Wednesday, 10 February 2021

LUẬN TỘI TỔNG THỐNG ĐÃ MÃN NHIỆM ĐƯỢC KHÔNG? ĐỂ LÀM GÌ? (Hải Vân)

 



Luận tội tổng thống đã mãn nhiệm được không? Để làm gì?

Hải Vân

10/02/2021

https://baotiengdan.com/2021/02/10/luan-toi-tong-thong-da-man-nhiem-duoc-khong-de-lam-gi/

 

Ngày 8/2/2021, trong văn bản dài 14 trang gởi đến Thượng viện, nhóm pháp lý của cựu tổng thống yêu cầu hủy vụ kiện. Họ sử dụng một lý lẽ chính: Không thể cách chức một tổng thống không còn tại vị.

 

Lập luận này bị các đảng viên Dân chủ và nhiều chuyên gia bác bỏ. Hiến pháp quy định rằng, Thượng viện phải tiến hành xét xử một tổng thống bị luận tội, và Donald Trump vẫn tại vị khi Hạ viện thông qua bản cáo trạng chống lại ông, ngày 13/1/2021.

 

Ngoài ra, luật sư của Trump cũng viện dẫn Tu chính án thứ nhứt, bảo đảm  quyền tự do ngôn luận. Nhân danh quyền tự do này, Donald Trump có quyền nói những gì ông ấy muốn tại cuộc biểu tình ở Washington D.C trước vụ tấn công Đồi Capitol.

 

Tuy nhiên, Tu chính án thứ nhứt vẫn thường được Tòa án Tối cao giải thích lại. Đặc biệt trong thập niên 1960, khi các thẩm phán ra phán quyết rằng, nếu những phát ngôn dẫn đến những hành động có thể gây tử vong hoặc thương tích, thì nguyên tắc tự do ngôn luận không được áp dụng. Những phát ngôn gây hậu quả nghiêm trọng như vậy có thể bị truy tố.

 

Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề luận tội, truy tố, xét xử. Những người ủng hộ luận tội viện dẫn Thông luật Anh quốc, vốn là nguồn luật của Hoa Kỳ, cho rằng có thể truy tố các Bộ trưởng đã rời nhiệm sở. Những nhà lập quốc Hoa Kỳ nhìn nhận theo hướng này, cho nên truy tố một quan chức dân sự không còn tại vị vào thời điểm xét xử là viêc hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Nhóm chống luận tội đưa ra các tiền lệ: Ít nhất hai lần Thượng viện Mỹ quyết định không truy tố và thậm chí không tổ chức một phiên tòa xét xử khi quan chức dân sự bị kiện nhưng đã từ chức trước đó. Đó là trường hợp của Thẩm phán George Washington English năm 1926 và của Thẩm phán Samual B. Kent năm 2009.

 

Chỉ có vụ Bộ trưởng Chiến tranh William Belknap, vào năm 1876, có diễn biến khác nhưng Belknap cũng đã từ chức, chỉ vài giờ trước khi bị xét xử. Trường hợp này, không chỉ Hạ viện thông qua các văn bản luận tội mà Thượng viện còn tổ chức một phiên tòa nhưng cuối cùng Belknap được tuyên bố trắng án.

 

Trong cả ba tiền lệ kể trên, các đối tượng đều không phải là Tổng thống, người đứng đầu hành pháp. Vì vậy, có cần tạo ra một tiền lệ mới hay không? Nhiều học giả về Hiến pháp Mỹ cho rằng, lập luận không thể truy tố một tổng thống đã mãn nhiệm là hết sức nguy hiểm. Điều đó “Có nghĩa là vào cuối nhiệm kỳ của mình, một tổng thống có thể trở thành một nhà cách mạng, bám víu quyền lực mà không sợ bị truy tố”.

 

Thực tế là, việc tuyên bố trắng án lần thứ hai cho Donald Trump không phải là không có rủi ro: Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sau đó sẽ có thể tuyên bố chiến thắng trước Quốc hội. Và những người ủng hộ ông sẽ chỉ thấy thêm một bằng chứng khẳng định rằng, cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Đó cũng chính là lý do họ tấn công Điện Capitol, tượng đài của nền dân chủ Mỹ, vào ngày 6 tháng Giêng vừa qua.

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats