Thursday, 15 November 2018

THỎA HIỆP TRUMP - XI TẠI G-20 (Geoffrey Garrett - Foreign Affairs)




Geoffrey Garrett  -  Foreign Affairs  
Trà Mi dịch
Posted on November 13, 2018 by editor

Thâm hụt thương mại đi đến thắng thua. Nhưng tự do đầu tư đối ứng sẽ đi đến đôi bên cùng có lợi. Bây giờ là lúc để bắt lấy cơ hội.

Tập trung vào đầu tư, chứ không nên nhằm vào mậu dịch, tại Buenos Aires

Hình : Xi và Trump. Nguồn: Damir Sagolj/Reuteurs

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Buenos Aires vào cuối tháng 11 với một chủ đích: giải nhiệt cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là thỏa hiệp, và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở trong một vị thế mạnh để thương lượng. Mức thuế nhập cảng hiện tại đã làm Trung Quốc thiệt hại nhiều hơn so với Hoa Kỳ. Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào Hoa Kỳ hơn là nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Triển vọng kinh tế Mỹ đang rất tốt; trong khi đó có những đám mây bão lớn phủ trên nền kinh tế Trung Quốc. Tóm lại, lợi thế về phía Mỹ. Nhưng Trump nên thỏa hiệp thế nào?

Vấn đề của Trump là Xi không thể cho Trump những gì ông ta nói ông ta muốn: tức thì cắt giảm thâm hụt thương mại với Mỹ ở mức độ lớn. Trump có thể sẽ được Trung Quốc bảo đảm sẽ mua thêm hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ – ví dụ, tiếp tục các hợp đồng với Boeing để công ty này cung cấp cho thị trường thương mại hàng không lớn và đang phát triển của Trung Quốc. Nhưng những điều này sẽ không thay đổi thực tế cấu trúc cơ bản đưa đến sự mất cân bằng thương mại khổng lồ: người dân Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn người Mỹ; Người Mỹ tiêu thụ nhiều hơn người Trung Quốc.

Những gì Trung Quốc có thể cung cấp – và những gì Hoa Kỳ nên chấp nhận – liên quan đến đầu tư, chứ không phải thương mại. Trump nên làm áp lực để các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc có nhiều cơ hội vào thị trường ở đây và được bảo vệ tốt hơn, kể cả sở hữu trí tuệ. Ông cũng nên thay đổi các điều kiện về đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Mục tiêu nhằm giới hạn những công ty Trung Quốc mua lại tài sản hiện có, và đầu tư nhiều hơn vào các dự án mới hứa hẹn tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ.

BUÔN BÁN TẠI TRUNG QUỐC

Người lãnh đạo kỳ cựu trong giới kinh doanh Mỹ Maurice Greenberg đã tóm gọn vấn đề này trong một bài bình luận trên tờ Wall Street Journal mùa hè năm ngoái.

“Trung Quốc không thể tiếp tục mong đợi nhận được các điều kiện thương mại và đầu tư thuận lợi ở những thị trường nước ngoài khi họ không muốn đáp trả. Vì lợi ích của mình Trung Quốc phải đổi mới, và Hoa Kỳ đúng khi làm áp lực để có một sân chơi công bằng.”

Những chiến thắng Hoa Kỳ có thể có ở mặt đầu tư lớn hơn ở mặt thương mại tự do hơn và công bằng hơn. Ngày nay, các công ty đa quốc gia ngày càng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới phân phối. Ngày càng ít sản phẩm sản xuất hoàn toàn ở một quốc gia và xuất cảng sang một quốc gia khác. Cách tốt nhất để buôn bán ở thị trường nước ngoài là điều chỉnh sản phẩm theo điều kiện địa phương. Và điều đó thường có nghĩa là hoạt động, mở xưởng sản xuất ở đó. Chỉ cần nhìn tất cả những xe SUV hiệu BMW và Mercedes của Đức được thiết kế cho thị trường Mỹ, sản xuất và bán tại đây.

Nghiên cứu của Deutsche Bank ước tính rằng doanh thu của các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc lớn ít nhất gấp hai lần giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Ví dụ General Motors, bán nhiều xe hơn ở Trung Quốc hơn là bán được ở Mỹ. Nhưng những chiếc xe và xe tải này đều được sản xuất tại Trung Quốc – chứ không phải ở Detroit – trong một liên doanh với doanh nghiệp nhà nước, SAIC Motor Corporation, có lẽ là hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Cổ đông của GM rõ ràng hưởng lợi nhờ việc sản xuất và bán xe ở Trung Quốc. Vì vậy, công nhân GM ở Mỹ cũng hưởng lợi khi GM tái đầu tư lợi nhuận từ thị trường Trung Quốc vào lại cơ sở ở Hoa Kỳ.

Nhưng điều kiện hoạt động hiện tại của GM ở Trung Quốc chưa tối ưu. Theo các quy ước đặt ra từ gần 20 năm trước, khi nền kinh tế Trung Quốc kém phát triển hơn nhiều so với ngày nay, chính phủ Trung Quốc đã ngăn không cho GM (cổ đông thiểu số) được quyền kiểm soát những chi nhánh của GM tại Trung Quốc. GM và nhiều công ty khác của Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc, muốn vận hành các công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của họ, ít bị hạn chế của chính phủ và không phải lo ngại là họ có thể họ vô tình để lộ bí mật kỹ thuật và quy trình chế tạo riêng với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.

Quyền được hoạt động độc lập là cốt lõi của việc tiếp cận thị trường tự do hơn và công bằng hơn. Có những bằng chứng cho thấy chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã bắt đầu chuyển theo hướng này. Khi Tesla mở một nhà máy ở Thượng Hải, tất cả những dấu hiệu cho thấy là nó sẽ hoạt động như một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty mẹ ở Mỹ và không có đối tác liên doanh Trung Quốc. BMW gần đây đã công bố đã tăng cổ phần sở hữu của họ trong công ty con của Trung Quốc đến vị trí cổ đông đa số. Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các quy tắc về quyền sở hữu nước ngoài đối với các công ty dịch vụ tài chính ở Hoa lục, một cơ hội mà công ty quản lý tiền của Mỹ Fidelity đã không bỏ qua.

Các công ty kỹ thuật Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc phải tiết lộ tài sản trí tuệ có giá trị cho những đối tác ở Trung Quốc, nếu không cũng bị đánh cắp. Nhưng các công ty kỹ thuật Trung Quốc như Alibaba, Baidu và Tencent nay cũng có tài sản trí tuệ riêng của họ để phải bảo vệ. Năm năm trước, về cơ bản không có “con kỳ lân” (những doanh nghiệp khởi đâu với giá trị hơn 1 tỷ USD) nào của Trung Quốc. Ngày nay, theo tờ The Economist, đã có nhiều kỳ lân ở Trung Quốc hơn là ở Thung lũng Hoa vàng bên Mỹ. Sáng tạo mới của Trung Quốc càng thành công hơn thì chính phủ Trung Quốc có nhiều lý do hơn để bảo vệ IP ở Trung Quốc. Điều đó cũng sẽ giúp các công ty kỹ thuật của Mỹ.

Nới lỏng các hạn chế đối với các công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc không chỉ dem lại lợi ích cho Hoa Kỳ. Thật vậy, nhiều người trong khu vực tư nhân đang phát triển của Trung Quốc đang hy vọng rằng kết quả của sự căng thẳng Mỹ-Trung đang cao sẽ là động lực đưa đến những đổi mới kinh tế nội địa đã được hứa hẹn từ lâu ở Trung Quốc.

ĐẦU TƯ Ở MỸ

Đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ có thể đem lại kết quả hai bên đều có lợi. Những cuộc đàm phán giữa hai nước trong Hiệp ước đầu tư song phương (BIT) đã bị đình trệ trong nhiều năm. Mặc dù một BIT chính thức có lẽ vẫn còn ở một tương lai xa, Buenos Aires là nơi thích hợp để hồi sinh những ý tưởng đằng sau những cuộc đàm phán trước đây. Ngoài việc công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc, Trump và Xi nên rút ra những bài học từ những thành công đáng kể trong vài chục năm qua của đầu tư Nhật Bản tại Hoa Kỳ, mà Bộ Thương mại Mỹ ước tính đã tài trợ cho hơn 700.000 việc làm của người Mỹ.

Theo tổ chức Giám sát Đầu tư Trung Quốc của Tập đoàn Rhodium, đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tăng nhanh sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, năm 2001, lên đến 45,6 tỷ đô la trong năm 2016. Số đầu tư này giảm khoảng một phần ba trong năm 2017, rớt xuống đáy vào năm 2018. Trong hai quý đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ tổng cộng chỉ được 2 tỷ đô la. Sự suy giảm đâu tư này là kết quả của một cơn bão hoàn hảo: cuộc chiến thương mại, Trung Quốc hạn chế tư bản chảy ra nước ngoài, và sự giám sát đầu tư nước ngoài chặt chẽ hơn trên cơ sở an ninh quốc gia của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu ở những thập kỷ tới. Washington nên chuẩn bị để bảo đảm Hoa Kỳ sẽ nhận được rất nhiều từ những đầu tư này, và nó chứng minh cả hai bên cùng có lợi. Nếu giới hoạch định chính sách của Mỹ đi đúng thế cờ, đầu tư của Trung Quốc có thể không chỉ mang lại việc làm cho người Mỹ mà còn làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Đó là chính những gì đã xảy ra với Nhật Bản, từng là ông ngáo ộp thương mại lớn nhất của Mỹ. Mặc dù đầu tư của Nhật Bản vào Mỹ ban đầu không được ưa chuộng vì họ đã mua lại các tài sản mang tính biểu tượng của Mỹ như Pebble Beach và Rockefeller Center, các công ty Nhật Bản đã chuyển hướng sang xây dựng nhà máy và thiết bị mới với những cơ xường tạo công ăn việc làm của Toyota tại sáu tiểu bang ở Hoa Kỳ – một tấm gương lớn cho đầu tư nước ngoài.

Trump nên nói với Xi rằng mặc dù Hoa Kỳ (như Trung Quốc và hầu hết các nước khác) phải ngăn chặn đầu tư nước ngoài trên cơ sở an ninh quốc gia một cách hợp pháp, Mỹ sẽ hân hoan đón thêm tiền mặt của Trung Quốc. Giống như Nhật Bản trước đó, đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ đang bị lệch hướng đi thu mua tài sản hiện có, phần lớn là bất động sản, một khu vực mà giới đầu tư Trung Quốc đã đổ ra hơn 130 tỷ USD. Trong cùng thời gian đó, đầu tư của Trung Quốc vào các dự án mới, được gọi là đầu tư vào lĩnh vực xanh, tổng cộng chỉ có 9 tỷ đô la.

Bây giờ là thời điểm tốt nhất để đầu tư Trung Quốc đi theo con đường của Nhật Bản. Một ví dụ điển hình là Foxconn, công ty sản xuất hầu hết các thiết bị của Apple tại Hoa lục. Năm ngoái, Foxconn thông báo họ sẽ đầu tư 9 tỷ đô la để xây dựng và mở một nhà máy lớn ở Wisconsin có thể tạo ra 13.000 việc làm. Đó là một chiến thắng cho Wisconsin, nhưng nó cũng là một thắng lợi cho Foxconn.

“Chiến tranh thương mại” đã trở thành một trong những thuật ngữ được tìm kiếm nhiều nhất trong các công cụ tìm kiếm ở cả hai phía Thái Bình Dương. Nhưng ở những mặt quan trọng, thương mại truyền thống chỉ là màn phụ diễn trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Các công ty đa quốc gia có trụ sở tại một quốc gia nhưng hoạt động trong nhiều quốc gia khác là cấu trúc chính. Khi Trump và Xi gặp nhau ở Buenos Aires, đó là điểm mà họ nên tập trung. Thâm hụt thương mại đi đến thắng thua. Nhưng tự do đầu tư đối ứng sẽ đi đến đôi bên cùng có lợi. Bây giờ là lúc để bắt lấy cơ hội.

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc Thể lệ “trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

*
Nguồn: The Deal Trump Should Strike With Xi| Geoffrey Garrett | Foreign Affairs, November 12, 2018.






No comments:

Post a Comment

View My Stats