HIỀN
MINH - LUẬT
KHOA
09/02/2021
https://www.luatkhoa.org/2021/02/tet-mac-dich/
Tôi nghĩ là
ai cũng đang phải vật lộn trong cuộc chiến của riêng mình.
Ảnh
minh họa: Dulieudohoa/ Somo/ Luật Khoa
Vậy
là sau Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Gia Lai và nhiều nơi khác, Sài Gòn cũng
đã thất thủ. Chúng ta đang đối diện với một cái Tết chưa từng gặp trong đời:
Tết giữa đại dịch COVID-19.
Tôi
đoán nhiều người cũng như tôi, băn khoăn ăn Tết như thế nào cho phải. Khách đến
nhà thì có tiếp không? Bạn bè gọi tụ tập thì có đến không? Một bữa ăn cần dùng
bao nhiêu bát nước mắm để tránh lây nhiễm?
Cả
phương Tây đã đối mặt với những câu hỏi hiện sinh tương tự (trừ bát nước mắm)
trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới – dịp Tết của họ. Hồi đó, tôi đọc tin quốc
tế hằng ngày khi mà Việt Nam đang trong giai đoạn như chưa hề có corona. Cảm
giác khi đó như đọc tin về mấy nước thuộc thế giới thứ ba. Bây giờ thì đến lượt
nước mình chạy đua, trong khi nước người ta đã đi đến đoạn tiêm vaccine cho
toàn dân rồi. Vaccine ở mình nghe còn xa tận đẩu tận đâu.
Tôi
viết ra không phải để trách gì ai. Có một chủ thể luôn đáng trách, không bao
giờ làm đủ tốt, là nhà nước – trách họ không bao giờ sai cả. Nhưng chỉ
cần nhìn rộng ra hơn một chút thì cũng thấy được là họ đang gồng lên chống
chọi, không riêng gì lúc này, mà là cả năm nay rồi. Và không thể phủ nhận rằng
họ đã rất nỗ lực, và đã làm rất tốt. Trong cơn khủng hoảng đại dịch này, tôi
thật lòng thấy biết ơn họ. Tôi chưa từng có thứ tình cảm đó trước đây.
Dân
nghèo thì khổ rồi. Càng nghèo thì lại càng phải chịu đựng nhiều. Ảnh hưởng của
đại dịch là bất cân xứng. Nhưng ngoài những kẻ xấu xa – vô trách
nhiệm – cơ hội – tham nhũng – bòn rút – ăn trên xương máu nhân dân – mà tôi đồ
là không nhiều, thì phần lớn những người còn lại đang tham gia công tác phòng
chống dịch chắc cũng như tôi với bạn. Họ cũng đang làm mọi cách để dịch không
lây ra, để truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập ổ dịch, đảm bảo an toàn cho mọi
người mà không để cuộc sống phải đình trệ.
Nhiệm
vụ vốn đã khó khăn, dịp Tết lại làm mọi thứ thêm căng thẳng. Tôi nghĩ ai cũng
đang phải vật lộn trong cuộc chiến của riêng mình.
Nghĩ
vậy để nếu có thể thì ta bớt đi một tiếng chửi rủa.
Ông
phó thủ tướng nổ quá tuyên bố đòi dập dịch trong 10 ngày. Ông người bệnh mã số
bao nhiêu đấy đã đi từ vùng dịch về lại còn đi massage cơ. Bà bán gạo nhiễm
bệnh rồi ối giời ơi sao lại đi khắp tỉnh Bình Dương như vậy.
Chẳng
ai cấm được ta chửi tổ sư nhà mấy người đấy lên cho đỡ tức. Nhưng tình hình
dịch biến hóa khôn lường, lại còn hình như có thể lan trong không khí như thế này thì hên xui lắm. Người nhiễm bệnh
biết đâu mấy hôm nữa lại là tôi, dù tôi thề có Chúa, tôi thực hiện giãn cách xã
hội, đeo khẩu trang và rửa tay quy củ. Biết đâu mấy hôm nữa người ta lại đòi
đào mả bố tôi lên vì tôi lỡ thèm quá không kìm được mà đi ăn cơm tấm.
May
phước là bố tôi chưa chết. Nhưng ông có bệnh nền. Tết này tôi từng định treo
bảng trước cửa báo không tiếp khách để đảm bảo an toàn cho cụ, nhưng nhà tôi
can. Tôi bèn đi tới biện pháp thỏa hiệp là đặt mấy cái kệ để khẩu trang và nước
rửa tay trước cửa nhà, và dán giấy nhắc khách đến nhà tuân thủ. Tôi định có
thêm cả đo thân nhiệt nữa, chưa biết có cần thiết không.
Tôi
thấy Tết này được ở gần gia đình đã là một đặc ân rồi. Bạn bè tôi có người kẹt
lại ở thành phố, có người quê ở ngay tâm dịch, giờ về rồi lại lo lắng không
biết có vào lại Sài Gòn được không. Đó là chưa kể những người tôi chẳng quen,
họ còn mất người thân vì con virus này, hoặc có bệnh phải nhập viện đúng dịp
này, hoặc phải ở trong khu cách ly, hoặc phải ngủ trên phố. Bao nhiêu mảnh đời
riêng, ai cũng đang có cuộc chiến của riêng mình.
Tôi
nghĩ đây là dịp để chúng ta thay đổi Tết, định nghĩa lại điều gì là quan trọng
trong dịp lễ truyền thống năm nào cũng gây tranh cãi. Nếu bây giờ – trong cơn
khủng hoảng toàn cầu vô tiền khoáng hậu này – mà vẫn không thay đổi được mấy
cái hủ tục làm khổ lẫn nhau thì chắc là sẽ chẳng bao giờ.
Tết
này, chi bằng chậm lại, và nghĩ cho nhau. Chỉ vậy thôi chắc là đã tránh được
nhiều thảm cảnh. Năm qua đã thảm lắm rồi.
Lệnh
giãn cách có vẻ sắp được ban bố lại. Điểm tích cực: chúng ta không lạ gì chuyện
này.
Tháng
Ba năm trước, mẹ tôi càu nhàu học cách đi lễ qua mạng khi các nhà thờ phải đóng
cửa. Đi nhà thờ mỗi sáng là thói quen bà chưa từng bỏ bao giờ. Nhưng chỉ mất
khoảng hai tuần để bà dành lời khen cho “lifestyle” mới. Như thế này cũng hay
nhỉ, đỡ phải đi lại, mà cả nhà được quây quần. Cũng trong cái đợt cách ly xã
hội đó, tôi dành thời gian nói chuyện với mẹ nhiều. Quan hệ của mẹ với tôi sau
đó giống như sang một trang mới. Nhờ vậy, tôi mới lần đầu tiên thấy nhà là nhà.
Mẹ
tôi, ngoài 60 tuổi, còn biết cách thích nghi với bình thường mới, chẳng lẽ tôi
lại không. Nhân cái Tết mắc dịch này, tôi sẽ ở yên nhà gặm hết chỗ sách và phim
năm qua dành lại. Nhớ ai thì tôi gọi điện thoại. Thế nào tôi cũng hát karaoke
với gia đình tôi nữa. Tôi hứa sẽ mở tiếng nhỏ thôi để không ảnh hưởng xóm giềng.
Phải biết nghĩ cho nhau.
Bài
phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật
Khoa tại đây.
No comments:
Post a Comment