02/11/2018
Vài hôm nữa là đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống
Mỹ. Nhiều người đang mong đợi kết quả, có sẽ là một làn sóng xanh ập tới để đưa
các dân cử Đảng Dân chủ vào chiếm đa số trong quốc hội hầu ngăn cản những chính
sách của Tổng thống Trump.
Tài liệu về bầu cử 6/11 ở tiểu bang California (Ảnh:
Bùi Văn Phú)
Hay làn sóng đỏ của Đảng Cộng hoà sẽ vẫn tiếp tục
trào dâng như trong mấy kỳ bầu quốc hội trước, để đảng này tiếp tục nắm đa số,
để Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra những chính sách như mong muốn là phát triển
kinh tế, giới hạn nhập cư và đưa nước Mỹ trở lại vị trí hàng đầu.
Triều dâng sóng đỏ trong chính trường Mỹ có thể nói
là bắt đầu nổi lên từ năm 1994, qua bầu cử giữa kỳ, khi Tổng thống Bill Clinton
mới nhận chức được hai năm. Trước đó thì Hạ viện đã do Đảng Dân chủ chiếm đa số
trong suốt 40 năm.
Từ đó đến nay, qua 11 lần bầu quốc hội Đảng Cộng hoà
vẫn nhiều lần giữ được đa hơn so với Đảng Dân chủ.
Sau chiến thắng của Cộng hoà tại Hạ viện vào năm
1994, năm 1998 Tổng thống Dân chủ Bill Clinton bị đàn hạch tại Hạ viện, bị cáo
buộc bội thệ và cản trở công lý trong vụ việc lăng nhăng ái tình với một nữ tập
sự viên trong Bạch Ốc, nhưng khi lên Thượng viện, dù Cộng hoà nắm đa số,
Clinton không bị truất nhiệm.
Đến năm 2006 Dân chủ chiếm lại đa số tại Hạ viện,
còn Thượng viện có số nghị sĩ Dân chủ và Cộng hoà ngang nhau, với 49 và 49.
Năm 2008 một làn sóng xanh nổi lên. Barack Obama của
Đảng Dân chủ được bầu chọn làm tổng thống và hai viện quốc hội đều do đảng này
nắm đa số.
Hai năm sau, trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên
của Barack Obama, Cộng hoà lại chiếm đa số ở Hạ viện còn Thượng viện vẫn do Dân
chủ nắm.
Điều này đã gây nhiều khó khăn cho những chính sách
của Obama đề ra, như luật chăm sóc y tế Obamacare để mọi người dân có thể mua bảo
hiểm y tế đã gặp khó khăn tại Quốc hội và phải sửa đổi nhiều trước khi được
thông qua.
Bầu cử năm 2014 với kết quả cả hai viện Quốc hội đều
do Cộng hoà nắm đa số và gây nhiều khó khăn hơn cho Obama trong nhiệm kỳ hai, đặc
biệt là hiệp định thương mại TPP đã phải sửa đổi để quyền lợi công nhân Mỹ
không bị thiệt hại trước khi được quốc hội chấp thuận.
Ngay khi vừa nhận chức, Tổng thống Donald Trump đã
làm hai việc nói lên chủ trương của ông về những chính sách quốc gia là rút Hoa
Kỳ ra khỏi TPP và không cho công dân của bảy quốc gia, với đa số dân theo hồi
giáo, được vào Mỹ.
Các chính sách này đi ngược lại với chủ trương của Đảng
Dân chủ. Mà đảng này đã không còn bất cứ vai trò lãnh đạo nào trong chính quyền
liên bang từ hai năm qua nên qua kỳ bầu cử này đang hy vọng có cơ hội nắm đa số
trong quốc hội để ngăn cản chính sách của Trump.
Còn lòng dân hiện ra sao? Cho đến khi có kết quả
chính thức thì lúc này mọi phân tích, vận động hay suy đoán đều chỉ căn cứ vào
các thăm dò dư luận.
Nhiều cuộc
thăm dò với kết quả cho thấy cử tri có khuynh hướng ủng hộ Đảng Dân chủ.
Theo một khảo sát của Quinnipiac University công bố
cách đây một tháng thì 49% cử tri ủng hộ Dân chủ và 42% ủng hộ Cộng hoà. Đó là
thăm dò toàn quốc với sai số là 3.7%. Theo khoa học, kết quả trên được coi là
không có cách biệt nhiều lắm.
Thực ra chính trị, như một câu nói thường được nghe,
là mang tính địa phương – All politics is local. Vì thế các vận động hiện nay
nhắm đến những khu vực, những đơn vị bầu cử mà ứng viên của hai đảng đang ở thế
so kè.
Câu nói đó đúng vào giai đoạn hơn nửa thế kỷ trước,
khi phương tiện truyền thông rất giới hạn. Ngày nay với truyền hình dây cáp, với
mạng xã hội thì tính cách cục bộ không còn nữa mà nhiều cuộc vận động tranh cử
địa phương đã thu hút sự chú ý và đóng góp tài chánh từ nhiều nguồn bên ngoài.
Trong số 435 dân biểu Hạ viện được bầu lại, có chừng
hơn 30 đơn vị bầu cử dàn trải tại nhiều tiểu bang với hai ứng viên của hai đảng
đang có sự ủng hộ của cử tri ngang nhau. Với Hạ viện hiện có 235 Cộng hoà và
193 Dân chủ, kết quả bầu chọn từ 30 nơi này sẽ cho thấy đảng nào chiếm được đa
số tại Hạ viện.
Các phân tích
và thăm dò dư luận tiên đoán ngày 6/11 tới đây Dân chủ sẽ chiếm được đa số ở Hạ
viện và Cộng hoà vẫn nắm đa số tại Thượng viện.
Thượng viện sẽ bầu lại 35 ghế, trong đó chỉ có 5 ghế
chưa rõ đảng nào sẽ thắng là ở các tiểu bang Arizona, Nevada, Florida, Georgia
và Indiana.
Các vận động đang diễn ra dồn dập trong những ngày
chót trước bầu cử. Tổng thống Trump đã đi vận động ở nhiều tiểu bang cho các ứng
viên Cộng hoà.
Cựu Tổng thống Barack Obama vận động cho ứng viên Đảng
Dân chủ. Hai Thượng Nghị sĩ của đảng này là Cory Booker của bang New Jersey và
Kamala Harris từ California cũng đi vận động ở nhiều nơi cho các ứng viên Dân
chủ. Đây là hai nhân vật có nhiều triển vọng ứng cử tổng thống vào năm 2020.
Từ khi Donald Trump lên làm tổng thống, chính trường
nước Mỹ luôn sôi động vì cách lãnh đạo, vì các phát ngôn. Ông thường xuyên tạo
chú ý qua những tuyên bố mang tính miệt thị, xỏ xiên. Ông kinh thường giới truyền
thông và cho rằng những người chống đối ông hay đưa “tin dổm” – fake news, nói
xấu và chỉ trích những việc ông làm.
Nhưng ngay chính Trump rất thường xuyên đưa ra những
thông tin vô căn cứ, không chút sự thực. Trump thường nói đại, phát ngôn bừa
bãi. Mới làm tổng thống chưa đầy hai năm mà thành phần nội các đã có nhiều người
từ chức hay bị thay thế.
Đảng Dân chủ là đảng đối lập nên luôn chỉ trích những
phát biểu và phản đối các chính sách của Trump, phê bình nhân cách của Trump là
quá tồi.
Truyền thông Mỹ có nhiều cơ quan chống Trump ra mặt,
như các nhật báo New York Times, Washington Post hay các kênh MSNBC, CNN. Ủng hộ
Trump có kênh FoxNews, báo Wall Street Journal.
Điều này không lạ. Khi Barack Obama lên làm tổng thống,
kênh FoxNews đã liên tục chống Obama, từ chuyện Obama có phải là công dân Mỹ từ
khi sinh ra hay không cho đến các chính sách về di dân, bảo hiểm y tế
Obamacare. Nhiều nhà bình luận của đài này cho rằng Obama có khuynh hướng xã hội
chủ nghĩa, lấy tiền nhà giàu qua việc đánh thuế cao để chia cho người nghèo qua
những chương trình phúc lợi.
Từ ngày George W. Bush (con) lên làm tổng thống năm
2001, sau một cuộc đếm phiếu căng thẳng kéo dài cả tháng ở Florida và Bush thắng
phiếu đại cử tri đoàn, nhưng thua Al Gore số phiếu phổ thông, các chính trị gia
Mỹ chỉ bày tỏ tình đoàn kết với nhau qua biến cố 9/11, sau đó là phân cực đến tột
độ. Hai đảng tiếp tục công kích và không hợp tác trong nhiều chính sách quốc
gia.
Bây giờ Trump lên làm lãnh đạo, cũng thua đối thủ là
Hillary Clinton phiếu phổ thông, nên đã gặp những chống đối.
Ai ủng hộ thì cho rằng Trump đúng trong việc đưa nước
Mỹ trở lại hàng đầu với chủ trương chống Trung Quốc, không để đồng minh lợi dụng
kinh tế tài chánh, không để nước Mỹ như chốn không người canh giữ biên giới muốn
ra vào lúc nào cũng được.
Người ghét thì cho là Trump kỳ thị, chỉ muốn da trắng
là thượng đẳng và có chủ trương như Hitler.
Cử tri Mỹ luôn có những quan điểm trái chiều vì họ
tin vào đảng và những chính sách của đảng đưa ra. Theo một khảo sát từ
University of Virginia thì 40% cử tri Mỹ đăng ký theo Đảng Dân chủ, 29% Cộng
hoà và 28% không theo đảng nào. Như thế việc có những quan điểm chính trị trái
chiều là bình thường.
Trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng thế. Theo một
khảo sát của Viện Nghiên cứu về người gốc Á và người vùng hải đảo Thái Bình
Dương (APIAVote) đưa ra trong tháng trước thì người Việt thích Đảng Cộng hoà
hơn Dân chủ và mức ủng hộ của người Việt dành cho Trump cao nhất, với 64%,
trong các nhóm cử tri gốc Á.
Nếu không thích Trump thì làm sao đưa xuống. Chỉ có
lá phiếu và luật pháp nếu xét ra Trump phạm pháp.
Từ ngày Trump lên làm lãnh đạo đã có biểu tình phản
đối, nhiều nhất là ở những bang xanh như California, Oregon, New York. Xuống đường
biểu tình là cách bày tỏ quan điểm. Lên tiếng đả đảo, phản đối cũng là để nói
lên sự bất đồng.
Cho đến nay qua các cuộc điều tra của Công tố viên đặc
biệt Robert Mueller cũng chưa có bằng chứng để buộc tội Trump, dù một số cố vấn,
nhân viên của Trump đã bị truy tố.
Còn thủ tục đàn hạch. Việc này phải được bắt đầu ở Hạ
viện mà nếu Cộng hoà nắm đa số là điều sẽ khó xảy ra.
Vì thế bầu cử 6/11 tới đây rất quan trọng. Nếu Đảng
Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc
điều tra do Đảng Dân chủ khởi động.
Trong kỳ bầu tổng thống hai năm trước, Trump thắng ở
hơn 30 tiểu bang, hầu hết nằm giữa lòng nước Mỹ và thua ở những tiểu bang ven bờ
biển tây và bờ biển đông bắc.
Trong những chuyến đi vận động tranh cử cho ứng viên
Cộng hoà ở những tiểu bang đỏ, Trump có rất đông người ủng hộ đến nghe và vỗ
tay tán thưởng.
Tổng thống Trump có vẻ rất tự tin là cử tri sẽ tín
nhiệm các ứng viên của Đảng Cộng hoà để tiếp tục ủng hộ chính sách ông đang thực
hiện là kinh tế phát triển, giảm mức thất nghiệp xuống thấp, giới hạn di dân và
sẽ bỏ Obamacare và thay vào đó bằng một chính sách y tế khác, rẻ hơn cho nhiều
người.
Mấy hôm rồi Trump còn đưa ra ý định không cho những
trẻ em sinh ra ở Mỹ, nếu có bố mẹ không phải là cư dân hợp pháp sẽ không được mặc
nhiên có quốc tịch Mỹ. Một sự kiện làm bùng lên những tranh luận về hiến pháp,
về thẩm quyền của tổng thống trong việc này.
Trump không những chỉ trích giới truyền thông là
thiên vị Đảng Dân chủ mà còn coi truyền thông là “kẻ thù của nhân dân”. Ông thường
dùng tuýt-tơ (twitter) để nói thẳng với dân vì tài khoản của ông có hơn 30 triệu
người theo dõi.
Theo thăm dò của Viện Gallup đưa ra hôm 28/10 thì sự
ủng hộ của cử tri dành cho Trump hiện này là 40%.
Chưa bao giờ bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đầy bất ổn như năm
nay, với những bắn giết vì mầu da, với hơn chục bom thư được gửi đến những dân
cử hay cơ quan truyền thông ủng hộ Đảng Dân chủ, với đoàn di dân hàng nghìn người
từ Nam Mỹ đang muốn vượt biên giới để vào đất Mỹ.
Sóng xanh sẽ nổi lên hay sóng đỏ tiếp tục trào dâng?
Cử tri muốn nước Mỹ đi về đâu, lá phiếu sẽ nói lên điều đó. Và đêm 6/11 này sẽ
rõ.
© 2018 Buivanphu
No comments:
Post a Comment