Sunday, 13 June 2021

DẠY THÊM - ĐỔI MỚI - VÀ CÔNG CUỘC KHAI TRÍ (Thái Hạo)

 



 

 

DẠY THÊM - ĐỔI MỚI - VÀ CÔNG CUỘC KHAI TRÍ

Thái Hạo

12/06/2021  lúc 20:29  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1011453646330490&id=100023975920044

 

Hôm qua, mới sáng sớm, anh Nguyễn Quang Thạch – người từng được UNESSCO trao giải thưởng vinh danh những người khai trí năm 2016, gọi điện cho tôi. Cũng chỉ để xả cái bức xúc về nền giáo dục, rồi lại nói cái quyết tâm “cõng sách về nông thôn” của ảnh.

Tôi nói với anh, việc anh đang làm suốt 20 năm qua là to lớn và tuyệt đối đúng. Nhưng anh phải xem về hiệu quả của nó. Anh có thể xây dựng được trên khắp cả nước này, mỗi thôn mỗi bản mỗi trường đều có tủ sách. Vấn đề là học sinh đọc để làm gì và đọc vào lúc nào với một cung cách giáo dục như đang là. Khi chúng nó phải học sáng học chiều học đêm, học nhồi nhét và học thêm đến tê dại như thế này thì thời gian đâu mà đọc sách của anh! Và cũng không có lý do thực tế để đọc. Anh thấy cay đắng không?

 

Anh ta quát lên trong điện thoại: “Vậy chú mày viết về học thêm đi! Tôi nói, “viết cả chục bài rồi, có ăn thua gì đâu”. “Thì viết nữa”!

 

Tôi kể cho ổng nghe cái chuyện tôi vừa đọc thấy trước khi ổng gọi điện. Đó là, dạo một vòng thì gặp cái tút của một đứa học trò. Trong đó, nó “tường thuật” lại một buổi học online, là “học thêm online”, đang diễn ra ngay trong kỳ nghỉ hè này. Khi vừa kết thúc năm học vào cuối tháng 5, nhà trường liền cho học trò về nhà nghỉ với lý do phòng dịch. Nhưng lại ngay lập tức cho tổ chức dạy thêm đối với học sinh lớp 9 để “luyện thi vào lớp 10”. Thời gian học là 3 tuần với số tiền thu mỗi em khoảng 3 triệu rưỡi, đó là chưa kể tiền phòng ở và điện nước mỗi em khoảng 500 ngàn đồng. Chỉ cần với gần 150 học trò, sau 3 tuần người ta thu về trên dưới 500 triệu đồng. Số tiền trả cho giáo viên trực tiếp đứng lớp (14 người) chỉ cùng lắm là một nửa, còn lại một nửa… Đúng là làm giàu không khó. Ba tuần, không phải làm bất cứ cái gì mà nhẹ nhàng bỏ túi đôi trăm hỏi sao người ta không làm?

 

Kỳ lạ là, khi học sinh lớp 9 vừa thi xong thì chương trình học thêm của trường đối với tất cả các lớp cũng liền tiếp nối. Mà là học thêm online! Tôi đọc cái “bài tường thuật” của học sinh đang trực tiếp tham gia chương trình học thêm ấy mà vừa cười vừa khóc. Vì nó được viết bằng một thứ ngôn ngữ của teen rất dí dỏm và trào phúng nhưng chứa đựng sự chán nản tột cùng. Đầu năm nào cũng vậy, người ta đã thu tiền học thêm, năm nay vì dịch mà không thể đến trường, tiền lại không muốn trả lại cho học trò, thế là người ta bày ra học thêm oline. Nhưng mà bắt buộc. Tất cả đều phải học.

 

Trong cái mô tả của em học sinh kia, hết mạng là lại đến đau bụng, “zăng ra”, xin lỗi, mất tích… Bốn tiết đi tong, không được tích sự gì. Đứa học trò kết luận bằng 2 câu: “Nói chung là một ngày chả học được cái đách gì. Hỏi có lương tâm không”. Thế mà người ta vẫn kiên quyết dạy và học. Vì cái gì vậy, trước nỗi chán chường của cả người dạy và người học? Vì tiền. Lợi nhuận của vài cá nhân “lãnh đạo” quá lớn, chứ thực ra giáo viên trực tiếp giảng dạy cũng chỉ là “bán cháo phổi” để nhận về những đồng lương còm. Họ phải dạy vì “phân công”, vì những nhân danh mĩ miều mà người lãnh đạo gán vào cái “công cuộc” dạy thêm ấy: nào là để củng cố kiến thức, nào là bồi dưỡng nhân tài, nào là phát triển năng lực v.v.. Toàn là bịa đặt láo khoét.

 

Ông Thạch bỗng kêu lên: “Hút máu nhân dân”! Tôi nói, “Những việc bất nhẫn như thế, tai quái như thế, sờ sờ như thế mà nó cứ nghiễm nhiên tồn tại thì anh thử nghĩ đi, sách của anh đi lối nào để vào tim vào óc học sinh? Khi mà những đứa trẻ trở thành những miếng bánh ngọt và cha mẹ chúng trở thành con mồi béo cho những kẻ săn mồi siêu hạng thì giáo dục đã bị bức tử rồi.

 

Giáo viên, học sinh, phụ huynh thì không dám phản đối; trong khi “các cấp có thẩm quyền” thì ở xa quá và mắc chứng lãng tai nữa nên khi đó người ta tha hồ mà làm thịt. Mọi thứ cứ mập mờ, tranh tối tranh sáng, mắt nhắm mắt mở để gầy dựng một tương lai không có tương lai.

 

Người ta đang hủy hoại nền giáo dục bằng những cách như thế. Và từ đó mà hủy hoại tiền đồ của đất nước. Trong mọi sự khốn nạn thì khốn nạn nhất là làm tiền trong giáo dục; trong mọi thứ buôn bán thì buôn bán linh hồn trẻ con là ghê tởm nhất. Ấy vậy mà nó vẫn hiên ngang lừng lững như thể trời đất này không còn công lý gì nữa.

 

Năm 2019 tôi kiên quyết “đổi mới” và “xin” được bỏ dạy thêm đối với môn văn trong toàn trường bằng lời hứa là tôi sẽ đảm bảo kết quả cho họ. Tất nhiên họ không có lý do để từ chối. Sau 1 năm, khi có kết quả thi THPT QG, điểm trung bình của toàn trường thấp hơn năm liền trước 0.2 trong tương quan so sánh với 1 trường chuyên còn lại của tỉnh, thế là họ dẹp chương trình của tôi và bắt tất cả học thêm lại như cũ. Nghĩa là chỉ mới năm đầu thử nghiệm, và được học từ học 2 buổi xuống còn 1 buổi, chỉ vì 0.2 điểm thành tích vô bổ mà người ta sẵn sàng ép cả gần 1 ngàn đứa học trò phải vật vã học thêm suốt 1 năm trời. Thử hỏi, họ vì cái gì?

 

Tôi nói với ông Thạch: Nếu không dẹp được những tệ nạn đốn mạt như thế trong giáo dục, sẽ không có đường cho khai trí. Nếu thật lòng muốn “đổi mới giáo dục”, đầu tiên là phải quét sạch những thứ gai góc độc trùng này đi đã. Anh không thể trồng một cái cây vào giữa cánh đồng đầy những trâu bò thả rông đang mặc sức giày xéo giẫm đạp.

 

Thái Hạo

 

82 BÌNH LUẬN  

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats