Tuesday 8 June 2021

CẬP NHẬT TIN CHỐNG DỊCH Ở VIỆT NAM NGÀY 08/06/2021 (BTV Tiếng Dân)

 



 

Cập nhật tin chống dịch ở Việt Nam ngày 8-6-2021

BTV Tiếng Dân

08/06/2021

https://baotiengdan.com/2021/06/08/cap-nhat-tin-chong-dich-o-viet-nam-ngay-8-6-2021/

 

Gần một tháng rưỡi kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các quan chức Việt Nam càng cố sức tuyên truyền rằng họ đang kiểm soát được tình hình, thì liên tiếp xuất hiện các diễn biến ngược lại những thông điệp tuyên truyền của họ. Loạt tin tức chiều nay, chỉ riêng Sài Gòn cho thấy, rủi ro dịch bệnh hiện diện ngay tại trung tâm kinh tế của đất nước.

 

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: TP.HCM: Một bệnh nhân tử vong trên đường chuyển viện, kết quả xét nghiệm mắc COVID-19. Đó là bệnh nhân nữ, ở phường 15, quận Gò Vấp. Trưa hôm qua, bệnh nhân được người nhà đưa vào BV quận Gò Vấp trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng. Đến 6h tối qua, dù người bệnh được chữa trị tích cực, diễn biến bệnh tiếp tục trầm trọng, nên được chuyển qua BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Bệnh nhân đã ngưng tim trên đường chuyển viện.

 

Thời điểm người bệnh nói trên tử vong, BV quận Gò Vấp chỉ mới lấy mẫu xét nghiệm, sau đó xác nhận người bệnh dương tính với Covid-19. Theo kết quả điều tra ban đầu, người bệnh khởi phát ho, sốt từ một tuần nay nhưng tự mua thuốc điều trị ở nhà. Chồng của bệnh nhân cũng được xác định dương tính với Covid-19, cả 2 trường hợp đều chưa rõ nguồn lây.

 

BV ĐKQT Vinmec có clip: Hai vợ chồng cùng nhiễm COVID-19, vợ tử vong trên đường chuyển viện.

 

Cũng ở Sài Gòn, VnExpress đưa tin: Một chiến sĩ công an mắc Covid-19 suy hô hấp nặng. Đó là bệnh nhân số 8944, công an phường Phú Trung, quận Tân Phú, từng làm nhiệm vụ trực tại BV quận Tân Phú từ ngày 28 đến 31/5. Kết quả xét nghiệm ngày 1/6 âm tính với Covid-19. Từ ngày 1 đến 4/6, ông này trực ở Kênh Tân Hóa.

 

Từ ngày 2 đến 4/6 mới xuất hiện triệu chứng bệnh đường hô hấp và sốt cao. Đến ngày 5/6, người này mới đến bệnh viện khám bệnh và được xét nghiệm, cho kết quả dương tính với Covid-19. Chỉ 3 ngày sau khi nhập viện, người này đã phải chuyển viện sang BV Chợ Rẫy, do bệnh diễn tiến nặng.

 

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận, hai mẹ con ở TP.HCM dương tính nCoV chưa rõ nguồn lây, theo VietNamNet. Hai mẹ con đều ở phường Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Người mẹ bị sốt 4 ngày không khỏi, nên cùng con đi khám bệnh chiều 5/6. Sáng 6/6, cả 2 người đều được xác nhận dương tính Covid-19, dù không tiếp xúc với bất cứ chuỗi lây nhiễm nào ở thành Hồ. “Những ngày qua, thành phố liên tục ghi nhận các ca dương tính nCoV khi đi khám bệnh và chưa rõ nguồn lây”.

 

Zing có đồ họa: 27 bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM chưa rõ nguồn lây.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/do-hoa-1.jpg

 

Trưa nay, Bộ Y tế thông báo, ca tử vong thứ 54 là bệnh nhân COVID-19 có tiền sử xơ gan, VOV đưa tin. Đó là bệnh nhân ở TP Hưng Yên, một tuần trước khi nhập viện đã có triệu chứng sốt, mệt mỏi, chán ăn, nhập viện ngày 4/5 nhưng kết quả xét nghiệm âm tính. Lần xét nghiệm ngày 9/5 mới cho kết quả dương tính. Bệnh nhân đã được cứu chữa trong hơn một tháng nhưng bệnh ngày càng nặng và qua đời.

 

Sau đó, Bộ Y tế tiếp tục công bố bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 55, theo VietNamNet. Đó là cụ bà ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim. Người bệnh không liên quan đến vùng dịch tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, mà được phát hiện nhiễm Covid-19 thông qua khám sàng lọc, nhập viện từ ngày 16/5, đến hôm nay không qua khỏi.

 

Đối với ca tử vong vì Covid-19 trên đường chuyển viện ở Sài Gòn, mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính sau khi người bệnh qua đời, nên Bộ Y tế chưa cập nhật trường hợp này vào danh sách người chết liên quan đến Covid-19 ở VN. Nếu tính người này, VN có 3 người chết do Covid-19 chỉ trong ngày nay.

 

Hôm qua, CDC Hà Nội phát hiện trường hợp người bán rau ở thị trấn Đông Anh nhiễm Covid-19 không rõ nguồn lây, là bệnh nhân 8853. Hôm nay, CDC Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm một tiểu thương Hà Nội nghi mắc Covid-19, theo VnExpress. Người này đã tiếp xúc gần với ca bệnh 8853, ngày 30/5; có triệu chứng ho, mệt mỏi từ ngày 2/6 nhưng đến hôm nay mới được lấy mẫu xét nghiệm.

 

                                                       ***

Trong lúc chính quyền VN vẫn loay hoay chưa kiểm soát được các ổ dịch lớn ở cả hai miền Nam – Bắc, lại xuất hiện thêm nguy cơ mới: Lây nhiễm chéo trong các khu cách ly. Zing có bài phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cựu Cục trưởng Cục Y tế: ‘Cách ly tập trung sẽ phản tác dụng nếu để lây nhiễm chéo’. Ông Nga thừa nhận, “nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly là hiện hữu”.

 

Ông Nga cảnh báo: “Kể cả khi chỉ có 2 người trong phòng cách ly, hai người này tuân thủ mọi biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, nói chuyện cách xa 2 m thì vẫn có nguy cơ lây bệnh cho nhau”. Còn thực tế là một số khu cách ly đã bắt đầu có dấu hiệu quá tải, khi VN ghi nhận hơn 6000 ca nhiễm cộng đồng chỉ hơn một tháng bùng dịch.

 

VnExpress có bài: Chuyên gia xuất thay đổi biện pháp cách ly F1. PGS Nguyễn Viết Nhung thừa nhận khuyết điểm của biện pháp “nhét” người dân vào các khu cách ly tập trung: “Đây là chủ trương nhân văn, nhưng khi số lượng F1 quá lớn, Nhà nước đảm bảo chi phí đưa đón, sinh hoạt cho người cách ly gây gánh nặng và tốn kém cả về nhân lực, vật chất”.

 

Ông Nhung cảnh báo nguy cơ lây nhiễm ngay trong khu cách ly: “Có nghĩa là những người lẽ ra không bị nhiễm bệnh, nhưng vào khu cách ly tập trung lại bị lây. Đây là điều không ai mong muốn, khiến tâm lý mọi người lo sợ. Cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn vì phải đi cách ly”. Một số chuyên gia y tế đề xuất giải pháp để các trường hợp F1, F2 được phép tự cách ly tự nhà, giảm áp lực cho các khu cách ly.

 

VTC có clip: Các khu cách ly quá tải, Hà Nội lên kế hoạch lập 72 khu cách ly tập trung mới.

https://www.youtube.com/watch?v=HA2ECPuVPu8

 

Về bản chất, biện pháp theo dõi, đưa người dân vào khu cách ly chỉ là hình thức nâng cao của thủ thuật giám sát người dân dựa trên mạng lưới công an, an ninh, dân phòng hùng hậu. Biện pháp này đã tỏ ra tương đối hiệu quả trong 3 đợt bùng dịch trước, nhưng đến đợt này thì có vấn đề. Sự xuất hiện liên tiếp của các ca nhiễm không rõ nguồn lây ở nhiều nơi, cùng rủi ro quá tải và lây nhiễm chéo trong khu cách ly ngày càng hiện rõ, cho thấy VN cần thay đổi biện pháp chống dịch.

 

Lãnh đạo VN đã quen cai trị dân bằng lực lượng an ninh, dân quân đông đảo, nên tận dụng luôn mấy nhóm người này để “chống dịch”. Thay vì tích trữ nguồn lực kinh tế, có kế hoạch mua vaccine từ sớm như các nước trong khu vực, lãnh đạo VN chỉ quanh quẩn với mấy trò theo dõi, giám sát, khoanh vùng, cách ly, truy vết… để tự lừa mình rằng có thể chống Covid-19 mà không cần vaccine. Đến khi biến chủng Ấn Độ của Covid-19 ập vào VN, “đục” thủng được cả những phòng tuyến “chống dịch” kiên cố nhất, VN mới tỉnh mộng, thừa nhận vai trò của vaccine thì đã muộn.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/06/0-50-768x547.jpg

Tranh tuyên truyền chống dịch ở Việt Nam. Nguồn: TT

 

VnExpress có bài: ‘Chiến dịch nở hoa’ giúp Campuchia bứt tốc tiêm chủng. Dù là nền kinh tế kém phát triển, Campuchia đã nhanh chóng mua vaccine để chích ngừa cho người dân. Đến ngày 3/6, hơn 16% dân số nước này, tương đương 2,5 triệu người, đã chích ít nhất một liều, còn số dân Campuchia đã chích đủ 2 liều đạt tới 2,09 triệu người. Tại Đông Nam Á, tỷ lệ chích ngừa của Campuchia chỉ đứng sau Singapore, hiện Singapore đã chích được cho 35% dân số.

 

Các số liệu “biết nói” cho thấy, VN đã chậm chân trong cuộc chiến lâu dài chống Covid-19, thậm chí cả khi so sánh với Campuchia, từng là một trong các nước Đông Nam Á nghèo nhất, có giai đoạn phải lệ thuộc vào VN. Trừ khi có đủ vaccine để chích cho dân, nếu không thì VN vẫn chỉ có thể miễn cưỡng chống dịch, tự lừa mình với mấy khẩu hiệu “thắng dịch”.

 

RFA có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Simon Trần Hudes của Trung tâm CSIS: Việt Nam trước chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Simon bình luận vụ VN phê duyệt vaccine TQ: “Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng hơi muộn, trong khi nhiều nguồn cung ứng vắc xin đã bị các nước khác tranh hết. Vì vậy Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhiều nguồn vắc xin khác nhau. Với lịch sử vốn đầy tranh chấp với Trung Quốc, đây có lẽ là quốc gia cuối cùng mà các quan chức Việt Nam muốn tìm tới. Nhưng tại thời điểm này, có vẻ như họ phải làm điều đó để đạt được mục tiêu của mình”.

 

Mời đọc thêm: Sáng 8/6: Thêm 43 ca mắc COVID-19 trong nước, Việt Nam có 9.027 bệnh nhân (SKĐS). – Trưa 8/6, Việt Nam ghi nhận 75 ca mắc COVID-19 mới trong nước (VOV). – Tối 8-6: Thêm 53 ca ghi nhận trong nước, TP.HCM có 14 ca (TT). – Ngày 8/6, TP.HCM có thêm 39 người mắc Covid-19, 3 ca chưa rõ nguồn lây (Zing). – Ca nghi Covid-19 ở TP HCM tử vong trên đường chuyển viện (VNE). – Hồ Chí Minh có ca tử vong thứ hai do COVID-19 khi vừa nhập viện điều trị (RFA). – Ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng đã lây nhiễm đến vòng thứ 5 (VTC).

 

– Covid: Trung Quốc cam kết viện trợ thêm cho Đông Nam Á — Covid-19: Việt Nam đổi chiến lược chống đợt dịch nặng bất ngờ — Tây Ban Nha mở cửa bãi biển cho du khách đã được tiêm ngừa Covid-19 — Covid-19: Thái Lan bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc (RFI).

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats