Monday, 14 June 2021

THÁCH THỨC và RỦI RO TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG ĐẠI TRÀ CỦA VIỆT NAM (Giang Nguyễn P/V TS Lê Hồng Hiệp)

 



Thách thức và rủi ro trong chương trình tiêm chủng đại trà của Việt Nam

Giang Nguyễn phỏng vấn TS Lê Hồng Hiệp
2021-06-11

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/challenges-and-risks-in-vietnams-mass-vaccination-campaign-06112021234223.html

 

Việt Nam đang cấp bách triển khai chương trình tiêm chủng đại trà, đồng thời nỗ lực tìm nguồn cung vắc-xin trên thị trường và phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 trong nước. Chương trình tiêm chủng đại trà sẽ gặp những khó khăn gì? Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) đã trao đổi với phóng viên Giang Nguyễn về những khó khăn và rủi ro trước mắt.

 

 

Giang Nguyễn: Kính chào Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Trong bài bình luận trên trang Fulcrum của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak (ISEAS) đăng ngày 8 tháng 6 vừa qua Tiến sĩ đã nhận định rằng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 của Việt Nam quá chậm trễ. Việt Nam trước đây được thế giới khen ngợi là một trong những nước xử lý sự lây lan của dịch xuất sắc nhất. Vì sao có sự chậm trễ trong chiến dịch phòng ngừa?

 

TS. Lê Hồng Hiệp: Theo tôi có ba nguyên nhân chính. Như chị vừa nói thì trong giai đoạn trước tháng 2/2021 Việt Nam đã tương đối thành công trong việc dập dịch bằng các biện pháp như đóng cửa biên giới và thứ hai là dùng các cơ chế cách ly cũng như truy vết rất tích cực và hiệu quả. Điều đó dẫn tới tâm lý chủ quan trong một số bộ phận, các nhà quản lý, giới chức ở Việt Nam. Họ đã không có sự cảnh giác cấp bách trong việc thúc đẩy chương trình tiêm chủng. Trong khi về nguyên tắc thì chỉ có tiêm chủng là biện pháp căn cơ và lâu dài để giúp Việt Nam vượt qua được đại dịch. Chính vì vậy mà họ đã không có sự chủ động trong đợt bùng dịch thứ tư vừa rồi.

 

Nguyên nhân thứ hai theo tôi là do Việt Nam đang có bốn công ty đang phát triển các loại vắc-xin nội địa. Cho nên cũng có những suy nghĩ cho rằng trong tình hình dịch chưa cấp bách như trong năm vừa rồi, thì chúng ta có thể chờ để các công ty nội địa phát triển vắc-xin ở trong nước thành công. Điều này sẽ giúp Việt Nam vừa chủ động được nguồn cung vắc-xin về lâu dài, vừa có thể giảm sự phụ thuộc vào các vắc-xin nhập khẩu. Thứ ba, nó cũng tạo ra một hình ảnh tích cực cho Việt Nam trên quốc tế tại vì cho tới nay chỉ có 16 quốc gia đang phát triển các loại vắc-xin mà thôi. Nếu như Việt Nam là một trong 16 quốc gia đó và cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á phát triển thành công vắc-xin ngừa COVID thì nó sẽ là một cú hích rất lớn cho uy tín cũng như hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Thứ ba theo tôi hiểu là do hạn chế nguồn cung toàn cầu. Cái này không phải một mình Việt Nam bị ảnh hưởng mà nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng. Ví dụ như công ty vắc-xin Việt Nam năm ngoái có đặt mua 30 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca nhưng cho đến nay việc cung cấp vắc-xin này cho Việt Nam thông qua đơn đặt hàng đó thì đã bị chậm trễ rất nhiều. Tình hình này có thể nói là tình hình chung của tất cả các nước đang phát triển trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Trong khi đó thì có sự cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau để giành nguồn vắc-xin cho mình.

 

Tuy nhiên, nếu Việt Nam tích cực hơn ngay từ đầu thì có thể sự chủ động của Việt Nam sẽ lớn hơn. Dù sao thì đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trong việc triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin của Việt Nam trong thời gian qua.

 

*

Giang Nguyễn: Theo Tiến sĩ thì việc tiếp cận nguồn cung ứng vắc-xin hiện nay của chính quyền có hiệu quả không và liệu Việt Nam có đạt được mục tiêu đề ra là tìm kiếm được 150 triệu liều để tiêm chủng cho 75 triệu người dân trong năm nay?

 

TS. Lê Hồng Hiệp: Người ta thường hay nói “Có bệnh thì vái tứ phương”, tức là một khi đã rơi vào tình thế như Việt Nam hiện tại, có sự bùng dịch, đặc biệt ở trong lần thứ tư vừa rồi nó lan rộng ra gần 40 tỉnh, thành như vậy và làm ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động kinh tế, xã hội Việt Nam thì Việt Nam cảm thấy có nhu cầu cấp bách về việc triển khai càng nhanh càng tốt chương trình tiêm vắc-xin.

 

Chúng ta thấy trong những khoảng thời gian rất ngắn, khoảng hai tháng vừa qua, Việt Nam đã giành được những cam kết, như đầu tháng 6 vừa rồi Bộ Y tế tuyên bố đã giành cam kết có 120 triệu liều từ các nhà cung ứng khác nhau có thể cung cấp cho Việt Nam trong năm nay. Vẫn có nguồn tin nói có thể cam kết đã tăng lên 150, 170 triệu liều.

Tuy nhiên cam kết là một chuyện. Quan trọng hơn là cam kết được thực hiện đến đâu? Theo tôi nghĩ, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và có sự cạnh tranh toàn cầu như hiện nay thì cho đến cuối năm nay, nếu Việt Nam được giao khoảng 1/3 cái cam kết đó, tức cam kết 120 triệu liều mà Việt Nam được giao khoảng 40 triệu liều trước cuối năm nay thì theo tôi đây cũng là thành công đáng kể cho Việt Nam rồi. Mốc đó có thực hiện được hay không thì còn phải chờ xem.

 

Vấn đề thứ hai là nếu như có được nguồn cung rồi thì việc triển khai, tiêm đại trà cho người dân như thế nào, theo tôi cũng là một thách thức rất lớn khi hệ thống cơ sở vật chất của Việt Nam và nguồn nhân lực vẫn còn tương đối hạn chế. Vừa rồi có một số chuyên gia nói nếu Việt Nam khéo thu xếp, khéo vun vén thì cũng có thể đạt được số lượng tiêm chủng là 500 nghìn liều mỗi ngày.

 

Đây cũng là một thách thức rất lớn kể cả khi Việt Nam có làm được 500 nghìn liều một ngày như vậy thì cũng phải mất tới khoảng bốn tháng để có thể tiêm chủng được cho toàn bộ 75% người dân như mục tiêu đề ra. Theo tôi hiểu thì những mục tiêu đó chỉ là tính toán trên lý thuyết thôi còn triển khai thì có vô vàn khó khăn. Như chúng ta thấy ở Việt Nam từ đầu tháng ba đến nay cũng chỉ mới tiêm được cho 1,3 triệu người thôi. Tất nhiên có lý do là do nguồn cung hạn chế, nhưng nó cũng đặt ra bài toán về hậu cần, về mặt nhân lực v.v… làm sao để triển khai được một cách đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả.

 

*

Giang Nguyễn: Tiến sĩ đánh giá thế nào quá trình nghiên cứu vắc-xin trong nước, từ khâu nghiên cứu đến khâu sản xuất?

 

TS. Lê Hồng Hiệp: Phải nói rằng ngành y tế Việt Nam có một số ưu điểm. Trong đó một ưu điểm đáng kể là có khả năng để nghiên cứu, phát triển và sản xuất một số các loại vắc-xin. Đối với loại vắc-xin COVID-19, là một loại vắc-xin mới thì sẽ mất nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và phát triển. Cho đến nay có tới bốn cơ quan nghiên cứu, viện nghiên cứu, công ty dược ở Việt Nam đang nghiên cứu, thử nghiệm đủ loại vắc-xin khác nhau. Điều này cũng là một điều tốt tại vì nó tạo ra các cơ sở cho Việt Nam để có thể đạt được ít nhất là một loại vắc-xin thành công.

 

Theo tôi nếu ngay từ đầu Việt Nam xác định tập trung, ví dụ như vào hai loại vắc-xin thôi thì có thể tập trung được nguồn lực và có được sự phối hợp giữa các nhà phát triển này với nhau để đẩy nhanh tiến độ thì sẽ hiệu quả hơn là việc dàn trải ra cho bốn nhà phát triển khác nhau. Đó là điểm thứ nhất.

 

Điểm thứ hai cũng tích cực ở đây là hiện tại vắc-xin Nano Covax của công ty Nanogen đang chuẩn bị bước vào giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn để có thể trong khoảng quý III, quý IV năm nay đưa vào sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng của Việt Nam. Có nhiều nhà lãnh đạo nói cho tới nay thì các thử nghiệm cho thấy có hiệu quả đáng kể và an toàn thì đây cũng là một điều Việt Nam có thể hy vọng.

 

Bên cạnh nguồn cung, nhập khẩu thì nếu các loại vắc-xin trong nước như Nano Covax thành công cũng là một cơ sở giúp Việt Nam đẩy nhanh hơn chương trình tiêm chủng ở trong nước.

 

Tuy nhiên vấn đề đặt ra ngay cả khi có thể nghiên cứu thành công thì việc sản xuất sẽ như thế nào? Đây vẫn là câu hỏi vì ví dụ như vắc-xin Nano Covax, theo tôi hiểu do công ty Nanogen nghiên cứu chỉ là phòng lab nghiên cứu thôi, không có đủ cơ sở để sản xuất vắc-xin quy mô đại trà và họ sẽ phải phối hợp với các đối tác khác. Đây cũng là một trở ngại. Bên cạnh đó, kể cả khi đối tác có năng lực sản xuất thì nguyên liệu sản xuất sẽ như thế nào? Những vấn đề này hiện tại chúng ta vẫn chưa được biết và nếu như các nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu từ nước ngoài trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung của khu vực bị gián đoạn thì liệu Việt Nam có sản xuất đủ vắc-xin ở trong nước để cung ứng kịp thời cho người dân hay không, cũng là một dấu hỏi.

 

Như vậy thì có thể nói rằng Việt Nam có hy vọng có thể có thêm nguồn cung trong nước. Tuy nhiên nguồn cung đó hiệu quả tới đâu và quy mô sản xuất như thế nào thì chúng ta cần phải chờ xem.

 

Tôi vẫn rất hy vọng là đây có thể là một cú hích để giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu tiêm chủng cho người dân trong nước trong thời gian tới.

 

*

Giang Nguyễn: Như vậy thì ông sẽ đo lường mức độ thành công trong việc sản xuất vắc-xin trong nước cũng như tiếp cận nguồn vắc-xin trên thị trường như thế nào, và đâu là rủi ro cho chính quyền Việt Nam nếu các mục tiêu này không đạt được?

 

TS. Lê Hồng Hiệp: Nếu chúng ta nhìn lại quá trình triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 trong thời gian qua thì chúng ta có thể thấy có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn khởi đầu, chúng ta đã hơi chậm trễ. Hiện tại Việt Nam đang ở trong giai đoạn gọi là tăng tốc, chạy nước rút để mà về đích. Giai đoạn thứ ba trong thời gian tới là giai đoạn về đích, thì sẽ quan trong là về đích như thế nào và khi nào thì đến.

Việt Nam đang đặt mục tiêu có thể trong năm tới đạt được mức miễn dịch cộng đồng cho người dân. Liệu điều đó có thực hiện được hay không theo tôi phụ thuộc vào các yếu tố rủi ro như sau:

 

Thứ nhất, về tình hình cung ứng ở trong nước cũng như quốc tế mà chúng ta đã thảo luận.

 

Thứ hai là việc triển khai thực hiện như thế nào? Thời gian thực hiện ra làm sao, công tác hậu cần ra làm sao, rồi các công tác để kết nối dữ liệu quản lý, quá trình tiêm chủng như thế nào…? Đây là những vấn đề rất phức tạp và cần nỗ lực của chính quyền cũng như các cơ quan, ban, ngành và sự hợp tác của người dân nữa. Những yếu tố đó cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ về đích của Việt Nam.

 

Thứ ba là tình hình dịch bệnh trên toàn cầu cũng như của Việt Nam. Nếu như tình hình dịch bệnh toàn cầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có tình trạng tranh nguồn cung càng ngày càng cao, và ở Việt Nam cũng có sự lan rộng của dịch bệnh thì quá trình tiêm chủng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Về lâu dài nó sẽ dẫn đến các rủi ro trên các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong việc phát triển kinh tế.

 

Như chúng ta thấy trong trường hợp làn sóng thứ tư vừa rồi, rất nhiều nhà máy, đặc biệt ở tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã phải đóng cửa, dẫn tới sự đứt gãy của chuỗi cung ứng ở Việt Nam cũng như ở khu vực và trên thế giới khi rất nhiều nhà máy này là các nhà máy của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo tôi trong năm nay mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Việt Nam có thể không đạt được và chúng ta có thể phải thực tế hơn trong mục tiêu tăng trưởng, ví dụ như có thể là 4 đến 5% –trong điều kiện Việt Nam tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh và triển khai nhanh, đẩy nhanh được chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 trong thời gian tới.

Trong trường hợp mà dịch bệnh cứ tiếp tục lặp đi lặp lại và Việt Nam không đạt được nhanh chóng tiến độ về tiêm chủng vắc-xin thì tôi nghĩ là mục tiêu tăng trưởng, kể cả 4-5% cũng có thể rất khó khăn.

 

Tất cả phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh toàn cầu cũng như tiến độ kiểm soát dịch bệnh và triển khai tiêm chủng ở Việt Nam trong thời gian tới như thế nào. Nếu chúng ta có thể triển khai nhanh, thành công và bên ngoài, dịch có lắng xuống thì theo tôi nghĩ sẽ bớt tác động hơn. Nếu không thì sẽ rất bi quan cho triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay cũng như năm tới.

 

*

Giang Nguyễn: Rất cảm ơn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đã dành thời gian cho chúng tôi hôm nay.

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats