Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-11-16
2018-11-16
Tiếng
kêu cứu lặng thinh của thanh thiếu niên học đường
Một đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ "Hiện
tượng hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa"
được Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện và
công bố vào trung tuần tháng 11, với kết quả nghiên cứu cho thấy những học sinh
là con ngoan, trò giỏi ở tuổi vị thành niên có xu hướng tự hủy hoại bản thân.
Ảnh minh họa. AFP
Hiện tượng
Hồi trung tuần tháng Giêng năm 2018, dư luận trong
nước bàng hoàng trước thông tin một nữ sinh lớp 7 ngoan ngoãn, học giỏi ở Hà
Tĩnh tự tử trong lớp học, đã để lại hai bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt
gửi lời xin lỗi đến bố mẹ, thầy cô và bạn bè vì kết quả học tập giảm sút, không
được như kỳ vọng của mọi người dành cho em.
Truyền thông quốc nội lúc bấy giờ cũng đăng tải nhiều
thông tin báo động học sinh bị trầm cảm, tự tử vì áp lực học hành.
Hiện tượng tự tử của một nữ sinh cấp hai vì trầm cảm
này chỉ là một trong nhiều trường hợp đã và đang xảy ra ở Việt Nam.
Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vào hôm 12
tháng 11 công bố một nghiên cứu có tựa "Hiện tượng hủy hoại bản thân của học
sinh Trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa".
Nhóm tác giả thực hiện đề tài khoa học vừa nêu cho
biết đã tiến hành khảo sát thực tế trên 1043 học sinh tại 7 trường Trung học cơ
sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Kết quả điều tra cho thấy có gần
62% có hành vi bỏ bê hay thiếu trách nhiệm với bản thân, hơn 38% có suy nghĩ bi
quan về cuộc sống, xấp xỉ 32% thừa nhận từng làm đau bản thân mình. Điều đáng
chú ý là trong số 1043 em học sinh được khảo sát, khoảng 27% thực hiện hành vi
tự hủy hoại bản thân. Đặc biệt trong tỉ lệ 27% này, các em học sinh khá, giỏi lại
chiếm số đông.
Hậu quả
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu phó trường Đại
học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, được truyền
thông dẫn lời cho biết hiện tại tỷ lệ rối loạn tâm lý học đường càng cao thì học
sinh đối diện nhiều khó khăn, và do đó nhiều em chọn hành động tự tổn hại, tự
hành hạ mình.
Trong cuộc phỏng vấn với Báo Tuổi Trẻ Online, vào
ngày 14 tháng 11, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh nhóm nghiên cứu đề tài khoa học
xác nhận được rằng có mối quan hệ nhất định giữa trầm cảm và hành vi tự hủy hoại
; có nghĩa là từ trầm cảm, học sinh dễ có hành vi tự hủy hoại và khi có hành vi
tự hủy hoại thì dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm lâu dài, cũng như nguy cơ gia tăng
mức trầm cảm.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có không ít những trường hợp
học sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam tự hủy hoại bản thân đến mức
tự vẫn mà không một ai biết được nguyên nhân vì sao các em đi đến quyết định
như thế.
Bà Ngọc Trân ở Sài Gòn cho RFA biết gia đình của bà
gặp một biến cố kinh hoàng khi một người cháu thật ngoan hiền, thật lễ phép, học
thật giỏi đã nhảy từ ban công tầng lầu xuống sân nhà và ra đi mãi mãi mà trước
đó người cháu này không có một biểu hiện bất thường nào. Bà Ngọc Trân chia sẻ :
"Đây là một mất mát rất lớn, không có gì có thể
bù đắp được và bố mẹ của cháu suy sụp hoàn toàn. Những năm tháng còn lại trong
cuộc đời thì trong gia đình sẽ cố gắng cho sự việc được trôi qua đi, nhưng nỗi
ám ảnh, nỗi nhớ thương, nghĩ về con là khôn nguôi".
Kết thúc cuộc trò chuyện với bà Ngọc Trân, hình ảnh
đọng lại trong lòng chúng tôi là nỗi nghẹn ngào qua tiếng nấc nghẹn mất mát người
thân còn quá trẻ với nỗi hụt hẫng không bao giờ tìm được lời đáp chuyện gì đã xảy
đến với người cháu yêu dấu của bà.
Thư tuyệt mệnh của một nữ sinh trung học viết trước
khi tự vẫn.Courtesy : Ảnh chụp màn hình tienphong.vn
Để phần nào tìm kiếm câu trả lời, chúng tôi gặp gỡ với
bạn trẻ Cẩm Linh, một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học và được biết bạn từng trải
qua giai đoạn tuổi thiếu niên có hoàn cảnh sống tương tự như cháu của bà Ngọc
Trân và bạn cũng từng tự cầm dao cắt vào tay của mình.
Bạn trẻ Cẩm Linh nói với RFA tâm trạng của bản thân
cũng như của một số bạn bè đồng trang lứa khi bước vào tuổi mới lớn :
"Họ cảm thấy bị áp lực từ phía gia đình, đặc biệt
từ cha mẹ. Cha mẹ lúc nào cũng muốn con cái học thật giỏi nên nhiều khi suy
nghĩ đó áp đặt lên người con và người con cảm thấy không có đủ năng lực để đạt
được mong muốn của cha mẹ mình mà không thể giải tỏa được với ai. Nói với cha mẹ
thì cha mẹ không hiểu. Nói với bạn bè thì bạn bè cũng bị áp lực giống như mình
và mối quan hệ bạn bè cũng có những xích mích hàng ngày khi đi học. Nhiều áp lực
cộng hưởng lại ảnh hưởng rất nhiều lên tâm lý của một học sinh như vậy và họ có
xu hướng làm tổn thương đến bản thân, cơ thể của mình để cha mẹ, gia đình, bạn
bè chú ý đến họ nhiều hơn hoặc là qua đó muốn làm áp lực lại đối với những người
xung quanh".
Trả lời câu hỏi của RFA rằng bạn đã nghĩ gì trong
giây phút cầm dao cứa vào da thịt, tự làm đau mình ; bạn trẻ Cẩm Linh bày tỏ :
"Khi ở lứa tuổi thanh thiếu niên mười mấy tuổi
mà không thể tìm được câu trả lời cho những câu hỏi của mình thì thường chỉ
nghĩ đến một hướng tiêu cực nhất là giải thoát cho bản thân của họ ; đó là kết
thúc thôi".
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề liên quan đến đề tài
nghiên cứu vừa công bố của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về "Hiện
tượng hủy hoại bản thân của học sinh Trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa"
với Chuyên gia Tâm lý-Tiến sĩ Diệu Thoa Trương, một bác sĩ tham gia nhiều chương
trình giúp đỡ cho thanh thiếu niên bị trầm cảm ở Bang California, Hoa Kỳ và được
bà giải thích :
"Những em hay tự cắt mình hay tự hủy hoại bản
thân là do nhiều khi các em có những nỗi đau về tình cảm mà các em chịu không
được. Ví dụ như những áp lực từ gia đình, từ học đường, từ xã hội mà các
em không biết cách để đối phó. Do đó, thà các em đau bằng thể xác. Và khi các
em tự cắt mình thì những chất dẫn truyền thông tin trong não bị kích động tạo cảm
giác nhẹ nhàng. Các em sợ thì có sợ nhưng cảm thấy như được giải thoát".
Kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu của Đại học Sư
phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy biểu hiện tự hủy hoại bản thân của
các em học sinh ở nhiều mức độ khác nhau ; như tự bứt tóc chiếm hơn 18%, tự cắn
mình chiếm hơn 18%, đập đầu vào một vật gì đó chiếm gần 20% và có hành vi tự
đánh đấm mình chiếm hơn 35%.
Tiến sĩ Tâm lý học Diệu Thoa Trương nhấn mạnh hành động
tự hủy hoại bản thân của thanh thiếu niên do nhiều yếu tố đa dạng khác nhau, có
phần nhằm gây sự chú ý của cha mẹ và cũng có thể là muốn biểu hiện với bạn bè
theo xu hướng, theo phong trào ; nhưng "Chủ yếu đó là tiếng kêu cứu
của các em".
Tham khảo Phần 2 : Làm thế nào để ngăn chặn xu hướng tự hủy hoại bản thân của thanh thiếu
niên ?
*
*
Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-11-16
2018-11-16
Làm thế
nào để ngăn chặn xu hướng tự hủy hoại bản thân của thanh thiếu niên ?
Một đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ "Hiện
tượng hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở (Trung học cơ sở) và biện
pháp phòng ngừa" được Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ
Chí Minh) thực hiện và công bố vào trung tuần tháng 11, với kết quả nghiên cứu
cho thấy những học sinh là con ngoan, trò giỏi ở tuổi vị thành niên có xu hướng
tự hủy hoại bản thân.
Ảnh minh họa. AFP
Nguyên
nhân
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu phó trường Đại
học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), chủ nhiệm đề tài
nghiên cứu, trong cuộc phỏng vấn với Báo Tuổi Trẻ Online, vào ngày 14 tháng 11,
nhấn mạnh nhóm nghiên cứu đề tài khoa học xác nhận được rằng có mối quan hệ nhất
định giữa trầm cảm và hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh cấp Trung học
cơ sở.
Qua trao đổi với RFA về hiện tượng các em học sinh
có xu hướng tự hủy hoại bản thân, Chuyên gia tâm lý-Tiến sĩ Diệu Thoa Trương, ở
Hoa Kỳ khẳng định mặc dù có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến việc các em có hành
động như thế, nhưng chủ yếu là tiếng kêu cứu của các em, khi các em ở độ tuổi vị
thành niên bị những áp lực mà không biết cách đối phó.
Nhà xã hội học-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương lên tiếng với
RFA rằng bà ghi nhận đề tài nghiên cứu mà trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ
Chí Minh thực hiện có lẽ là một khảo sát chính thức lần đầu tiên được công bố
và đó là điều đáng mừng vì Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng vấn đề tâm lý của
thanh thiếu niên trước đây ít được giới chuyên môn quan tâm nhiều. Nhà xã hội học
Phạm Quỳnh Hương nói :
"Qua những gì tôi quan sát xã hội thì tôi thấy
quả thật trong những năm gần đây, thanh niên nói chung và học sinh ở nhà trường
thì có những áp lực thật sự. Áp lực cả về cuộc sống xã hội, cộng thêm áp lực về
học hành nữa. Giáo dục tại Việt Nam thì ngày càng áp lực hơn trước đây rất là
nhiều".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, trong cuộc phỏng vấn với
Báo VTV News Online, hồi trung tuần tháng 4 năm 2018, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần
Thu Hương, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định xã hội càng phát triển thì
áp lực càng gia tăng, càng có nhiều sự đè nén lên các thế hệ, đặc biệt là thế hệ
trẻ. Bên cạnh áp lực từ xã hội, giáo dục theo như Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nêu
lên, Tiến sĩ Trần Thu Hương còn đưa ra nguyên nhân áp lực từ công nghệ thông
tin và từ gia đình, chẳng hạn cha mẹ kỳ vọng vào thành tích học tập của con cái
quá nhiều mà bản thân các em không có đủ năng lực để đáp ứng, nhưng các em lại
không thể giãi bày.
Cô Phương Trương, một bà mẹ trẻ đang theo học các
khóa huấn luyện nuôi dạy con ở Trung tâm Đánh giá và Can thiệp Tâm lý Hồn Việt,
chia sẻ với RFA rằng có rất nhiều yếu tố cộng hưởng tạo nên áp lực cho trẻ vị
thành niên dẫn đến các em bị trầm cảm và có xu hướng tự hủy hoại bản thân, tuy
nhiên Chuyên gia tâm lý-Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga đưa ra nguyên nhân chủ yếu là
đến từ gia đình. Cô Phương Trương nói về lớp hướng dẫn sự nối kết của gia đình
tại Trung tâm Hồn Việt do Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga chủ trì :
"Cô này rất chu đáo, có những khóa miễn phí cho
người nghèo. Cô có những khóa học dành 2 giờ đồng hồ dành cho phụ huynh chia sẻ.
Cô đặt những câu hỏi và phụ huynh phải trả lời. Và sau khi trả lời thì cô sẽ ngẫu
nhiên mời một đứa con của gia đình đến. Cô đặt câu hỏi tương tự với người con
đó thì đa phần câu trả lời của cha mẹ không trùng với của con 100%. Mức độ kết
nối gia đình không có".
Trong phần 1 của loạt bài phóng sự tìm hiểu vì sao học
sinh thanh thiếu niên là con ngoan, trò giỏi lại có xu hướng tự hủy hoại bản
thân, bạn trẻ Cẩm Linh tâm sự chính mình và những bạn bè đồng trang lứa bị rơi
vào trạng thái tâm lý không biết giải tỏa áp lực cùng ai nên có xu hướng làm tổn
thương đến bản thân để người thân chú ý đến hoặc qua đó muốn làm áp lực lại đối
với những người xung quanh.
Tiến sĩ Diệu Thoa Trương cho rằng các bậc phụ huynh
Việt Nam phần đông là những người thường hay phán đoán và đó là nguyên nhân khiến
cho con cái của họ không thể tâm sự và dẫn đến trầm cảm khi các em đối diện với
những áp lực trong học tập, tình cảm, trong giao tiếp xã hội…Chuyên gia tâm lý
Diệu Thoa Trương lý giải :
"Cha mẹ có thể phán đoán các em rằng tại sao phải
vậy ? Nhưng quý vị không biết là cảm xúc của các em đối với vấn đề làm cho các
em bị hụt hẫng, đau khổ, tuyệt vọng là một cảm xúc rất thật. Lúc đó đối với các
em, những chuyện như vậy rất quan trọng nhưng không có ai ở đó để cho các em có
thể tâm sự. Các em cần một người không phán đoán các em. Quý vị nhìn thấy một đứa
con ngoan, nhưng nhiều khi trong lòng của nó bão tố
mà nó không dám chống lại".
Dấu hiệu
Áp lực từ công nghệ thông tin là một trong những
nguyên nhân tác động đến học sinh bị trầm cảm. AFP
Truyền thông quốc nội vào đầu tháng 11 đăng tải số
liệu khỏang 3 triệu thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề sức khỏe tâm thần, theo
báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa công bố hồi tháng 10. Báo
Tuổi Trẻ Online dẫn lời của Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bác
sĩ Nguyễn Hữu Chiến cho biết mặc dù chưa có khảo sát trên diện rộng nhưng số lượng
thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng, bị rối loạn sức khỏe tâm
thần học đường do sức ép học tập…
Theo kết quả khảo sát, được thực hiện từ năm 2003 đến
nay ở 10/63 tỉnh, thành của Việt Nam vừa được UNICEF công bố cho thấy dấu hiệu
bệnh lý phổ biến nhất của 3 triệu thanh thiếu niên là lo âu, chán nản về cuộc sống,
thiếu tự tin, trầm cảm, có ý định tự tử và tự tử ; trong đó tỉ lệ thanh thiếu
niên có ý định tự tử tăng lên từ 3,4 đến 6,1%.
Một số chuyên gia tâm lý mà Đài RFA trao đổi cho biết
các em thanh thiếu niên khi gặp vấn đề về tâm lý và bị trầm cảm thông thường có
những biểu hiện như luôn cáu giận, thay đổi thói quen ăn ngủ, luôn thấy mệt mỏi,
thích một mình, thậm chí có thái độ thù nghịch với cha mẹ và xã hội. Họ đưa ra
lời khuyên khi phụ huynh nhận thấy con em mình có những biểu hiện như thế thì cần
hỗ trợ các em để các em sớm được điều trị.
