Sunday 13 June 2021

THƯỢNG ĐỈNH G7 TẤN CÔNG VÀO HỒ SƠ KHÍ HẬU SAU NỖ LỰC ĐOÀN KẾT ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC (Trọng Nghĩa - RFI)

 



Thượng đỉnh G7 tấn công vào hồ sơ khí hậu sau nỗ lực đoàn kết đối phó với Trung Quốc

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 13/06/2021 - 12:05

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210613-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91.....BB%9Bc-trung-qu%E1%BB%91c

 

Trong ngày họp thứ ba và cuối cùng vào hôm nay, 13/06/2021, lãnh đạo 7 cường quốc thế giới trong nhóm G.7 tập trung thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là một hồ sơ dễ đạt đồng thuận hơn vấn đề đối phó với các thách thức đến từ Nga, và nhất là từ Trung Quốc, trọng tâm các cuộc thảo luận chung cũng như song phương vào hôm qua. Tuy nhiên, các lãnh đạo G7 đã cố nêu bật quan điểm thống nhất của toàn khối đối với Nga và Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d5f96aa6-cc2e-11eb-b7ff-005056a98db9/w:980/p:16x9/AP21163387229186.webp

Một cuộc biểu tình tại công viên Falmouth, Cornwall, Anh Quốc, ngày 12/06/2021, kêu gọi các lãnh đạo G7 quan đẩy mạnh bảo vệ bầu khí quyển chung. AP - Alberto Pezzali

 

Theo hãng tin Pháp AFP, hồ sơ khí hậu được thượng đỉnh G7 lần này đặc biệt chú ý trong bối cảnh nước chủ nhà Anh Quốc cũng là nước đứng ra tổ chức hội nghị lớn về khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 tới đây (COP26). Để cụ thể hóa quyết tâm của mình trong lãnh vực bảo vệ môi trường, Luân Đôn sẽ thiết lập một quỹ trị giá 500 triệu bảng Anh (hơn 582 triệu euro) để bảo tồn đại dương và hệ sinh thái biển ở các quốc gia như Ghana hoặc Indonesia.

 

Về phần G7, giới lãnh đạo nhóm này đề ra mục tiêu ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030 bằng cách bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền và biển. Các lãnh đạo cũng sẽ nhắc lại cam kết là từ nay đến năm 2030 sẽ giảm một nửa lượng khí gây hiệu ứng nhà kính thải ra, và chấm dứt việc dùng ngân sách công tài trợ cho các nhà máy điện than ngay trong năm nay.

 

G7 cũng sẽ xem xét vế khí hậu của kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu rộng lớn được trình bày vào hôm qua theo sáng kiến ​​của tổng thống Mỹ Joe Biden, muốn G7 có một dự án cạnh tranh được với sáng kiến "Con Đường Tơ Lụa Mới" của Trung Quốc.

 

 

Bất đồng về đối sách Trung Quốc 

 

Nếu các nước G7 đã đạt được đồng thuận trên kế hoạch hạ tầng cơ sở làm đối trọng với Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc trong bối cảnh bất đồng vẫn tồn tại giữa các thành viên trên vấn đề cần gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh trong lãnh vực nhân quyền.

 

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, trong cuộc họp vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu bật các hành vi cưỡng bức lao động mà Trung Quốc áp dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương để thuyết phục các đồng nhiệm rằng G7 cần phải hình thành một mặt trận thống nhất hơn để đối phó với Bắc Kinh.

 

Tuy nhiên ý kiến của Mỹ đã vấp phải thái độ dè dặt của một số nước châu Âu. Theo hai quan chức cấp cao trong chính quyền Biden xin giấu tên thì đề nghị của ông Biden đã được Anh, Pháp và Canada tán thành, trong khi Đức, Ý và Liên Hiệp Châu Âu tỏ thái độ rất thận trọng.

 

Theo AP, bản thông cáo chung đúc kết hội nghị đang được soạn thảo và nội dung sẽ chỉ được biết khi được công bố khi thượng đỉnh kết thúc. Một số quan chức Nhà Trắng vào tối hôm qua đã tỏ ý tin chắc rằng, dưới một hình thức nào đó, Trung Quốc sẽ bị vạch mặt chỉ tên về các “chính sách phi thị trường và vi phạm nhân quyền”.

 

                                                    ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

 

G7 : Emmanuel Macron và Joe Biden trao đổi tăng cường quan hệ Âu - Mỹ

 

G7 : Emmanuel Macron và Joe Biden trao đổi tăng cường quan hệ Âu - Mỹ

 

Kế hoạch của G7 đối trọng với Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc

 

 

===================================================

.

.

G7 ‘đẩy nhanh’ việc cung cấp vắc-xin trên toàn cầu

Reuters

13/06/2021

https://www.voatiengviet.com/a/g7-%C4%91%E1%BA%A9y-nhanh-vi%E1%BB%87c-cung-c%E1%BA%A5p-v%E1%BA%AFc-xin-tr%C3%AAn-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u/5927153.html

 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 13/6 cho biết Nhóm G7 đã đồng ý đẩy mạnh sản xuất và cung cấp vắc-xin COVID-19 trên khắp thế giới.

 

https://gdb.voanews.com/A9C3D999-F34D-49A7-8DB4-C1EFE14E0D58_w650_r1_s.jpg

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.

 

Một bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết nhóm các nền dân chủ giàu có này sẽ cung cấp 1 tỷ liều vắc-xin COVID-19 trong năm tới và làm việc với lĩnh vực tư nhân, G20 và các quốc gia khác để tăng mức đóng góp trong những tháng tới.

 

"Ưu tiên là đảm bảo rằng chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu về vắc-xin và ở đây EU đã đóng vai trò lãnh đạo. Các đối tác hiện đã tham gia cùng chúng tôi để đẩy nhanh quá trình sản xuất và cung cấp vắc-xin trên toàn thế giới", ông Michel, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU, cho biết trong một tin nhắn video trên Twitter, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh.

 

Một quan chức EU cho biết, trong cuộc đàm phán do Anh chủ trì, khối này đã thúc đẩy cam kết tăng tốc độ tiếp cận vắc-xin và thông cáo chung cuối cùng sẽ bao gồm mục tiêu tiêm chủng cho người dân trên thế giới và chấm dứt đại dịch vào năm 2022.

 

Quan chức này cho biết, cuộc họp G7 cũng tái khẳng định mối quan hệ Hoa Kỳ - EU và khẳng định các giá trị chung của hai bên. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cam kết tái gây dựng các liên minh.

 

"Mối quan hệ đã trở nên căng thẳng trong những năm qua. Bây giờ nó có vẻ được hồi sinh", quan chức này nói.

 

Nhóm G7 bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Canada và ba nước thành viên EU là Đức, Pháp và Ý.

 

Ông Michel và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh, được tổ chức tại Cornwall, tây nam nước Anh.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats