Covid,
Nga và Trung Quốc: Ba trọng tâm chuyến thăm Châu Âu của TT Mỹ Biden
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng ngày: 08/06/2021 - 15:12
Kể từ ngày 10/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden công
du châu Âu, trong bối cảnh Washington cần phải làm dịu quan hệ Mỹ-Âu, vốn thường
gặp trắc trở dưới thời chính quyền Donald Trump. Bên cạnh đó, trung thành
với quan điểm đa phương của ông, tổng thống Biden sẽ tìm cách tập hợp các đồng
minh trong nhóm G7, khối NATO và Liên Hiệp Châu Âu, để đối phó với ba thách thức
chính: Covid-19, Nga và Trung Quốc.
Ảnh tư liệu chụp
ngày 16/03/2021, tổng thống Joe Biden vẫy tay chào trên cầu thang chiếc Air
Force One tại căn cứ không quân Andrews, Hoa Kỳ. AP - Susan Walsh
Theo ghi nhận của hãng
tin Anh Reuters, vấn đề nóng bỏng mà cường quốc số một hành tinh phải giải quyết
là dịch bệnh Covid-19 đang tàn phá thế giới. Các biến thể mới của virus gây dịch
bệnh, số tử vong tăng cao ở một số quốc gia, hồ sơ này sẽ chiếm một ví trị
quan trọng trong chương trình nghị sự của các cuộc họp mà ông Biden tham dự từ
Thứ Sáu 11/06, cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu
và nhất là bảo đảm sao cho phương Tây tiếp tục duy trì lợi thế công nghệ so với
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhu cầu tập hợp đồng minh đã được chính cố vấn
An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng Jake Sullivan xác nhận với các phóng viên tại cuộc họp
báo hôm qua, 07/06: “Về cơ bản, chuyến đi sẽ phát huy các yếu tố nền tảng
trong chính sách đối ngoại của tổng thống Joe Biden nhằm tập hợp các nền dân chủ
trên thế giới để giải quyết những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”.
Các cuộc họp theo phương châm mới - “Nước
Mỹ đã trở lại” - sẽ là dịp để tổng thống Biden cố thuyết phục các đồng
minh, từng bị vỡ mộng trong những năm tháng Donald Trump, vốn đang muốn thấy những
hành động rõ ràng và bền vững từ phía Hoa Kỳ.
Vấn đề Nga sẽ chiếm vị trí hàng đầu tại hội
nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh Quốc, và những ngày sau đó, khi Biden
gặp các nhà lãnh đạo châu Âu và các đồng minh NATO tại Bruxelles, trước khi tới
Genève để gặp tổng thống Vladimir Putin.
Mỹ hiện đang xem xét cách phản ứng mạnh hơn chống
lại Nga sau hai vụ việc: Các cuộc tấn công bằng mã độc đòi tiền chuộc gần đây
mà tin tặc bị nghi là từ Nga, và việc Putin công khai hỗ trợ Belarus sau
khi nước này có hành vi không tặc đối với một chuyến bay của hãng hàng không
châu Âu Ryanair.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gặp Biden
tại Nhà Trắng vào hôm qua và đã xác nhận với các phóng viên sau đó rằng, những
thách thức mà các đồng minh sẽ đối đầu tại các hội nghị thượng đỉnh của họ sẽ
là Nga và Trung Quốc, bên cạnh những thách thức khác.
Trọng tâm Trung Quốc đã được tổng thư ký NATO
nêu bật, khi ông cho rằng một Trung Quốc đang trỗi dậy với đà tăng cường quân sự
nhanh chóng đang trở thành vấn đề, vì lẽ “họ ( Trung Quốc ) không chia
sẻ các giá trị của chúng ta (phương Tây)”.
Ông Stoltenberg giải thích là Mỹ cũng như NATO
đều đã thấy “cách họ đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông,
cách họ đối phó với người thiểu số... và cách họ cưỡng chế các nước láng giềng
... như Đài Loan”. Đối với lãnh đạo NATO: “Chúng ta cần đứng lên vì trật
tự dựa trên luật pháp".
Theo nhận định của nhật báo Mỹ The Washington
Post ngày 07/06, một cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại châu Âu đã cho thấy thái
độ ủng hộ đáng kể của công luận châu Âu đối với phần lớn chương trình nghị sự
đã nêu của tổng thống Biden, bao gồm hành động vì khí hậu, đầu tư vào an ninh mạng
và lập trường mạnh mẽ hơn chống lại Trung Quốc: 62% người được hỏi muốn chính
phủ của họ có quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh về nhân quyền.
***
CÁC NỘI DUNG LIÊN
QUAN
Belarus
ép phi cơ dân dụng hạ cánh để bắt đối lập, Liên Âu và Mỹ phản ứng mạnh mẽ
Biden
gặp Putin giữa tháng Sáu tại Thụy Sĩ
Các
nước dân chủ hai bờ Đại Tây Dương cần có kế hoạch đối phó chung với Bắc Kinh
No comments:
Post a Comment