Friday, 16 November 2018

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC BỪNG DẬY, TƯƠNG LAI THẾ GIỚI BẤT TRẮC (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 16-11-2018

Chiếc ghế của thủ tướng Anh Theresa May bị đe dọa, nước Anh có nguy cơ tay trắng ly thân với châu Âu, tổng thống Pháp "sám hối", nước Pháp nín thở chờ ngày "Thứ Bảy đen" với làn sóng áo vàng chống tăng thuế xăng dầu.

Nhưng tình trạng bất trắc của Anh hay Pháp sẽ không thấm gì so với hiểm nguy sinh tử đe dọa toàn cầu kể từ sau Thế Chiến II : làn sóng dân tộc chủ nghĩa bùng dậy tứ phương với những Donald Trump, Tập Cận Bình, Vladimir Putin "lớn nhỏ".

Báo chí Pháp có cùng một trạng thái bất an. "Brexit, một thỏa thuận bị la ó", tựa của La Croix. "Hàng loạt bộ trưởng Anh từ chức, Theresa May cực lực bảo vệ thỏa hiệp", tựa của Les Echos, một thỏa hiệp mà Le Monde gọi là "tốt nhất trong bối cảnh hai bên đều bại".

Macron đối mặt với một phong trào xã hội khó lường
Trong khi tại Luân Đôn, chính phủ Anh bị rung chuyển thì nước Pháp có thể bị tê liệt trong ngày Thứ Bảy 17/11/2018 . Macron đối mặt với một phong trào công dân chưa từng có, kêu gọi phong tỏa các trục giao thông chống tăng thuế xăng dầu, theo tờ Les Echos. Nhật báo kinh tế nhắc lại là trong suốt tuần, chính phủ tìm cách giải tỏa cơn giận của một bộ phận đông đảo dân chúng không tin vào lời phân trần của hành pháp, cần chuyển đổi qua năng lượng sạch.

Les Echos không nghĩ rằng cơn giận của phong trào "áo vàng"- màu áo an toàn giao thông - của người phát động biểu tình, sẽ giảm, bởi vì họ không tin vào tổng thống, bởi vì Emmanuel Macron không phải là một người yêu môi trường. Trong bối cảnh các đảng chính trị cực tả và cực hữu nhập cuộc để gây thêm khó khăn cho điện Elysée, bài bình luận của La Croix chỉ trích thái độ vô tâm của những kẻ lợi dụng thời cơ. Theo nhật báo Công giáo, phong trào tranh đấu chống tăng giá xăng thể hiện một nỗi bất bình của dân chúng khi có bất công.

Trong lịch sử, đó là tiền đề của cách mạng 1789 khởi đầu là chống sưu cao thuế nặng. Nhưng trong vụ tăng giá xăng, tổng thống Macron đã có lý khi lưu ý là phong trào này được những tổ chức chính trị có quan điểm đối chọi nhau về kinh tế ủng hộ. Một phe, thuộc tả phái luôn đòi tăng chi tiêu Nhà nước. Phe kia, thiên hữu thì chống tăng thuế.

Vậy tại sao họ cùng xuống đường ủng hộ biểu tình ? Chẳng qua là vì các phe này muốn kiếm phiếu cho năm tới. Trong khi đó, chính sách bớt sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm, khuyến khích người dân bỏ xe dùng dầu diesel và đòi hỏi chống nhiên liệu lên giá đều là hai ý nguyện chính đáng như nhau. Có điều nổi giận là chuyện ngay bây giờ, còn bảo vệ môi trường là lợi ích chung cho tương lai.

Khẩn cấp thỏa mãn nguyện vọng nhất thời của người dân là bổn phận của chính phủ nhưng để tiếp tục thực hiện mục tiêu chống biến đổi khí hậu, nỗ lực thuyết phục dân chúng. Dù sao đi nữa thì người dân Pháp vẫn có cơ hội biểu hiện bất bình qua lá phiếu. Còn những toan tính chính trị, khai thác cơn giận nhất thời của dân chúng, của một số đảng phái cực hữu và cực tả rõ ràng là không thật tâm phục vụ đất nước, nhật báo công giáo kết luận.

Trump, Tập, Putin và các lãnh tụ nuôi mộng bá quyền
Giới chính trị Pháp đánh nhau vì những chuyện không đâu như bão tố trong ly nước, không thấy cuồng phong đang nổi dậy ở tứ phương. Đó là nội dung bài bình luận "Chủ nghĩa dân tộc thức giấc" trên Libération.

Trước hết, với bài phân tích "Macron trên đường sám hối" nhật báo cánh tả tỏ ra thông cảm nhưng nghiêm khắc với chủ nhân điện Elysée.

Cũng như Le Monde, sau khi tổng thống Pháp, trả lời phỏng vấn từ hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles de Gaulle chiều Thứ Tư nhìn nhận khuyết điểm, tự phê bình là chưa có "tôn trọng nguyện vọng dân chúng một cách đúng nghĩa". Trên Libération, cây bút bình luận uy tín Alain Duhamel cảnh báo giới chính trị về mối đe dọa thực sự của làn sóng cực hữu vì nó đã thức giấc khắp địa cầu sau giấc ngủ dài từ 1945, qua các giai đoạn từ chiến tranh lạnh, hòa bình lạnh cho đến những cố gắng thỏa hiệp tìm một thế giới đa cực. Giờ đây đã đến thời điểm chủ nghĩa dân tộc trở lại trong thế mạnh.

Trước hết, theo tác giả, đứng đầu danh sách là Donald Trump. Tổng thống thứ 45 của Mỹ với chủ trương "Nước Mỹ trước hết" đã công khai tuyên bố "tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc".

Nhưng Donald Trump không phải là người duy nhất phất ngọn cờ "chủ nghĩa dân tộc". Từ nhiều thập niên qua, Trung Quốc từng bước xây dựng một thế lực bành trướng bá quyền, tăng cường quân sự, thao túng các nước châu Á và đẩy quân cờ sang các châu lục khác.
Vladimir Putin, tuy không có thực lực như Tập Cận Bình, nhưng cũng biểu lộ tham vọng đế quốc tương tự : nuốt gọn bán đảo Crimée, ngắm nghé phần lãnh thổ còn lại của Ukraina, hù dọa Gruzia và ba nước trong vùng Baltic.

Trong khu vực Trung Cận Đông, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, những thế lực cấp vùng cũng phô trương sức mạnh với láng giềng, làm như là đế quốc Ba Tư và Ottoman sắp hồi sinh đến nơi.
Trong bàn cờ này, châu Âu bị bao vây bởi những lân bang hiếu chiến, những tổ chức Hồi Giáo khủng bố. Một thế giới bất ổn, hận thù, kinh tế biến động, quân sự hiếu chiến, chính trị độc tài. Một thế giới nguy hiểm và bất trắc do những kẻ mộng du lãnh đạo.

Thế mà châu Âu cũng không tránh được làn sóng dân tộc chủ nghĩa nội bộ, càng ngày càng thô bạo. Thay vì luận tội, tác giả đặt một số câu hỏi : Brexit là gì nếu không phải là một dạng dân tộc chủ nghĩa ích kỷ ? Liên đoàn nước Ý và đảng 5 sao là gì nếu không phải là một thể loại "quốc gia cực đoan" ? Làm sao định nghĩa được chính sách bài ngoại của Ba Lan, Hungary, hai nạn nhân của Đức Quốc Xã và Cộng Sản nếu không phải là mưu toan trả thù ? Hai dân tộc Đông Âu được ngưỡng mộ như những anh hùng yêu nước giờ đây làm châu Âu lo ngại vì xu hướng bài ngoại. Nước Đức cho dù vẫn còn vết thương lịch sử phát-xít, cho dù có nỗ lực tột cùng để xây dựng một Nhà nước thượng tôn pháp luật, thế mà đảng cực hữu AfD cũng vươn lên được. Tại nước Pháp, tuy bất tài, nhưng Marine Le Pen cũng vào được vòng chung kết bầu cử tổng thống năm 2017.

Trong bối cảnh này, theo Alain Duhamel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhìn đúng, nói đúng trong bài diễn văn tưởng niệm nạn nhân 100 năm Thế Chiến I kết thúc, trước hơn 60 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có những người theo chủ nghĩa dân tộc. Tổng thống Pháp muốn huy động lực lượng đối phó với mối đe dọa thực sự này nhưng "lính" của ông còn bao nhiêu trong nước Pháp chia rẽ, bất đồng hơn bao giờ hết ? Và các đồng minh ở đâu khi mà các xu hướng chính trị tranh cãi nhau vì những chuyện không đâu ?

Sri Lanka trong cảnh "Rắn hai đầu"
Về thời sự châu Á, Le Figaro có bài viết đề tựa "Sri Lanka : Đất nước có hai thủ tướng". Đời sống chính trị tại Sri Lanka bị tê liệt từ ba tuần nay sau việc tổng thống Sirisena bất ngờ thay thủ tướng Ranil Wickremesinghe bởi ông Mahinda Rajapaksa, cựu tổng thống Sri Lanka từ năm 200-2015.

Theo nhận định của Christophe Jaffrelot, giáo sư trường Khoa Học Chính Trị Paris -Sciences Po, chuyên gia về Nam Á, được Le Figaro trích dẫn, vụ việc để lại hai hậu quả nặng nề.
Thứ nhất, cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa công khai thân Trung Quốc. Trong suốt 10 năm lãnh đạo đất nước, Rajapaksa đã được Bắc Kinh cung cấp vũ khí để dập tắt phong trào du kích Tamoul (năm 2009), tài trợ đầu tư và được cấp nhiều khoản tín dụng mà đất nước giờ không thể hoàn trả.

Việc cựu tổng thống trở lại cầm quyền sẽ là một tin vui cho Trung Quốc, đang có tham vọng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các chương trình hỗ trợ vốn như tại Pakistan, Maldives…

Thứ hai, Rajapaksa là một nhân vật chuyên chế, nổi tiếng tham nhũng, trấn áp báo giới và luôn tìm cách cản trở mọi yêu cầu xét xử những người có liên quan đến tội ác chiến tranh trong suốt thời gian xảy ra xung đột với phe Tamoul. Khi bổ nhiệm Rajapaksa làm thủ tướng chính phủ, tổng thống Sirisena đang làm dấy lên nỗi lo thụt lùi tự do và Nhà nước Pháp quyền.

Bị bãi nhiệm bất công, ông Ranil Wickremesinghe từ chối rời bỏ vị trí. Cuộc chiến ngoài đường phố giờ lan sang cả nghị trường. Mỗi bên đều cố tìm kiếm các liên minh để có được đa số. Nhiều tin đồn thổi dấy lên cho rằng nhiều nghị sĩ được đút lót đến hàng nghìn đô la. Cựu tổng thống trưng dụng các dân biểu đối thủ bằng cách hứa hẹn các vị trí bộ trưởng.
Theo Le Figaro, ngay cả khi bộ đôi tân – cựu tổng thống có thể tồn tại, Sri Lanka vẫn rơi vào bất định do bởi mối hợp tác phản tự nhiên này. Tờ báo nhắc lại Sirisena từng là bộ trưởng dưới thời tổng thống Mahinda Rajapaksa trước khi lên cầm quyền lãnh đạo đất nước khi liên kết với phe đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015.

Sau chiến thắng, tổng thống Sri Lanka từng tiết lộ rằng ông rất có thể sẽ bị những người thân cận của Mahinda Rajapaksa ám sát nếu như ông thất cử. Sirisena cũng biết rất rõ tân thủ tướng mới của ông là một nhân vật nguy hiểm, không dung thứ.

Nhất là, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và đảng của cựu tổng thống Rajapaksa giành được nhiều thắng lợi tại nhiều địa phương hồi tháng 2/2018, việc thay thế thủ tướng gần như là cấp thiết.

Hồi hương : Nỗi khiếp hãi của người Rohingya
Còn tại Bangladesh, báo Le Monde giải thích vì sao "Người Rohingya sợ bị hồi hương về Miến Điện". Chính quyền Dhaka hiện đang tìm cách cưỡng ép những người tị nạn Rohingya đến Bangladesh từ năm 2017 về nước.

Người tị nạn Rohingya tại Bangladesh sợ bị đưa về nước đến mức 98% trong số 2000 người nằm trong danh sách đầu tiên bỏ trốn khỏi các trại tị nạn.

Chương trình hồi hương người Rohingya đã được hai nước ký kết từ tháng 11/2017, dự kiến bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2018, nhưng đã phải hoãn lại vì cùng một lý do : Dù rất muốn trở về quê hương, bang Rakhine, phía tây Miến Điện, nhưng người tị nạn Rohingya vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với binh sĩ hay cộng đồng Phật giáo Miến Điện.

Đặc biệt, Le Monde chỉ trích thái độ mập mờ của hai chính phủ Miến Điện và Bangladesh. Một mặt, chính quyền Naypiydaw muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế là không hề tồn tại một kế hoạch "thanh trừng sắc tộc" nào trước đó như cáo buộc của Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng, chính quyền địa phương bang Rakhine vốn dĩ từ lâu thù ghét những người Hồi giáo, nhất là phe quân đội và cảnh sát.

Mặt khác, phía chính quyền Bangladesh cũng có thái độ không nhất quán trong việc giúp đỡ hàng trăm nghìn người tị nạn. Chính quyền nước này đã cho triển khai cảnh sát và quân đội đến các trại tị nạn, tìm mọi cách kể cả bằng vũ lực ép buộc người Rohingya phải hồi hương. Theo lời thuật của nhiều người tị nạn, tình hình tại một số trại "rất căng thẳng" trước các chiến dịch kiểm tra nhân thân của cảnh sát. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng báo động về mối nguy hiểm của những chiến dịch cảnh sát này.






No comments:

Post a Comment

View My Stats