Đông
Nam Á trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc
Hiếu
Chân
Jun 6, 2021
https://saigonnhonews.com/thoi-su/dong-nam-a-trong-cuoc-canh-tranh-my-trung-quoc/
Ngay từ trước khi lên cầm quyền, Tổng Thống Joe
Biden đã xác định cuộc cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc là trọng tâm trong
chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á.
Quan điểm đó đã nhiều lần được nhấn mạnh trong
các phát biểu và bài viết của ông Biden, của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake
Sullivan và của Ngoại Trưởng Antony Blinken. Ông Biden cũng đã bổ nhiệm một nhà
ngoại giao kỳ cựu, rất am hiểu Trung Quốc là ông Kurt Campbell làm điều phối
viên chính sách Châu Á của mình.
Trong xu hướng đó, Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới
mối quan hệ với Nhật và Nam Hàn. Cho đến nay, Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga và
Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in là hai nguyên thủ quốc gia đầu tiên được đón tiếp
trọng thị ở Tòa Bạch Ốc. Thế nhưng đối với khu vực Đông Nam Á thì chính sách của
Mỹ có phần chậm chạp và kém hiệu quả. Các nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á xếp cuối
trong danh sách những nhà lãnh đạo nước ngoài được trò chuyện với tân tổng thống
Hoa Kỳ qua điện thoại và còn rất lâu mới có những cuộc tiếp xúc trực tiếp để
bàn về chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với lợi
ích của Mỹ trong cuộc ganh đua với Trung Quốc. Nếu chính sách của Mỹ đối với
Đông Nam Á không được thay đổi theo hướng tích cực hơn thì có thể một lần nữa
Washington bỏ lỡ cơ hội.
Những ‘điểm trừ’
Mãi đến tuần này, bốn tháng rưỡi sau ngày tiếp
nhận quyền lực ở Washington, chính quyền Biden mới cử một quan chức cấp cao tới
Đông Nam Á. Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đã viếng thăm Thái Lan,
Cambodia và Indonesia, trở thành quan chức đầu tiên của chính phủ Biden đến khu
vực này. Nhưng chuyến công du của bà Sherman bị một trục trặc ngoại giao đáng
tiếc trước đó phủ bóng.
Số là Ngoại Trưởng Antony Blinken có kế hoạch
mở hội nghị trực tuyến, qua điện thoại truyền hình với lãnh đạo 10 quốc gia
ASEAN vào ngày 25-5 vừa qua. Đây là cuộc đàm đạo cấp cao đầu tiên Mỹ-ASEAN mà
các nước Đông Nam Á mong đợi. Thế nhưng, đến ngày hội nghị, ông Blinken lại bị
vướng vào nhiều việc quan trọng khác như chuyến công du tới Châu Âu để chuẩn bị
cho hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển G-7 sắp diễn ra tại
Anh, rồi đến Trung Đông dàn xếp cuộc ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hamas của
Palestine – một chuyện không định trước. Hội nghị trực tuyến Mỹ-ASEAN phải hủy
bỏ vào phút chót và chưa ấn định được khi nào sẽ được tổ chức lại. Phía Mỹ cho
rằng hội nghị không diễn ra được vì một trục trặc về kỹ thuật, nhưng nhiều nhà
lãnh đạo Đông Nam Á vẫn cảm thấy mình bị xúc phạm. Trong ngoại giao, vụ này là
một điểm trừ cho cách ứng xử của Washington.
Tại Thái Lan, Thứ Trưởng Sherman đã gặp Thủ Tướng
Prayuth Chan-ocha hôm Thứ Tư, 2-6, thông báo Mỹ viện trợ cho Bangkok $30 triệu
giúp Thái Lan chống dịch COVID-19 nhưng không cam kết chia sẻ vaccine mà Thái
Lan đang cần. Quan hệ Mỹ-Thái Lan hiện thời không còn nồng ấm như trước một phần
do chính giới Mỹ vẫn quan niệm chính phủ của ông Prayuth Chan-ocha, lên cầm quyền
sau một vụ đảo chính quân sự Tháng Năm, 2014, và một cuộc bầu cử bị coi là
không công bằng năm 2019, là không có tính đại diện. Quan điểm đó đã cản trở việc
thắt chặt quan hệ giữa hai nước.
Tại Cambodia, bà Sherman gặp thủ tướng đầy quyền
lực Hun Sen và công bố khoản viện trợ $11 triệu giúp Cambodia chống dịch
COVID-19. Cuộc đàm luận giữa bà Sherman và ông Hun Sen có tính tượng trưng cao
độ vì trong suốt bốn năm nhiệm kỳ Tổng Thống Donald Trump vừa qua không có một
quan chức nào của Mỹ, từ cấp thứ trưởng trở lên, đặt chân tới Nam Vang. Tuy
nhiên, theo truyền thông, cuộc đàm luận giữa bà Sherman và ông Hun Sen không được
suôn sẻ lắm do cái bóng của Bắc Kinh.
Bà Sherman viết trên Twitter rằng cuộc nói
chuyện với ông Hun Sen là “thành thật” nhưng theo bản tin của đại sứ quán Mỹ tại
Nam Vang, tại cuộc gặp bà Sherman đã bày tỏ “mối quan tâm nghiêm túc” của
Washington về “sự hiện diện quân sự” của Trung Quốc tại một căn cứ Hải Quân
đang được Bắc Kinh giúp mở rộng trên bờ vịnh Thái Lan.
Hồi Tháng Ba, 2021, điều trần trước Ủy Ban
Quân Vụ Thượng Viện, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương khi ấy là
Đô Đốc Philip Davidson cho biết, vào Tháng Chín, 2020, chính phủ Cambodia đã
cho san bằng các cơ sở do Hoa Kỳ xây dựng, đang được dùng làm trụ sở Ủy Ban Quốc
Gia Về An Ninh Hàng Hải Cambodia, tại căn cứ Hải Quân Ream gần thành phố cảng
Sihanoukville. Dẫn báo cáo cho biết hành động của Cambodia là nhằm mở đường cho
việc thiết lập một căn cứ Hải Quân của Trung Quốc tại đây, Đô Đốc Davidson nói:
“Hoa Kỳ và các nước trong vùng lo ngại về sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở
Cambodia và tác động của nó đối với an ninh khu vực.” Bà Sherman đã chuyển tải
mối lo ngại đó của Mỹ tới nhà lãnh đạo Cambodia.
Thứ Trưởng Sherman còn yêu cầu Cambodia hủy bỏ
“các cáo buộc có động cơ chính trị chống lại thành viên của các đảng đối lập,
các nhà báo và nhà hoạt động xã hội dân sự.” Cả hai mối quan tâm của Washington
đều là những chuyện mà phía Cambodia không muốn nghe, không muốn đề cập tới.
Bà Sherman cũng đã đến Jakarta, nơi đặt trụ sở
Ban Thư Ký ASEAN, gặp Ngoại Trưởng Indonesia Retno Marsudi để bàn về việc thúc
đẩy đầu tư và thương mại. Trong một sự trùng hợp tình cờ hay cố ý, giữa lúc Thứ
Trưởng Sherman đàm đạo với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, Trung Quốc đã cho 16
chiến đấu cơ bay vào không phận của Malaysia trên Biển Đông, ngụ ý nhắc nhở Bắc
Kinh vẫn là một thế lực bao trùm của khu vực mà không ai được quên lãng.
Chậm chân hơn Bắc
Kinh
Đông Nam Á đã từng rất thất vọng với cách đối
xử của chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Donald Trump. Trong bốn năm cầm
quyền, ông Trump đã bỏ qua tất cả các Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (East Asia
Summit) với các nhà lãnh đạo ASEAN, Nhật và Trung Quốc. Ông Trump đã đến
Singapore, Việt Nam nhưng chỉ để tham dự Diễn
Đàn Kinh Tế APEC và để gặp nhà lãnh đạo độc tài xứ Bắc
Hàn Kim Jong Un chứ không phải để hội đàm với các nguyên thủ ASEAN về
những mối quan tâm chung của Mỹ và Đông Nam Á.
Khi người Mỹ vắng bóng thì người Trung Quốc
gia tăng sự hiện diện. Với sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Chủ Tịch Tập Cận
Bình, với chính sách viện trợ, cho vay và đầu tư mà không ràng buộc với các điều
kiện dân chủ nhân quyền, Trung Quốc đã bành trướng rất mạnh ảnh hưởng của họ ở
Đông Nam Á.
Cambodia là một ví dụ nổi bật. Chỉ trong vài
năm, Cambodia đã chuyển từ một nước nhận viện trợ và ưu đãi thương mại của Mỹ
và Châu Âu sang một “chư hầu” của Trung Quốc. Trung Quốc là người bảo trợ chính
trị chính, là nguồn cung cấp vốn lớn nhất cho Cambodia, đã đổ hàng tỷ đô la vào
các dự án hạ tầng của nước này. Dấu ấn và hình ảnh của Trung Quốc tràn ngập đất
nước Chùa Tháp, thủ đô Nam Vang và thành phố biển đã lột xác thành những đô thị
Trung Quốc, với cộng đồng cư dân, công nhân và du khách Trung Quốc hết sức đông
đảo. Chinh phục được Cambodia, Trung Quốc đã có điều kiện phá vỡ sự đồng thuận
trong nội bộ 10 quốc gia ASEAN, ngăn chặn tổ chức này phản đối các hành động của
Trung Quốc ở Biển Đông và sông Mekong. Sự kiện các hội nghị thượng đỉnh ASEAN
không đưa ra được tuyên bố chung lên án hành động của Trung Quốc do vấp phải sự
phản đối của Cambodia là một ví dụ.
Nhưng xét cho cùng, Cambodia có lựa chọn của họ.
“Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu tôi không hỏi
Trung Quốc thì tôi biết hỏi ai?” Thủ Tướng Hun Sen bộc bạch tại diễn đàn Tương
Lai Châu Á do báo Nikkei tổ chức cuối Tháng Năm vừa qua. Ông Hun Sen cho rằng,
phê phán ông quá phụ thuộc hoặc khấu đầu trước Bắc Kinh là “không công bằng.”
Ông Joe Biden của đảng Dân Chủ đắc cử tổng thống
Mỹ đã mang lại niềm hy vọng cho ASEAN; các thủ đô Đông Nam Á chào đón các nỗ lực
của chính quyền Biden thúc đẩy mối quan hệ đồng minh và đối tác với Hoa Kỳ
trong lúc Trung Quốc càng ngày càng tỏ ra hung hăng và lấn lướt các nước láng
giềng nhỏ hơn. Nhưng, theo nhận định của các nhà phân tích chính trị, ngay cả
khi Hoa Kỳ đẩy mạnh chiến lược thu phục nhân tâm thì Washington vẫn bị chậm
chân trong lúc Bắc Kinh đã tiến rất xa trên con đường chinh phục của họ.
Cho đến nay, viện trợ và đầu tư của Hoa Kỳ tại
khu vực này chỉ là một con số rất nhỏ so với Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 càng
làm nổi bật sự chênh lệch giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc hỗ trợ khu vực Đông
Nam Á. Sau khi khống chế được về căn bản đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã cử Ngoại
Trưởng Vương Nghị (Wang Yi) đi tới chín nước ASEAN, cam kết viện trợ và bán rẻ
các loại vaccine do Trung Quốc bào chế, trong cái gọi là chính sách “ngoại giao
vaccine.” Đến nay các nước này đã dựa phần lớn vào nguồn vaccine Trung Quốc để
thực hiện chương trình tiêm chủng cho dân chúng bên cạnh một số ít vaccine
AstraZeneca từ chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc mà Hoa Kỳ hậu thuẫn. Việt
Nam, nước duy nhất trong ASEAN không nhận vaccine Trung Quốc, thì rất khốn đốn,
đến ngày 3-6 chỉ mới có 1.2% dân số Việt Nam được tiêm chủng ít nhất một mũi
vaccine, 0.03% dân số đã tiêm đầy đủ, thấp xa so với cả Lào (12.7% và 3.5% dân
số) và Cambodia (29% và 12.7% dân số), vì không tìm được nguồn cung cấp vaccine
ngoài Trung Quốc. Chỉ riêng vụ vaccine đủ thấy vai trò của Trung Quốc ở khu vực
này quan trọng như thế nào.
Hoài nghi và cay đắng
Bốn năm dưới thời cựu Tổng Thống Trump là thời
kỳ Trung Quốc bành trướng ở Đông Nam Á mạnh nhất, từ lấn chiếm và xâm lấn trên
Biển Đông xuống tận Indonesia và Malaysia, đến chặn dòng sông Mekong, đẩy mạnh
đầu tư và di dân tới các nước láng giềng. Đây cũng là thời kỳ Đông Nam Á cảm thấy
rõ ràng họ đang bị Hoa Kỳ bỏ rơi, không chỉ các nước Đông Nam Á lục địa (Việt
Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan và Miến Điện) vốn gần gũi về địa lý và gắn kết sâu
sắc về lịch sử, về mô hình thể chế với Trung Quốc mà cả các nước Đông Nam Á hải
đảo (Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore và Brunei) vốn xa cách Trung
Quốc, cũng cảm thấy suy giảm mạnh lòng tin vào chính sách của Hoa Kỳ.
Trước đó nữa, khi nhận ra Trung Quốc – dưới sự
cai trị độc tài của đảng Cộng Sản – không thể là một đối tác tốt của Hoa Kỳ,
không hy vọng tăng trưởng kinh tế sẽ đưa đất nước Trung Quốc vào con đường dân
chủ hóa, trở thành “một cổ đông có trách nhiệm” trong cộng đồng thế giới, chính
phủ của Tổng Thống Barack Obama đã kích hoạt một chiến lược “xoay trục” (pivot)
sang Châu Á, còn gọi là chính sách “tái cân bằng” (rebalance) – tập trung hỗ trợ
các nước nhỏ ở Đông Nam Á chống lại sự chèn ép của Bắc Kinh. Khi Ngoại Trưởng
Hillary Clinton công bố chiến lược “xoay trục” của Mỹ tại Hội Nghị Thượng Đỉnh
ASEAN ở Hà Nội năm 2010, các nước Đông Nam Á đã không giấu được sự hài lòng,
làm cho ngoại trưởng Trung Quốc khi ấy là ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) tức
giận, xô ghế đứng dậy bỏ ra khỏi phòng họp.
Nhưng rồi, cuộc chiến tranh ở Syria, ở Iraq và
Afghanistan, cùng nhiều cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông đã thu hút phần lớn
sự quan tâm và nguồn lực của chính phủ Obama. Tận dụng cơ hội đó, Bắc Kinh đẩy
mạnh cuộc bành trướng ảnh hưởng tại Châu Á cho tới thời của chính quyền Trump. Nỗ lực cuối cùng của ông Obama
nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực là Hiệp Định Đối Tác Xuyên
Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership, TPP) cũng bị ông Trump vứt
vào sọt rác ngay trong tuần đầu tiên chuyển giao quyền lực.
Tất cả những biến động đó, dù đã đi vào lịch sử,
vẫn để lại một nỗi hoài nghi và cay đắng trong giới chính trị và trí thức Đông
Nam Á về ý định chiến lược của Hoa Kỳ. Giáo Sư Mohamad Rosyidin, nhà phân tích
chính sách đối ngoại tại đại học Diponegoro University của Indonesia chua chát
nhận xét: “Nếu chúng ta nhìn vào khuynh hướng về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
dưới quyền Tổng Thống Joe Biden, chúng ta sẽ thấy dường như Hoa Kỳ ưu tiên cho
vùng Trung Đông hơn là khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương… Đó là vì truyền thống ngoại
giao Mỹ từ lâu đã luôn đặt Trung Đông thành một chỗ đứng quan trọng trong chính
sách đối ngoại.” Ông Rosyidin giải thích, sở dĩ như vậy vì người Mỹ quan tâm
nhiều tới dầu mỏ, Israel, Iran và Saudi Arabia hơn là vùng Đông Nam Á chẳng có
gì hấp dẫn.
Sự kiện Ngoại Trưởng Antony Blinken hủy bỏ hội
nghị với các nguyên thủ ASEAN để bay sang Trung Đông giải quyết vụ xung đột
Israel-Hamas vừa qua cũng được nhìn nhận ở quan điểm hoài nghi như vậy.
Để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, trước
tiên Washington phải có biện pháp xây dựng lòng tin của các đồng minh và đối
tác tại Đông Nam Á – khu vực “chiến trường” của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc.
Tương lai Đông Nam
Á về đâu?
Nhờ thành công sớm trong việc khống chế đại dịch
COVID-19 và khôi phục nền kinh tế, Bắc Kinh dường như đã đi trước Washington một
chặng đường dài trong việc thu phục các nước Đông Nam Á. Trong khi Thứ Trưởng
Wendy Sherman là quan chức cao cấp nhất, đầu tiên của chính quyền Biden đi tới
Thái Lan, Cambodia và Indonesia sau một thời gian dài Hoa Kỳ vắng mặt thì ngoại
trưởng Trung Quốc thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo Đông Nam
Á để củng cố các mối quan hệ. Ông Vương cũng đã mời các ngoại trưởng ASEAN đến
thành phố Trùng Khánh trong tuần tới để dự hội nghị Trung Quốc-ASEAN, ở đó theo
dự kiến Trung Quốc sẽ công bố các chương trình trợ giúp Đông Nam Á khôi phục nền
kinh tế từ sự tàn phá của đại dịch. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ đưa ra sự trợ giúp như
thế nào nhưng đây rõ ràng là một biện pháp thu phục nhân tâm rất hữu hiệu.
Hoa Kỳ dường như vẫn chưa có một kế hoạch như
vậy.
Các nước Đông Nam Á từ lâu đã tuyên bố không
muốn lựa chọn theo Mỹ hay theo Trung Quốc nhưng nếu xu hướng hiện thời cứ tiếp
diễn thì sẽ không khó biết tương lai của Đông Nam Á sẽ về đâu.
No comments:
Post a Comment