Góp
ý với các nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Mùa, đạt, bên cạnh đó
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=978163409684385&id=100024722048900
Chẳng nói ra thì ai cũng tỏ, xứ ta thời nay
không chỉ lắm lễ hội mà còn quá nhiều ngày này ngày nọ. Ngành nào giới nào cũng
có ngày long trọng nhiệt liệt chào mừng của riêng mình. Quân đội, công an, nhà
giáo, địa chất, lâm nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, đái tháo đường, kiến
trúc, nuôi ong… đều ngày riêng tất. Hình như tôi chỉ thấy ngành phân bón hoặc đỡ
đẻ là chưa có ngày kỷ niệm riêng. Một xã hội chẳng lo làm ăn, chỉ lo rạo rực cờ
hoa kỷ niệm quanh năm suốt tháng cũng đủ mệt.
Chả biết tự bao giờ, cứ qua trung tuần tháng 6
dương lịch là người ta, nhất là các doanh nghiệp, đôn đáo mua hoa để cung kính
tới các tòa soạn báo chúc mừng nhân ngày (thứ bao nhiêu) của giới báo chí. Lúc
đầu người ta gọi ngày 21.6 là ngày Nhà báo Việt Nam, sau thấy hơi chối, phải định
danh lại thành Báo chí cách mạng Việt Nam. Làm báo, một thứ nghề trong xã hội
như chạy xe ôm, hốt rác, trồng lúa, móc cống, lãnh đạo, dạy học…, nghề nghiệp
chức phận kiếm sống, có quái gì phải vênh vang, ra vẻ ông nọ bà kia.
Thôi, chuyện ấy khi nào rảnh rỗi sẽ bàn, giờ
nhà cháu chỉ đề cập sự hành nghề. Ai tỉ mỉ một chút sẽ nhận thấy ngày xưa các
ký giả (nhà báo) rất cẩn trọng về bài vở. Chữ nghĩa chính xác, câu cú chuẩn, diễn
đạt hay, vốn từ phong phú. Tiếng Việt, từ ngữ, câu cú của họ được thông qua bộ
lọc cực kỳ khắt khe nghiêm túc nên rất ít khi sai. Ai không tin, cứ giở đọc lại
những tờ báo thời Pháp sẽ thấy. Nhà báo xưa, dù không được đào tạo nghề bài bản
như bây giờ, dù họ chẳng trải qua trường lớp, kiểu học viện báo chí tuyên truyền,
nhưng họ tạo những vị thế đáng kính nể trong xã hội, là những chuyên gia về tiếng
Việt, về ngôn ngữ.
Chưa khi nào đội ngũ làm báo đông như bây giờ.
Theo nhà chức trách công bố, có tới gần nghìn cơ quan báo chí truyền thông, gần
2 chục nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đội ngũ đông, nhân lực lắm, cơ
quan nhiều, chỉ thiếu tự do báo chí và nhà báo giỏi nghề. Chẳng mấy ai
dám chê họ bởi họ hay tự ái lắm (xưa nay những anh ảo tưởng về nghề nghiệp, về
bản thân là những anh hay tự ái nhất) nên tôi chỉ góp đôi điều về chữ nghĩa mà
họ dùng.
Hơn 2 năm nay, cả thế giới, trong đó có nước
ta, khốn đốn bởi dịch Vũ Hán, COVID-19. Nó là dịch bệnh, có bất kỳ, mất cũng bất
kỳ, như xưa kia nhân loại bị dịch tả, dịch hạch, dịch đậu mùa… vậy. Nó không có
chu kỳ, đến và đi không ai biết. Vậy nhưng rất nhiều nhà báo, đại nhà báo, cơ
quan báo chí, truyền thông cứ viết cứ gọi là “mùa dịch”. Họ hoàn toàn không hiểu gì về từ “mùa”
trong tiếng Việt.
Người ta căn cứ vào thiên văn, vào sự vận động
của mặt trời và trái đất để xác định mùa, 4 mùa xuân hạ thu đông, năm nào cũng
thế; căn cứ vào thời tiết để xác định mùa mưa, mùa nắng, mùa bão; vào tình hình
sản xuất và sinh trưởng của cây cối để có mùa cây trồng, mùa lúa chiêm/hè, mùa
vải, mùa xoài; vào phong tục để có mùa lễ hội; vào điều kiện khách quan để có
mùa cưới, v.v.. Cứ nói tới mùa là hình dung nó sẽ tới trong năm vào độ thời
gian nào, bao giờ tới, bao giờ hết. Đã mùa thì phải lặp lại trong năm, theo chu
kỳ nhất định. Dịch bệnh mà
cũng gọi là mùa thì chả khác gì cầu cho mỗi năm nó tới một lần, các bác nhà báo
ạ.
Có một cặp từ nữa rất nhiều nhà báo dùng sai,
là “đạt” và “đoạt”, họ không phân biệt được sự khác nhau. Đạt để chỉ sự phấn đấu,
sự cố gắng thực hiện mục đích, chỉ tiêu nào đó, có quy trình, có thời gian. Ví
dụ học sinh đạt danh hiệu xuất sắc (do em đó thông minh, chăm chỉ, cố gắng, chứ
không thi thố tranh đoạt gì với ai), đạt 5 tấn thóc mỗi hecta, đạt yêu cầu về
tu dưỡng rèn luyện… Đạt là kết quả của quá trình thực hiện điều mong mỏi. Vậy
mà không ít nhà báo, tờ báo, tivi ngang nhiên viết/nói rằng "số người chết
do COVID-19 đã đạt tới...", "tỷ lệ tử vong đạt ngưỡng"... Đến chết
với các ông các bà mất thôi. Không khác gì mùng 1 tết sang nhà ông bán quan tài
chúc tết, chúc bác năm nay buôn bán bằng năm bằng mười năm ngoái.
Đoạt là hành động thi thố, tranh giành, loại
trừ, chiếm lấy, hành động quyết liệt bằng khả năng của mình để giành thành
tích. Đi thi toán quốc tế thì phải là đoạt huy chương chứ không phải đạt huy
chương. Đoạt danh hiệu hoa hậu, đoạt giải nhất giải nhì, đoạt chính quyền. Từ
“đoạt”có gốc Hán Việt nghĩa là chiếm lấy, cướp lấy. Tướng Trần Quang Khải nhà
Trần có câu thơ “Đoạt sóc Chương Dương độ” (cướp giáo của giặc ở bến Chương
Dương). Dùng lẫn lộn “đạt” và “đoạt” tức là không hiểu gì về ngữ nghĩa.
Trên báo và trên tivi, ta hay thấy, hay nghe cụm
từ “bên cạnh đó”. Tôi không hiểu các thầy cô giáo sư tiến sĩ dạy về nghề báo có
xúi học viên dùng mấy chữ này không nhưng chúng rất phổ biến. Tôi (phỉ phui cái
miệng) mà dạy ở trường báo, sẽ cấm tiệt học viên dùng mấy chữ đó, bởi đọc kỹ
các nhà báo viết thì hầu hết dùng sai toét. “Bên” và “cạnh” để dùng với không
gian, đối tượng cụ thể, ví dụ bên ni bên tê, bên nội bên ngoại, bên nghĩa bên
tình, cạnh đường, cạnh nhà, bên cạnh lăng bác, v.v.. Bên cạnh, bên cạnh đó thường
dùng cho cái hữu hình, còn nếu có cho cái vô hình (như tình nghĩa, nội ngoại)
thì cũng là thứ phi vật thể rất dễ hình dung. Ấy thế mà, nhiều nhà báo cứ hơi một
tí là bên cạnh, bên cạnh đó, cả trong trường hợp nói về ý tưởng, đường lối, chủ
trương, ví dụ: thủ tướng chỉ đạo về chính phủ điện tử, bên cạnh đó còn quán triệt
về khoa học công nghệ. Trong những trường hợp như thế, phải dùng cụm từ “ngoài
ra” chứ không phải “bên cạnh đó”.
Thôi, góp ý vậy, kẻo các nhà báo lại bảo lắm
chuyện. Để yên cho người ta vui “lễ”.
Nguyễn Thông
No comments:
Post a Comment