Friday, 2 November 2018

TỪ BIỆT NHÀ VĂN KIM DUNG (Phan Tấn Hải)




01/11/2018

Nhiều triệu người say mê đọc Kim Dung... trong đó có nhiều thế hệ trẻ tại Việt Nam một thời.

Nhà văn Kim Dung vừa từ trần... Tin này không lạ, vì ông tuổi lớn, bệnh nhiều. Thọ tới 94 tuổi là cực kỳ hiếm.

Sự nghiệp lớn của Kim Dung là viết truyện võ hiệp... Nhìn lại bối cảnh đó, Kim Dung viết chỉ trong các năm từ 1955 tới 1972 thôi... nghĩa là, thời kỳ chính trị Trung Quốc sôi động, đầy những thanh toán nhau.

Trong khi đó, Kim Dung là người của Hồng Kông.  Sống từ thiếu thời bằng nghề báo, Kim Dung có cơ hội theo dõi các tin tức về quê nhà Hoa Lục hàng ngày...

Đảng CS Trung Quốc toàn thắng Hoa Lục năm 1949, lúc đó Kim Dung 25 tuổi, chứng kiến đất nước chia làm Hoa Lục của Mao Trạch Đông (cộng sản Mác Lê), và Đài Loan của Tưởng Giới Thạch (tư bản chủ nghĩa). Kim Dung ở Hồng Kông, nơi trong vòng kiểm soát của chính phủ Anh, nhưng được hưởng các quyền tự do căn bản. Nhìn lại sử sách xưa,   Kim Dung viết truyện võ hiệp, đề cao những mẫu người lương thiện, giỏi võ, yêu nước, hào hiệp, tử tế với phụ nữ -- tuyệt vời quân tử...

Tư đó, giấc mơ Kim Dung bay bổng theo ngòi bút. Nếu không có lòng yêu nước, hẳn là văn chương Kim Dung khó lôi cuốn một cách tự nhiên như thế.

Theo Tự Điển Bách Khoa Mở, chúng ta trích một phần tiểu sử của Kim Dung như sau.

Kim Dung có tên khai sinh là Tra Lương Dung, sinh ngày 6 tháng 2, 1924, tại Chiết Giang (lúc đó, Hoa Lục nằm dưới chế độ Trung Hoa Dân Quốc), từ trần ngày 30 tháng 10, 2018 (thọ 94 tuổi) tại  Hồng Kông (nơi đã được Anh quốc bàn giao, cho sáp nhập vào Hoa Lục).

Kim Dung là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập của nhật báo Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959 và là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này.

Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. 300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả của Trung Hoa đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, châu Á và đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia. Tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình, trò chơi điện tử.

Tên ông được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), là tiểu hành tinh được tìm ra trùng với ngày sinh âm lịch của ông (6 tháng 2). Tháng 2 năm 2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc. Ông là người rất yêu thiên nhiên yêu động vật, đặc biệt ông có nuôi một con chó Trùng Khánh rất quý...

Kim Dung thi vào học Luật quốc tế tại học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh. Thi đậu, nhưng để đến được trường phải trải qua nhiều ngày đi bộ. Tại học viện chính trị Trung ương, Kim Dung vẫn học rất giỏi, cuối năm nhất ông được tặng phần thưởng cho sinh viên xuất sắc nhất. Thời kỳ này, ông ngoài tham gia viết bình luận chính trị trên các báo, còn bắt tay vào làm cuốn Anh - Hán tự điển và dịch một phần Kinh Thi sang tiếng Anh, hai công trình này về sau dở dang. Ông học lên năm thứ ba thì tại trường bắt đầu nổi lên các cuộc bạo loạn chính trị. Có lần viết thư tố cáo một vụ bê bối trong trường, Kim Dung lần thứ hai trong đời bị đuổi học, năm 19 tuổi.

Sau ông xin làm việc tại Thư viện trung ương. Ở chung với sách, tri thức nâng cao lên rất nhiều....

...Năm 1946 từ biệt gia đình, ông về Hàng Châu làm phóng viên cho tờ Đông Nam nhật báo theo lời giới thiệu của Trần Hướng Bình, người ngày xưa đã tìm đến trường ông. Ông làm việc rất tốt, tỏ ra có tài thiên phú về viết báo. Năm sau, theo lời mời của tạp chí Thời dữ triều, ông thôi việc ở Đông Nam nhật báo, sang Thượng Hải tiếp tục nghề viết hay dịch thuật từ máy Radio. Chẳng bao lâu ông lại rời toà soạn Thời dữ triều, xin vào làm phiên dịch của tờ Đại công báo. Lúc này anh trai của Kim Dung là Tra Lương Giám đang làm giáo sư ở học viện Pháp lý thuộc đại học Đông Ngô gần đó, ông liền xin vào học tiếp về luật quốc tế.

Năm 1948, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông, ông được cử sang làm việc ở đó, dịch tin quốc tế...

Năm 1950, trong cuộc Cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, gia đình ông bị quy thành phần địa chủ, cha ông bị đấu tố, từ đó ông mất liên lạc với gia đình...

Năm 1952, ông sang làm việc cho tờ Tân văn báo, phụ trách mục Chuyện trà buổi chiều, chuyên mục này giúp ông phát huy khả năng viết văn của mình hơn, ông rất thích, một phần vì khán giả cũng rất thích. Ông còn viết phê bình điện ảnh. Từ đó dần đi sâu vào lĩnh vực này. Từ 1953, rời Tân Văn báo, bắt tay vào viết một số kịch bản phim như Lan hoa hoa, Tuyệt đại giai nhân, Tam luyến… dưới bút danh Lâm Hoan. Những kịch bản này dựng lên được các diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ như Hạ Mộng, Thạch Tuệ, Trần Tứ Tứ… diễn xuất. Được nhiều thành công đáng kể.

Từ khi mới vào làm cho Tân Văn Báo, ông quen thân với La Phù và Lương Vũ Sinh. Đến năm 1955, được hai người ủng hộ và giúp đỡ, ông viết truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu lục, đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo, bút danh Kim Dung cũng xuất hiện từ đây. Hai chữ "Kim Dung" là chiết tự từ chữ "Dung", tên thật của ông, nghĩa là "cái chuông lớn". Thư kiếm ân cừu lục ra đời, tên Kim Dung được chú ý đến, dần dần, ông cùng Lương Vũ Sinh được xem như hai người khai tông ra Tân phái của tiểu thuyết võ hiệp. Ông viết tiếp bộ Bích huyết kiếm được hoan nghênh nhiệt liệt, từ đó chuyên tâm vào viết tiểu thuyết võ hiệp và làm báo, không hoạt động điện ảnh nữa...

Dịch giả đưa Kim Dung lên cơn sốt tại Việt Nam được ghi nhận là Tiền Phong Từ Khánh Phụng với bản Cô gái Đồ Long (dịch Ỷ thiên Đồ long ký), đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Thực ra trước đó, đã có một số bản dịch như Bích huyết kiếm của Từ Khánh Phụng (báo Đồng Nai), Anh hùng xạ điêu của Đồ Mập (báo Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử (báo Mới). Tuy nhiên, truyện kiếm hiệp vẫn được xem là thứ giải trí rẻ tiền. Bản dịch Cô gái Đồ Long mới tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Một số nhà văn nhà báo lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong... Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý, công phu nhất là Đỗ Long Vân với loạt bài Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung.

Dịch giả truyện Kim Dung tài hoa nhất là Hàn Giang Nhạn với các bản dịch Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh ký... câu văn thanh thoát tự nhiên, sinh động.

Sau 1975, các tác phẩm của Kim Dung bị nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách cấm cùng với các tác gia kiếm hiệp khác như Cổ Long, Trần Thanh Vân... với lý do "văn hóa đồi trụy phản động". Tuy nhiên, các bản sách cũ vẫn được lén lút lưu giữ và được nhiều người truyền tay đọc. Đầu thập niên 1990, với chủ trương Đổi mới, chính quyền Việt Nam giảm bớt sự cấm đoán gắt gao với văn hóa văn nghệ. Một số phim và sách võ hiệp cũ được phát hành lại...

Công ty Văn hóa Phương Nam là công ty đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung. Từ năm 1999, Phương Nam đã mua được bản quyền dịch tác phẩm của Kim Dung, thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn. Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại và phát hành ở Việt Nam theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến)...

“Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung” là tên một cuốn tiểu luận dày hơn 300 trang của Đỗ Long Vân. Cuốn sách nổi tiếng ngay sau khi được xuất bản vào năm 1967. Cuốn sách bị cấm tại Việt Nam từ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 cho đến năm 2000, khi nó được in lại trong một tuyển tập. Trước đó tập tiểu luận này cũng được đăng rải rác trên mạng với lời bình của Nguyễn Quốc Trụ.

Nguyên Sa đánh giá cao tác phẩm này, còn Bùi Giáng thì tỏ ra hết sức khâm phục, ông thường nhắc đến cuốn sách trong các bài luận kiếm hiệp của mình như một đỉnh cao khó vươn tới...

Sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1967 in tại nhà in Trình Bày, Sài Gòn.

Bùi Giáng trong "Thi Ca tư tưởng", trong lúc nói về Đỗ Long Vân:

“Cuốn sách của ông bàn về Kim Dung nằm trong vùng tư tưởng thâm viễn như cuốn Nho Giáo của Trần Trọng Kim. Chẳng những giúp người Việt Nam hiểu tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa, mà còn khiến người Trung Hoa, người Đông phương, Tây phương nói chung ngày sau sực tỉnh. Tầm quan trọng của cuốn sách kia quả thật rộng rãi không cùng.”

... Hiển nhiên, tìm được lời ca ngợi của Bùi Giáng phải là hy hữu. Hiển nhiên, cũng không thể nói cạn lời về Kim Dung. Tuổi trẻ rất nhiều người, trong đó có tôi, lớn lên cũng với những dòng chữ Kim Dung -- một ngòi bút yêu đất nước (đang ly tán của ông) rất mực thiết tha, yêu cuộc đời rất mực say đắm, và yêu cái thiện rất mực tuyệt vời...

-------------------------------------------


October 31, 2018

HỒNG KÔNG (NV) – Hồi thập niên 1980, ông Đặng Tiểu Bình từng cho đàn em lén mua sách của Kim Dung ở Hồng Kông để theo dõi tình tiết câu chuyện, theo South China Post.

Khi gặp Kim Dung lần đầu năm 1981, lãnh tụ Trung Hoa lập đi, lập lại: “Tôi với ông như bạn cũ, vì tôi đọc truyện ông viết rồi.” Đây là lời khen tối cao đối với một tác giả, vẫn theo South China Post.

Thân nhân văn sĩ cho biết đám tang sẽ được cử hành một cách riêng tư.

Theo cáo phó, cuốn sổ phân ưu cho Kim Dung được đặt tại Jin Yong Gallery trong viện bảo tàng  Heritage Museum tại Sha Tin, Hồng Kông từ ngày 12 đến 30 Tháng Mười Một để công chúng bày tỏ lòng ngưỡng mộ.

Cư dân Hồng Kông tụ tập rất đông, gồm cả độc giả ái mộ lẫn giới chỉ trích thành quả văn học cũng như chính trị của ông.

Độc giả sẽ không quên được Kim Dung. (Hình: newnationnews.org)

Ra đời tại Hải Ninh, Trung Quốc, năm 1948, khi lên 24 tuổi, ông sang Hồng Kông sinh sống.
Rất đông người trên khắp thế giới từng hồi hộp theo dõi những tình tiết sống động trong từng dòng văn của ông, nhưng chẳng mấy ai biết rằng ông là người viết báo chống đối chính sách hà khắc của đảng Cộng Sản ở Trung Hoa.

Tác giả khét tiếng Kim Dung qua đời Thứ Ba, 30 Tháng Mười, bên thân nhân và bạn hữu vì bệnh ung thư gan và mất trí, báo South China Post.

Năm 1957, khi truyện chưởng của ông thành công, Kim Dung cùng ba người bạn thành lập tờ báo nhỏ, tên Ming Pao, hoạt động được nhờ độc giả trông chờ đọc truyện của ông.
Ming Pao hiện là nhật báo tiếng Hoa hàng đầu.

“Kim Dung không chỉ là ‘cao thủ’ kiếm hiệp mà còn có thể ngang hàng với William Shakespeare,” nhà phê bình văn hóa Oliver Chou viết.

Ông thêm: “Thành lập nhật báo Ming Pao, Kim Dung trở thành người đi tiền phong danh tiếng.”

Trong những tin nhắn của người hâm mộ ông, có người viết: “Thưa ông Kim Dung, ông là ký ức tuổi thơ tôi!”

Một người khách đến viện bảo tàng, cho biết truyện Kim Dung dạy ông cách sống lương thiện. Người khác nói ông “mê” những anh hùng khác thường của Kim Dung. (ĐG)








No comments:

Post a Comment

View My Stats