Giải
pháp
Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí
Minh, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho biết nhóm nghiên cứu đề tài khoa học
và công nghệ cấp bộ "Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh Trung học
cơ sở và biện pháp phòng ngừa" đưa ra một số giải pháp nhằm phòng ngừa hiện
tượng này ; bao gồm nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học
sinh, giáo viên, chuyên viên tham vấn học đường, tổ chức các chuyên đề kỹ năng
sống nhằm phát triển năng lực ứng phó với hành vi tự hủy hoại bản thân của học
sinh, và xây dựng hệ thống kiến thức cùng bài tập hướng dẫn học sinh có dấu hiệu
hủy hoại bản thân nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân
kích thích của hành vi này.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nói với báo giới ông đánh giá
hoạt động tư vấn tâm lý tại trường học trong những năm gần đây đã khởi sắc và
có sự thay đổi nhất định và đầu tư từ Bộ Giáo Dục-Đào Tạo, đang chú trọng nhiều
đến học sinh trung học. Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho rằng vẫn cần có sự
đầu tư nhiều hơn về con người, cơ sở vật chất cũng như cần được đảm bảo thực hiện
một cách bài bản và có hệ thống.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về công tác liên quan
đến việc quan tâm tâm lý học đường của học sinh trung học, một giáo viên giảng
dạy tại một trường trung học cơ sở ở Cần Thơ, không muốn nêu tên cho biết
chương trình giảng dạy quá tải nên cũng không có thời gian quan tâm tâm lý học
sinh :
"Giáo viên đông lắm, không có đi học hết được. Có
thể là 1, 2 giáo viên hoặc là hiệu trưởng tham gia lớp học rồi về truyền đạt lại
giống như cho có vậy thôi. Có hướng dẫn giáo dục tâm lý trẻ em nhưng chỉ cho
mình đọc và giáo viên tự thân vận động, thương học trò thế nào thì giáo dục học
trò thế đó".
Chuyên gia tâm lý Diệu Thoa Trương chia sẻ ở Hoa Kỳ
có nhiều chương trình giúp đỡ cho thanh thiếu niên khi các em có vấn đề về tâm
lý, đặc biệt là ở trường học :
"Trường lớp ở Mỹ cũng rất hay, có những khóa dạy
cho các bác sĩ tâm lý, dạy cho thầy cô hoặc dạy cho bạn bè để giúp để ý thấy những
bạn nào có dấu hiệu trầm cảm thì mình tới và nói chuyện. Tức là họ huấn luyện từ
người cảnh sát cho tới chuyên gia tâm lý và giáo viên để tìm đến với đứa trẻ. Tại
vì đứa trẻ tin vào những người gần gũi, những người không phán đoán mình thì
các em cảm thấy an toàn để chúng chia sẻ".
Tiến sĩ Diệu Thoa Trương nhấn mạnh quan trọng hơn hết
là sự nối kết của gia đình với các em thanh thiếu niên và khi các bậc phụ huynh
muốn được con em của họ sẻ chia thì trước hết chính bản thân họ phải thay đổi,
không tạo áp lực lên con cái của mình, nhất là trong việc học hành.
Chúng tôi xin được kết thúc loạt bài tìm hiểu về xu
hướng thanh thiếu niên, đa số là con ngoan, trò giỏi có xu hướng tự hủy hoại bản
thân với tâm sự của bạn trẻ Cẩm Linh rằng dù mới tốt nghiệp đại học với tấm bằng
cử nhân tài chính, theo ý nguyện của ba mẹ, nhưng bạn thật sự mất phương hướng
vì không thể tìm được công việc như ý muốn trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có đến
200 ngàn cử nhân thất nghiệp.
No comments:
Post a Comment