Thursday, 17 June 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 17/06/2021 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 17/06/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

17/06/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/06/17/the-gioi-hom-nay-17-06-2021/

 

Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin đồng ý cử các đại sứ trở lại thủ đô của nhau sau hội nghị thượng đỉnh ở Geneva nơi họ bất đồng về nhiều thứ nhưng mong muốn đối thoại về các vấn đề như an ninh mạng. Dù cuộc gặp kéo dài chưa đầy ba giờ, nhưng nó đã cho thấy dấu hiệu tan băng quan hệ. Ông Putin nói cuộc gặp “mang tính xây dựng” và cho biết đàm phán sẽ sớm bắt đầu về việc thay thế hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START khi nó hết hiệu lực vào năm 2026. Ông Biden cho biết ông đã nêu vấn đề nhân quyền và chương trình nghị sự của ông là “Vì người dân Mỹ”, chứ không nhằm chống lại Nga.

 

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục giữ phạm vi mục tiêu lãi suất từ 0 đến 0,25%, nhưng cho biết có thể sẽ tăng lãi suất vào cuối năm 2023 lên 0,6%. Như vậy, Fed đã kéo thời điểm tăng lãi suất lên sớm hơn so với dự đoán hồi ​​tháng 3, chủ yếu do Mỹ phục hồi nhanh, tỉ lệ tiêm phòng tăng và lạm phát trong nước tăng vọt.

 

Xuất khẩu của Nhật tăng gần 50% trong tháng 5 so với một năm trước đó, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4 năm 1980. Nhu với cầu toàn cầu đối ô tô và phụ tùng ô tô đã đẩy xuất khẩu lên 6,26 triệu tỷ yên (57 tỷ USD). Các con số này khả quan là bởi năm ngoái rất tệ: vào tháng 5 năm 2020, đại dịch đã khiến xuất khẩu giảm 28% so với 2019.

 

Chỉ số giá tiêu dùng của Canada tăng 3,6% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất của nước này trong một thập niên qua; và giá nhà ở cũng tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, nhanh nhất kể từ năm 2008. Điều này một phần là do nhu cầu nhà ở và phương tiện đi lại tăng, song giá cả vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

 

Các quan chức Moskva nói tất cả người lao động làm công việc có tiếp xúc với công chúng phải được tiêm phòng covid-19. Số ca nhiễm đang tăng vọt ở Nga. Các công ty có trụ sở ở thủ đô được yêu cầu phải có ít nhất 60% nhân viên của họ được tiêm chủng trước ngày 15 tháng 8. Cho đến nay, chưa đến 10% dân số Nga tiêm đủ hai liều.

 

Pedro Castillo đạt hơn 50% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống của Peru, hơn 44.000 phiếu so với đối thủ bảo thủ của ông, Keiko Fujimori. Vị giáo viên cánh tả xuất thân nông thôn chưa thể tuyên thệ nhậm chức vì ông vẫn phải đối mặt một số thách thức pháp lý. Bà Fujimori cáo buộc ông gian lận bầu cử, nhưng không đưa ra nhiều bằng chứng. Những thách thức pháp lý do bà đưa ra có thể mất hàng tuần để giải quyết.

 

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho biết học sinh đồng tính và chuyển giới được bảo vệ theo Tiêu đề IX, một đạo luật thông qua năm 1972 cấm phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong các trường học do liên bang tài trợ. Động thái này đã đảo ngược lập trường của chính quyền Trump, trong bối cảnh các nhà lập pháp Cộng hòa muốn cấm các học sinh nữ chuyển giới tham gia các môn thể thao của nữ.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Tổng thống Bolsonaro bị điều tra ở Thượng viện Brazil

Kể từ tháng 5, người Brazil đã theo dõi sát sao cuộc điều tra của Thượng viện về cách chính phủ xử lý covid-19. Hàng ngày họ xem các nhà khoa học và chính trị gia thay nhau ra điều trần. Mục tiêu chính của cuộc điều tra là Tổng thống Jair Bolsonaro, với cách xử lý đại dịch đã khiến gần 500.000 người chết.

 

Nhân vật ra điều trần hôm qua là Wilson Witzel, thống đốc bị luận tội của Rio de Janeiro, người từng là đồng minh nay trở thành đối thủ của ông Bolsonaro, và đã nói tổng thống bỏ mặc các bang “trước thảm họa đang đến”. Ông ủng hộ các cáo buộc cho rằng mục tiêu của chính phủ là miễn dịch cộng đồng. Những người khác cũng phàn nàn về việc sử dụng hydroxychloroquine, một loại thuốc trị covid-19 kém hiệu quả.

 

Cuộc điều tra khó có thể dẫn đến luận tội, nhưng tỉ lệ ủng hộ của ông Bolsonaro đã giảm xuống dưới 30%, theo các cuộc thăm dò gần đây. Cao trào cuối cùng sẽ đến vào năm 2022, khi tổng thống bước vào cuộc bầu cử.

 

Các ngân hàng ráo riết chuẩn bị rời bỏ LIBOR

LIBOR – một thước đo tài chính được các ngân hàng trên thế giới sử dụng để xác định lãi suất nợ và hợp đồng phái sinh – sắp bị bỏ đi. (Năm 2012, người ta nhận ra các ngân hàng đã thao túng nó để thu lời.) Định giá hàng ngày dựa trên LIBOR cho 4 loại tiền tệ sẽ bị ngừng từ cuối năm 2021. Song các nhà quản lý Anh muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Kể từ hôm nay, họ khuyến khích các sàn giao dịch cho các công cụ phái sinh lãi suất bằng bảng Anh chuyển sang một chuẩn khác.

 

Đây chỉ là một phần nhỏ của một sự điều chỉnh khổng lồ. Các hợp đồng bị ảnh hưởng chỉ chiếm một phần nhỏ các hợp đồng phái sinh lãi suất bằng bảng Anh. Và khi so sánh thì chúng quá bé nhỏ trước 223 nghìn tỷ đô la được gắn với mức định giá đô la Mỹ của LIBOR. Vì vậy cắt đứt thị trường khỏi nó rất phức tạp — có một số đối thủ cạnh tranh và nhiều người không chắc nên chọn loại nào. Các nhà quản lý Mỹ đã đồng ý LIBOR đô la sẽ không bị ngừng cho đến tháng 6 năm 2023. Nhưng vì một khối lượng lớn nợ và công cụ phái sinh cần phải thay đổi nên việc đáp ứng thời hạn trên sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

 

Eurostat sắp công bố chỉ số lạm phát của EU

Hôm nay Eurostat, cơ quan thống kê EU, sẽ công bố ước tính của họ cho Chỉ số Giá Tiêu dùng Hài hòa (HICP) cho khu vực đồng euro. Con số này đo lường giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng mà các hộ gia đình ở khu vực đồng euro mua, sử dụng hoặc thanh toán. Ngân hàng Trung ương Châu Âu, những người có nhiệm vụ giữ giá cả ổn định, sẽ theo dõi sát sao.

 

Từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021, lạm phát HICP của khu vực đã tăng từ -0,3% lên 1,6%, mức tăng nhanh nhất trong lịch sử của chỉ số. Điều này chủ yếu là do giá năng lượng cao hơn cũng như các yếu tố đặc biệt như chấm dứt lệnh giảm thuế giá trị gia tăng tạm thời của Đức. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán tình trạng lạm phát tăng sẽ thuyên giảm vào năm 2022. Điều này đồng nghĩa ECB sẽ có thể hoàn thành nhiệm vụ chính của mình – duy trì giá cả ổn định – bằng cách giữ tỷ lệ lạm phát HICP hàng năm dưới 2% trong trung hạn.

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats