Thursday 11 February 2021

TẾT "ĐẶC BIỆT" VÌ DỊCH COVID-19 BÙNG PHÁT TRỞ LẠI TẠI VIỆT NAM (RFA)

 


Tết “đặc biệt” vì dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam

RFA

11/02/2021

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-vietnamese-people-celebrate-tet-in-the-third-surge-of-covid-19-02112021013222.html

 

Tin tức về dịch COVID-19 bùng phát dồn dập

 

Mặc dù Việt Nam được thế giới đánh giá cao là một trong những quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao, thế nhưng đợt dịch lần thứ ba lại bùng phát ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu.

 

Bộ Y tế Việt Nam cho biết tính đến 6 giờ ngày 10/2, Việt Nam có tổng cộng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay là 2.091  trường hợp.  Số ca lây nhiễm trong cộng đồng riêng đợt ba từ ngày 28/1 đến ngày 10/2 là 504 trường hợp.

 

Riêng trong ngày 10/2, Bộ Y tế ghi nhận có thêm 21 ca mới dương tính với nCoV. Tại TP.HCM có thêm năm diểm bị phỏng tỏa phát sinh và ba điểm được gỡ bỏ cách ly. Hiên TP.HCM còn tổng cộng 33 khu vực bị phong tỏa do liên quan các ca nhiễm COVID-19.

 

Bà Nguyễn Thị Ba, một cư dân Sài Gòn, làm việc ở quận 1, nhưng đã bị buộc phải nghỉ tết sớm vì văn phòng nơi bà làm việc bị phong tỏa.

 

“Dịch bệnh bùng phát tại 13 tỉnh/thành. Trong đó TP.HCM là khu vực đông dân cứ nhất và là nơi nhiều người dân ở các nơi đổ về. Và mùa tết là dịp dễ lây nhất. Văn phòng công ty của chúng tôi ở trong khu vực bị dịch, làm cho nhân viên chúng tôi không thể nào đi làm được và buộc phải nghỉ vì nằm trong khu cách ly. Chúng tôi vào văn phòng làm việc thì không ai cho. Như vậy, vô tình chúng tôi bị mất các ngày công làm việc mà tết đến nơi. Qua tết rồi, không biết chúng tôi có thể vào khu cách ly để làm việc được không hay là phải nghỉ 21 ngày theo quy đinh. Cho nên phải nói rằng rất hoang mang, lo lắng.”

 

Luật sư Đặng Trọng Dũng, cũng là một cư dân ở Sài Gòn. Ông mô tả với RFA những ngày giáp Tết Tân Sửu, phố xá Sài thành “vắng như tận thế”. Luật sư Đặng Trọng Dũng vào ngày 10/2, tức 29 Tết chia sẻ với RFA:

 

“Việc dịch phát triển thế này phải nói qua những thông tin tôi coi trên báo đài là thứ nhất các tỉnh khác như ở Bình Dương về; thứ hai là số nhân viên ở phi trường, tức có nguồn lây bên nước ngoài về; thứ ba là từ lâu giờ Việt Nam đã thắng được hai lần, nhưng lần thứ ba này thì phát triển và gần như chính phủ đang có biện pháp phong tỏa, cách ly tốt.

Tôi nghĩ rằng so với các nước khác thì Việt Nam đang làm rất tốt, cách mà Việt Nam đang làm rất được người dân tuân thủ. Chúng tôi hy vọng sẽ vượt qua được đại dịch. Còn nguyên nhân thì nhà nước không công bố, dân không thể nào biết hết.”

 

Ông Hoàng Lê Thanh, một người dân ở Đà Nẵng từng lên tiếng với RFA rằng ông rất tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 

Trả lời câu hỏi của RFA về đợt dịch COVID-19 mới bùng phát, ông Hoàng Lê Thanh bày tỏ vẫn vững vàng niềm tin vào Chính phủ.

 

“Bây giờ tôi thấy vẫn như vậy. Bởi vì, thực tế mà nói thì chính quyền ở từng địa phương làm rất quyết liệt. Và người dân ủng hộ chính sách quyết liệt đó. Với lại, người dân tự bảo vệ mình.

