20/11/2018
Ngày
22/11/2018 tới đây, tòa án thị xã Buôn Hồ tỉnh Đắk Lắk đưa Huỳnh Thục Vy ra xét
xử với cáo buộc xúc phạm quốc kỳ theo điều 276 BLHS 1999 (điều luật tương ứng
là Điều 351 BLHS 2015).
Trước hết, xin hệ thống lại những
diễn biến xung quanh sự kiện này:
- Ngày 1/9/2017, Huỳnh Thục Vy
xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng, cô chụp hình và chủ động đưa lên mạng.
- Ngày 13/10/17, công an thị xã
Buôn Hồ đưa giấy triệu tập thứ nhất về sự việc này và tới ngày 20/6/2018 triệu
tập lần thứ 4. Thái độ của Huỳnh Thục Vy là không có việc gì phải đi gặp dù triệu
tập bao nhiêu lần đi nữa. Theo cô thì không có việc gì cần đối thoại với công
an. Cô cho biết chưa bao giờ có tham vọng
đối thoại để tìm được sự đồng thuận nào với họ, cũng chẳng hy vọng khai mở đầu
óc cho họ và cô chấp nhận đi tù nếu nhà cầm quyền muốn. Bốn lần khước từ lệnh
triệu tập dẫn đến việc cưỡng bức cô vào ngày 9/8/2018.
- Ngày 9/8/2018, khoảng ba chục
công an, danh nghĩa là công an thị xã Buôn Hồ nhưng có cả công an Bộ tham gia,
khám xét nhà Huỳnh Thục Vy rồi bắt cô về đồn. Tại đây, Vy xác nhận chính cô là
người xịt sơn lên lá cờ, công an khỏi phải mất công điều tra, xét hỏi.
Cùng ngày, cơ quan cảnh sát điều
tra Tx Buôn Hồ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đến
9/10 (1 tháng) đồng thời ra quyết định khởi tố bị can và được VKS phê chuẩn
cùng ngày.
Sau 15 giờ bắt giữ, công an thả
Huỳnh Thục Vy ra, sau khi đã giao các lệnh và quyết định nói trên.
- Ngày 2/11/2018 Tòa án Tx Buôn
Hồ ký lệnh cấm Huỳnh Thục Vy đi khỏi nơi cư trú từ 6/11 đến 1/12/2018.
- Ngày 8/11 Tòa án Tx Buôn Hồ
quyết định đưa vụ án ra xét xử vào 7h30’ ngày 22/11/2018.
Kê ra chuỗi sự việc này để thể
thấy Huỳnh Thục Vy là người chủ động tạo ra sự kiện và bình thản đối mặt với mọi
hậu quả sẽ xảy ra.
*
Bày tỏ về quan điểm đối với lá
cờ đỏ sao vàng, Huỳnh Thục Vy cho rằng nó là một biểu tượng của đảng CSVN, tổ
chức ngồi lên đầu 90 triệu người dân VN, là sự độc tài, độc đoán phi dân chủ,
phản nhân dân. Cờ đỏ là biểu trưng cho sự đàn áp và độc tài. Chống độc tài thì
tất nhiên chống lại mọi biểu tượng của nó.
Vì vậy, hành động xịt sơn lên
lá cờ là để biểu đạt thái độ của cô chống
lại biểu tượng đó, chống lại sự cai trị độc đoán của đảng CSVN đối với nhân dân
Việt nam.
Ngược lại, với lá cờ Việt Nam Cộng
Hòa, Huỳnh Thục Vy lại công khai ủng hộ và bày tỏ tình cảm đối với lá cờ này.
Cô may áo dài, áo khoác, cà vạt với biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ, trực tiếp sử
dụng và để bán với mục đích vượt ra khỏi việc kinh doanh thông thường.
Có người cho rằng, Huỳnh Thục
Vy dại dột, sai lầm. Không thể nói cô dại dột, sai lầm khi việc cô làm có chủ
ý, có tính toán và lường trước được việc xảy ra. Nói dại dột hay sai lầm thì phải
có đại lượng so sánh, vì với mỗi người có quan điểm, bản lĩnh hoặc khôn dại
khác nhau. Đánh giá một việc làm dại dột, sai lầm cần phải so sánh với mục đích
của nó. Ví dụ, với người chỉ biết lo an toàn cho bản thân thì đó là sự dại dột,
nhưng với người can đảm và có mục đích rõ ràng thì không thể nói là sai lầm hay
dại dột.
Với Huỳnh Thục Vy, mỗi công việc
cần nhắm đến không chỉ một, mà hai, ba mục tiêu. Ở đây, ngoài biểu thị thái độ
đối với lá cờ, cô còn muốn thức tỉnh người
dân không phải sợ hãi về những biểu tượng của đảng CSVN. Huỳnh Thục Vy đã tự nhận
lấy sứ mạng phải hạ bệ biểu tượng ấy. Cô cho rằng: “Nếu có anh chị em nào nghĩ rằng tôi dại dột vì chạm đến vụ cờ quạt để
dẫn đến việc bị truy tố thì quả thật anh chị em đã coi thường mọi nỗ lực tranh
đấu cho tự do và nhân quyền của tôi trong 10 năm nay”.
*
Sau khi Huỳnh Thục Vy bị khởi tố,
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã yêu cầu nhà cầm quyền VN phải trả tự do cho cô. Bà
Clare Algar, Giám đốc phụ trách điều phối toàn cầu của tổ chức này nói: “Vụ bắt bớ này không gì khác ngoài mục đích
chính trị nhằm dập tắt một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho nhân quyền ở
Việt Nam”
Một số bài viết phân tích khía
cạnh pháp lý liên quan đến hành vi biểu đạt của Huỳnh Thục Vy. Có ý kiến cho rằng,
muốn xử Huỳnh Thục Vy theo điều 276 cần phải có chứng lý cụ thể chứ không thể
phán xét một cách tùy tiện, mơ hồ. Có ý kiến cho rằng, hành vi của Huỳnh Thục
Vy phù hợp với quyền tự do biểu đạt theo luật nhân quyền quốc tế.
Trong một bài viết, sau khi
phân tích, tác giả Phạm Lê Vương Các cho rằng “việc các quốc gia đặt ra các luật về tội "không tôn trọng cờ và
các biểu tượng" là không phù hợp với điều 19 của Công ước về quyền tự do
biểu đạt” và xác định “hành vi của Huỳnh
Thục Vy là không có tội. Điều 276 Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội "xúc phạm
quốc kỳ" là không phù hợp với khoản 2, điều 19 của ICCPR (Công ước Quốc
tế về các quyền Dân sự và Chính trị về
quyền tự do biểu đạt). Việc hình sự hoá
hành vi xúc phạm quốc kỳ của Việt Nam đã vượt quá phạm vi cho phép của khoản 3,
điều 19, ICCPR”.
Bạn đọc có thể đọc bài viết TẠI ĐÂY
*
Huỳnh Thục Vy là một thành viên
trong gia đình có tới 3 người hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho tự do dân chủ
ở Việt Nam. Cha cô, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn từng bị kết án 10 năm tù vào năm
1992 vì những bài viết kêu gọi tự do, dân chủ. Năm 2012, hai cha con cô được tổ
chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) trao giải Hellman/Hammett (sau
đó, em trai cô là Huỳnh Trọng Hiếu trên đường đi Mỹ để nhận giải thay cho cha
và chị thì bị chặn xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu). Năm 2011, gia đình cô bị
phạt hành chính trên 260 triệu đồng với hành vi được cho là làm ra, tán phát,
tàng trữ tài liệu có nội dung chống chính quyền.
Huỳnh Thục Vy tham gia sáng lập
Hội Phụ nữ nhân quyền. Cô là tác giả cuốn
sách “Nhận Định Sự Thật Tự Do và Nhân Quyền” với nội dung tố cáo tình trạng vi
phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Huỳnh Thục Vy được biết đến như
một blogger có quan điểm đấu tranh hết sức thẳng thắn, rõ ràng và dứt khoát. Sự
việc xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng cho ta thấy Huỳnh Thục Vy đã chủ động tạo ra
sự kiện, chủ động đưa thông tin lên mạng còn công an, viện kiểm sát và tòa án
thì chạy theo sự kiện ấy để... giải quyết. Sự kiện này làm ta liên tưởng đến việc
Lê Anh Hùng cũng từng chủ động tạo ra sự kiện để công an bắt vào ngày 5/7/2018
và sau đó khởi tố anh về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ”... Đây là hành động
của những con người dũng cảm và bản lĩnh, biết rõ những gì sẽ xảy ra đối với
mình từ hành vi cụ thể ấy, chấp nhận nó để nhằm vào một chủ đích có tính toán.
Kết
Bài viết gọi là lá cờ đỏ sao
vàng chứ không gọi là quốc kỳ vì người viết đồng ý với quan điểm của Huỳnh Thục
Vy. Quan điểm về lá cờ này không phải chờ đến Huỳnh Thục Vy mới được đặt ra. Những
cuộc biểu tình chống Trung Quốc thời kỳ 2011, 2012 cũng đỏ rực màu cờ và rất
nhiều ảnh Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Cùng với lá cờ đỏ sao vàng, hình ảnh Hồ
Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cũng là biểu tượng của chế độ. Tuy nhiên, sau đó những
hình ảnh này đã vắng hẳn, thay vào đấy là các biểu tượng phản ảnh của cuộc biểu
tình với những khẩu hiệu với các gam màu khác như xanh, vàng... Ngay cả những
cuộc biểu tình của dân oan họ cũng không còn đem theo cờ quạt mà chỉ là những
biểu ngữ đòi những gì bị cướp. Như vậy, vấn đề biểu tượng của chế độ, những người
đấu tranh đã nhận thức được từ lâu. Còn hành động của Huỳnh Thục Vy là mang
tính đột phá, tạo ra một bước ngoặt. Thay bằng thông điệp chúng tôi không sử dụng
nó thì thông điệp của Huỳnh Thục Vy là
không thừa nhận và phế bỏ nó.
Huỳnh Thục Vy đang bình thản đối
mặt những gì xảy ra đối với cô trong phiên tòa ngày 22/11 tới. Sự bình thản đến
kỳ lạ ấy khiến nhiều người ngưỡng mộ và nể phục. Nhưng tin chắc rằng, cái giá
mà mình cô phải trả sẽ đổi lấy cái lớn hơn nhiều cho đất nước và dân tộc này,
mà cụ thể ở đây là người dân sẽ bớt sợ hãi những gì là biểu tượng của đảng CSVN
mà họ áp đặt và bắt người khác tôn sùng.
18/11/2018
--------------------------
XEM
THÊM
19/11/2018
Nhưng phải nói lá cờ máu này xui thấy mẹ. Mang đi ủng
hộ đội tuyển bóng đá, màu cờ đỏ ngập tràn sân vận động thì ta thua liểng xiểng.
Vác cờ đỏ sao vàng đi biểu tình thì CA cứ thấy thằng mang cờ đỏ sao vàng là
xông vào đánh tơi bời.
Chị Phương Anh (nhà xuất bản Quê Mẹ) và chị Trương
Anh Thụy (nxb Cành Nam) cùng vài ông anh khác – Võ Thắng Tiết, Uyên Thao, Trần
Phong Vũ, Huy Phương – đều đã có lúc khuyến khích tôi “ra” một cuốn sách, cho
nó ... giống với mọi người. Tôi lắc đầu quầy quậy trước sự ân cần và tử tế của
qúi anh/qúi chị vì sợ lỡ có tác phẩm, rồi bị trao giải Nobel (về văn học) là hư
bột/hư đường ráo trọi.
Lập thân tối hạ thị văn chương! Tôi tin rằng mình có thừa khả năng để có thể “lập thân” trong rất nhiều
lãnh vực khác, ngon lành và bảnh bao hơn nhiều! Ngoài việc tìm hiểu (để giải
trí) Vũ Trụ Học và Thiên Văn Học, tôi dành hết đời mình để cặm cụi nghiên cứu về
nguyên nhân nghèo đói của những nước ở Đông Nam Á. Tài liệu, nay, đã chất thành
từng núi. Chỉ cần sắp xếp, ghi chép lại, rồi cho trình làng xong là tôi tin (chắc)
rằng mình sẽ ẵm cái giải Nobel về kinh tế.
Niềm tin này – tiếc thay – vừa hơi bị lung lay, sau
khi tôi (tình cờ) đọc được một cái stt trên FB của bạn Tư
Sài Gòn:
“Trong một thời gian dài mình quan sát, mình thấy cứ nhà nào treo ảnh ông
Hồ là nghèo mạt, mình cứ suy nghĩ hoài, ko hiểu sao lại như vậy, hay tại ổng ám
quẻ ko thể làm ăn được(?!) Như VN mình cũng vậy, nghèo có số má trên thế giới,
hay tại để cái lăng giữa thủ đô nó ám ?!”
Ah, đù! Thiệt là hậu sinh khả úy. Hoá ra
cái “công trình nghiên cứu trọn đời” của tôi còn thiếu hẳn một cái “mảng” quan
trọng là ... khoa phong thủy. Ai mà dè VN nhất định không chịu, hay không thể,
phát triển chỉ vì bị “cái lăng giữa thủ đô nó ám” như thế – hả Trời. Vậy
mà suốt mấy chục năm ròng, tôi cứ cố đi tìm “nguyên nhân” ở mãi tận đâu đâu.
Về mặt này, mặt feng shui, tôi nhận là
mình có khiếm khuyết nhưng về nhận xét khác của Tư Sài Gòn (“cứ nhà nào treo ảnh
ông Hồ là nghèo mạt”) thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Giữa năm 2016, báo chí quốc
doanh đều đồng loạt loan tin: “Chủ tịch nước Trần
Đại Quang tặng ảnh Bác Hồ kính yêu cho các các thiếu nhi... Các
em là đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em ở vùng sâu, vùng
xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo và đạt thành tích cao trong học
tập cũng như các lĩnh vực năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật…”
Cuối năm nay, vào ngày 5 tháng 11, trang mạng của Bộ
Thông Tin & Truyền Thông lại hớn hở cho hay là một cậu học sinh
nghèo vừa được Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước vinh danh và tặng ảnh Bác Hồ.” Thấy
chưa? Rõ ràng: không phải “cứ nhà nào treo ảnh ông Hồ là nghèo mạt” mà vì “nhà
nghèo mạt” nên mới hay có tấm ảnh (thổ tả) này thôi.
Thời Đại Thông Tin giúp nhiều người dân Việt biết được
rằng (té ra) Chủ Tịch Hồ Chí Minh và tác giả Trần Dân Tiên là một. Từ đó, Bác mỗi
lúc một thêm xuống (giá) nên không còn “trụ” được ở Thủ Đô hay ở thành phố –
như xưa – nữa. Bỏ thì thương, vương thì tội, Nhà Nước bèn đem hình ảnh của Người
làm quà tặng cho trẻ em và người già ở vùng xa (vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số,
vùng biên giới hải đảo) nơi mà ít ai có được cơ hội nhìn thấy cái phóng ảnh lá
đơn xin vào học Trường Thuộc Địa của chàng trai Nguyễn Tất Thành.
Bác xuống thê thảm, đã đành; điều khó đành lòng hơn
là ngay cả đến lá cờ đỏ mà chính tay Người mang về từ Phúc Kiến và ký sắc lệnh
(vào
ngày 5 tháng 9 năm 1945) để hoá nó thành quốc kỳ – rồi – cũng bị dè bỉu,
chê bai hay chế riễu từ trong ra ngoài.
Ngày
16 tháng 12 năm 2016, người dân An Giang lớn tiếng phản đối việc CA tự tiện
treo cờ đỏ trước nhà của họ rồi thản nhiên dùng dao cắt đứt dây cờ. Cùng vào thời
điểm này, hội đồng thành phố Westminster và San Jose – hai địa phương có đông đảo
người Việt ngụ cư trên đất Mỹ – đều đồng thuận (với tỉ số tuyệt đối) thông qua
lệnh cấm treo lá cờ đỏ sao vàng của Cộng Sản Việt Nam, vì “lá cờ này trong quá
khứ và đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng cho một nền độc tài chuyên chế.”
Nhà báo Mai Tú Ân nhận
xét là “lá cờ máu này xui thấy mẹ. Mang đi ủng hộ đội tuyển bóng đá, màu cờ đỏ
ngập tràn sân vận động thì ta thua liểng xiểng. Vác cờ đỏ sao vàng đi biểu tình
thì CA cứ thấy thằng mang cờ đỏ sao vàng là xông vào đánh tơi bời.”
Mà phải công nhận là lá cờ này xui thiệt, và xui lắm.
Nó khiến cho VN chuyên “cầm cờ đỏ” trong mọi lãnh vực. Theo World's Worthless
Fiat Currency List, xứ sở này là một trong mười quốc gia có đồng tiền trị
giá thấp nhất thế giới. Còn theo Good Country Index (Chỉ
Số Tử Tế Quốc Gia) năm 2017 thì VN bị xếp thứ 124 trên tổng số 125 quốc gia được
điều tra! Chỉ
số này dựa trên khoảng 35 bộ dữ liệu, trong 7 lĩnh vực: khoa học
công nghệ, văn hóa, hòa bình và an ninh thế giới, trật tự thế giới, bảo vệ môi
trường hành tinh, sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới, y tế sức khỏe.
Ngược lại, theo NOW (Campaign
For The Release of Prisoners of Conscience in Vietnam) Việt Nam là nước đứng thứ
hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng người hoạt động bị giam cầm, chỉ sau
Myanmar. Xứ sở này hiện đang giam giữ ít nhất 246 tù nhân lương tâm trong tù hoặc
trong điều kiện tương tự, tăng hơn 80 người so với con số 165 vào tháng 11 năm
2017... Trong chín tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã bắt giữ 24 người hoạt động
nhân quyền, và kết án 33 người hoạt động với tổng cộng mức án 225.5 năm tù và
56 năm quản chế.
Nạn nhân sắp tới có thể sẽ là bà Huỳnh Thục Vy, điều
phối viên của Hội
Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Theo bản Kết luận điều tra số 46, ngày
16-10-2018 của công an thị xã Buôn Hồ – tỉnh Đắc Lắc – người phụ nữ bất đồng
chính kiến này bị khép tội “xúc phạm quốc kỳ” tại Điều 276 (BLHS năm 1999) với
hình phạt “phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu
tháng đến ba năm.”
Theo tôi khung hình phạt này hơi bị nhẹ. Án tù nên tăng lên đến 30 năm để ai cũng ý thức được rằng lá cờ đỏ sao vàng của ĐCSVN xui thiệt, và xui lắm, mọi người không nên đụng chạm hay dây dưa với nó làm gì. Bẩn tay!
Theo tôi khung hình phạt này hơi bị nhẹ. Án tù nên tăng lên đến 30 năm để ai cũng ý thức được rằng lá cờ đỏ sao vàng của ĐCSVN xui thiệt, và xui lắm, mọi người không nên đụng chạm hay dây dưa với nó làm gì. Bẩn tay!
No comments:
Post a Comment