Friday 11 June 2021

TỐNG TIỀN THỜI HIỆN ĐẠI (Đàn Chim Việt)

 



Tống tiền thời hiện đại

Đàn Chim Việt

05/06/2021

http://www.danchimviet.info/tong-tien-thoi-hien-dai/06/2021/23069/

 

Đã qua rồi cái thời bọn tống tiền bắt vợ con một tỷ phủ, buộc tỷ phú đem túi tiền đến một địa điểm được chỉ định để đổi lấy mạng sống của vợ con, và nhớ không được báo cho cảnh sát biết.

 

Ngày nay, bọn tống tiền chỉ cần ngồi một chỗ cào bàn phím cũng thắng, và nạn nhân không chỉ giới hạn vào các tỷ phú mà là cơ quan nhà nước, đại công ty đa quốc gia, công ty thịt bò cũng không thoát. 

 

Nhu liệu/phần mềm chứa mã độc được sử dụng trong việc tống tiền thường được gọi là ransomware, và kẻ tống tiền bằng cách chui rào vào hệ thống máy tính của người khác để quậy phá thường được gọi là hacker, một từ thông dụng hơn là tin tặc. Nếu nạn nhân chịu đưa tiền chuộc thì hacker ngưng phá. 

 

Trong vòng một năm vừa qua, các cuộc tấn công ransomware đã tăng 300%, dường như không hề chậm lại và chưa có điểm dừng.

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/06/ransomware-696x392.jpeg

Ransomware red button on keyboard, 3D rendering

 

Colonial Pipeline

 

Tháng trước, một cuộc tấn công ransomware đã buộc một trong những đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Hoa Kỳ phải đóng cửa trong 6 ngày. Đường ống thuộc công ty Colonial Pipeline cung cấp 45% nhiên liệu cho nhiều tiểu bang miền Đông nước Mỹ. 

 

Việc đóng cửa đã gây ra lo ngại về tình trạng khan xăng khiến cho người tiêu dùng nhốn nháo đổ xô đến các cây xăng để tích trữ. Giá xăng tăng vọt, nhiều cây xăng treo bảng hết xăng, chính phủ Hoa Kỳ phải vào cuộc và yêu cầu người dân không nên hoảng loạn, không nên đổ xăng vào túi ni lông.

 

Cuối cùng, công ty phải nộp cho bọn hacker từ 4 đến 5 triệu đô la – con số chính xác chỉ có người trong cuộc mới biết – thì đường ống mới trở lại bình thường.

 

Microsoft 

 

Tuần trước, gã khổng lồ công nghệ tiết lộ rằng tin tặc đã xâm nhập bộ phận email của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đang sử dụng một số phần mềm mua của Microsoft. 

 

Khoảng 3.000 tài khoản email của USAID đã lọt vào tay hacker. Vì cơ quan này thuộc liên bang và có giao dịch với nhiều đối tác trong ngoài nước Mỹ cho nên vụ này ảnh hưởng đến hơn 150 cơ quan chính phủ Mỹ, các tổ chức tư vấn, các tổ chức phi chính phủ và ít nhất 23 quốc gia khác.

 

Cũng may là hệ thống bảo mật của Microsoft đã chặn hầu hết các cuộc tấn công và bọn hacker không kiếm được đồng nào.

 

Một công ty thịt bò 

 

Một cuộc tấn công ransomware đã khiến JBS, công ty đóng gói thịt lớn nhất thế giới phải đóng cửa tất cả các nhà máy sản xuất thịt bò ở Mỹ – ảnh hưởng ít nhất 20% sản lượng thịt bò Mỹ. JBS có trụ sở chính ở Brazil với các thương hiệu như Primo, Pilgrims và Swift. 

 

Công ty cho biết không có bằng chứng thông tin của họ đã bị xâm phạm và các máy chủ dự phòng của họ không bị ảnh hưởng. Nhưng trong lúc giá thịt đã và đang tăng lên vì những xáo trộn do đại dịch Covis-19 gây ra, cuộc tấn công này có thể làm giá tăng thêm. JBS cho biết “phần lớn” các nhà máy của họ trở lại hoạt động trong vòng 48 tiếng.

 

Ai là hacker?

 

Trong 3 vụ tấn công nêu trên, các chuyên viên an ninh mạng của 3 công ty đều cho rằng các hacker gây tội ác đều có dính dáng đến một số tổ chức ở Nga. Công ty Colonial Pipeline còn nêu tên nhóm DarkSide ở bên Nga và Microsoft chỉ đích danh nhóm Nobelium cũng ở bên Nga, đã từng xâm nhập một số cơ quan chính phủ liên bang Hoa Kỳ năm ngoái.

 

Trước đây, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì các cuộc tấn công như vậy và nhân các vụ mới nhất này, Hoa Kỳ tiếp tục phàn nàn với Điện Kremlin. 

 

Chắc chắn đề tài này sẽ được đưa ra thảo luận khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau vào cuối tháng này.

 

Xin lưu ý Việt Nam cũng có một hacket lừng danh, muốn biết thêm xin hỏi bác Gúc về Ngô Minh Hiếu, còn được gọi là Hiếu PC.

 

Kết luận tạm

 

Mặc dù chính phủ Hoa Kỳ vừa ra lệnh đối phó các vụ ransomware ở mức tương đương với mức xử lý khủng bố, các hacker cho thấy các biện pháp an ninh mạng hiện nay của Hoa Kỳ vẫn còn lỗ hổng, phơi bày những yếu kém, đe dọa cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ, mặc dù Hoa Kỳ là nước đi đầu về kỹ thuật số.

 

Hiện tượng này làm các cơ quan thi hành công lực Hoa Kỳ phải bối rối, khiến các công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trả tiền chuộc hoặc đối mặt với sự gián đoạn lớn.

 

Khi các công ty gặp chi phí bất thường thì họ sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng và như vậy giá cả nhiều thứ sẽ tăng.

 

Thế giới đang bước vào một hình thức chiến tranh khác, trong đó kẻ phạm tội sử dụng bàn phím để bỏ đói, gây ra nỗi lo sợ, tuyệt vọng và hận thù. 

 

Bắt đầu là xăng dầu, điện nước, thực phẩm… tiếp theo sẽ là gì? Thử tưởng tượng bọn hacker xâm nhập được các máy tính kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân thì chuyện gì xảy ra?

 

(Tổng hợp nhiều nguồn)

 

https://www.cnn.com/2021/06/03/politics/doj-ransomware/index.html?utm_term=162280322534631fec1d4a261&utm_source=cnn_Five+Things+for+Friday%2C+June+4%2C+2021&utm_medium=email&bt_ee=w1L3ow9so63tQqMqBfHfBZbTe3u6tSgHQ3uK3LDL4tgplw2VqWOMzenjHIVlIA3L&bt_ts=1622803225347

 

https://www.cnn.com/2021/06/03/politics/white-house-open-letter-ransomware-attacks-businesses/index.html?utm_term=162280322534631fec1d4a261&utm_source=cnn_Five+Things+for+Friday%2C+June+4%2C+2021&utm_medium=email&bt_ee=w1L3ow9so63tQqMqBfHfBZbTe3u6tSgHQ3uK3LDL4tgplw2VqWOMzenjHIVlIA3L&bt_ts=1622803225347

 

https://www.washingtonpost.com/business/2021/06/02/jbs-hack-meat-supply-chain/

 

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats