Sunday, 6 June 2021

COVID-19 : DÂN VIỆT NAM RẤT NGHI NGẠI VACCINE TRUNG QUỐC (Thanh Phương - RFI)

 



Covid-19 : Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc   

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 05/06/2021 - 10:53

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20210605-dan-viet-nam-rat-nghi-ngai-vac-xin-trung-quoc

 

Hôm qua, 04/06/2021, bộ Y Tế Việt Nam đã phê duyệt “có điều kiện” vac-xin của tập đoàn Trung Quốc Sinopharm. Đây là loại vac-xin thứ 3 được phê duyệt ở Việt Nam, nhưng theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chính phủ sẽ phải nỗ lực thuyết phục người dân chấp nhận cho chích loại vac-xin này, do tâm lý bài Trung Quốc trong công luận Việt Nam. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/ebd1861a-c5da-11eb-a831-005056a98db9/w:900/p:16x9/Chine_Vaccin.webp

Dân Việt Nam rất nghi ngại vac-xin Trung Quốc. Ảnh minh họa. © flickr

 

Hiện giờ, Việt Nam chích ngừa Covid-19 với hai loại vac-xin là AstraZeneca và Sputnik của Nga, nhưng trên tổng dân số hơn 97 triệu dân chỉ mới có khoảng hơn 1 triệu được tiêm phòng. Để có thể đẩy nhanh việc tiêm phòng, chính phủ đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vac-xin Pfizer/BioNTech, sẽ được giao cuối năm nay và đang thương lượng với Moderna để được cung cấp đủ thuốc tiêm ngừa cho 70% dân số.

 

Cũng nhằm « phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch tại Việt Nam », bộ Y Tế hôm qua đã phê duyệt thuốc tiêm ngừa của Sinopharm, nhưng theo South China Morning Post, một nhà nhập khẩu thiết bị y tế ở Sài Gòn cho biết ông đã « ngay lập tức » nói « không » với vac-xin Trung Quốc. Ông khẳng định đây cũng là quan điểm phổ biến ở Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm cung cấp thiết bị y tế ngoại quốc cho các bệnh viện ở miền nam.

 

Nhật báo Hồng Kông trích lời nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, có hai mối quan ngại về việc mua vac-xin Trung Quốc. Thứ nhất là vấn đề minh bạch, vì một số nước như Nepal khi ký hợp đồng mua vac-xin Trung Quốc đã buộc phải ký thỏa thuận về « bảo mật thông tin », cụ thể là không được tiết lộ những thông tin như giá vac-xin. Thứ hai, Trung Quốc có thể dùng vac-xin để gây áp lực với Việt Nam trên những vấn đề khác, ví dụ như vấn đề Biển Đông.

 

South China Morning Post nhắc lại là ngay cả trước khi được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt, hàng trăm triệu liều vac-xin của Trung Quốc đã được bán hoặc được tặng cho các nước đang phát triển trong nỗ lực của Bắc Kinh thi hành chính sách « ngoại giao vac-xin ».

 

Cũng theo nhật báo Hồng Kông, một sinh viên ở Sài Gòn cho biết anh muốn chờ được chích vac-xin Pfizer/BioNTech. Trên báo mạng vnExpress, một người sử dụng Internet cũng nói : «  Nếu không có AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik, tôi sẽ chờ được chích NanoCovax. » NanoCovax là loại vac-xin tiến xa nhất trong 3 vac-xin đang được phát triển ở Việt Nam, theo dự kiến có thể được đưa ra sử dụng trong quý 4 năm nay.

 

Tuy vậy, cũng có những người chấp nhận cho tiêm ngừa với bất cứ vac-xin nào, cho dù là vac-xin Trung Quốc, nếu được bảo đảm về độ an toàn, như ý kiến của một nhân viên công ty thiết bị nước ở Hà Nội được South China Morning Post trích dẫn.

 

Nhật sẽ tặng vac-xin cho Việt Nam

 

Theo hãng tin Kyodo News hôm nay, 05/06, trích lời một dân biểu Đảng Tự Do Dân Chủ LDP đang cầm quyền ở Nhật, Tokyo chuẩn bị tặng cho Việt Nam các liều vac-xin AstraZeneca mà Nhật đã mua về nhưng chưa đưa vào chương trình tiêm chủng ở nước này, do đã xảy một số ca đông máu ở các nước khác.

 

                                                    ****

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Covid: Việt Nam thông báo phát hiện biến thể virus ''nguy hiểm gấp bội''

 

Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc

 

Covid-19 : Việt Nam dự trù tình huống 30.000 ca nhiễm, tìm đường tự chủ vac-xin

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats