Wednesday, 17 February 2021

SAU TRUMP : BÀI HỌC TỪ CÁC NỀN DÂN CHỦ HẬU DÂN TÚY (Joshua Kurlantzick - World Politics Review)

 



Sau Trump: Bài học từ các nền dân chủ hậu dân túy

Joshua Kurlantzick   -   World Politics Review

Hoàng Thủy Ngữ, chuyển ngữ

17/02/2021

https://baotiengdan.com/2021/02/17/sau-trump-bai-hoc-tu-cac-nen-dan-chu-hau-dan-tuy/

 

Trong thập niên qua, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy phi tự do trên các chính trường đã thắng trong các cuộc bầu cử và nắm quyền ở nhiều nền dân chủ lớn nhất thế giới, từ Hoa Kỳ đến Ấn Độ, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil. Khi cầm quyền, họ thường phá hoại các chuẩn mực và thể chế dân chủ, bao gồm truyền thông, tư pháp, dịch vụ dân sự, và trong nhiều trường hợp, ngay chính các cuộc bầu cử tự do và công bằng.

 

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy phi tự do là lý do chính, khiến các báo cáo thường niên “Freedom in the world”, do tổ chức giám sát toàn cầu Freedom House công bố, đã lập biểu đồ cho thấy nền dân chủ toàn cầu liên tục suy thoái suốt 14 năm liền. (Tôi là cố vấn cho một số chương trong các báo cáo này về Đông Nam Á).

 

Chỉ số Dân chủ (Democracy index) gần đây nhất của Economist Intelligence Unit cho thấy, tự do toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu vào năm 2006. Đại dịch corona đã làm nền dân chủ trên khắp thế giới bị tổn hại thêm, vì nhiều nhà lãnh đạo phi tự do, đặc biệt là ở các nước đang phát triển đã lợi dụng cuộc khủng hoảng để đè bẹp phe đối lập chính trị và giành thêm quyền lực.

 

Donald Trump là một trong những người đầu tiên và nổi bật nhất, trong làn sóng các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy vừa mới thua trong một cuộc bầu cử và rời nhiệm sở — mặc dù gây hỗn loạn. Các nhà lãnh đạo dân túy khác, như Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, dường như luôn giành được quyền lực và sự ưa chuộng của quần chúng.

 

Nhưng sự thất bại của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái đã mang lại một số hy vọng cho những người ủng hộ dân chủ và pháp quyền. Giờ đây, khi ông ta đã mất quyền lực, liệu Hoa Kỳ có thể khôi phục các chuẩn mực và thể chế dân chủ mà Trump đã phá hoại nặng nề trong nhiệm kỳ tổng thống của mình không? Chuyện các quốc gia khác đã loại bỏ các lãnh đạo dân túy, phi tự do của họ không tạo được lý do lớn để lạc quan, nhưng các ví dụ của họ cũng cho thấy  nền dân chủ Mỹ không bị diệt vong.

 

Hoa Kỳ vẫn duy trì các thể chế dân chủ mạnh mẽ hơn một số quốc gia khác như Philippines, Brazil, Hungary, Mexico hoặc Ba Lan, nơi những người theo chủ nghĩa dân túy hiện đang cai trị. Tuy nhiên, sự thiệt hại đã xảy ra. Trong một nghiên cứu trước đây về tác động của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy đối với các nền dân chủ, tôi nhận thấy rằng, nhiều quốc gia sau khi bị những người dân túy, phi tự do cai trị, như nước Ý sau Silvio Berlusconi, đã phải vật lộn để tái lập hệ thống chính trị của mình. Thay vào đó, họ thường vướng vào những chuẩn mực vốn đã bị phá vỡ vĩnh viễn khiến làn sóng dân túy mới lại nảy sinh. Trong trường hợp của nước Ý, một Berlusconi già nua không còn tạo nhiều ảnh hưởng, nhưng ông đã được hai đảng dân túy mạnh mẽ kế tục: Five Star Movement thiên tả, hiện đang liên minh lãnh đạo cùng với League cánh hữu, đảng đối lập lớn nhất.

 

Thật vậy, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy thường hô hào rằng, chính phủ của nước họ tệ hại đến mức chỉ có một người mạnh mẽ mới có thể giải quyết các vấn đề của nó. Ngay cả sau khi họ bị lật đổ, sự thiếu tin tưởng vào chính phủ là hệ quả thường kéo dài trong tâm trí của nhiều người dân.

 

Theo nhà báo Ezra Klein của The New York Times,  một nhà lãnh đạo chính thống hơn lên nắm quyền sau thời gian chủ nghĩa dân túy cai trị, thường trở thành người giữ chỗ, không thể điều hành hiệu quả do sự chống đối gây cản trở và phân cực sâu sắc. Trích lời các nhà khoa học chính trị William Howell và Terry Moe, Klein nhận xét rằng, “những người theo chủ nghĩa dân túy không chỉ lợi dụng sự bất mãn về kinh tế xã hội. Họ khai thác sự kém hiệu quả của chính phủ – và sức lôi cuốn lớn của họ là họ tuyên bố thay thế nó bằng một chính phủ hoạt động hiệu quả thông qua quyền lực độc đoán của riêng mình.”

 

Đây là lý do tại sao các chính trị gia truyền thống, khi thay thế các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, thường không thể cầm quyền một cách hiệu quả. Điều này tạo cơ hội cho những người theo chủ nghĩa dân túy khai thác và quay trở lại nắm quyền. Đó là một bài học đúng lúc cho Tổng thống Joe Biden.

 

Nhưng vẫn có một số lý do để lạc quan. Như tôi đã lưu ý trong một bài báo trên WPR năm 2019, một yếu tố quyết định để các quốc gia có thể tái xây dựng sau thời kỳ dưới sự cai trị phi tự do là, liệu người dân có tăng cường các bước kiểm tra quyền lực hành pháp trong thời gian nhà lãnh đạo phi tự do tại chức hay không.

 

Ví dụ, ở Hoa Kỳ, các chính quyền cấp thành phố và cấp tiểu bang đóng vai trò như những bức tường thành vững chắc chống lại sự tấn công thái quá của Trump. Giới truyền thông và cơ quan tư pháp độc lập của quốc gia cũng làm như vậy, bất chấp các khuynh hướng bảo thủ của họ. Các giới hạn mà những thể chế này đặt ra cho Trump trong thời gian ông ta nắm quyền sẽ giúp chính quyền Biden và những người ủng hộ chính quyền này được dễ dàng hơn một chút trong việc khôi phục các chuẩn mực và thể chế dân chủ.

Ngoài ra, các cử tri Mỹ đã đặt một nền tảng quan trọng cho việc khôi phục nền dân chủ bằng cách giới hạn Trump chỉ trong một nhiệm kỳ. Trong nhiều trường hợp, các nhà lãnh đạo phi tự do cạnh tranh trong một sân chơi tương đối bình đẳng khi họ tìm cách tái đắc cử lần đầu, nhưng sau đó họ chuyển sang các thể chế bầu cử đồng chọn, khiến cử tri khó chấp nhận sự thay đổi tại thùng phiếu.

 

Ví dụ, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã làm như vậy trong một cuộc bầu cử tương đối tự do và công bằng khi ông đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2010, trước đó, ông đã đảm nhiệm chức vụ cao cấp nhất từ ​​1998 đến 2002.  Nhưng, sau năm 2010, mỗi vòng bỏ phiếu tiếp theo lại nghiêng về ông ta nhiều hơn, vì Orban vẽ lại bản đồ các khu vực bầu cử (gerrymandering) một cách rộng rãi và sử dụng nhiều công cụ khác để đảng Fidesz của ông ta không thể bị thua. Cuối cùng, vào năm 2020, với đại dịch đang hoành hành, Orban nắm quyền khẩn cấp, lộ mặt là kẻ độc tài, kiểm soát gần như toàn bộ chính phủ.

 

Nước Nga, một trường hợp cực đoan hơn về chủ nghĩa phi tự do, là ví dụ khác. Khi Tổng thống Vladimir Putin lần đầu ra tái tranh cử vào năm 2004 (ông đã giành được trọn nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2000 sau khi giữ chức vụ lâm thời trong vài tháng), tiến trình bầu cử còn ít nhiều tranh cãi mặc dù không thật sự dân chủ. Ít nhất nó còn gây tranh cãi và sôi động hơn so với các cuộc bầu cử hoàn toàn dối trá dưới thời Putin sau này.

 

Các ví dụ lịch sử khác cho thấy, sau một thời gian dưới sự cai trị phi tự do, các chuẩn mực và thể chế dân chủ vẫn có thể tái lập được, mặc dù con đường trở lại có khó khăn. Ví dụ, Hàn Quốc đã chứng kiến ​​s lm quyn, đe dọa các đối thủ chính trị và làn sóng bê bối tham nhũng cấp cao dưới thời Tổng thống bảo thủ Park Geun-hye, người nhậm chức vào năm 2013. Bà bị luận tội vào năm 2017 và buộc phải từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình sôi động và ôn hòa trên đường phố đòi hỏi khôi phục nền dân chủ. Park sau đó bị kết án 30 năm tù với các tội danh hối lộ, tống tiền và lạm dụng quyền lực, mặc dù bản án được giảm xuống còn 20 năm sau khi kháng án.

 

Ngay sau khi bà bị luận tội, các nhà hoạt động Hàn Quốc và các nhóm xã hội dân sự đã ủng hộ các biện pháp chống tham nhũng và sự minh bạch trong chính phủ. Người kế nhiệm bà Park, Tổng thống Moon Jae-In tiến bộ hơn, đã thắng trong cuộc bầu cử năm 2017 với lời hứa chống tham nhũng, chính phủ có trách nhiệm giải trình và san bằng sân chơi kinh tế. Ông đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ một số nhà bình luận vì đã chính trị hóa ngành tư pháp, hạn chế bài phát biểu của một số tổ chức và nhà bình luận bảo thủ, đồng thời cố gắng điều hành một cách chuyên quyền, sử dụng đa số nghị viên thuộc Đảng Dân chủ của mình trong cơ quan lập pháp để thông qua vội vã các đạo luật quan trọng. Nhưng cử tri Hàn Quốc vẫn kiên quyết, áp lực buộc Moon phải thực hiện các cải cách mà ông đã hứa.

 

Nam Phi là một ví dụ điển hình khác. Sau khi Tổng thống bị thất sủng Jacob Zuma từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2018, trong bối cảnh hàng loạt các cáo buộc tham nhũng, việc đổi mới các chuẩn mực và thể chế dân chủ đến từ cấp cao nhất cũng như từ xã hội dân sự và quần chúng. Cyril Ramaphosa, người kế nhiệm Zuma, đã coi việc khôi phục nền dân chủ Nam Phi là chủ đề trọng tâm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, mặc dù ông phải vật lộn trong việc thực hiện lời hứa đối với các vấn đề ở Nam Phi sau nhiệm kỳ của Zuma. Tuy nhiên, Ramaphosa đã tấn công tham nhũng trong Đại hội Dân tộc Phi, giảm chính trị hóa cảnh sát và tư pháp, đồng thời thúc đẩy cách thức xây dựng sự đồng thuận quốc gia và giảm sự phân cực.

 

Có những bài học cần được rút ra từ những ví dụ này khi Hoa Kỳ sửa chữa những thiệt hại do Trump gây ra, và khi các nền dân chủ khác phải giải quyết những đổ vỡ tiềm ẩn của chính họ với những người dân túy. Ở Philippines, nơi các tổng thống chỉ có một nhiệm kỳ duy nhất 6 năm, triều đại nổi tiếng lịch sử của Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022. Nhưng, sự lãnh đạo phi tự do và cái quá khứ coi thường các chuẩn mực dân chủ của ông ta có thể tồn tại nếu cô con gái là Sara Duterte kế vị, hoặc một người theo chủ nghĩa dân túy phi tự do khác được ông chấp thuận. Hiện nay, Sara Duterte tuyên bố không muốn tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2022 và cha cô nói rằng ông không muốn cô ứng cử, vì nhiệm kỳ tổng thống “không dành cho phụ nữ“. Cũng tương tự, Tổng thống Brazil, cựu sĩ quan quân đội cực hữu Jair Bolsonaro, sẽ tái tranh cử vào năm 2022.

 

Ở những quốc gia này, cuộc bầu cử kế tiếp có thể rất quan trọng đối với mọi hy vọng duy trì nền dân chủ.

 

Nhưng ngay cả khi chủ nghĩa dân túy phi tự do bị đánh bại một lần tại thùng phiếu, lịch sử, cho thấy nó được chôn trong một nấm mộ nông [Lời người dịch: Đây là đoạn văn hay với suy nghĩ  rất bi quan: Ngay cả khi Trump bị đánh bại thì chủ nghĩa Trump vẫn chưa biến mất. Vì một lý do nào đó, ông ta có thể không đích thân trở lại, nhưng có rất nhiều kẻ hạ đẳng sẵn sàng khích động đám đông ngu dốt vì những mục đích thấp hèn của chúng].

 

 

NGUỒN :

 

After Trump: Lessons From Other Post-Populist Democracies

Joshua Kurlantzick 

Wednesday, Feb. 10, 2021

World Politics Review 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats