CÓ
NÊN LẬP QUỸ VẮC-XIN PHÒNG COVID-19?
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=5787526994651583&id=100001830205620
Việc Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng
Covid-19 Việt Nam (Quỹ) tạo ra cả sự ủng hộ lẫn phản đối. Câu hỏi quan trọng là
việc thành lập Quỹ có cơ sở hay không, và nếu có thì cơ sở đó là gì?
Trong các xã hội hiện đại, nhà nước có vai trò
đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân, và hiển nhiên trong bối cảnh đại dịch,
vai trò này của nhà nước cần kíp hơn bao giờ hết.
Từ góc nhìn này, việc Chính phủ thành lập Quỹ
vắc-xin phòng Covid-19 là một sự thừa nhận rằng ngân sách quốc gia hiện nay
không đủ để trang trải chi phí mua, sản xuất và triển khai tiêm chủng vaccine.
Nói theo ngôn ngữ kinh tế học, đây là biểu hiện của “thất bại chính phủ”
(government failure) về mặt ngân sách.
Câu hỏi đặt ra là vậy cách thức sửa chữa “thất
bại chính phủ” nên như thế nào?
Cách thứ nhất, đáng lẽ phải được thực hiện từ
giờ này năm ngoái, là chuẩn bị trước ngân sách để có thể chủ động triển khai kế
hoạch vaccine. Đáng tiếc là trong dự toán ngân sách nhà nước 2021, không hề có
khoản nào dành cho vaccine. Cũng cần nói thêm là trong dự toán ngân sách 2021
có 20.611 tỷ đồng dành cho chi thường xuyên các lĩnh vực y tế, dân số và gia
đình, nhưng theo luật, không thể lấy ngân sách này để mua hay sản xuất vaccine
được.
Cách thứ hai là phát hành trái phiếu. Điều này
gặp phải khó khăn là trong kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2021 cũng không có
khoản nào dành cho vaccine. Tất nhiên Chính phủ vẫn có thể bổ sung kế hoạch
phát hành nợ, song quy trình này sẽ mất thời gian, hơn nữa việc sử dụng nợ công
có những ràng buộc nhất định, và do vậy có thể không đáp ứng yêu cầu cấp bách
trước mắt.
Cách thứ ba là trông chờ vào sự giúp đỡ của
bên ngoài, cả đa phương và song phương. Trong bối cảnh vaccine đã trở thành
hàng hóa chiến lược và đối ngoại thì triển vọng của phương thức này vô cùng
mong manh, vì vậy hoàn toàn không thể dựa vào được.
Cách thứ 4, cách mà Chính phủ đang làm, là
hình thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để huy động các nguồn tài trợ,
hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp và người dân.
Theo một nghĩa nào đó, Chính phủ sửa chữa “thất bại ngân sách” bằng phương thức
xã hội hóa.
Tất nhiên, “xã hội hóa” không phải là giải
pháp duy nhất. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra quyết nghị sử dụng
12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch. Bên cạnh
đó, Chính phủ cũng có thể sử dụng ngân sách dự phòng (17.500 tỷ đồng) hay ngân
sách vượt thu cho nhiệm vụ này (một thực tế “thú vị” là trong năm 2020, mặc dù
kinh tế suy giảm nặng nề nhưng ngân sách nhà nước vẫn vượt thu 9,1% so với dự
toán ?!)
Nói tóm lại, việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng
Covid-19 là nỗ lực sửa chữa thất bại ngân sách bằng phương thức xã hội hóa. Việc
hình thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giúp Chính phủ “rộng tay”
mua, sản xuất và triển khai tiêm chủng vaccine với tốc độ nhanh nhất. Tuy
nhiên, điều này cũng hàm chứa nhiều rủi ro, vì vậy cần phải được thực hiện với
đầy đủ sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để tránh đi vào vết xe
đổ của máy trợ thở trước đây.
No comments:
Post a Comment