Ví dụ như nhà bên cạnh tôi có người đi làm ăn ở phía Bắc về, và ngày hôm sau thì chính quyền đến liền. Không biết từ đâu, nhưng có thể do hàng xóm báo. Công an biết và họ báo cho bên Vệ sinh Phòng dịch. Nhân viên cơ quan này tới nhà để thử máu và dặn dò gia đình tự cách ly. Hàng xóm biết và họ cũng ủng hộ chính quyền địa phương làm như vậy liên quan vấn đề phòng dịch.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-vietnamese-people-celebrate-tet-in-the-third-surge-of-covid-19-02112021013222.html/148728398_716535172560814_8442423378908185398_n.jpg/@@images/8a710c84-f208-4ac5-93d6-b067f9c476c4.jpeg

Ảnh minh họa. Một góc chợ hoa Tết Tân Sửu tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Hình chụp ngày 29 Tết. RFA

 

Một cái Tết Cổ truyền “đặc biệt”

 

Qua trao đổi với một số người dân khắp từ Bắc đến Nam, Đài RFA ghi nhận hầu như ai cũng cho rằng Tết Tân Sửu rất đặc biệt, bởi do dịch COVID-19.

 

Ông Hoàng Lê Thanh tâm tình rằng quang cảnh chợ tết thật hiu hắt, thưa vắng bóng người :

 

“Đi dạo quanh thì trước đây cây trái, hoa cảnh được trưng bày bán tết rất nhiều nhưng hôm nay là 29 Tết mà rất ít, ít vô cùng, bằng 2/10 của mấy năm qua. Người đi chợ tết thì thưa thớt vô cùng. Tết năm nay, người dân Đà Nẵng không sợ dịch bệnh, mà có lẽ cuộc sống của họ quá khó khăn.”

 

Bà Hai, một nông dân bán bông ở Đồng Tháp, nói với RFA về tình cảnh buôn bán chợ Tết Tân Sửu của nông dân trồng bông vùng đồng bằng Sông Cửu Long :

 

“Tết Tân Sửu năm nay thì những người bán bông rất đông đảo, nhưng lượng người đi mua thì rất ít do dịch COVID-19. Cho nên, năm ngoái bán được 80% thì bán được 40-50% là tối đa.”

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, vào tối 29 Tết Tân Sửu, nhận xét người dân Việt Nam đón Tết Cổ truyền trong hoàn cảnh đặc biệt. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhấn mạnh rằng:

 

“Phải nói là đặc biệt nhất trong cuộc đời của một người. Bởi vì Tết năm nay trong lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát tràn lan và đang diễn biến phức tạp.”

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đề cập đến một trong những điểm đặc biệt nhất trong dịp Tết Tân Sửu là Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo tất cả các lễ hội xuân đầu năm phải hoãn hoặc hủy bỏ để đón tết đảm bảo an toàn.

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định đó là một chủ trương đúng của Chính phủ.

 

“Bởi vì người Việt Nam sau mấy ngày Tết cổ truyền thì thường đi lễ chùa, lễ đền, lễ các cửa phủ, đền mẫu ở khắp các nơi khiến cho việc vui xuân với mật độ người lưu thông trên các tuyến đường đi đến các nơi lễ hội rất đông. Tình hình vệ sinh, giao thông cũng như an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh ở các nơi đó rất là phức tạp. Vì vậy, năm nay mọi người sẽ ăn tết ở nhà, không đi lại nhiều và nhiều người không đi về quê.

 

Thế thì việc ngưng các lễ hội, thứ nhất là đảm bảo về an toàn dịch bệnh. Thứ hai nữa cũng là một năm để lắng lại và mọi người có thể quan sát được nếu như không đi lễ hội thì người ta sẽ sinh hoạt ra sao, cúng bái và hướng đến các nơi đền, miếu như thế nào.

Tôi cho rằng trong năm nay, các nhà về xã hội học, các nhà nghiên cứu về văn hóa cũng sẽ quan sát được tâm thế của người Việt khi không có những lễ hội xuân trong năm đặc biệt này.”

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tại cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 diễn ra vào chiều ngày 29/1, tuyên bố rằng ông đặt mục tiêu dập các ổ dịch COVID-19 mới phát sinh trong vòng tám ngày để người dân có thể yên tâm đón Tết Tân Sửu.

 

Tuy nhiên, chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chống COVID-19 Quốc gia, tại buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh thành có dịch vào chiều ngày 10/2, nói rằng điều ông đang lo ngại nhất là TP.HCM còn có những ổ dịch khác trong cộng đồng mà chưa phát hiện.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats