Báo
chí trí tuệ: Tương lai của báo chí?
Nguyên
Sa -
Luật Khoa
22/06/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/06/bao-chi-tri-tue-tuong-lai-cua-bao-chi/
Không thể có một nền
báo chí mới nếu chúng ta giữ tư duy cũ.
Ảnh:
Amazon, NXB Trẻ. Đồ họa: Luật Khoa.
Trong lễ
trao giải báo chí Pulitzer năm 2021 được tổ chức vào đầu tháng Sáu, có một cái
tên được xướng lên nhưng không thuộc một tòa báo nào cả.
Đó là Darnella Frazier, người đã quay lại cảnh George Floyd – một
người đàn ông da đen – bị một viên cảnh sát da trắng tì đầu gối vào cổ hơn 9
phút cho đến chết. [1] Đoạn video sau khi được cô bé 17 tuổi Frazier chia sẻ
trên mạng xã hội đã khơi mào cho một phong trào biểu tình lớn chưa từng thấy,
khiến thế giới phải thức tỉnh về vấn nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực của cảnh
sát vẫn tồn tại hàng trăm năm qua.
Đoạn video
hơn 9 phút đó có lẽ sẽ được xem là một trong những sản phẩm tin tức bất hủ
trong lịch sử báo chí. Vậy mà người đưa tin lại không phải là một nhà báo. Với
cách nghĩ truyền thống làm báo = đưa tin, sự kiện này có vẻ là một dấu hiệu
đáng buồn.
Sự kiện ấy
thực chất chỉ nhấn mạnh lại một cuộc thảo luận quen thuộc trong ngành báo chí kể
từ khi Internet xuất hiện. Chính xác là đùng một phát, lợi thế thường thấy của
các nhà báo biến mất: có mặt tại hiện trường, có kỹ năng ghi hình, tường thuật,
có động lực kể lại sự việc, v.v.
Ngày nay,
người ta có thể ghi hình bằng điện thoại của mình – một đứa trẻ cũng làm được vậy.
Người ta có thể đăng tin ngay lên Facebook của mình và sẽ có người xem ngay lập
tức, không cần biên tập, chẳng cần chờ sóng của vệ tinh nào – một cụ già cũng
có thể làm được vậy. Thẩm quyền đưa tin – vốn thuộc về các nhà báo – nay được
san sẻ cho tất cả mọi người, và họ thậm chí làm tốt hơn.
Vậy thì
nhà báo biết làm gì đây?
Những băn
khoăn này thường dẫn đến một phản ứng bi quan rằng hệ thống tin tức hiện tại hỏng
rồi, báo chí sắp chết rồi, nhưng Mitchell
Stephens – nhà báo kỳ cựu, giáo sư báo chí tại Đại học New York – cho rằng
tất cả những lời cảm thán đó đều cường điệu. Trong cuốn sách “Beyond News: The Future of Journalism“, ra mắt năm 2014,
ông đề xuất một khái niệm báo chí mới mà ông tin tưởng sẽ trở thành tương lai:
báo chí trí tuệ (wisdom journalism). [2]
Báo chí trí tuệ là gì?
Nói một
cách ngắn gọn, đó là một nền báo chí hướng đến việc tăng cường sự hiểu biết của
độc giả về thế giới.
Định nghĩa
mà Stephens nêu ra thực chất không phải là điều gì mới mẻ. Chính ông đã chứng
minh điều này khi quay lại vài trăm năm lịch sử báo chí Mỹ để tìm ra các giai
đoạn, trong đó nền báo chí không chỉ chú trọng tường thuật mà còn đề cao việc
diễn giải sự kiện.
Quan điểm
mà Stephens ưng ý đến mức mượn lời đã có từ thế kỷ 18 của Benjamin Franklin,
người giữ vai trò chủ bút của Pennsylvania Gazette năm 1729. Vào thời điểm đó,
báo chí cũng đối mặt với bài toán tạo sự khác biệt với hình thái truyền tin phổ
biến nhất, đó là truyền miệng. Nhà báo trẻ Franklin nhận ra rằng thứ mà nhà báo
có thể làm tốt hơn là cung cấp kiến thức, tăng thêm phần “trí tuệ” trong các
bài viết.
Báo chí trí tuệ, theo ông, giúp làm sáng tỏ những gì
đã xảy ra, đang xảy ra, hoặc có thể xảy ra với một số người trong chúng ta. Nó
giúp chúng ta suy nghĩ kỹ càng, nhưng không hề lên lớp. Nó “đầy ắp kiến thức về
những gì sẽ là tốt nhất cho chúng ta”.
Trong phần
lớn thế kỷ 20, nền báo chí được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn 5 chữ W thần
thánh: What (Cái gì), Where (Ở đâu), When (Khi nào), Who (Ai), Why (Tại sao).
Tác giả Stephens cho rằng đó không phải là tương lai của báo chí. Trong bối cảnh
những tin tức trả lời bốn chữ W đầu tiên đang có đầy trên mạng, các nhà báo
chuyên nghiệp phải đầu tư vào việc diễn giải tin tức. Điều đó có nghĩa là họ phải
làm việc với chữ W cuối cùng: Why.
Không chỉ
là ai đó đã nói như thế, mà là tại sao họ lại nói như thế.
Không chỉ
là việc gì đó đã diễn ra, mà là tại sao nó lại diễn ra, và việc đó có ý
nghĩa gì?
Không chỉ
là sự kiện đó diễn ra ở thành phố A, mà là tại sao lại không phải thành
phố B?
Không chỉ là
vào thời điểm đó, mà là tại sao lại vào thời điểm đó?
Tác giả
Stephens cho rằng việc diễn giải (interpret) tin tức trong bối cảnh của nó mới
là thứ tạo nên sự khác biệt cho báo chí, và để làm được vậy, những người làm
báo phải từ bỏ cách định nghĩa báo chí phổ biến lâu nay.
Ông nhận định
hóm hỉnh, để bước vào tương lai của việc diễn giải, những người làm việc trong
ngành báo chí phải tạm biệt “hình ảnh chiếc kim tự tháp ngược với đỉnh là một bầy
ngỗng trời hình thành từ 5 chữ W tượng trưng cho các tiêu chuẩn báo chí truyền
thống đang vỗ cánh hướng về phương Nam.”
Vậy nếu
không phải 5W thì là gì? Mitchell Stephens đề xuất một bộ tiêu chuẩn mới cho
báo chí trí tuệ: 5I, bao gồm: Informed – Am hiểu, Intelligent – Thông thái, Interesting – Thú vị, Insightful – Sâu sắc, và Interpretive – Có tính diễn
giải.
Ông gọi những
trang báo với tiêu chuẩn 5I này là nơi không chỉ chứa tin tức, mà là chứa đầy
“những khối trí tuệ lấp lánh”.
Vòng kim cô của sự khách quan
Chữ trí tuệ
nghe có vẻ bùi tai (ai lại không muốn mình thông thái hơn cơ chứ?) nhưng kế hoạch
của Mitchell Stephens gặp phải một chướng ngại vật khổng lồ: tiêu chuẩn khách
quan. Ông dành một chương sách để trình bày những lập luận chống lại thứ đã
luôn được coi là giáo điều của báo chí hiện đại.
Theo Stephens,
giới phóng viên đã dạy cho độc giả, khán giả, cũng như tự dạy cho chính mình rằng
có ý kiến (opinion) là dấu hiệu của sự tha hoá. Trong thế giới quan đó, không
gì đáng sợ với một nhà báo bằng việc bị kết tội là thiếu khách quan. Nhưng cách
hiểu về khách quan (objective) mà ta đang áp đặt lâu nay có rất nhiều vấn đề.
Thứ nhất,
bản thân quá trình sản xuất tin tức đã bao gồm quan điểm. Chọn sự kiện nào để
tường thuật trong số vô vàn những diễn biến liên tục xảy ra, chọn chi tiết nào
để miêu tả, chọn nhân vật nào để phỏng vấn, chọn từ ngữ nào để viết, đặt chi tiết
nào lên đầu – tất cả đều phản ánh những sự lựa chọn của những người tham gia
vào quá trình truyền thông, và nó bao hàm quan điểm của họ, mặc dù họ có tỏ ra
“trong suốt” đến mức nào.
Thứ hai, khách
quan không phải là một tiêu chuẩn tốt, vì chẳng có ai khách quan cả. Chẳng phải
chúng ta luôn có thiên kiến hướng về những giá trị tốt đẹp như lòng dũng cảm, lẽ
công bằng, sự nhân ái, hòa bình đó sao? Đòi hỏi người viết đưa ra những
cái nhìn khách quan, không thiên vị có thể sẽ biến việc làm báo trở thành công
việc tường thuật một cách chính xác những điều dối trá.
Thứ ba, ý
niệm rằng có một cách khách quan để hiểu về thế giới như-nó-vốn-là đã không ngừng
bị chất vấn trong giai đoạn cuối thế kỷ 20. Khi thế giới ngày càng trở nên bất
định và bất khả tri, người ta bắt đầu chấp nhận nhiều cách diễn giải khác nhau
về một sự kiện duy nhất. Trong khi các lý thuyết triết học, xã hội, văn học,
nghệ thuật đều trải qua cuộc chuyển biến này, báo chí gần như đứng ngoài. Chúng
ta tiếp tục đòi hỏi nhà báo phải là những người tường thuật sự thật một cách vô
tư, chứ không được xét đoán hay đánh giá gì về thế giới.
Chúng ta
cư xử “như thể dữ kiện là hoàn toàn trong suốt và có thể được tiếp nhận, xử lý,
sau đó nhả ra dưới dạng thức kim tự tháp ngược mà không hề đi ngang qua mớ bầy
hầy của quan điểm chủ quan”, tác giả trích lời giễu nhại của một blogger. Ông đặt
câu hỏi: Liệu chúng ta có thực sự muốn nhìn thế giới qua lăng kính của những
người (cố gắng tỏ ra) khách quan và cân bằng đến mức không dám nói lên điều gì
là sai trái?
Tác
giả Stephens lập luận rằng một nền báo chí khách quan không chỉ vô lý và bất khả,
mà đó còn là một vòng kim cô ngăn báo chí trí tuệ phát triển. Đơn giản là vì để tăng hàm lượng tri
thức trong các bài viết của mình, nhà báo sẽ cần nghiên cứu nhiều hơn, tư duy
nhiều hơn, nhận định nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc họ sẽ bớt khách quan đi.
Stephens tất
nhiên không cổ xúy cho một nền báo chí đầy những bình luận cảm tính. Báo chí
trí tuệ, theo quan điểm của ông, không đòi hỏi người viết phải kiềm chế quan điểm
cá nhân, nhưng đòi hỏi đó phải là những quan điểm dựa trên sự hiểu biết
(informed argument) và được kiểm nghiệm bằng việc cọ xát với những quan điểm đối
lập.
Không thể
có một nền báo chí mới nếu chúng ta giữ tư duy cũ. Tư duy về sự khách quan như
một điều răn, theo tác giả cuốn sách, đang là rào cản lớn để chúng ta hướng đến
một nền báo chí giàu trí tuệ hơn.
Đó vẫn sẽ
là một nền báo chí mưu cầu sự thật, nhưng không phải là một sự thật mang tính tuyệt
đối, mà là sự thật khiêm nhường theo nghĩa báo chí (journalistic truth). Ở đó,
những người tìm kiếm sự thật – các nhà báo – không cố gắng nuốt ngược quan điểm
của mình vào để tỏ ra khách quan. Thay vào đó, họ viết ra những kiến giải của
mình về thế giới dựa trên kỷ luật trong việc thu thập, kiểm chứng thông tin, và
không ngừng học hỏi.
Bạn có sẵn
sàng đón nhận nền báo chí này?
Cuốn
sách “Beyond News: The Future of
Journalism” đã được xuất bản bằng tiếng Việt với tên gọi “Hơn cả tin tức: Tương lai của báo chí”
(Nhà xuất bản Trẻ, 2015).
Bài viết
nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng
tác xin gửi cho chúng tôi tại đây. Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm
Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.
Tài liệu
tham khảo:
1.
Reporter, G. S. (2021, June 11). Pulitzer board honors Darnella
Frazier for her ‘courageous’ George Floyd video. The Guardian. https://www.theguardian.com/us-news/2021/jun/11/darnella-frazier-pulitzer-prize-george-floyd-video
2.
Beyond News: The Future of Journalism (Columbia Journalism Review Books):
Stephens, Mitchell: 9780231159388: Amazon.com: Books. (n.d.). Amazon. Retrieved
June 22, 2021, from https://www.amazon.com/Beyond-News-Future-Journalism-Columbia/dp/0231159382
No comments:
Post a Comment