Phòng,
chống COVID-19 và sự lố bịch của… ‘tự hào’!
02/06/2021
https://www.voatiengviet.com/a/phong-chong-covid-tu-hao-vaccine/5913612.html
Cho dù số nơi bị phong tỏa (đình chỉ giao
thông công cộng, cư dân chỉ được đi lại trong trường hợp cấp thiết), phải
thực hiện giãn cách xã hội (hạn chế sinh hoạt buộc phải duy trì khoảng cách
cần thiết theo các qui định nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa lây nhiễm) và cách
ly (bị cô lập tại các cơ sở y tế, điểm tập trung cách ly hoặc tại gia)
tăng từng ngày, thậm chí trên phạm vi rất rộng (phường – xã, quận – huyện, tỉnh
– thành phố nhưng số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam vẫn không ngừng lại, giờ đã
vượt qua mức 7.500 (1).
Đáng lưu ý là một số diễn biến trong đợt dịch
thứ tư (từ hạ tuần tháng 4 đến nay) cho thấy, con số chỉ 4.076 ca nhiễm
COVID-19 tại Việt Nam trong 15 tháng (từ hạ tuần tháng 1/2020 đến trung tuần
tháng 4/2021) có lẽ không phải nhờ… những quyết sách chiến lược, có chỉ
đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương, có sự quyết tâm và đồng
thuận của các cấp ủy đảng, của chính phủ, các bộ, ban, ngành trong
phòng, chống dịch như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từng
khoe suốt từ năm ngoái đến nay.
***
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền
Việt Nam đã có… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo
từ trung ương tới địa phương trong phòng, chống dịch… khiến cả thế
giới thán phục, học hỏi mà vào lúc này, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những
quốc gia có số người được chích vaccine ngừa COVID-19 và số người “fully
vaccinated”… thấp nhất thế giới (tỉ lệ được chích ngừa chỉ… 1% dân số
và tỉ lệ “fully vaccinated” chưa tới… 0,1%), thua xa cả
Campuchia, Lào (2), cuối cùng phải ráo riết xin thiên hạ bốn trong số năm châu
lục (chỉ còn thiếu châu Phi) hỗ trợ “tiếp cận vaccine” (3) như
đang thấy?
COVID-19 trở thành đại dịch từ đầu năm ngoái
và những diễn biến liên quan đến đại dịch ở quốc gia này lập tức trở thành bài
học cho quốc gia khác điều chỉnh kế hoạch, cách thức, nâng cao hiệu quả phòng,
chống dịch, bảo vệ xứ sở, dân tộc của mình. Chẳng lẽ có thể tha, không truy cứu
trách nhiệm, trừng phạt những cá nhân, tổ chức từ trung ương tới địa
phương là tác giả của… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo
quyết liệt, sáng tạo… song đã để xảy ra tình trạng, tất cả bệnh viện
được xem là “tuyến đầu” đều đang thiếu đủ thứ thiết bị, vật tư
y tế thiết yếu khi cứu chữa những bệnh nhân đang trong tình trạng thập tử nhất
sinh (quả lọc máu, thuốc chống đông máu Lovenox loại 40 mg,…)?
Tại sao đã có… những quyết sách chiến
lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo trong phòng – chống dịch mà lại xảy
ra tình trạng nhiều bệnh viện “tuyến đầu” dẫu có tiền vẫn
không dám dùng để mua, dự trữ thiết bị, vật tư y tế thiết yếu dùng trong chạy
chữa cho những đồng bào đang nguy kịch bởi chưa… tổ chức đấu thầu theo
các qui định hiện hành. Chẳng lẽ chiến lược của những… quyết
sách, sự… quyết liệt, sáng tạo của các chỉ đạo lại là đầy
các bệnh viện “tuyến đầu” phải hỏi mượn thiết bị, vật tư y tế thiết yếu của
nhau, đồng thời ép các nhân viên y tế phải dùng mạng xã hội kêu gọi công chúng
hỗ trợ khẩn cấp cho việc cứu người (4)?
Tương tự, do còn thiếu cả hiểu biết lẫn kinh
nghiệm trong đối phó với đại dịch do COVID-19 gây ra, năm ngoái, nhiều quốc
gia, đặc biệt là châu Âu và Mỹ đã phải trả giá rất đắt về nhân mạng. Tuy nhiên
ngay sau đó, ngoài việc đặt định các biện pháp nhằm hạn chế lây lan trong cộng
đồng, thiên hạ đã nhanh chóng đặt định các yêu cầu về cách thức tiến hành lấy mẫu
xét nghiệm COVID-19, các tiêu chuẩn trong việc thiết lập những trung tâm xét
nghiệm bên ngoài bệnh viện (Off sites COVID-19 Testing Center - OSCTC)
nhằm có biện pháp thích hợp khi tiếp nhận bệnh nhân, tiếp đón thân nhân người bệnh…
nâng cao hiệu quả bảo vệ các nhân viên y tế, cơ sở y tế, bệnh nhân (5).
Ví dụ, sau khi soạn thảo cả qui định về cách
thức tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, lẫn qui chuẩn thiết kế và sử dụng
OSCTC sao cho phù hợp với đặc điểm của COVID-19 cũng như tập quán sinh hoạt của
xã hội (5), chỉ trong vòng một tháng sau khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu,
Mỹ đã xây dựng 25.000 OSCTC theo đề nghị của NRHI (Network for Regional
Healthcare Improvement – Mạng lưới Cải thiện sức khỏe khu vực), hạn chế tối đa
tình trạng bệnh viện trở thành ổ dịch.
Đó cũng là lý do nhiều người sửng sốt vì đã
hơn một năm kể từ khi COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, Việt Nam vẫn còn liên
tục phải đóng cửa nhiểu cơ sở y tế (bệnh viện quốc gia, bệnh viên chuyên khoa,
bệnh viện tỉnh, trung tâm y tế, phòng khám tư nhân) chỉ vì đột nhiên phát giác
có bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh đã nhiễm COVID-19 từng ra vào những cơ
sơ y tế ấy (6)! Giá trị thực tế của… những quyết sách chiến lược, chỉ đạo
quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương trong phòng, chống dịch cao
tới cỡ nào mà tuần trước, nhiều bác sĩ phải dùng Facebook kêu gọi những người
có các triệu chứng giống như đã bị nhiễm COVID-19 ĐỪNG TỰ ĐI KHÁM HAY ĐI MUA
THUỐC VÌ CÓ THỂ LÀM CHO NHƯNG NƠI ẤY BỊ ĐÓNG CỬA.
Cũng đã có những bác sĩ than không biết kêu ai
khi có nhiều qui định không khả thi hoặc tréo ngoe, làm cho các phòng khám đa
khoa tư nhân hay các nhà thuốc không biết xử lý thế nào đối với người bệnh mà họ
nghi ngờ nhiễm COVID-19. Ngay cả khi đã nêu thắc mắc với Sở Y tế thì việc giải
đáp cũng không thông cho nên... ai có tư thù, muốn phòng khám tư nhân
hay tiệm thuốc tây nào đó đóng cửa hoặc sập tiệm thì SỐT, HO, KHÓ THỞ, MẤT KHỨU
GIÁC, MẤT VỊ GIÁC cứ đến đó. Bảo đảm sẽ toại nguyện ngay (7)!
***
Với số ca nhiễm mỗi ngày một cao, phạm vi lây
nhiễm mỗi ngày một rộng, đến nay, các diễn biến trong ứng phó với đợt dịch thứ
tư tại Việt Nam chỉ chứng tỏ một điều… những quyết sách chiến lược, chỉ
đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung ương tới địa phương của hệ thống
chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giống như có mắt như… mù, có tai như…
điếc, bất kể COVID-19 đã trở thành đại dịch trên toàn cầu trong hơn một năm
nhưng những cá nhân hữu trách vẫn không thấy, không nghe, không ngẫm nghĩ để học
bất kỳ kinh nghiệm nào nào từ thiên hạ trong phòng, chống dịch. Não dường như
chỉ được dùng vào việc khoe khoang ra sao để thuyết phục đồng bào… biết
ơn và tự hào!
Cho đến giờ này, về mặt dịch tễ, thiên hạ vẫn
chưa giải thích được tại sao trong 15 tháng (từ hạ tuần tháng 1/2020 đến trung
tuần tháng 4/2021), tại Việt Nam chỉ có 4.076 ca nhiễm COVID-19, song đối chiếu
giữa cách thức ứng phó của thiên hạ với Việt Nam, có thể khẳng định, việc thực
thi phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly một cách cực đoan như từng thấy đã góp
phần đáng kể vào việc khống chế số ca lây nhiễm, phạm vi lây nhiễm COVID-19. Đến
giờ, những quyết sách chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ trung
ương tới địa phương, sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp ủy đảng, của chính
phủ, các bộ, ban, ngành trong phòng, chống dịch dường như
chỉ có vậy!
Thực thi phong tỏa, giãn cách xã hội, cách ly
một cách cực đoan không phải là sai và xấu nhưng chỉ như thế thì hết sức tàn bạo.
Năm ngoái, sau lần đầu tiên áp dụng các biện pháp cực đoan, ông Nguyễn Xuân
Phúc – lúc đó là Thủ tướng Việt Nam, thừa nhận: Mấy tháng nay, nhiều
người khổ lắm rồi, nhiều gia đình khó lắm rồi (8)! Tuy nhiên đến giờ,
đã có bao nhiêu cá nhân, doanh nghiệp chật vật xoay sở với đủ thứ khó khăn tính
từ lúc COVID-19 bùng phát đến nay nhận được trợ cấp từ gói hỗ trợ trị giá
61.580 tỉ đồng (theo qui định, tùy trường hợp mà một cá nhân, một gia đình, những
cơ sở kinh doanh nhỏ sẽ được hỗ trợ một lần 500.000 đồng hay từ 1 triệu đến 1,8
triệu đồng/tháng) (9).
Ở thời điểm đó, hệ thống chính trị, hệ thống
công quyền Việt Nam còn tuyên bố đã dành ra 16.000 tỉ để các doanh nghiệp vay,
trả lương cho khoảng 11.000 người phải ngưng làm việc vì chuyện thực thi các biện
pháp phòng, chống dịch cực đoan nhưng tháng rồi, Ngân hàng Nhà nước loan
báo, Gói Tín dụng ưu đãi ấy chỉ giải ngân được… 43 tỉ, tương
đương… 0,27% giá trị cả gói (10), hoàn toàn không phải vì doanh nghiệp hay những
người phải nghỉ làm việc do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cực đoan
không cần trợ giúp mà vì quá nhiều đòi hỏi khắt khe, thành ra doanh giới mới
bình chọn chính sách cho vay không tính lãi để trả lương này là chính sách khó
tiếp cận nhất (11).
***
Từ khi COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu, một
trong những câu mà các cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền
tại Việt Nam thích dùng là: Không bỏ ai lại phía sau! Thiên hạ chẳng
lạ gì phương châm, chính sách “no one left behind” cả trên chiến
trường lẫn tiến trình phát triển kinh tế, xã hội. 18 tháng sau khi COVID-19 hiện
diện tại Việt Nam, dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt
Nam đã thực hiện được cam kết “không bỏ ai lại phía sau”! Người
nghèo, tầng lớp trung lưu, kể cả chủ những doanh nghiệp lớn, vốn đầu tư trên
100 tỉ (12) không còn ở phía sau, tất cả đã ở dưới đáy của khốn cùng và tuyệt vọng!
------------
Chú thích
(2) https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html
(5) https://www.nrhi.org/uploads/2020/11/NRHI_MASS-Design_OSCTC_tool.pdf
(7) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/2033351913488591
(9) https://www.thesaigontimes.vn/302244/cac-goi-ho-tro-giam-soc-cho-doanh-nghiep-trong-dich-benh.html
(12) https://www.thesaigontimes.vn/td/315958/moi-ngay-co-gan-430-doanh-nghiep-dong-cua.html
No comments:
Post a Comment