Friday, 18 June 2021

BỆNH THÔ TỤC CỦA NGƯỜI VIỆT : NHÀ DỘT TỪ NÓC, ĐỪNG MẮNG CÓC CHỬI TRỜI (Y Chan - Luật Khoa)




Bệnh thô tục của người Việt : Nhà dột từ nóc, đừng mắng cóc chửi trời

Y CHAN  -  LUẬT KHOA

18/06/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/06/benh-tho-tuc-cua-nguoi-viet-nha-dot-tu-noc-dung-mang-coc-chui-troi/

 

Chửi bới tục tĩu không phải là vấn đề riêng của bóng đá hay thể thao. Nó là hệ thống.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-23-1024x536.jpeg

Ảnh: iStock, Canva

 

Nhiều năm qua, mỗi dịp đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu quốc tế, dư luận trong nước lại phải muối mặt với hành động của không ít cổ động viên. Họ hùa nhau tấn công các diễn đàn, trang mạng xã hội của những cá nhân, tổ chức ở nước ngoài bằng những lời lẽ xúc phạm tục tĩu.

 

Hành vi này đáng lên án ra sao, ai cũng rõ.

 

Nhưng có một điểm hiếm khi được chỉ ra: phản ứng của dư luận và truyền thông trong nước trước hiện tượng này rất có vấn đề.

 

Các tiếng nói phản đối mạnh mẽ nhất xuất hiện khi những hành động đó nhắm đến người nước ngoài, bị bêu tên trên báo đài quốc tế.

 

Cùng lúc đó, nhiều người mặc nhiên nghĩ đây là chuyện riêng của cổ động viên thể thao, chỉ cần chấn chỉnh nhóm này là giải quyết xong việc.

 

Căn bệnh thô tục của người Việt Nam sẽ không bao giờ được chữa chừng nào còn tồn tại những cách nghĩ như vậy.

 

                                                  ***

 

Trước hết cần nói rõ, “thô tục” hay “chửi bậy” là cách gọi không chính xác của hiện tượng này, dù nó được dùng phổ biến.

 

Việc dùng lời nói, chữ viết để tấn công, cưỡng bức, hạ thấp người khác phải gọi đúng tên là hành vi bạo lực ngôn từ.

 

Người thực hiện hành vi bạo lực này có thể dùng ngôn ngữ thô tục hoặc không.

 

Bản thân những từ ngữ thô tục không phải là vấn đề. “Đụ má” hay “cái lồn” đối với người nước ngoài không hiểu tiếng Việt chỉ là một loại âm thanh/ chữ viết không hơn không kém. Cũng như “pedicabo” hay “irrumabo” đối với những ai không biết tiếng Latin nghe cũng vui tai lạ mắt chứ không có ý nghĩa gì đặc biệt. [1]

 

Vấn đề nằm ở ý định của người sử dụng ngôn từ: muốn xúc phạm, miệt thị, tấn công người khác hay không.

 

Xác định rõ như vậy để thấy rằng không phải cứ nói tục là đang thực hiện hành vi bạo lực ngôn từ, và không phải cứ nói lời hoa mỹ là thể hiện sự tôn trọng người khác.

 

Tôi cũng không cho rằng chửi tục lẫn bạo lực là vấn đề của đa số người Việt Nam.

 

Nhân loại tiến hóa được đến thời điểm hiện tại đều nhận thức được rằng bạo lực có hại nhiều hơn có lợi, còn chửi tục thì mệt và lãng phí thời gian hơn là nói chuyện đàng hoàng tử tế.

 

Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy người Việt Nam là ngoại lệ trong quá trình tiến hóa này.

 

Ở Việt Nam, giống như nhiều nơi khác, hành vi bạo lực nói chung và bạo lực ngôn từ nói riêng tồn tại ở một nhóm nhỏ người. Vấn đề là, trong một thời gian dài, nó được khuyến khích, dung dưỡng và lợi dụng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-24.jpeg

Sau trận đấu với UAE vào rạng sáng ngày 16/6/2021, hàng chục ngàn cổ động viên Việt Nam vào chửi bới tại các trang Facebook mang tên trọng tài Ali Sabah Adday Al-Qaysi. Nhiều tài khoản có vẻ là mạo danh. Ảnh chụp màn hình một tài khoản hiện có gần 20.000 lượt theo dõi.

 

                                                        ***

Hãy bắt đầu bằng bóng đá.

 

Ngày trước, các hành vi phi văn hóa trong bóng đá diễn ra nhan nhản khắp nơi. [2] Cổ động viên chửi thề, huấn luyện viên chửi tục, vận động viên thượng cẳng tay hạ cẳng chân, thậm chí các lãnh đạo cũng quyết tâm ăn thua đủ với nhau.

 

Không ít lần nó được chỉ ra là xấu, nhưng chỉ cần đạt được thành tích (tức là chiến thắng), hầu như mọi thứ lại được xí xóa. Điều này đặc biệt đúng khi đội tuyển bóng đá thi đấu với nước ngoài.

 

Cùng một lối chơi chém đinh chặt sắt bị lên án ở trong nước, ở cấp độ đội tuyển đối đầu với nước ngoài, nếu có thành tích tốt, nó sẽ được gọi một cách mỹ miều là phong cách “lăn xả”, “máu lửa” hay “hết mình”.

 

Mọi chuyện có phần thay đổi từ lứa cầu thủ trẻ do Hoàng Anh Gia Lai đào tạo, những người được dạy phải đặt sự tôn trọng người khác lên trên ham muốn chiến thắng bằng mọi giá.

 

Lối bóng đá đẹp của Hoàng Anh Gia Lai được nhiều người đón nhận. [3] Tuy vậy, mỗi khi thành tích thi đấu của họ không được tốt, phong cách này lại bị chỉ trích là “đá cho vui”. [4]

 

Lứa cầu thủ trẻ tài năng này đem lại một diện mạo mới cho đội tuyển bóng đá quốc gia. Cùng với sự xuất hiện của huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo, một người chủ trương “ủng hộ bóng đá cao thượng, ủng hộ lối chơi đẹp”, bóng đá Việt Nam ở cấp độ đội tuyển đích thực đã có một sinh khí mới. [5]

 

Nhưng diện mạo và sinh khí mới này có tác động đến đâu tới văn hóa chung của bóng đá trong nước, tới những cổ động viên, vận động viên và huấn luyện viên cấp câu lạc bộ, đó là một câu hỏi lớn.

 

Bạo lực sân cỏ vẫn là một thứ thường xuyên xuất hiện ở giải bóng đá trong nước. [6] Nhiều cổ động viên không có dấu hiệu gì chia sẻ thứ văn hóa ứng xử tích cực mới. Họ vẫn nhiệt tình chửi rủa trọng tài, mạ lị cầu thủ đối phương, thậm chí chửi cả một câu lạc bộ nước ngoài chỉ vì không chịu xếp một cầu thủ Việt Nam vào đội hình chính thức ra sân thi đấu. [7]

 

Những hạt giống nhỏ tốt đẹp vẫn chưa thể thay đổi được thứ (phi) văn hóa đã ăn sâu vào gốc rễ.

 

Điều đó không có gì ngạc nhiên, vì đây không phải chỉ là vấn đề của bóng đá hay thể thao.

 

                                                         ***

 

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người Việt Nam “lên đồng” với các trận bóng, xem các trò chơi vô thưởng vô phạt là những cuộc quyết chiến, xem đội bạn là kẻ thù, quyết tâm phải thắng bằng mọi giá. Để rồi chỉ cần bất kỳ một sự việc không như ý nào xảy ra, họ sẵn sàng viện đến bạo lực để “đòi công lý”.

 

Gần 50 năm kể từ khi cuộc chiến Nam – Bắc kết thúc, trên khắp các cơ quan báo đài của nhà nước, người dân vẫn hàng ngày nghe những giọng điệu tuyên truyền về “thế lực thù địch”.

 

Gần nửa thế kỷ nắm quyền, chính quyền vẫn luôn lo sợ trước bất kỳ ý kiến trái chiều nào, sẵn sàng chụp mũ “phản động” và gọi những người trái ý mình là kẻ thù của đất nước.

 

Để chống lại những “kẻ thù” đó, ngoài các phương tiện bạo lực thông thường, họ còn tập hợp một lực lượng dư luận viên đông đảo “vừa hồng vừa chuyên”, sẵn sàng “đấu tranh chống các quan điểm sai trái”. [8]

 

Quan sát cách đạo quân hồng chuyên này “thực thi nhiệm vụ” ở các diễn đàn, trang cá nhân của những nhà hoạt động, của các tổ chức nhân quyền, thậm chí là các trang chính thức của chính phủ nước ngoài, liệu có ai nhìn thấy sự khác biệt với đội quân cổ động viên hùng hổ chửi bới tục tĩu?

 

Những hành vi “làm loạn” và “xấu xí” của nhóm cổ động viên Việt Nam thực chất chỉ là mấy que pháo bông lẻ tẻ so với thùng thuốc nổ được chính quyền, truyền thông và một phần xã hội dung dưỡng bấy lâu nay. [9]

 

Tháng 8/2020, trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bị tấn công với hàng ngàn bình luận chửi bới công kích khi “dám” lên tiếng về vụ xét xử một nhóm bất đồng chính kiến trong nước. [10]

 

Trang Facebook của Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Việt Nam vào tháng 4/2021 cũng nhận được hàng trăm lượt chửi rủa khi đăng bài ủng hộ nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh bị chính quyền bắt giữ. [11]

 

Các trang Facebook của BBC News Tiếng Việt, của Đài Á Châu Tự Do từ lâu đã là địa chỉ thường trú của đội ngũ dư luận viên. [12] [13] Những bài viết có thông tin tiêu cực về chính quyền thường xuyên được minh họa bằng hàng loạt các bình luận tục tĩu.

 

Một sự việc điển hình là vụ tấn công vào làng Đồng Tâm đầu tháng 1/2020. Chỉ một ngày sau khi vụ tấn công xảy ra, dường như toàn bộ lực lượng dư luận viên đã được huy động tổng lực, tràn ngập tất cả các kênh tin tức trên Facebook và bất kỳ trang cá nhân nào đăng tải thông tin khác với phiên bản của chính quyền. [14] Các ngôn từ công kích, tục tĩu và dơ bẩn xuất hiện với tần suất và số lượng có lẽ là dày đặc nhất từ trước đến nay.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/06/image-25.jpeg

Vụ tấn công vào làng Đồng Tâm còn đi kèm các cuộc tấn công bằng bình luận tục tĩu trên mạng. Ảnh: RFA.

 

Chính quyền và truyền thông trong nước chưa bao giờ nhắc gì đến những đợt tấn công này.

 

Một sự kiện đáng chú ý khác xảy ra vào tháng 9/2020, khi tờ New Yorker của Mỹ đăng một bài viết về “bệnh nhân 17” nổi tiếng, người đã từng hứng chịu nhiều công kích vì bị cho là làm lây lan dịch bệnh ở Việt Nam thời điểm tháng 3/2020. [15] Bài viết bị cho là thanh minh cho bệnh nhân này, khiến một làn sóng đông đảo người dùng mạng xã hội Việt Nam ào ạt nhảy vào trang Facebook của tờ báo công kích chửi bới. [16]

 

Báo Thanh Niên đưa tin về sự việc với tường thuật rằng bài báo trên của New Yorker khiến “dân mạng phẫn nộ”. [17]

 

Một điều đáng nói là “bệnh nhân 21”, một quan chức cấp cao của chính quyền ngồi cùng chuyến bay với “bệnh nhân 17”, tiếp xúc với rất nhiều người sau khi về nước, và được miêu tả là có lối sống xa hoa không kém, lại hoàn toàn tránh được búa rìu của truyền thông lẫn dư luận Việt Nam. [18]

 

                                                       ***

 

Những sự việc trên cho thấy văn hóa bạo lực, trong đó có bạo lực ngôn từ, là thứ được dung dưỡng một cách có hệ thống ở Việt Nam.

 

Chính quyền dùng nó như một công cụ để trấn áp các thông tin, cá nhân và tổ chức dám làm trái ý mình.

 

Chứng kiến cách chính quyền hành xử như vậy, có gì ngạc nhiên không khi một bộ phận người dân cũng xem bạo lực (ngôn từ) là phương thức để giải quyết bất đồng?

 

Tất nhiên, hành vi ứng xử bạo lực không phải là sáng tạo của Việt Nam hay chính quyền cộng sản. Nó xuất hiện ở khắp nơi và là vấn đề muôn thuở của nhân loại.

 

Nó cũng không phải chỉ tồn tại ở những người ủng hộ chính quyền. Không ít người đấu tranh chống độc tài cũng dùng đến bạo lực ngôn từ nhuần nhuyễn không kém cạnh gì các dư luận viên, và đó là một vấn đề dài tập sẽ còn phải nhắc đến nhiều.

 

Tuy nhiên, có một đặc sản chỉ tồn tại ở các chế độ độc tài: bạo lực được nhà nước bảo trợ (state-sponsored violence). Với nguồn lực vượt trội và tính chính danh, chúng vượt xa về tính chất tàn bạo, về quy mô và về hậu quả so với bạo lực ở phương diện cá nhân hay một nhóm người.

 

Sẽ không bao giờ có một thay đổi thực chất nào, nếu chúng ta chỉ biết lên án các hành vi bạo lực đơn lẻ trong khi nhắm mắt cho qua một hệ thống được xây dựng và củng cố dựa trên bạo lực.

 

Nhà đã dột từ nóc. Mắng cóc chửi trời phỏng có ích gì?

 


Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

 

*

Chú thích

 

1.  Higgins, C. (2019, August 21). Catullus still shocks 2,000 years on. The Guardian. https://www.theguardian.com/culture/charlottehigginsblog/2009/nov/24/catullus-mark-lowe

 

2.  P. (2012, April 2). Sự xuống cấp văn hóa của làng thể thao Việt Nam: Có ai “dạy” đâu mà. . . “mất”!? thethaovanhoa.vn. https://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet-nam/su-xuong-cap-van-hoa-cua-lang-the-thao-viet-nam-co-ai-day-dau-ma-mat-n20120330140925088.htm

 

3.  Danh, H. (2021, April 26). Hoàng Anh Gia Lai – Khi bóng đá đích thực lên ngôi trong lòng người hâm mộ: Bóng đá Việt Nam: Thanh Niên. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/the-thao/bong-da-viet-nam/hoang-anh-gia-lai-khi-bong-da-dich-thuc-len-ngoi-trong-long-nguoi-ham-mo-133871t.html

 

4.  Thất vọng với Hoàng Anh Gia Lai. (2020). Báo Công an Nhân Dân Điện Tử. http://cand.com.vn/van-hoa/That-vong-voi-Hoang-Anh-Gia-Lai-615936/

 

5.  Phước, T. (2021, January 19). HLV Park Hang-seo mong muốn lan tỏa hình ảnh Fair Play. PLO. https://plo.vn/the-thao/hlv-park-hangseo-mong-muon-lan-toa-hinh-anh-fair-play-962342.html

 

6.  Dũng A. (2021, March 25). Bạo lực sân cỏ trở lại. https://nld.com.vn. https://nld.com.vn/the-thao/bao-luc-san-co-tro-lai-20210324225213307.htm

 

7.  Phạm Đ. (2019b, April 3). “Hở ra là làm loạn” trên mạng, CĐV Việt đang ngày càng xấu xí. ZingNews.vn. https://zingnews.vn/ho-ra-la-lam-loan-tren-mang-cdv-viet-dang-ngay-cang-xau-xi-post931152.html

 

8.  Online T. T. (2017, December 25). Hơn 10.000 người trong “Lực lượng 47” đấu tranh trên mạng. TUOI TRE ONLINE. https://tuoitre.vn/hon-10-000-nguoi-trong-luc-luong-47-dau-tranh-tren-mang-20171225150602912.htm

 

9.  Xem [7]

 

10.  U.S. Embassy in Hanoi (2020). Facebook. https://www.facebook.com/usembassyhanoi/posts/3696704413691727

 

11.  Czech Embassy Hanoi (2020). Facebook. https://www.facebook.com/CzechEmbassyHanoi/posts/938355490039290

 

12.  BBC News Tiếng Việt (2021). Facebook. https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese

 

13.  Đài Á Châu Tự Do (2021). Facebook. https://www.facebook.com/RFAVietnam/

 

14.  R. (2020, October 11). Chính phủ Việt Nam tổng tấn công ngăn chặn thông tin vụ Đồng Tâm ra bên ngoài. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-vietnamese-government-has-attacked-to-prevent-dong-tam-case-from-outside-01152020135346.html

 

15.  Max, D. T. (2020, September 21). The Public-Shaming Pandemic. The New Yorker. https://www.newyorker.com/magazine/2020/09/28/the-public-shaming-pandemic

 

16.  The New Yorker (2020). Facebook. https://www.facebook.com/newyorker/posts/10157821584683869

 

17.  Anh Thư, T. C. (2020, September 23). Dân mạng phẫn nộ với phát ngôn của chị em ‘bệnh nhân số 0 làng mốt’ trên báo Mỹ: Giải trí: Thanh Niên. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/giai-tri/dan-mang-phan-no-voi-phat-ngon-cua-chi-em-benh-nhan-so-0-lang-mot-tren-bao-my-1282464.html

 

18.  BBC News Tiếng Việt. (2020, March 9). Virus corona: Bệnh nhân thứ 21 gây bức xúc vì đi nhiều và cuộc sống “cao cấp.” https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51803726

 

 



 




No comments:

Post a Comment

View My Stats