Hỏi
nhanh – Đáp gọn: Về dự án sân golf của FLC tại rừng thông ở Đak Đoa, Gia Lai
YÊN KHẮC CHÍNH - LUẬT
KHOA
16/06/2021
Những gì bạn cần biết
về một dự án khiến dư luận liên tục phản đối.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-20.jpeg
Phối cảnh quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC
Gia Lai. Ảnh: FLC.
Ngày 14/6/2021 vừa qua, một nhóm các nhà hoạt
động, các chuyên gia về chính sách, kinh tế, môi trường và trí thức thuộc nhiều
lĩnh vực đã soạn thảo kiến nghị kêu gọi chính phủ hủy bỏ dự án xây dựng sân
golf và khu phức hợp Đak Đoa, Gia Lai.
Bản kiến nghị đang thu hút được sự quan tâm và
ủng hộ của nhiều người.
Vì sao dư luận vẫn tiếp tục có ý kiến phản đối
dự án này?
Bài viết dưới đây tổng hợp các vấn đề bạn cần
biết về dự án.
Dự án được phê duyệt
khi nào?
Ngày 1/4/2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
đã ký phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa
tại tỉnh Gia Lai, do tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, có quy mô 174,01 ha. [1]
Dư luận phản đối vấn
đề gì?
Theo kế hoạch đã phê duyệt, 155,93 ha rừng sản
xuất sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án. Dư luận phản đối
việc biến đất rừng thành sân golf.
Nhưng ở đây là “rừng
sản xuất”, đâu phải rừng tự nhiên?
Thông tin trên báo chí cho biết gần 156 ha này
là rừng thông được trồng từ năm 1976. Sau 45 năm, khu rừng này đã phát triển
thành một hệ sinh thái riêng biệt.
Trong một bài viết trên báo Người Đô Thị vào tháng 5/2021, các
cư dân địa phương sống ở khu vực này đã dẫn phóng viên đến quan sát những mạch
nước ngầm chảy ra từ đất ven rừng. [2] Người địa phương gọi đây là “nước giọt”.
Đây là nguồn nước uống của họ.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-21.jpeg
Một gia đình người
Bahnar đang lấy nước từ một “giọt” nước cạnh rừng thông. Ảnh: Thùy Linh/ Người
Đô Thị
Cũng trong tháng 5/2021, tạp chí Kinh tế Sài
Gòn đăng tải bài viết trích dẫn ý kiến Tiến sĩ Trương Văn Vinh, một
chuyên gia lâm nghiệp, rằng rừng thông tuy là rừng trồng nhưng có vai trò quan
trọng như rừng phòng hộ, giúp bảo vật đất, chống xói mòn rửa trôi, giữ nước và
tạo sinh thái cảnh quan trong khu vực. [3]
Chuyển đất rừng
thành sân golf có hậu quả gì?
Hậu quả trước mắt là thiếu nước. Dân địa
phương sẽ mất đi nguồn cung cấp nước tự nhiên.
Bài viết trên tạp chí Kinh tế Sài Gòn dẫn thông tin về kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch
ba loại rừng tỉnh Gia Lai vào năm 2017, trong đó có kết luận “nguồn nước ngầm tỉnh
đang suy giảm do diện tích rừng bị suy giảm”. [4]
Bài báo còn dẫn ý kiến của N.Q.Đ, một chuyên
gia lâm nghiệp sống ở khu vực trên, cho biết trước đây giếng đào sâu khoảng
20-25 mét, nay có nơi phải đào sâu xuống 30-40 mét mới có nước.
Ô nhiễm nguồn nước đến từ hoạt động của sân
golf là một mối lo khác.
Bài viết trên Tuổi Trẻ vào cuối tháng 4/2021 đăng tải
ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và
Quản lý TP. Hồ Chí Minh, cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ phân bón và
thuốc trừ sâu được sử dụng để dưỡng cỏ trong sân golf. [5] Ngoài ra, sân golf
khi đi vào vận hành sẽ phải khai thác nước ngầm để phục vụ tưới cỏ, càng làm trầm
trọng thêm vấn đề thiếu hụt nguồn nước trong khu vực.
Còn có hậu quả gì
khác?
Các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất,
hạn hán, ngập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn là “nhờ” vào việc phá rừng.
Báo Lao Động trong bài viết vào tháng 7/2020 dẫn
số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy diện tích rừng của Việt Nam không ngừng suy giảm, mỗi năm hàng ngàn hecta rừng bị mất
đi. [6] Trong đó, theo nhận định của Viện Điều tra và Quy hoạch Rừng, một phần
lớn nguyên nhân đến từ việc “chuyển đổi mục đích sử dụng”.
Các vấn đề kinh tế – xã hội cũng được cảnh
báo, khi những dự án như làm sân golf chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ người
giàu có, còn đa số người dân địa phương không được hưởng lợi gì.
Lợi ích từ dự án
này là gì?
Chưa rõ những lợi ích kinh tế mà nó sẽ đem lại,
nhưng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khoảng 30 dự
án sân golf được thực hiện đến nay, “nhiều trong số này doanh thu, lợi nhuận
không như kỳ vọng”. [7]
Trước mắt, nhà đầu tư FLC đề xuất nộp ngân sách nhà nước 13,228 tỷ đồng cho 50 năm hoạt
động của dự án. [8] Nghĩa là, mỗi tháng nhà nước thu được 22 triệu từ dự án
này.
Dự án này chỉ làm sân
golf thôi đúng không?
Không. Sân golf chỉ là giai đoạn một. Thông tin trên trang web của FLC cho biết tổng diện
tích đất sử dụng của dự án là 500 ha, với mục tiêu xây dựng “quần thể du lịch
nghỉ dưỡng sinh thái”. [9] Các hạng mục công trình bao gồm sân golf, trung tâm
hội nghị quốc tế, khách sạn, khu nhà ở biệt thự và liền kề, khu vui chơi – thể
thao ngoài trời, v.v.
Nghĩa là, nếu dự án được triển khai đầy đủ, sẽ
không chỉ có gần 156 ha rừng thông bị biến mất.
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-22.jpeg
Rừng thông Đak Đoa,
nơi sẽ được chuyển thành sân golf kết hợp khu du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Quyết Hồ/
The Saigon Times.
Người dân địa
phương nói gì?
Phần lớn thông tin được báo chí nêu đều cho thấy người dân địa phương phản đối việc thực hiện dự án.
[10]
Báo chí nói gì?
Từ khi có thông tin về dự án vào năm 2017, các
báo đều có nhiều bài viết chất vấn về tính hợp lý của dự án.
Ngày 23/4/2021, báo Thanh Niên còn có bài viết
với tiêu đề “Số dự án được phê duyệt tăng vọt cuối nhiệm kỳ”. Bài báo chỉ ra rằng
trong tổng số dự án được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt suốt nhiệm
kỳ, có đến 1/3 là được ký trong 65 ngày cuối cùng khi ông tại nhiệm. Dự án sân
golf Đak Đoa nằm trong số này.
Bài báo bị gỡ bỏ ngay sau đó, bản sao được lưu
trữ tại đây. [11]
Chính quyền nói
gì?
Ngày 19/4/2021, Báo Chính phủ đăng bài viết phản hồi các “thông tin không đúng sự thật” về dự án
sân golf Đak Đoa. [12] Trang Facebook “Thông tin Chính phủ” cũng đăng tải bài này như ý kiến chính thức của chính phủ.
[13]
Nội dung của phản hồi khẳng định quy trình phê
duyệt dự án được thực hiện đúng tinh thần trách nhiệm, dự án đã được rà soát,
kiểm tra nhiều lần và được các bộ, ngành ủng hộ triển khai.
Theo bài viết, dự án sẽ giúp tỉnh Gia Lai
không những “không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng lên”.
Chính quyền đã nói
vậy rồi thì có gì để phản đối nữa?
Những cam kết của nhà đầu tư về việc bảo vệ hiện
trạng rừng thông, di thực cây (đưa cây đến trồng ở một vùng khác) thay vì chặt
bỏ, hay trồng thêm rừng đều không có căn cứ pháp luật nào hiệu quả để giám sát
và bắt buộc thực hiện.
Chưa kể tập đoàn FLC đã có nhiều sai phạm phá
rừng trong các dự án trước đó. [14]
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án
sân golf Đak Đoa cũng chưa được công khai cho dư luận giám sát.
Chuyện gì sẽ xảy
ra tiếp theo?
Dự án đã được bật đèn xanh để triển khai, dù
chính quyền và nhà đầu tư chưa có câu trả lời hợp lý nào trước những chất vấn của
dư luận.
Như đã nói ở phần đầu, một đơn kiến nghị do
các chuyên gia, trí thức và nhà hoạt động đứng tên đang kêu gọi chính phủ hủy bỏ
dự án này.
Kiến nghị nêu ra 10 lý do, đồng thời cũng là
10 vấn đề lớn chưa được giải quyết của dự án.
Bạn có thể xem các nội dung đó tại đây. [15]
Nếu đồng ý với những vấn đề được nêu ra trong
kiến nghị, bạn có thể cùng ký tên vào kiến nghị để yêu cầu chính quyền phải xem
xét lại dự án này.
----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Hiển T. (2021, April 23). Dự
án sân golf Đak Đoa có làm mất rừng hay không? BAO DIEN TU VTV. https://vtv.vn/chinh-tri/du-an-san-golf-dak-doa-co-lam-mat-rung-hay-khong-20210423171319774.htm
2. Linh, N. T. (2021). Dự án sân
golf Đak Đoa: phập phồng nỗi lo! Người Đô Thị. https://nguoidothi.net.vn/du-an-san-golf-dak-doa-phap-phong-noi-lo-28613.html
3. Từ sân golf Đak Đoa – phải
chăng muốn phát triển thì phải hy sinh rừng? (2021). Kinh tế Sài
Gòn. https://www.thesaigontimes.vn/td/316651/tu-san-golf-dak-doa–phai-chang-muon-phat-trien-thi-phai-hy-sinh-rung.html
4. Xem [3]
5. Hà, B. N. –. D. (2021, May 5). Nguồn
cơn bùng nổ sân golf và những chuyện cần lo. Tuổi Trẻ Cuối Tuần –
TTO. https://cuoituan.tuoitre.vn/van-de-su-kien/nguon-con-bung-no-san-golf-va-nhung-chuyen-can-lo-1581343.html
6. Long-Hữu Long V. (2020, July
6). Những hệ lụy từ mất rừng ngày càng nghiêm trọng.
Laodong.vn. https://laodong.vn/xa-hoi/nhung-he-luy-tu-mat-rung-ngay-cang-nghiem-trong-817416.ldo
7. VnExpress. (2021, April 5). Gia
Lai sắp có sân golf hơn 1.140 tỷ đồng. vnexpress.net. https://vnexpress.net/gia-lai-sap-co-san-golf-hon-1-140-ty-dong-4258461.html
8. Chính phủ cho phép sử dụng
155,93ha rừng sản xuất để làm sân golf. (2021). Tạp Chí
Doanhnghiephoinhap.Vn. https://doanhnghiephoinhap.vn/thu-tuong-cho-phep-su-dung-155-93ha-rung-san-xuat-de-lam-san-golf.html
9. QUẦN THỂ DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG
SINH THÁI FLC GIA LAI. (2021). FLC. https://www.flc.vn/du-an/quan-the-du-lich-nghi-duong-sinh-thai-flc-gia-lai
10. Anh T. (2020, December 18). Người
dân không đồng tình chuyển đổi 174 ha rừng thông thành khu thể thao. Báo
Nông Nghiệp Việt Nam. https://nongnghiep.vn/nguoi-dan-khong-dong-tinh-chuyen-doi-174-ha-rung-thong-de-xay-san-golf-d279890.html
11. Hiệp, L. V. H. (2021, April
23). Số dự án được phê duyệt tăng vọt cuối nhiệm kỳ. Báo Thanh
Niên. https://web.archive.org/web/20210423061006/https://thanhnien.vn/thoi-su/so-du-an-duoc-phe-duyet-tang-vot-cuoi-nhiem-ky-1372866.html
12. Xung quanh việc phê duyệt chủ
trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa, Gia Lai. (2021).
Baodientu.Chinhphu.Vn. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Xung-quanh-viec-phe-duyet-chu-truong-dau-tu-Du-an-san-golf-Dak-Doa-Gia-Lai/428819.vgp
13. Facebook Thông tin Chính phủ
(2021). https://www.facebook.com/thongtinchinhphu/posts/3900446256699199
14. Hiệp, T. (2021, April 27). Rừng
ngày càng ít, sân golf ngày càng nhiều: Ai được lợi? Luật Khoa Tạp
Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/04/rung-ngay-cang-it-san-golf-ngay-cang-nhieu-ai-duoc-loi
15. KIẾN NGHỊ HỦY BỎ XÂY DỰNG
SÂN GOLF VÀ KHÔNG XÂY DỰNG KHU PHỨC HỢP ĐAK ĐOA – GIA LAI. (2021).
Avaaz. https://secure.avaaz.org/community_petitions/en/tong_bi_thu_bchtu_dang_csvn_chu_tich
No comments:
Post a Comment