Saturday, 19 June 2021

KINH TẾ KHÔNG QUAN TRỌNG ĐẾN THẾ (Hồng Việt)

 



Kinh tế không quan trọng đến thế

Hồng Việt

19/06/2021

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/21804-kinh-t-khong-quan-tr-ng-d-n-th

 

Khi bàn luận về tình hình chính trị Việt Nam, hai lý do được nhắc đến nhiều nhất để giải thích tại sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ là dân trí thấp và điều kiện kinh tế. Về dân trí thì Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có nhiều bài viết nói về chủ đề này, với kết luận chung là dân trí Việt Nam hiện nay đã cao hơn hẳn các quốc gia khác vào lúc họ có dân chủ. Tuy nhiên, về điều kiện kinh tế thì có vẻ như mọi người có những lập luận rất trái ngược.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51258739240_159c82e676.jpg

Người Hồng Kông đang tự đập bể nồi cơm của mình ?

 

Một nữ nhà báo nổi tiếng đã nói : "Trong mọi cuộc cách mạng, những con người dũng cảm nhất, kiên cường bất khuất nhất trước bạo lực thường là nông dân, công nhân, dân nghèo, chứ không phải tầng lớp trí thức, bởi vì giới trí thức hay giới văn nghệ sĩ, nói xin lỗi, họ có quá nhiều thứ để sợ phải mất : địa vị, sự nghiệp hay danh tiếng. Càng không phải là giới nhà giàu, tất nhiên".

 

Nhiều người cũng đồng ý với lập luận này. Họ còn đi xa hơn khi cho rằng cách mạng chỉ có thể xảy ra khi phần đông dân chúng bị chế độ đẩy vào đường cùng. Nhưng nếu những lập luận trên là đúng, thì tại sao nhân dân Triều Tiên không nổi dậy lật đổ gia đình họ Kim ? Hay tại sao người dân Hồng Kông, một nơi giàu hơn hẳn so với Việt Nam, đã tràn xuống đường để bảo vệ các quyền tự do dân chủ, bất chấp những thiệt hại nặng nề về kinh tế do các cuộc biểu tình gây ra ? Đến nỗi một dư luận viên từng thốt lên : "Người Hồng Kông đang tự đập bể nồi cơm của mình !".

 

Mặt khác, nhiều người lại cho rằng vì đa số dân Việt Nam vẫn còn nghèo nên chỉ quan tâm đến những nhu cầu cơ bản thay vì những quyền tự do dân chủ. Họ lập luận dựa trên tháp Maslow, theo đó chỉ khi nào con người thoát khỏi nỗi lo về vật chất thì mới quan tâm đến các giá trị trừu tượng. Nếu đó là sự thật thì tại sao người Myanmar, dù bây giờ vẫn còn nghèo hơn nhiều so với Việt Nam, đã kiên trì đấu tranh cho dân chủ từ cuối thập niên 80 ?

 

Khi quan sát trường hợp Myanmar và Hồng Kông, chúng ta thấy điều kiện kinh tế không phải là yếu tố quyết định. Họ chỉ đòi hỏi những quyền tự do dân chủ, như tự do ứng cử và bầu cử, chứ không đưa ra yêu sách nào về kinh tế. Sai lầm của những người đấu tranh Việt Nam là đã quá đề cao những bất mãn về kinh tế và coi đó như yếu tố quyết định để người dân tham gia đấu tranh. Hầu như trong mọi bài viết lên án chế độ, giá xăng, giá ô tô, kẹt xe hay ngập nước luôn được các tác giả lấy ra làm dẫn chứng.

