Chiến
tranh Việt – Trung năm 1979 góp phần vào tiến trình lịch sử thế giới như thế
nào
Hoàng Minh Vũ - South
East Asia Globe
Dịch giả: Trần
Ngọc Cư
19/02/2021
Ngày 17 tháng 2 đánh dấu 42 năm kể từ khi Trung
Quốc xâm lược Việt Nam, khi Bắc Kinh trả đũa việc Hà Nội lật đổ chế độ Khmer
Đỏ. Là một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu, nó chứng tỏ là thời điểm
quan trọng trong một năm có lẽ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nhất trong
lịch sử cận đại – đó là năm 1979.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/0-50-1024x748.jpg
Lính Trung Quốc được các chiến binh VN giam
giữ trên chiến trường Cao Bằng ngày 26/2/1979/ Ảnh : AFP
Khi được yêu cầu kể tên năm sôi động nhất kể từ khi
Thế chiến thứ hai kết thúc, năm 2020 có lẽ sẽ đứng đầu danh sách của hầu hết
mọi người.
Bắt đầu từ tháng Giêng với vụ Mỹ ám sát tướng Qasem
Suleimani của Iran, sau đó bị chi phối bởi sự lây lan nhanh chóng của loại
coronavirus mới và bạo lực của cảnh sát đối với người Mỹ gốc châu Phi đã châm
ngòi cho các cuộc biểu tình trên toàn thế giới, trước khi lên đến đỉnh điểm là
các mưu toan làm mất uy tín tiến trình dân chủ ở Mỹ và Myanmar, năm 2020 sẽ in
dấu như một trong những năm để lại nhiều hệ quả nhất trong lịch sử gần đây.
Mặc dù tất cả những điều vừa nói rất khó bác bỏ,
nhưng năm 1979 là một ứng cử viên xứng đáng khác cho danh hiệu “Năm gần đây có
nhiều biến cố nhất”. Năm 1979 chứng kiến các cuộc xung đột nổ ra – từ Đông
Dương ở phía đông đến Trung Mỹ ở phía tây, Ireland ở phía bắc và Angola ở phía
nam – đã làm mất ổn định trật tự lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh và mở ra thời
đại của các cuộc xung đột sắc tộc và giáo phái ngày càng gia tăng, còn mang
tính đặc trưng của trật tự quốc tế của chúng ta ngày nay.
Và mặc dù Chiến tranh Lạnh chỉ kết thúc vào năm
1989, nhưng hạt giống cho sự suy tàn của nó đã được gieo vào một thập niên
trước đó ở vùng biên giới Đông Nam Á vào năm 1979.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/1-37-1024x751.jpg
Bộ đội VN ở Kampong Cham trước khi rút khỏi
Campuchia cuối năm 1989. Ảnh : AFP
Năm đó bắt đầu với cuộc xâm lược Campuchia của Việt
Nam để đối phó với nhiều năm khiêu khích biên giới, chiếm thủ đô Phnom Penh vào
ngày 7 tháng 1. Trong khi người Việt Nam giải phóng đất nước này khỏi ách thống
trị tàn bạo của Khmer Đỏ, họ đã thất bại trong việc bắt giữ các nhà lãnh đạo
của chế độ này và thu hút sự ủng hộ quốc tế cho chính phủ mới được thành lập.
Với sự hậu thuẫn từ Trung Quốc, ASEAN và phương Tây, Chính phủ Liên hiệp của
Cộng hòa Dân chủ Kampuchea, do Khmer Đỏ khống chế về mặt quân sự, sẽ giữ được
ghế của Campuchia tại LHQ và kéo dài cuộc xung đột chống lại Cộng hòa Nhân dân
Kampuchia do Việt Nam và Liên Xô hậu thuẫn trong thập niên tiếp theo.
Lãnh đạo tối cao Trung Quốc Đặng Tiểu Bình coi việc
Việt Nam tấn công một trong số ít đồng minh trung thành của họ, Campuchia, là
một phần trong âm mưu của Liên Xô nhằm bao vây Trung Quốc. Để đối phó với cuộc
xâm lược của Việt Nam, vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, mười bốn sư đoàn Trung
Quốc với số lượng khoảng 200.000 quân xâm lược miền Bắc Việt Nam. Vào thời điểm
họ rút đi một tháng sau đó, cả hai bên đã phải gánh chịu thương vong về quân sự
lên tới hàng chục ngàn người và các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc
trở nên hoang tàn. Có tới một triệu người gốc Hoa sẽ bỏ chạy khỏi Việt Nam, và
thậm chí ngày nay mối quan hệ giữa hai đồng minh ban đầu vẫn chưa được sửa chữa
hoàn toàn.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/0-51-1024x829.jpg
Các binh sĩ của một đơn vị pháo binh lực
lượng vũ trang VN chống quân xâm lược TQ dọc theo đường biên giới dài 230 Km
của tỉnh Lạng Sơn ngày 23/2/1979. Ảnh : AFP
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Mátxcơva bắt đầu rạn nứt
ngay từ năm 1956 khi Thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev có bài phát biểu bí
mật tố cáo sự sùng bái cá nhân của Stalin, mà Chủ tịch Mao Trạch Đông coi đó là
đòn tấn công cá nhân vào thương hiệu chủ nghĩa cộng sản của ông. Trong suốt
những năm 1960, khi các lực lượng Liên Xô và Trung Quốc lâm vào một số cuộc
giao tranh biên giới của riêng họ, hai nước cũng tranh giành ảnh hưởng trong
Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, với việc Liên Xô cung cấp vũ khí tiên tiến
và Trung Quốc cung cấp tiếp liệu dân sự và vũ khí hạng nhẹ cho các lực lượng
Bắc Việt.
Trong suốt cuộc chiến, người Việt Nam đã cố gắng
duy trì thế quân bình giữa Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng quan hệ Trung-Việt
xuống dốc nhanh chóng vào năm 1977 khi Khmer Đỏ, một đồng minh của Trung Quốc,
bắt đầu các cuộc tấn công phục quốc vào đồng bằng sông Cửu Long, và các cuộc
đàm phán biên giới Trung-Việt đổ vỡ vào cuối năm đó.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/0-52-1024x793.jpg
Một lính biên phòng VN, thiệt mạng trong một
cuộc tấn công tại Đồng Đăng, biên giới VN vào tháng 2/1979. ẢNh : Jean-Pierre
Gallois / AFP
Việc Việt Nam quốc hữu hóa không đúng lúc 30.000
doanh nghiệp ở miền Nam vào tháng 3 năm 1978 và thống nhất tiền tệ của nước này
vào tháng 5 năm 1978 làm dấy lên mối nghi ngờ của Trung Quốc cho rằng Việt Nam
đang nhắm vào cộng đồng gốc Hoa một cách bất công — nhiều người trong đó là chủ
doanh nghiệp. Hành động dứt khoát với Trung Quốc diễn ra khi Việt Nam gia nhập
Hội đồng Tương trợ Kinh tế do Liên Xô đứng đầu vào tháng 6 năm 1978. Trung Quốc
đình chỉ tất cả viện trợ cho Việt Nam vào ngày 3 tháng 7 và đóng cửa biên giới
chung của hai nước vào ngày 11 tháng 7.
Việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam bảy tháng sau đó,
diễn ra chỉ một tháng sau chuyến thăm Mỹ của Đặng Tiểu Bình để bình thường hóa
quan hệ, chủ yếu là để cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng chung tay với Mỹ để kiềm chế
Liên Xô.
Đó là một động thái dường như vi phạm nguyên tắc
quí báu của thuyết cân bằng quyền lực theo chủ nghĩa Hiện thực. Trong chừng mực
Liên Xô vẫn yếu hơn Mỹ trong suốt Chiến tranh Lạnh, việc người Trung Quốc giúp
Mỹ đánh bại Liên Xô và và thống trị toàn cầu dường như là thiếu khôn ngoan.
Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba (danh xưng ưa
thích của nhiều học giả về các cuộc xung đột liên quan giữa Việt Nam, Campuchia
và Trung Quốc từ năm 1979 đến năm 1989) đã khiến các nhà nghiên cứu theo chủ
nghĩa Hiện thực tranh nhau sửa đổi lý thuyết lâu đời này. Trong số những phát
kiến phổ biến nhất là lý thuyết “cân bằng mối đe dọa” của nhà khoa học chính
trị Harvard, Stephen Walt, cho rằng Đặng cảm thấy bị đe dọa bởi Liên Xô nhiều
hơn bởi Mỹ, mặc dù sức mạnh của Mỹ là lớn hơn.
Đóng góp lớn của Walt nằm trong việc phân biệt giữa
nhận thức về quyền lực và về mối đe dọa với các phép đo khách quan về quyền
lực. Ngày nay, khi biết rằng vào năm 1979 sự sụp đổ của Liên Xô chỉ cách đó một
thập niên thôi, thật khó có thể tưởng tượng vào thời điểm đó, hầu hết các nhà
bình luận nổi tiếng lại tin rằng Liên Xô thực sự đang trỗi dậy so với Mỹ. Nhưng
bối cảnh địa chính trị vào thời điểm đó trông rất khác.
Viết trên tờ Foreign Affairs vào tháng 1 năm 1978,
chuyên gia nghiên cứu chính sách Helmut Sonnenfeldt lo ngại rằng “sức mạnh quân
sự của Liên Xô tiếp tục phát triển và sự tham gia của Liên Xô vào các vấn đề
thế giới, dù có giao động gì đi nữa, vẫn đang gia tăng”.
Như Fredrik Logevall và Campbell Craig đã cho thấy,
các chính trị gia, nhà báo và học giả Hoa Kỳ đều tạo dựng được sự nghiệp nổi
tiếng hay tai tiếng nhờ mối đe dọa được thổi phồng từ Liên Xô, bất chấp lợi thế
kinh tế và công nghệ của Hoa Kỳ so với Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh.
Nhưng người Mỹ không đơn độc khi đánh giá quá cao sức mạnh của Liên Xô trong
những năm 1970 – Đặng Tiểu Bình và Thủ tướng Singapore lúc đó là Lý Quang Diệu
chắc chắn cũng cảm thấy như vậy, và chính người Liên Xô cũng vậy.
7
Trong hồi ký của mình, Lý Quang Diệu nhớ lại: “Khi
tôi đến thăm Liên Xô vào tháng 9 năm 1970 và gặp Thủ tướng Kosygin tại biệt thự
nghỉ dưỡng của ông trên Biển Đen, các nhà lãnh đạo Liên Xô khoa trương và quyết
đoán, tin tưởng rằng tương lai thuộc về họ.”
Ngược lại, vào ngày 15 tháng 7 năm 1979, Tổng thống
Hoa Kỳ Jimmy Carter đã đọc một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất của
mình, trong đó ông nói về “một cuộc khủng hoảng lòng tin” đe dọa sự “thống nhất
về mục đích” của quốc gia đang chao đảo của ông.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/02/1-38-1024x790.jpg
Jimmy Carter (L) và Leonid Brezhnev ® nói
chuyện trước khi ký hiệp ước SALT II vào ngày 18/6/1979 tại Hofburg Place ở
Vienna, Áo. Ảnh : Votavafoto/AFP
Trên khắp thế giới, vào năm 1979 đã có một nhận
định đều khắp rằng trên bàn cờ thế giới, Liên Xô đang có được mọi thứ họ muốn,
còn Mỹ thì đang rút lui. Không những Mỹ phải chịu đựng sự nhục nhã khi rút quân
khỏi Đông Dương năm 1973 chỉ để chứng kiến đồng minh của mình rơi vào tay Cộng
sản vào năm 1975, mà người Mỹ dường như còn mất dần quyền kiểm soát ở những nơi
khác.
Trong cuộc đảo chính quân sự năm 1974 ở Ethiopia và
cuộc chiến sau đó với Somalia ở Ogaden năm 1977-1978, cũng như cuộc nội chiến
năm 1975 ở Angola, những nhà cách mạng thân Liên Xô đã giành được vị trí quan
trọng ở châu Phi với sự trợ giúp của lực lượng viễn chinh Cuba. Càng ngày càng
lo sợ, Mỹ và các đồng minh trên toàn thế giới ngày càng phải dùng đến bạo lực
đàn áp những người cánh tả, bao gồm cả cuộc đảo chính năm 1973 chống lại Tổng
thống được bầu một cách dân chủ Salvador Allende của Chile và vụ thảm sát năm
1976 các nhà hoạt động cánh tả tại Đại học Thammasat ở Bangkok, Thái Lan.
Bất chấp bạo lực phản động này, năm 1979 dường như
là điểm đỉnh đối với Đế quốc Liên Xô và là điểm thấp nhất đối với Mỹ, và không
chỉ vì Trung Quốc đã thất bại trong việc đánh bật Việt Nam khỏi việc chiếm đóng
Campuchia vào tháng 3 năm 1979.
Vào ngày 3 tháng 2, Vua của Iran, một đồng minh lâu
năm của Mỹ, buộc phải rời khỏi đất nước. Đến tháng 11, một chế độ thần quyền đã
được thiết lập và 52 người Mỹ bị bắt làm con tin khi sinh viên xông vào đại sứ
quán Mỹ ở Tehran. Cách mạng Iran sẽ gây bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế
toàn cầu, gây ra cuộc khủng hoảng dầu lửa, một cuộc khủng hoảng sẽ trở nên trầm
trọng hơn do sự bùng nổ vào năm sau của một cuộc chiến kéo dài một thập niên
giữa Iran và Iraq. Không lâu sau đó, và trước hôm Giáng sinh 1979, quân đội
Liên Xô tiến vào Afghanistan và bắt đầu cuộc chiếm đóng ở đó kéo dài mười năm.
Trong khi đó, tại sân sau của chính nước Mỹ, những nhà cách mạng thân Liên Xô
đã giành quyền kiểm soát Nicaragua và bắt đầu cuộc nội chiến kéo dài một thập
niên ở El Salvador.
Nhìn chung, năm đó được coi là một sự sỉ nhục đối
với Carter và cả nước Mỹ khiến cho ông ấy sẽ sớm bị Ronald Reagan thay thế bằng
một chiến thắng long trời lở đất trong Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1980.
Nhưng bất chấp nhận thức về sự thành công vượt trội
của Liên Xô và sự mất phương hướng của Mỹ, năm 1979 cuối cùng vẫn chứng tỏ là
năm sẽ đảo ngược vận mệnh ngoại giao và quân sự của Liên Xô.
Việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia và Liên Xô chiếm
đóng Afghanistan đều là những thành công quân sự ban đầu nhưng lại trở thành
vũng lầy rất tốn kém cho khối Liên Xô, điều này cuối cùng sẽ buộc cả hai nước
phải từ bỏ nền kinh tế hoạch định hoàn toàn vào giữa những năm 1980.
Năm 1979 cũng sẽ báo trước một kỷ nguyên mới khi
xung đột sắc tộc và giáo phái giành vị trí hàng đầu để cuối cùng làm lu mờ các
đường rạn nứt ý thức hệ của Chiến tranh Lạnh. Vào tháng 6, Giáo hoàng John Paul
II đã về thăm quê hương Ba Lan, kích thích một sự hồi sinh đức tin chưa từng có
tại quốc gia Cộng sản này, và có lẽ đã thúc đẩy sự ủng hộ cho công đoàn Đoàn
kết độc lập – được thành lập một năm sau đó và đóng vai trò trung tâm trong sự
sụp đổ của chế độ Cộng sản.
Vào ngày 27 tháng 8 năm 1979, Huân tước
Mountbatten, một thành viên nổi bật của hoàng gia Anh, bị các thành viên Quân
đội Cộng hòa Ireland ám sát, làm gia tăng nghiêm trọng bạo lực giáo phái giữa
người Công giáo và người Tin lành ở Ireland và Vương quốc Anh, một thời kỳ được
gọi là “Những rắc rối.”
Và chính trong việc thành lập một chế độ thần quyền
hiện đại ở Iran và trên các chiến trường Afghanistan, Hồi giáo chính trị một
lần nữa trở thành một lực lượng được tính đến trên sân khấu thế giới, dẫn đến
‘Cuộc chiến chống khủng bố’ tồi tệ nhiều thập niên sau đó.
Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba cũng là một cuộc
xung đột giữa các đồng minh ý thức hệ rõ ràng có nguồn gốc từ giấc mơ của Pol Pot
là khôi phục lại vinh quang của Đế quốc Khmer bằng cách chiếm lại đồng bằng
sông Cửu Long từ tay Việt Nam. Điều cấp thiết là khi ghi nhớ điều đó ngày nay,
chúng ta phải nhận thức được bối cảnh toàn cầu mà cuộc chiến ấy đã xảy ra. Đó
là một trong số lượng lớn các cuộc xung đột quan trọng mang tính đặc trưng cho
năm 1979, một năm có lẽ còn nhiều biến động và quan trọng hơn năm 2020 trong
việc định hình tiến trình lịch sử thế giới.
______
Tác giả: Hoàng Minh Vũ là nhà sử học ngoại giao
về Đông Nam Á thời Chiến tranh Lạnh và hiện đang thỉnh giảng Khoa Lịch sử và
Việt Nam học tại Đại học Fulbright Việt Nam. Ông lấy bằng Tiến sĩ Lịch sử tại
Đại học Cornell vào năm 2020 và có bằng cử nhân về Quan hệ Quốc tế và Lịch sử
từ trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London.
No comments:
Post a Comment