Hành
trình cách ly 53 ngày của một người về nước mùa dịch COVID-19
RFA
22/06/2021
Khu cách ly tập
trung thứ 2 trong 'hành trình' 53 ngày cách ly y tế của anh Thành Nguyễn . Courtesy of Thành Nguyễn
Khi đại dịch COVID-19 đợt thứ tư tái bùng phát
tại Việt Nam từ cuối tháng 4, Bộ Y tế Việt Nam hôm 5 tháng 5 đã ra quyết định
kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày lên 21 ngày đối với những người
có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập
cảnh vào Việt Nam. Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y Tế đi đến quyết định
này sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, đánh giá lại diễn biến phức tạp
với các biến chủng mới và thời gian ủ bệnh của COVID-19. Quyết định có hiệu lực
áp dụng từ ngày 5 tháng 5.
Anh Thành Nguyễn, người đi chuyến bay từ Manila
(Philippines) về Việt Nam hôm 28 tháng 4 cho biết quyết định kéo dài thời gian
cách ly đã bị áp đặt đối với chuyến bay của anh, nhưng khi nhập cảnh Việt Nam tại
Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ anh mới hay:
“Ban đầu em nghĩ là chỉ phải đi 14 ngày thôi. Nhưng
mà khi em vừa đặt chân xuống sân bay và bắt đầu vào khu cách ly thì có chỉ thị
mới của Chính phủ là phải đi cách ly lên đến 21 ngày chứ không là 14 ngày nữa.
Nhận được tin đó em thấy không vui rồi. Nhưng mà thôi, tình hình đất nước đang
bị dịch thì em cũng chấp nhận, đó là cho chuyện bình thường”.
Khu cách ly đầu tiên. Ảnh: Thành Nguyễn
Khu cách ly đầu
tiên: 7 ngày
Câu chuyện diễn tiến bình thường như anh nói
khi từ ngày 29 tháng 4 anh và các hành khách cùng chuyến bay đã được đưa đến
khu Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng. Ba người được bố trí ở trong một phòng và
dùng chung một phòng vệ sinh, phòng tắm. Vật dụng cung cấp được gói sẵn gồm xà
phòng các loại, chăn, mùng, gối, chiếu. Sau đúng một tuần tại đây, anh Thành
cho biết mọi người được xét nghiệm COVID-19.
Anh kể lại: “Ngày mùng 5 tháng 5 mới chỉ được
xét lần một. Sau khi có kết quả vào ngày đấy thì những người mà họ nói là an
toàn, mấy chục người như vậy, họ cho đi lên xe buýt đến một điểm tiếp theo, là
Binh đoàn Bộ binh 897”.
Khu cách ly thứ
Hai. Ảnh: Thành Nguyễn
Khu cách ly thứ
Nhì: 21 ngày
Tại khu Bộ binh 897, bắt đầu anh thấy có nhiều
điều bất ổn:
“Sáu người một phòng ở bên Bộ binh 897 như vậy thì rất
là bất tiện. Đã đông người rồi mà còn vệ sinh chung mấy chục người, thanh niên,
chung một nhà tắm như kiểu nhà tắm của lính, chung nhà vệ sinh như vậy thì rất
dễ lây chéo.”
Anh Thành cho rằng quyết định đổi chỗ cách ly
từ một nơi khép kín ba người một phòng đến khu cách ly thứ nhì với sáu người một
phòng là một quyết định sai lầm.
Sự việc mọi người tại khu Bộ bình 897 lo sợ đã
đến. Sau 21 ngày tại đây, tức đã cách ly tổng cộng 28 ngày, một số người có kết
quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và do đó cả nhóm bị cách ly thêm 21
ngày nữa:
“21 ngày nữa là thành 49 ngày.
Những người bị dương tính, tất cả những ai ở chung
phòng của họ đều phải đi theo họ, ở lại thêm 21 ngày nữa. Còn những người phòng
không có người bị dương tính mà vẫn ở chung một khu cách ly, chung một nhà vệ
sinh, thì họ lại được tách riêng ra đi ra một nơi khác. Như vậy thì em thấy
không hiệu quả về phòng, chống COVID vì không ai biết ai lây chéo với ai cả.
Bây giờ có thể chưa phát tán ra nhưng đến khi phát tán ra thì nó lại thành một
điểm dịch mới”.
Khu cách ly thứ
Hai. Ảnh: Thành Nguyễn
Cách ly tập trung lây chéo, cả
khu nổi cáu
Anh Thành cho biết sau bốn tuần cách ly, một số
người đã bị ảnh hưởng về tâm lý rất nhiều, dường như muốn nổi loạn.
“Thực sự rất là kinh khủng.
Đi cách ly đến ngày thứ 21 thôi là nhiều người đã thấy
là bị thần kinh. Họ rất dễ bị nổi cáu, bị xúc động quá. Có một số người có bố ở
nhà bị ốm nặng, họ trèo lên nóc nhà làm những trò điên khùng.
Khi có những người bị lây chéo ở trong khu cách ly rồi
thì mọi người mới bức xúc, bức xúc hơn một tuần rồi, gọi điện lên trên Sở Y tế,
gọi điện lên trên Bộ Y tế. Chỉ có Bộ Y tế họ nghe máy thôi, còn Sở họ trả lời rất
né tránh và có một thái độ tiếp nhận không được welcome (chào đón) lắm, tức
không được nồng nhiệt lắm với những người đang phàn nàn về họ. Nhiều người gọi
nhiều đến mức họ bị (cán bộ) đe dọa, là sẽ cho công an vào cuộc, điều tra này nọ”.
Khu cách ly y tế. Ảnh: Thành Nguyễn
Đấu tranh để đòi
được đi khu thứ ba: 21 ngày
Anh Thành cho biết, một số người to tiếng, làm
gay gắt hoặc biết ăn nói khéo thì được về sớm hơn, 46 ngày thay vì 49 ngày. Cá
nhân anh dù xét nghiệm âm tính nhưng đã chia phòng với người bị dương tính nên
lại bị đi cách ly tiếp. Anh đã liên tục phàn nàn lên cấp trên cho đến Bộ Y tế
và cuối cùng được chuyển đi một khu cách ly thứ ba, đảm bảo hơn về sức khỏe.
Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với nhiều số điện
thoại thuộc Sở Y Tế và tỉnh Sóc Trăng để hỏi về vụ việc nhưng cũng bị ‘tránh
né’ không được trả lời.
Anh Thành thắc mắc: “Em không hiểu mấy
người lãnh đạo chỉ huy ở khu Bộ binh 897 đó lại phải lôi công an ra để làm gì?
Hay là họ đã quen với việc sử dụng bạo lực, sử dụng những đe dọa đó để đàn áp
những tiếng nói? Họ quen rồi”?
Anh tâm sự, tất cả mọi người trong nhóm một
trăm mấy chục người bị cách ly tại khu Bộ binh 897 đã phải đấu tranh mới có được
một số ‘nhượng bộ’:
“Nhờ có sự đấu tranh của nhiều người, tất cả mọi người
đi cách ly ai cũng bức xúc hết. Thế là họ không có lấy được tiền cách ly, họ phải
lún xuống. Họ phải nhường nhịn cho người đi cách ly, chỉ lấy tiền ăn thôi. Ở đến
ngày nào thì lấy tiền ăn đến ngày đấy. Họ lấy tiền ăn, tiền phụ phí sinh hoạt đến
21 ngày thôi, sau 21 ngày họ không tính nữa”.
Anh Thành cho phóng viên RFA xem phiếu thu do
Bộ Chỉ huy Quân Sự Sóc Trăng cấp, đề ngày 13 tháng 6, ngày anh được về nhà để
tiếp tục cách ly thêm bảy ngày tại gia. Thu phí cách ly ghi rõ: Phần ăn 80.000
đồng một ngày nhân 46 ngày, cộng chi phí nhu cầu sinh hoạt 40.000 đồng một ngày
nhân 21 ngày. Tổng cộng với một số thu phí khác tính ra là hơn 4,6 triệu đồng.