 

Những bài viết như thế thường nhắm tới người đọc ở trong nước. Nhưng nếu một người đi xe đạp và nhà không bị ngập nước thì sao ? Hay nếu chính quyền cộng sản giảm thuế xăng dầu và ô tô thì chẳng lẽ chúng ta sẽ không đấu tranh nữa ? Và với những người ở hải ngoại, vừa có tự do vừa có ô tô, giá xăng lại rẻ, nhiều khi ô tô của họ còn chạy bằng điện, thì những người trong nước nên lấy lý do gì để thuyết phục những người ở hải ngoại đấu tranh cho đất nước ? Chính trị không chỉ là kinh tế. Sưu cao thuế nặng, hạn hán lũ lụt, tai nạn giao thông… đều là những vấn đề có thực nhưng sẽ không bao giờ là yếu tố quyết định để một người đứng lên chống lại chế độ. Dân chủ và nhân quyền là những giá trị trừu tượng trong khi giá xăng và ô tô chỉ là những giá trị vật chất. Không thể dùng những khái niệm vật chất để làm động cơ đấu tranh cho những khái niệm trừu tượng.

 

Nhưng nếu chỉ muốn có dân chủ và nhân quyền thôi thì cũng chưa đủ. Nó không trả lời được câu hỏi : "Tại sao tôi phải đấu tranh cho người Việt Nam mà không phải cho người Palestine ?" Một người Việt Nam bình thường nếu chỉ muốn bản thân và gia đình được sống trong một chế độ dân chủ sẽ chọn cách dễ nhất là định cư ở nước ngoài. Và trên thực tế hàng triệu người đã làm như vậy.

 

Trong bất kỳ một cuộc đấu tranh chính trị nào, động cơ quan trọng nhất cũng là tinh thần quốc gia dân tộc. Phải yêu nước ở một mức độ nào đó thì người ta mới thấy phẫn nộ khi nhìn Đảng Cộng Sản đập phá đất nước và giẫm đạp lên các giá trị nhân quyền. Phải có tinh thần dân tộc ở một mức độ nào đó thì người ta mới quan tâm đến số phận của gần 100 triệu người mà mình không hề quen biết, cũng như muốn gắn bó và chia sẻ một tương lai chung với khối người này.

 

Nó cũng giải thích tại sao dưới thời Pháp thuộc, mặc dù mức sống cũng như nhân quyền được cải thiện ngoạn mục so với thời nhà Nguyễn, nhiều người Việt Nam vẫn sẵn sàng hy sinh để chống Pháp ?

 

Cũng chính tinh thần quốc gia dân tộc mới là thứ khiến những người ở hải ngoại, dù sống tự do và sung túc, vẫn muốn đấu tranh cho người dân trong nước, bởi vì họ cảm thấy, theo lời ông Nguyễn Gia Kiểng trong Tổ Quốc Ăn Năn : "Vẫn còn cái tâm sự bẽ bàng của một đứa con nhà nghèo đi làm con nuôi nhà giàu bỏ rơi anh em. Vẫn có sự hổ nhục âm thầm như khi đạp ga cho xe chạy nhanh, làm như không nhìn thấy gia đình người quen hư xe bên đường giữa một đêm mưa gió".

 

https://live.staticflickr.com/65535/51258450374_dfb1aab58e.jpg

Một giấc mơ chung cho tất cả mọi người Việt Nam cũng là trừu tượng nhưng không có không được.

 

Cũng như dân chủ và nhân quyền, lòng yêu nước, quốc gia, hay dân tộc đều là những giá trị trừu tượng. Nhưng không chỉ trong chính trị, mà trong đời sống hàng ngày các khái niệm trừu tượng cũng có vai trò rất quan trọng. Lấy thí dụ môn bóng đá. Luật chơi của nó là một sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Nhưng ngày nay, bóng đá đã trở thành môn thể thao được ưa thích nhất trên thế giới. Vậy thì giữa luật chơi (cái trừu tượng) và các cầu thủ bóng đá (cái có thật) thì điều gì quan trọng hơn ? Nếu cho rằng các cầu thủ là quan trọng hơn, thì giả sử FIFA đề xuất đổi luật để cho phép các cầu thủ chơi bóng bằng tay thì chúng ta có chấp nhận điều đó ? Có ai muốn xem Messi hoặc Ronaldo chơi bóng ném không ? Câu trả lời hiển nhiên là không.

