Nguyễn Thị Từ Huy
Thời Đại Mới số 40, 6/2021
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai40/202140_NTTuHuy.pdf
Tóm Tắt
Từ những phản tư về cuộc khủng hoảng giáo dục trên
toàn thế giới và đặc biệt ở Mỹ vào thập niên 1950, Arendt trình bày quan niệm của
mình về giáo dục trong bài Khủng hoảng trong giáo dục, về sau được xuất bản
trong tập tiểu luận có nhan đề Giữa quá khứ và tương lai. Phân tích của Arendt
tập trung vào ba vấn đề chính: nhận diện khủng hoảng giáo dục ở Mỹ thời hậu chiến,
đặt trong tương quan với môi trường chính trị; chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới
sai lầm trong việc lựa chọn giải pháp và dẫn tới khủng hoảng giáo dục ở Mỹ; xác
lập mối quan hệ giữa thế giới, nhà trường và trẻ em. Arendt xem xét các vấn đề
của sự khủng hoảng trong giáo dục từ góc độ và phương pháp của một lý thuyết
gia về khoa học chính trị và về triết học chính trị. Nét đặc sắc trong quan niệm
của Arendt là ở chỗ bà đưa chiều kích thế giới vào trong giáo dục, do đó mà định
nghĩa lại bản chất và chức năng của giáo dục và xem xét vai trò của trường học
trong mối quan hệ giữa trẻ em và thế giới. Bản chất của giáo dục, theo Arendt,
gắn với sự sinh thành của con người trên trái đất này. Chức năng của trường học
là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giúp trẻ em trở thành những con người có
khả năng tạo ra một thế giới mới mẻ đồng thời vẫn bảo tồn được các giá trị của
thế giới đã có.
Vào thập niên 1950, Hannah Arendt đã quyết định
bỏ thời gian để tìm hiểu về sự khủng hoảng của giáo dục đang diễn ra ở quy mô
toàn cầu, vào thời điểm đó. Và bà đã viết văn bản Khủng hoảng trong giáo dục
(The Crisis in Education) để đưa ra một số suy nghĩ riêng của mình về vấn đề
này, từ góc độ một chuyên gia về chính trị học. Bài viết này sau đó đã được
công bố trong cuốn Giữa quá khứ và tương lai (Between Past and Future), cùng 7
văn bản khác, mà bà gọi là các bài tập thực hành tư duy chính trị. Chúng ta đã
có bản dịch cuốn sách này sang tiếng Việt, vừa được phát hành năm nay.
Những suy tư về vấn đề giáo dục của Arendt vẫn
còn nhiều giá trị đối với việc nhìn nhận lại các vấn đề mà chúng ta đang phải
trực tiếp đối diện, và đang phải tìm cách giải quyết, ở thập niên 2020.
Arendt nhận thấy rằng vào thời điểm giữa thế kỷ
XX, khủng hoảng giáo dục đã trở thành một hiện tượng chung, phổ biến trên nhiều
quốc gia, thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt ở Mỹ lúc đó, cuộc
khủng hoảng không chỉ bó hẹp trong phạm vi giáo dục, mà nó là một vấn đề hàng đầu
của chính trị. Đến mức các bộ phận có thẩm quyền của nền giáo dục đã trở nên bất
lực trong việc giải quyết các vấn nạn của nó. Các biện pháp đưa ra một cách vội
vàng, không thỏa đáng, hơn thế còn dẫn tới những hậu quả tai hại.
Các phản tư của Arendt xoay quanh ba vấn đề
chính: 1/ Khủng hoảng giáo dục trở thành một nhân tố chính trị: trường hợp nước
Mỹ thời hậu chiến, 2/ Nguyên nhân dẫn tới các sai lầm trong việc lựa chọn giải
pháp và dẫn tới khủng hoảng giáo dục ở Mỹ, 3/ Mối quan hệ giữa thế giới, nhà
trường và trẻ em: bản chất và chức năng của giáo dục.
No comments:
Post a Comment