Ngoài ra anh còn trả 700.000 đồng cho mỗi lần xét nghiệm, tổng cộng bảy lần là
4,9 triệu đồng.
“Nhân lên thì em mất khoảng 10 triệu”. -anh nói.
Khu cách ly y tế. Ảnh: Thành Nguyễn
Ảnh hưởng kinh tế
Không những thế, trong thời gian cách ly tổng
cộng là 53 ngày, tức hơn bảy tuần, anh Thành cho biết anh còn bị mất việc.
“Ảnh hưởng kinh tế em thấy khá cao vì đối với một số
vùng, thu nhập để có được năm triệu một tháng thì họ cũng phải lao động đổ mồ
hôi, trầy da tróc vẩy thì mới được mức lương như thế. Chưa kể tình hình
bên ngoài về dịch COVID, sau khi đi cách ly về không có mấy công việc để làm,
ai thuê gì thì làm đấy. Em thì bị mất việc vì đi cách ly quá lâu, người ta
không đợi được để dành công việc đó cho em”.
Câu chuyện của anh Thành Nguyễn chỉ là một trường
hợp nói lên những bất cập trong việc ngăn chặn đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại
Việt Nam. Người nhập cảnh vào Việt Nam từ nước ngoài nếu có phương tiện cũng có
thể chọn lựa cách ly ở khách sạn, như một nữ kỹ sư Việt Nam đi từ Nhật về hồi
tháng tư đã làm. Cô chia sẻ qua tin nhắn về trải nghiệm của cô, chỉ kéo dài
đúng 14 ngày:
“Do mỗi chuyến về nước, đều có người nhiễm cao, nên
em nghĩ việc cách ly sẽ hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.
Quy trình đón người, xét nghiệm, quản lý thì thực hiện
nghiêm ngặt. Về việc cách ly khách sạn, phục vụ tương đối tốt, nhưng giá 18 triệu/
15 ngày cách ly thì khá cao so với giá bình thường (gấp hai, ba lần). Trường
hợp này dễ đăng kí về hơn, nhưng thật sự rất gấp mới về kiểu này, do tổng chi
phí hết khoảng 40-50 triệu.
Về việc cách ly quân đội, đỡ tốn chi phí hơn (khoảng
30 triệu), nhưng do cách ly tập trung nên tình trạng lây nhiễm cao hơn. Nhưng
các chuyến bay về kiểu này rất hạn chế, gây khó khăn cho tu nghiệp sinh, lao động,
du học sinh nhưng đang hết hạn visa, buộc phải về nước”.
Có những trường hợp may mắn hơn, như đội tuyển
bóng đá quốc gia Việt Nam khi về lại nước sau khi tham gia vòng loại thứ 2
World Cup 2022 tại Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Bộ Y tế Việt Nam hôm
16 tháng 6 đã chính thức có văn bản cho rút ngắn thời gian cách ly đối với đội
tuyển từ 21 ngày xuống còn bảy ngày.
---------------------------
Tin, bài liên quan
·
Việt
Nam nhập siêu 1,35 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6 vì ảnh hưởng COVID-19
·
Vắc-xin
Nanocovax của Việt Nam thử nghiệm giai đoạn 3, dự kiến sản xuất 100 triệu liều
mỗi năm
·
Việt
Nam ghi nhận 69 ca tử vong liên quan đến COVID-19 tính đến ngày 21/6
·
Hoa
Kỳ giúp Việt Nam phân biệt vắc-xin Pfizer thật, giả
·
Nhật
Bản sẽ tặng cho Việt Nam một triệu liều vắc-xin
·
Nạn
buôn người gia tăng ở Việt Nam giữa đại dịch COVID-19
·
Thách
thức và rủi ro trong chương trình tiêm chủng đại trà của Việt Nam
·
Vingroup
góp gần 140 tỷ đồng thành lập Vinbiocare để sản xuất vaccine
·
Lao
động tự do chật vật trong đợt dịch COVID-19 thứ tư
·
Bộ
Y tế Việt Nam phê duyệt vắc xin Trung Quốc, người dân có muốn tiêm?
No comments:
Post a Comment