 

Cho đến nay, sai lầm của những người đấu tranh là đã coi nhẹ lý thuyết và các khái niệm trừu tượng để chỉ tập trung vào những vấn đề cụ thể. Thực tế đã chứng tỏ ngay cả những nhóm hoạt động trên những vấn đề rất cụ thể cũng chỉ tồn tại được trong một thời gian rất ngắn. Xin kể ra hai trường hợp tiêu biểu. Một là nhóm phản đối các trạm thu phí đường bộ do Trương Châu Hữu Danh và hai người nữa thành lập. Sau khi gây được tiếng vang trong thời gian đầu hoạt động và được giới tài xế hưởng ứng, các thành viên trong nhóm đã mâu thuẫn và chia rẽ, cuối cùng bị tan rã. Trường hợp thứ hai là nhà xuất bản Tự Do do Đoan Trang và một số người khác thành lập. Nhóm này sau hai năm hoạt động thì chia rẽ vì chuyện tiền bạc, các thành viên công khai tố cáo lẫn nhau, kết cục vẫn là tan rã.

 

Nếu nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Ki-tô giáo, chúng ta sẽ thấy sức mạnh của tư tưởng. Khi nó mới ra đời, trong đế chế La Mã có rất nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Nhưng sau hai thế kỷ bị La Mã đàn áp, Ki-tô giáo lại trở thành quốc giáo của chính La Mã. Tại sao đại đế Constantine the Great (27/2/227 – 22/5/337) quyết định cải đạo sang Ki-tô giáo mà không phải một tôn giáo nào khác ? Có hai lý do. Thứ nhất, có thể Constantine I thực sự tin vào Thiên Chúa. Nhưng lý do thứ hai, và quan trọng hơn, là ông cần một nền tảng ý thức hệ mới để duy trì sự thống nhất của đế chế.

 

Khi Constantine trở thành hoàng đế, La Mã vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng và nội chiến. Do đó, ông cần một ý thức hệ mới có khả năng đoàn kết xã hội. Và tại thời điểm đó Ki-tô giáo đã phát triển và lan rộng khắp vùng Địa Trung Hải. Ưu thế của Ki-tô giáo so với các tôn giáo hay tín ngưỡng khác là nó chứa đựng những giá trị phổ quát, như bình đẳng và bác ái - những giá trị luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, và do đó được mọi người chấp nhận. Đó đồng thời cũng là những giá trị trừu tượng. Sau khi Constantine I qua đời, La Mã tồn tại hơn một ngàn năm nữa, với Ki-tô giáo đóng vai trò là nền tảng ý thức hệ. Trường hợp Ki-tô giáo đã chứng tỏ không có gì mạnh hơn một tư tưởng đúng và một thắng lợi về tư tưởng trước sau gì cũng dẫn đến thắng lợi về chính trị.

 

Chính quyền cộng sản hiện nay cũng đang ở trong một hoàn cảnh tương tự. Trong khi ban lãnh đạo của đảng vẫn bám víu vào chủ nghĩa cộng sản thì nhân dân Việt Nam, kể cả phần lớn đảng viên, đều không còn ai tin vào nó nữa. Không những thế, đất nước còn đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế và xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng trên hết, chính sự bất tài của Đảng cộng sản đã đưa đất nước rơi vào hoàn cảnh hiện nay. Môi trường bị hủy hoại, các quyền con người bị vi phạm, đất nước ngày càng tụt hậu so với thế giới.

 

Xã hội Việt Nam đang đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện. Chỉ cần chúng ta đồng ý với nhau về một tư tưởng chính trị mới và một dự án tương lai chung cho đất nước thì Đảng cộng sản sẽ thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài dân chủ hóa đất nước.

 

Hồng Việt

(19/06/2021)

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats