Tuesday 1 June 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 01/06/2021 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 01/06/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

01/06/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/05/31/the-gioi-hom-nay-31-5-2021/

 

Thủ tướng đương nhiệm của Israel, Binyamin Netanyahu, có thể sắp phải mãn nhiệm. Sau khi ông không thể thắng đa số ghế quốc hội trong cuộc bầu cử tháng 3 vừa rồi, một người từng được ông bảo trợ, Naftali Bennett, sắp tập hợp được một liên minh rộng lớn nhưng nhiều mầm mống chia rẽ để lập chính phủ mới. Ông Netanyahu gọi tuyên bố của ông Bennett là “vụ lừa đảo thế kỷ”.

 

Cơ quan lập pháp Texas sắp thông qua một đạo luật bỏ phiếu mới cực kỳ hạn chế. Dự luật đã thông qua Thượng viện của bang chiến trường này vào sáng Chủ nhật và bây giờ sẽ được bỏ phiếu tại Hạ viện có đa số Cộng hòa trước khi được chuyển sang Thống đốc Greg Abbott, người dự kiến ​​sẽ ký nó thành luật. Tổng thống Joe Biden từng gọi dự luật này là “một cuộc tấn công vào nền dân chủ”.

 

Tổng thống Colombia Iván Duque đã điều quân đội tuần tra đường phố Cali sau một tháng biểu tình chống chính phủ. Tình trạng bất ổn ở thành phố lớn thứ ba đất nước bùng nổ vì một dự luật thuế gây tranh cãi, và hiện vẫn tiếp diễn sau khi luật này đã bị hủy và bộ trưởng tài chính từ chức. Ít nhất năm người đã chết vào đêm thứ Sáu.

 

Aliaksei Shotam, tổng biên tập của trang tin tức nổi tiếng Hrodna.life của Belarus, đã bị cảnh sát tạm giữ vì tình nghi là phần tử cực đoan. Động thái này đến chỉ một tuần sau khi tổng thống Alexander Lukashenko buộc một máy bay bay ngang không phận Belarus phải hạ cánh để bắt giữ một nhà báo chuyên chỉ trích chế độ của ông. Biểu tình phản đối ông Lukashenko đã nổ ra ở Mỹ, Úc và châu Âu vào Chủ nhật.

 

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukry đã gặp người đồng cấp Israel, Gabi Ashkenazi, để thảo luận về một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn giữa IsraelHamas, nhóm Hồi giáo đang kiểm soát Gaza. Các cuộc đàm phán cũng được thiết kế để đảm bảo viện trợ nhân đạo đến được lãnh thổ này, nơi chìm trong 11 ngày giao tranh liên tục. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Israel tới Ai Cập kể từ năm 2008.

 

Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến ​​tăng đầu tư vào bất động sản Nhật Bản lên 250 tỷ Yên (2,28 tỷ USD) từ mức 100-150 tỷ Yên trước đó, khiến họ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào bất động sản Nhật Bản. Công ty sẽ tập trung vào việc mua lại các cơ sở có nhu cầu tăng trong đại dịch, chẳng hạn như các trung tâm hậu cần và trung tâm dữ liệu.

 

Tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo ông sẽ rút quân đội Pháp khỏi Mali nếu nước này tiếp tục “đi theo hướng” của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ông đưa ra bình luận này gần một tuần sau khi tổng thống và thủ tướng của Mali bị phó tổng thống Assimi Goita lật đổ. Đây là cuộc đảo chính thứ hai của ông Goita trong chín tháng qua.

 

Hai người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương khi ba kẻ xả súng bắn vào một đám đông ở Miami, Florida, vào đầu giờ sáng Chủ nhật. Đây là vụ thứ hai ở thành phố này vào cuối tuần qua; trước đó ít nhất bảy người đã bị thương trong một vụ xả súng vào tối thứ Sáu.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Kinh tế Ấn Độ bị covid nhấn chìm

Hôm nay Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ sẽ công bố số liệu tăng trưởng GDP quý đầu năm và cả năm tài chính 2020-21. Các con số sẽ không mấy lạc quan.

 

Sau khi covid khiến nền kinh tế suy thoái -24,4% trong quý hai năm ngoái, quá trình phục hồi diễn ra rất chậm chạp. Có người hy vọng năm nay sẽ phục hồi nhanh hơn. Nhưng Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ dự đoán con số hôm nay của quý cuối sẽ chỉ ở mức 1,3%, và cả năm là -7,3%. Làn sóng covid thứ hai của Ấn Độ, đạt đỉnh vào đầu tháng này, là nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt đầu tiên. Dù không có lệnh phong tỏa toàn quốc nào, song nhiều đợt phong tỏa cấp địa phương đã nhấn chìm nền kinh tế. Các số liệu thống kê độc lập cho thấy doanh số bán lẻ tháng 4 giảm xuống còn một nửa so với trước đại dịch, trong khi lưu lượng hàng không giảm còn 1/10 so với tháng 1. Nếu GDP tăng trưởng vừa đủ trong năm nay để cân bằng suy thoái của năm ngoái, thì đó là do Ấn Độ rất may mắn.

 

Bế tắc chính trị của Israel sắp được khơi thông

Naftali Bennett, một triệu phú công nghệ chuyển sang làm chính trị gia, sắp trở thành thủ tướng tiếp theo của Israel. Đêm qua, nhà lãnh đạo của đảng dân tộc chủ nghĩa Yamina đã tuyên bố tìm cách thành lập liên minh với đảng Yesh Atid trung dung của Yair Lapid. Chặng đường vừa qua rất dài và mệt mỏi cho người Israel. Cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3 đã là lần thứ tư chỉ trong hai năm.

 

Nhưng cuộc đua vẫn chưa ngã ngũ. Bennett và Lapid còn phải hoàn tất các điều khoản với sáu đảng khác trong liên minh của họ, bao gồm các đảng cánh tả theo chủ nghĩa Zion và một đảng Hồi giáo bảo thủ. Phân bổ nội các và ngân sách một cách chiến lược có thể làm hài lòng các cử tri của họ. Nếu sau đó liên minh mới tiếp tục vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ban đầu, thì Israel cuối cùng cũng sẽ có chính phủ. Sau đó câu hỏi sẽ là giữ được bao lâu.

 

Liên Hợp Quốc chuẩn bị cho Hội nghị COP26

Hôm nay, các cơ quan của Liên Hợp Quốc có liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ bắt đầu một hội nghị trực tuyến kéo dài gần ba tuần. Mục đích của họ là chuẩn bị cho COP26, một hội nghị lớn về khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến ​​diễn ra vào tháng 11 tới ở Glasgow.

 

Họ có rất nhiều việc phải làm. Đại dịch covid-19 khiến các công việc chuẩn bị bị trì hoãn, nhưng các cuộc đàm phán COP26 thành công là rất quan trọng. Người ta kỳ vọng các nước sẽ hoàn thiện các quy tắc cần thiết để thực hiện thỏa thuận Paris 2015, cũng như tăng cường cam kết về phát thải khí nhà kính và nhiệt độ tăng. Thật ra đã có một số cam kết như vậy.

 

Nhưng có một câu hỏi cấp bách: ai là người tài trợ. Đầu tháng này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhắc nhở các nước giàu rằng họ từng hứa hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo để giúp họ hành động vì khí hậu. Ông nói, thành công của COP26 “phụ thuộc vào việc đạt được đột phá về thích ứng và tài chính”.

 

Argentina xin hoãn trả nợ

Hôm nay chính phủ Argentina đối mặt ngày đến hạn đầu tiên trong một loạt hạn trả nợ 2,4 tỷ USD cho Câu lạc bộ Paris, một nhóm chủ nợ phi chính thức gồm các nước giàu. Xem ra họ sẽ không trả. Trong chuyến công du châu Âu vào đầu tháng này, Tổng thống Alberto Fernández và Bộ trưởng Kinh tế Martín Guzmán đã thông báo với các chủ nợ rằng vì covid-19, Argentina không thể thanh toán đúng hạn.

 

Câu lạc bộ Paris, mặc dù từ chối bình luận công khai, có khả năng sẽ kéo dài ân hạn thêm 60 ngày, theo các nguồn tin từ Argentina. Nhưng họ yêu cầu đàm phán trực tiếp, thực chất giữa chính phủ và IMF, cơ quan mà Argentina nợ tới 45 tỷ đô la. IMF ngày càng quan ngại về việc chính phủ thiếu một kế hoạch kinh tế, và muốn được đảm bảo. Họ không chỉ lo ngại Argentina không thể đáp ứng nghĩa vụ trả nợ mà còn vì nước này không có chiến lược giải quyết lạm phát phi mã, nghèo đói gia tăng hay thâm hụt ngân sách.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats