Friday 25 June 2021

TẢN MẠN BUỒN về MỘT BÀI HỌC CỦA LỊCH SỬ (Đông Sa)

 



Tản mạn buồn về bài học của lịch sử (Phần 1) 

Đông Sa

24/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/24/tan-man-buon-ve-bai-hoc-cua-lich-su-phan-1/

 

Khi cảm thán về những ngày tháng bây giờ, có người bảo rằng, đây là “Những tháng ngày buồn tênh và hiu quạnh”. Cảm quan và cảm thán là hoàn toàn chủ quan và mang tính cá nhân riêng biệt. Thế nhưng, sao tôi vẫn nghe trong câu bộc bạch buồn hiu này man man những nỗi chuyện đời, những cảm trạng chung rất nhiều “xã hội tính”.

 

Một người khác, thân quen với tôi, gởi cho mấy chữ “Những tháng ngày lơ láo”. Tháng ngày mà lơ láo! Ông láo liên lơ láo thì có. Nhưng không chừng mà đúng. Có những tháng ngày ta không biết hướng cái nhìn về đâu, định cái nghĩ về chuyện gì, về phương nào?

Có lẽ do bị “lôi kéo” bởi cảm trạng của hai nguời vừa kể, nên tôi cũng… hiu hiu. Và để tản bớt cái sự “hiu” này, tôi bèn quay ra đọc mấy cuốn sử cũ, cái loại chẳng mấy ai đọc: Sử Chiêm Thành. Chính sử của các học giả có cầu chứng; chuyện kể ông một pho, bà một phách, những huyền sử dân gian bất khả bằng… tôi chơi một hơi khá bộn.

 

Chợt nảy ý định làm phát “Chiêm Thành Vong Quốc” có nguồn có ngọn thử xem! Tào lao. Ngày nay, một bài vài ngàn chữ trở lên, ai mà đọc! Lại còn chi chít chú thích, trích dẫn ông kia sách nọ với tháng năm từ đời tám hoánh nhì nhằng… Có mà ông gõ cho vui tay!

Thôi thì chuyển qua cà kê theo lối tản mạn vậy. Mà cũng dài thậm thượt. Rõ chán!

 

                                                   ***

 

Tình thiệt là từ bé thơ cho đến tuổi trung học, tôi chẳng biết gì về lịch sử, văn hóa của đất nước và dân tộc Chàm ngoài câu chuyện Huyền Trân công chúa với câu hát buồn hiu:  “Nước non ngàn dặm ra đi/ Cái tình chi/ Mượn màu son phấn/ đền nợ Ô, Ly…”

 

Hay sau này một chút là bài hát Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên qua tiếng hát Chế Linh. (Xin chớ nghĩ tôi có ý giễu nhại gì về bài hát và tiếng hát vừa nêu. Nhạc sĩ Xuân Tiên là một người đáng trọng vọng. Và giọng hát Chế Linh qua bài Hận Đồ Bàn thì khó có ca sĩ nào bằng).

 

Chút suy nghĩ tôi có về người Chàm, về “giống Hời”, đầu tiên trong đời là những gì mang vẻ hoang đường ma quái, u u minh minh về những đoàn “ma Hời” đi ăn đêm, di chuyển “vàng Hời” từ những cổ mộ này đến những chốn linh thiêng bí ẩn khác, những “bùa ngải Hời” qua lời kể rù rì của bà ngoại với thằng cháu đầu tiên 5-6 tuổi muộn màng là tôi, trong những đêm bà cháu gãi lưng cho nhau, dỗ giấc ngủ.

 

Thêm chút xíu hiểu biết “trực quan” về văn minh Chàm là năm bảy năm sau cái thời thơ ấu, khi làm cậu học trò nhà quê lên tỉnh trọ học.

 

Góc tây nam thị xã tỉnh lỵ có ngọn núi nhỏ. Núi không cao (chỉ 60 mét) và nhờ ngay đỉnh núi có ngọn tháp Hời cao tầm 25 mét, đứng nơi chân tháp, ta có thể nhìn ngắm toàn cảnh thị xã với 360 độ chung quanh đến ngút tầm mắt, nên cũng được xem là nơi có thể la cà.

 

Những ngày nghỉ học không có tiền về quê, tôi chỉ có đường leo lên núi Nhạn. Hái sim ở sườn tây nam; bẻ mai vàng ở góc đông bắc… Chán, mỏi, tôi quay về ngồi nghỉ nơi mảnh sân con trước cửa Tháp và chiêm ngưỡng văn minh … Chàm.

 

Điều hiển nhiên ai cũng thấy là người Chàm xây tháp mà không có vữa hồ giữa 2 lớp gạch. (Bây giờ thì người ta đã rõ nhưng … hơn 60 năm trước thì chịu). Và cái đầu non nớt 11-12 tuổi, tôi lại tin vào câu chuyện mang tính láu cá Trạng Quỳnh, rằng người Hời cứ chồng gạch sống lên rồi đốt lửa nung dần từng đoạn cho đến khi hoàn thành công trình mà không cần lớp hồ kết dính.

 

Chuyện láu cá mang hơi hướm dân tộc tính này đến nay vẫn còn có hướng dẫn viên lai rai kể cho khách du lịch nghe cho… sướng. Chuyện rằng người Việt ở núi phía Bắc. Người Hời ở núi phía Nam. Hai núi cách nhau mút một tầm nhìn. Hai bên “cá độ” nhau xây Tháp. Bên nào xây xong trước thì thắng. Bên thua phải nhượng đất.

 

Khi bắt tay vào cuộc, người Việt dựng lên một màn che phía Nam để người Chàm không nhìn thấy việc mình làm. Chỉ mấy ngày sau người Việt dỡ bỏ màn che và người Chàm thấy ngôi Tháp đã hoàn thành trong khi Tháp của họ chỉ mới xây được một phần.

 

Người Việt thắng rồi nhưng vẫn tỏ lòng trượng phu. Chờ cho người Chàm lụi cụi chất gạch, nung gạch gần thành nên Tháp, người Việt lại “cá độ” phát nữa. Ai đốt Tháp cháy rụi trước thì thắng đất gấp đôi. Và tháp của người Việt ra tro trước. Người Chàm đành lui vô mãi Phan Rang, Phan Rí. Họ đâu biết tháp của người Việt là đồ hàng mã, bên trong khung gỗ, bên ngoài phất giấy sơn màu nâu thổ; nhìn xa y chang, lừng lững một ngôi Tháp Hời.

 

Sau này, sự hiểu biết kiểu có sách vở chút đỉnh về lịch sử và văn hóa Chàm có được nhờ do một buổi chiều kia, tôi đi… tìm em.

 

Em ngồi cashier một quán café ở Tháp Chàm. Da trắng nhưng mắt sâu sâu và tròng trắng mắt ngà ngà chứng tỏ em là dân Chài… lam. Một hấp dẫn là lạ. Tôi kỳ kèo xin địa chỉ nhà để mong dẫn em đi một chầu xi-nê. Em chớp chớp đôi mắt sâu sâu, hẹn tôi thế thế… nhưng rồi cho tôi leo cây trong một chiều nắng xế Phan Rang như đổ lửa lên đầu.

Vừa mệt với nắng nóng, vừa đau đau… tất lòng quân tử, nên khi hững hờ đi qua cửa “Thư viện Chàm” tôi bèn tạt vào ngồi nghỉ mát.

 

Chẳng lẽ chỉ ngồi nhờ nghỉ mát suông, tôi cũng phải ra cái điều ta đây đến thư viện để tìm đọc. Và ngẫu nhiên vô tình tôi vớ phải cuốn “Dân tộc Chàm lược sử”, nhìn tên tác giả, chẳng biết Dohamide, Dorohiem là ai. Úp qua bìa cuối thấy: In lần thứ I, Sài Gòn, 1965. Đã bốn năm cuốn sách này có mặt trên đời, nay tôi mới ngẫu duyên cầm lấy. Lật qua tờ bìa trong, đầu sách, thấy Lời Tựa của GS Nghiêm Thẩm, tôi yên chí đọc tiếp và chẳng ngẩng lên cho đến khi cô thủ thư ngập ngừng: “Anh ơi, tới giờ…”

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/1-51.png

Ảnh bìa sách “Dân tộc Chàm lược sử” của Dohamide Dorohiem

 

Những ngày rỗi hiếm hoi sau đó, tôi bỏ ngồi đồng quán café có em cashier với đôi mắt sâu sâu hấp dẫn là lạ. Tôi lang thang trong phố P.R., làm những chuyện “người cần làm” xong rồi, còn chút thì giờ ít ỏi nào là tôi tạt vào Thư viện Chàm đọc linh tinh tạp nhạp.

Và tôi đã cóp nhặt được chút đỉnh hiểu biết chính thống “có sách có sử” về người Chàm, về dân tộc Champa một cách ngẫu nhiên vô tình như thế.

 

Và cũng từ dạo ấy, trong tôi những lúc đêm tàn canh vắng, những khi rỗi hơi nghĩ chuyện trăng sao, lòng lại gợn lên một nỗi niềm nào đó mơ hồ lãng đãng, lẫn lộn giữa bi, ai, hoài, ái về đất nước và dân tộc Champa.

 

Nỗi niềm vu vơ này chìm khuất đâu đó lâu, rất lâu trong những tháng ngày nóng bỏng đạn bom, rồi kéo qua cuộc mưu sinh đầy bất trắc làm nguồn cơn cho bao chiêm nghiệm chạnh lòng…

 

Trước khi đi An Nhơn, Bình Định, tôi có nói với nhà tôi rằng sẽ có vài buổi rảnh, tôi sẽ đi thăm lại cổ thành Đồ Bàn. Nhà tôi (năm mười năm trước có thể đi cùng, nay sức khỏe thua rồi) bảo: “Còn có gì nữa mà đến. Mười năm trước anh với em tạt qua, đã chẳng là… ‘lầu các đâu?’ Nay thấy chăng đồng xanh xanh một màu … rồi sao mà còn tìm lại cho tốn thì giờ”.

 

Tôi hiểu ý nhà tôi, rằng nên dùng mấy buổi rảnh mà đi thăm hỏi cho khắp các bà con phía mẹ mà mấy năm nay chị cả nhà ta chẳng găp được. Vợ dặn là phải nghe lời nhưng ngẫu nhiên thế nào khi đi thăm hỏi lòng vòng rồi một người bà con quê mẹ vợ lại đưa tôi đi thăm một ngôi chùa và một cụm tháp Hời.

 

Khi đứng trước cổng khu di tích cụm tháp Chàm – Dương Long, với thế đất đứng ở sườn nhìn lên đỉnh đồi, tôi choáng ngợp bởi dáng vẻ uy nghiêm và mỹ lệ của ba ngọn tháp Chàm sừng sững, lòng thoáng dậy lên một sùng mộ u hoài.

 

Sau khi vào được trong khuôn viên khu di tích, tôi cùng một anh bạn đi ngay đến ngọn tháp phía nam (dễ trèo lên), leo lên đến cổ tháp để chạm tay vào những tảng đá nguyên khối chạm trổ công phu, đặt ở bốn góc có vẻ như là phân định giữa thân và ngọn tháp.

 

Khi xuống được trở lại mặt đất an toàn, cả hai chúng tôi đều thở dốc và cùng hè bảo nhau: Kể cũng đáng đánh đổi cái nguy hiểm vừa rồi (cả hai đều mang giày đế trơn và đầu gối bảy bó, vừa leo vừa run) để sờ tay vào cái lưu dấu của một nền văn minh.

 

Một nền văn minh, một quốc gia, một dân tộc thuở nào, giờ đây chỉ còn là hắt hiu những hoài niệm…

 

Mười tám thế kỷ (cứ cho là như thế, không tính thời dã sử hồng hoang kiểu Lạc Long Quân – Âu Cơ), một quốc gia thuở nào hùng cường, đã từng nhiều lần tiến đánh Giao Chỉ với tham vọng chiếm lấy đồng bằng sông Hồng, đánh cả thủy Chân Lạp, lục Chân Lạp ở phương nam, giờ đây chỉ còn những tháp Chàm hoang phế. Chút tình hoài niệm ngậm ngùi càng về sau càng như ‘u uất một nỗi… ám hời’!

 

Tôi muốn nói rằng trong tôi đã có một ám ảnh nào đó về người Hời, về dân tộc và đất nước Chàm.

 

(Còn tiếp)

 

                                                    ***

 

Tản mạn buồn về bài học của lịch sử (Phần 2)

Đông Sa

25/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/25/tan-man-buon-ve-bai-hoc-cua-lich-su-phan-2/

 

Chúng tôi giã từ cụm tháp Dương Long khi mặt trời đã sụp nửa xuống đồi tây. Giữa hoàng hôn của đất trời u tịch có mấy hoàng hôn của kiếp người lặng lẽ bước xuôi con dốc nhỏ, lòng man man bùi ngùi nỗi hưng phế phù trầm…

 

Người xưa đã chẳng thế ư:

 

Bóng tà dương ngựa đứng

 Man mác nỗi hư vong

 Lăng uyển làm chùa Phật

 Cung đình thành ruộng cày

 Núi tàn trơ cổ tháp

 Nước cũ hiện thành hoang …”

(Tác giả Ngô thế Lân, thế kỷ18. Dẫn lại từ Ngô văn Doanh – Văn Hóa Cổ Champa, NXB VHDT năm 2002)

 

Người nay lại càng thê thiết hơn:

 

Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới thời gian

Những sông vắng lê mình trong bóng tối

Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than

Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn

Muôn ma Hời sờ soạn dắt nhau đi

Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn

Lừng hương đưa rộn rã tiếng từ quy

Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp

Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi

Và từ đây lòng ta luôn tràn ngập

Nỗi buồn thương, tiếc, nhớ giống dân Hời”.

(Trích đoạn khổ 2, 3 và chót của bài Trên Đường Về trong thi tập Điêu Tàn của Chế Lan Viên).

 

Các sử gia ngày nay (kể cả Ta, Tây lẫn người Chiêm) đều thống nhất là người Champa lập quốc năm 192 theo Tây lịch. Cũng có tài liệu cho rằng Khu Liên là vị vua đầu tiên của Champa và vào các năm 100 và 137 Tây lịch, quân Khu Liên có các cuộc đánh phá thành Tượng Lâm (một trong các thành của xứ Giao châu).

 

Tôi chẳng có gì cãi lời các sử gia cả, nhưng nếu có một nhân vật Khu Liên với những hành tung như trên thì TÔI TIN rằng Champa đã có một tổ chức quốc gia kiểu gì đấy vào những năm đầu của Công Nguyên (sớm hơn năm 192 một, vài thế kỷ chăng?).

 

Rồi quốc gia Champa này qua các tên vương triều Lâm Ấp, Hoàn Vương, Indrapura và Chiêm Thành phù trầm, hưng phế tồn tại cho đến khi nào?

 

Có tác giả cho rằng sau cuộc viễn chinh của vua Lê Thánh Tôn năm 1471, Champa coi như chấm dứt sự tồn tại của mình như một quốc gia độc lập. Viết thế, với người có đọc kha khá sử Việt và Chiêm thì có thể hiểu được và chẳng có gì sai trật; nhưng “gọn quá”, có thể gây chút ít lệch lạc.

 

Sau năm 1471 vẫn còn tồn tai một Vương quốc Chiêm Thành có biên giới phía Bắc ở vùng đèo Cù Mông và biên giới phía Nam ở vùng Đồng Nai. Họ vẫn còn đầy đủ: Đất đai, dân, chính quyền, quân đội và ngoại giao độc lập.

 

(Dông dài thêm một chút: Chuyện vua Lê Thánh Tôn có thật sự đến đèo Cả, có thân hành viết bia trên Thạch Bi Sơn như sử cũ đã nêu, thì ngày nay còn nhiều tranh cãi. Lập luận bây giờ phần nhiều là không. Chỉ có một đội quân tiền phương của vua Lê vô đến Phú Yên làm thế xong, rút về Qui Nhơn).

 

Và nước Chiêm Thành đã bị thu hẹp chỉ còn độ một phần ba của chính họ hồi thế kỷ 12 này, đến cuối thế kỷ 16 vẫn còn đánh phá vùng biên giới Cam Bốt, không loại trừ tham vọng họ muốn tiến chiếm cả vùng Đông Nam bộ ngày nay. Ở phía Bắc, đối mặt với các Chúa Nguyễn, họ cũng làm điều tương tự. Bộ Thực Lục Tiền Biên chép cụ thể việc này.

 

Dấu chấm hết trên thực tế của vương quốc chỉ đến sau các cuộc đánh chiếm (do người Chiêm gây hấn trước) dưới thời các Chúa Nguyễn từ năm 1620 đến năm 1653 và Minh Vương Nguyễn Phước Chu “chốt hạ” vào năm 1692 bằng việc đánh chiếm Panduranga (vùng từ nam Phan Rang đến Phan Rí Chàm ngày nay) và đặt tên xứ này là trấn Bình Thuận. Tuy thế, qua năm sau, do khó khăn trong việc bình định, nên Chúa Nguyễn trả lại tự trị cho họ.

 

Từ năm 1693, họ mới là một tiểu vương triều trên danh vị, dẫu họ còn liên lạc với Trung Hoa và có tiếp một vài đoàn Tây phương. Đến năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng, nhân sự biến Lê Văn Khôi, nhà vua dứt hẳn tiểu vương triều lệ thuộc này và năm 1833 là dấu chấm hết chính thức của đất nước Champa.

 

Dông dài lòng vòng như vậy chỉ để bảo vệ cái câu tôi “nói cho ngon” ở phần trước. Đất nước Champa đã từng tồn tại mười tám thế kỷ, với bao lớp sóng hưng suy trước khi mất hẳn tên trên bản đồ thế giới.

 

Tại sao thế? Đã có rất nhiều câu giải đáp. Hầu hết đều xác đáng. Nay tôi mạo muội nêu thêm mấy ý mà trộm nghĩ rằng, đã góp phần không nhỏ làm Chiêm Thành mất nước.

 

Đầu tiên là do họ dễ dàng từ bỏ không gian sinh tồn của mình, của chính dân tộc mình.

Tranh chấp, chiến tranh Chiêm-Việt tiếp diễn liên miên trong lịch sử. Từ khởi thủy lập quốc Lâm Ấp, họ đã đã nhiều lần tiến đánh Giao Chỉ với tham vọng chiếm được đồng bằng sông Hồng màu mỡ. Họ mạnh hơn lên vào thế kỷ 10 và cường thịnh nhứt vào thế kỷ 12, kéo dài đến cuối thế kỷ 14.

 

Về quân bị, họ cũng hùng hậu, đặc biệt thiện chiến về tượng binh và thủy quân. Họ cũng đánh bại quân xâm lăng Mông Cổ như ta vậy. Thủy quân Việt thời Lý, Trần đâu phải hạng vừa, nhưng vẫn “ngán” chiến thuyền Chiêm.

 

Chế Bồng Nga của họ là một vị vua anh hùng với ba lần đốt phá kinh thành Thăng Long và ghi một vết buồn cho lịch sử vua chúa Việt Nam: vua Trần Duệ Tông tử trận bởi Chế Bồng Nga năm 1377 trong trận tấn công của nhà Trần vào thành Đồ Bàn trong chiến dịch “phản kích tự vệ” sau mấy cuộc tấn công của Chiêm vương. Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất trong lịch sử VN tử trận tại chiến trường khi thân chinh.

 

Vậy mà trong thời kỳ hưng thịnh nhất này họ lại dễ dàng giao đất cho ngoại bang nhiều nhất. Khởi đầu là năm 1059, họ dâng cho Đại Việt ba châu là Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh chỉ để… chuộc mạng ông vua Chế Củ. Vậy là biên giới Việt – Chiêm từ bắc Quảng Bình, phải dời vô nam Quảng Trị. Chiêm quốc mất một dải nguyên cả tỉnh Quảng Bình và hai phần ba của tỉnh Quảng Trị ngày nay.

 

Thêm một ông vua nữa xem đất đai của quốc gia như đồ trong túi là Chế Mân. Để cưới được Huyền Trân công chúa (năm 1306), ông dâng cho nhà Trần (đời Trần Nhân Tông) hai châu Ô, Lý và Đại Việt rộng thêm với Quảng Trị, Thừa Thiên, đến giáp với tỉnh Quảng Nam ngày nay.

 

Từ đây, họ suy yếu dần, cứ mỗi lần họ tính “nống ra” thì bị đánh bại, mất đất lần hồi, cho đến tiêu luôn là điều dễ hiểu.

 

Lại thêm, dân Việt suốt một dải miền Trung nhiều đời đã lưu truyền câu rằng: “Đất là của người Chàm, nhưng hễ người Việt di dân đến ở thì người Chàm bỏ đi”. Có thể họ ngại bị đồng hóa chăng?

 

Thế sao người Mãn chiếm Trung nguyên, rốt cuộc người Mãn chỉ còn cái đuôi sam, mọi thứ khác đều đã bị Hán hóa?

 

Dĩ nhiên sự thể này còn tùy vào “bản lãnh” và “đẳng cấp văn hóa” của từng dân tộc. Cái cốt lõi có lẽ là họ không có tình cảm gắn bó với quê hương, đất ở chưa “hóa tâm hồn” trong lòng họ; đất nước là của “ông vua” nào ở đâu đó mà họ chỉ biết qua làm xâu và nạp thuế. Chuyện đất nước chẳng liên quan gì đến họ. Chuyên đất nước đã có Bộ … lo. Bộ cống nạp cho người ta rồi thì mình … di dời!

 

                                                       ***

Lễ tục “Cúng Đất” của dân Việt miền trung, từ Quảng Trị đến Phú Yên – Tôi ghi rõ là từ QuảngTrị với nhiều chứng liệu dân gian và Quảng Trị chính là đất 3 châu mà Chiêm vương Chế Củ đem dâng cho Việt quốc – chứ không phải tục Cúng Đất-Cúng-Bà-Hậu-Thổ chỉ có riêng ở Bình Định, Phú Yên thôi đâu. Cúng là để tỏ lòng biết ơn cái vụ “lấn chiếm đất” dễ dàng này chăng?

 

Tục này nay nhạt nhòa lắm rồi, trong đó việc cúng chung cả làng gần như mất hẳn. Chỉ còn cúng trong gia đình mà cũng chỉ ở thế hệ cha mẹ chúng tôi trở về trước thôi, lớp chúng tôi quên hết rồi, hơn nữa, còn đất đâu nữa mà Cúng.

 

Nhưng chuyện này cũng cần nên nhắc. Do là khoản mươi năm trước, nhờ có “chơi” với một vị thầy cúng, cao niên hơn ba tôi, được ông rủ dự Cúng Đất-Cúng Bà Hậu Thổ ở nhà ông, tôi loáng thoáng nghe trong lời khấn của ông có bóng dáng một vị nữ thần Hời.

 

                                                     ***

Thế đấy, một dân tộc mà vua thì xem giang sơn gấm vóc của liệt tổ liệt tông như đồ chơi trong túi, dễ dàng dâng cho ngoại bang, dân thì chẳng màng bảo vệ không gian sinh tồn của mình thì diệt vong là tất yêu. Trách ai bây giờ?!

 

Chả bù với người Tàu. Đất người, biển người, họ ra rả quanh: “Đông-Nam-Á là không gian sinh tồn của Trung quốc”, “Biển Hoa Nam là quyền lợi cốt lỏi của Trung quốc”. Sao chẳng nghe ai nói Biển Đông theo công pháp cũng là quyền lợi cốt lõi củaViệt Nam? Nói thiệt, chứng tỏ thiệt dùm chút!

 

Ngoài cái tội tự làm yếu mình và giúp mạnh cho ngoại bang rồi dẫn đến diệt vong như trên thì Chiêm Thành còn vướng phải những khuyết điểm nặng nề khác làm cho họ mất tên trên bản đồ thế giới.

 

Đó là khuyết tật nội thân của cấu trúc xã hội. Đó là ý thức quốc gia của cả vua và dân đều không có. Người của bộ tộc Cau hay bộ tộc Dừa được thế lên làm vua, chỉ làm sao mau mau “qua bển báo cáo” và được vua Tàu sắc phong là đủ.

 

Tính CHÍNH DANH của vua, của nhà cầm quyền là được VUA TÀU SẮC PHONG. Chẳng cần lo chi quốc kế dân sinh. Suốt bao nhiêu đời vua chẳng định hình ra một nền kinh tế xương sống cho đất nước. Hết gây chiến, nghênh chiến, thì dốc sức dân xây tượng đài khu lưu niệm, ủa lộn, lo xây đền xây tháp… thì bảo sao đất nước không đi đến tiêu vong!?

 

Lẽ ra, nếu có đủ “đất” thì tôi nêu rõ dữ liệu, trình bày lập luận thuyết phục cho các ý kế tiếp vừa rồi. Nhưng xin lỗi bạn đọc, bài dài quá rồi, thôi đành cô đọng mấy ý như thế.

Đến đây tôi chỉ mong bạn chia sẻ cùng tôi, chút đỉnh nào đó, cái cảm giác: Kể chuyện buồn nước Chiêm sao lơ mơ cứ nghĩ chuyện mình.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats