Nguồn
gốc COVID-19: Đằng sau phản ứng của Trung Quốc
Hiếu
Chân -
Saigon Nhỏ
June 14, 2021
https://saigonnhonews.com/thoi-su/nguon-goc-covid-19-dang-sau-phan-ung-cua-trung-quoc/
Một khu chợ ở Vũ
Hán - nơi xuất phát đại dịch - ngay trước khi bị phong tỏa vào ngày 23-01-2020.
Hình: Wikipedia.
“Những
bằng chứng ngôn ngữ học cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Viện
nghiên cứu virus Vũ Hán là nguồn xuất phát” đại dịch
COVID-19, giáo sư Perry Link nhận định trong bài bình luận trên báo The
Wall Street Journal.
Ông Perry Link không phải là nhà vi trùng học
hoặc người làm việc trong lĩnh vực y sinh, nhận định của ông không dựa trên các
nghiên cứu khoa học, hiểu theo nghĩa hẹp, ở những lĩnh vực này, nhưng ông là
người hiểu biết sâu sắc về đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cung cách hoạt động
của nó. Là giáo sư khoa Trung Quốc học tại Đại học California (UC) Riverside,
ông đồng thời là giáo sư danh dự ngành Đông Á học của Đại học Princeton; ông là
một dịch giả quen thuộc, đã phát hiện và dịch sang Anh ngữ nhiều tài liệu quý
hiếm từ nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, giúp độc giả phương Tây nhìn thấy phần
nào những chuyện thâm cung bí sử của chế độ cai trị hết sức bí mật này.
Trong ý kiến đăng trên WSJ, giáo sư Perry Link
dẫn kinh nghiệm của mình rằng, muốn biết sự thật trong các tuyên bố của ĐCSTQ
thì phải đọc ngược những dòng chữ (upside down). Ngô Tổ Tường (Wu
Zuxiang), một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, bảo ông, nếu báo đảng viết “đảng
đã có những bước tiến dài trong cuộc chống tham nhũng ở Hồ Nam” thì phải hiểu rằng
tham nhũng ở Hồ Nam là hết sức trầm trọng; nếu báo đảng ca ngợi hành động anh
hùng giải cứu tám thợ mỏ bị vùi lấp ở đâu đó thì phải hiểu tai nạn hầm mỏ đã giết
chết hàng trăm thợ mỏ mà không được nói tới. “Nếu đọc ngược thì sẽ thấy
báo chí chính thống không nói dối. Họ không nói dối. Họ chỉ nói những gì mà đảng
muốn người dân phải tin và nếu bạn đoán được động cơ phát ngôn của đảng – luôn
có động cơ như vậy – thì bạn có thể nhận ra được sự thật,” ông Perry
Link viết.
Một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng khác, ông Tô
Tiểu Khang (Su Xiaokang) nói rõ hơn. Ông Tô cho rằng người phương Tây quá quan
tâm tới chuyện tuyên truyền có đúng sự thật hay không. Với chế độ đảng trị
Trung Quốc, sự thật và sai lầm đều không quan trọng, một tuyên bố có thể đúng,
sai hoặc chỉ đúng một phần. Quan trọng là tuyên bố đó có “hoạt động” (work) được
hay không, có thúc đẩy lợi ích của đảng hay không.
***
Sau khi ĐCSTQ phong tỏa thành phố Vũ Hán vào
mùa đông năm 2020, một nhà văn địa phương là bà Phương Phương (Fang Fang) bắt đầu
ghi chép lại tình cảnh và tâm trạng của người dân và đăng lên Internet. “Nhật
Ký Phương Phương” nhanh chóng có số người theo dõi kỷ lục, và nhà văn
được gọi là “lương tâm của Vũ Hán”. Giáo sư Michael Berry, ngành ngôn ngữ và
văn hóa châu Á của Đại học California Los Angeles (UCLA), người từng dịch sang
tiếng Anh một trong những cuốn tiểu thuyết của bà Phương Phương, cũng đã dịch
cuốn nhật ký này. Mùa hè vừa qua, nó đã được nhà HarperCollins xuất bản.
Cuốn “Nhật
Ký Vũ Hán” – như tên của bản dịch – chỉ bao gồm những điều mắt thấy
tai nghe, bằng thứ ngôn ngữ giản dị và không trau chuốt vì lúc ấy không ai dám
viết chuyện gì cả. “Nhưng
chế độ Trung Quốc đã tấn công bà Phương Phương dữ dội hơn bất kỳ nhà văn Trung
Quốc nào kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông cuối thập niên
1960”, giáo sư Perry Link cho biết.
Mùa xuân 2020, các dư luận viên trên mạng của
Trung Quốc đã “đấu tranh” chống Phương Phương bằng những lời lẽ như “Đả
đảo con chó dại của chủ nghĩa đế quốc, kẻ phản bội đất nước Trung Quốc, Phương
Phương”. Đối với họ cuốn nhật ký là “một đống rác rưởi, đầy những
tin đồn bịa đặt có thể gọi là Ảo tưởng Tình dục của Phương Phương!” Bà
Phương Phương nhiều lần bị dọa giết. Bọn dư luận viên còn tìm những người ủng hộ
bà và “đấu tranh” với họ.
Giáo sư Berry, dịch giả, cũng không thoát.
Hàng trăm tin nhắn được gửi tới điện thoại của ông: “Con quỷ trắng ngu
ngốc kia, hãy ăn thịt người và uống máu người; địa ngục 18 tầng đã được lập
riêng cho mày!”; “nếu mày đặt chân đến Trung Quốc lần nữa, tao sẽ giết mày!” và
nhiều câu nhắn tương tự.
***
Hành động công kích và thóa mạ dữ dằn như vậy
có thể cho chúng ta biết đôi điều về nguồn gốc của đại dịch Covid. Có hai dữ kiện
đáng chú ý. Trước tiên, những cuộc tấn công không phải là sự bùng nổ ngẫu nhiên
của sự phẫn nộ mà là một chiến dịch được điều phối kỹ lưỡng. Hai là, những cuộc
tấn công này mạnh mẽ hơn rất nhiều – có quy mô lớn hơn rất nhiều – so với việc
tấn công bằng lời nói vào các cá nhân ở Trung Quốc trong thời gian gần đây. Hai
dữ kiện đó, kết hợp lại, cho ta biết chắc rằng chiến dịch chống Phương Phương
đã được chỉ đạo từ cấp cao nhất.
Sử dụng thủ pháp đọc ngược mà nhà văn Ngô Tổ
Tường nói ở trên, chiến dịch “đấu tranh” Phương Phương cho ta biết Tập Cận
Bình hết sức lo lắng rằng thế giới sẽ buộc chế độ của ông ta phải chịu trách
nhiệm về đại dịch. Câu hỏi cốt tử là con virus bắt nguồn từ đâu. Bà Phương
Phương không hề nói tới chuyện liệu con virus bắt nguồn từ một khu chợ động vật
hoặc từ một phòng thí nghiệm; bà chỉ ghi chép lại nỗi thống khổ bắt đầu ở Vũ
Hán. Sự tập trung chú ý của chế độ Trung Quốc vào vấn đề nguồn gốc đại dịch tự
nó đã nói lên sự thật.
Câu chuyện chính thống về đại dịch Covid mà đảng
Cộng sản Trung Quốc đưa ra là con virus đã “nhảy” từ con dơi sang con người tại
một khu chợ ướt không xa phòng thí nghiệm Vũ Hán. Chính quyền thành phố đã vội
vàng đóng cửa chợ, phong tỏa nó và cung cấp cho thế giới những tấm ảnh chụp cho
thấy họ đã dọn sạch khu chợ. Tại sao nhà cầm quyền lại nhanh nhẩu hành động một
cách đáng ngờ như vậy? Vì họ nghi ngờ khu chợ hay là vì họ muốn thế giới nghi
ngờ như vậy? Nếu họ chắc chắn rằng Mẹ Thiên Nhiên là thủ phạm thì tại sao họ bịt
mồm bịt miệng các nhà khoa học và niêm phong sổ sách của các phòng thí nghiệm?
Và tại sao họ tổ chức “đấu tranh mạng” một cách quyết liệt và tàn bạo nhắm vào
một người đàn bà chỉ ghi chép lại những chuyện mắt thấy tai nghe trong cuộc sống
hằng ngày?
Những câu hỏi của giáo sư Perry Link đã hàm chứa
câu trả lời.
No comments:
Post a Comment