BBC Tiếng Việt
16 tháng 11 2018
Có
một câu chuyện tiếu lâm xung quanh Port Moresby những ngày này về việc làm cách
nào Trung Quốc đồng ý tài trợ cho dự án đại lộ chính của thành phố.
Trong chuyến đi gần đây đến Bắc Kinh, hoặc theo chuyện
kể như vậy, thủ tướng Papua New Guinea nói với chủ tịch Trung Quốc rằng ông muốn
một con đường rộng lớn chạy xuyên qua trung tâm thủ đô Port Moresby đến nhường
nào.
Không vấn đề gì, chủ tịch Trung Quốc đáp. Chỉ cần
nói với tôi một điều. Nó có cần đủ rộng cho xe tăng đi vào, như của chúng tôi
hay không?
Có rất nhiều giai thoại về đầu tư của Trung Quốc ở
Port Moresby những ngày này, và câu chuyện hài này ám chỉ những lo lắng ở nơi
đây trước những ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.
Tăng cường
đầu tư
Lái xe quanh Port Moresby trước thềm Hội nghị Thượng
đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hướng dẫn viên bản địa chỉ
cho tôi thấy tất cả những dự án mà Trung Quốc đã giúp đỡ xây dựng để chuẩn bị
cho hội nghị này.
Các con đường, đại lộ - thậm chí bến xe buýt cũng được
xây bằng tiền của Trung Quốc.
Quốc gia nghèo nàn này đang tổ chức hội nghị tập hợp
các nhà lãnh đạo thế giới và doanh nhân hàng đầu, cùng với các cuộc đàm phán
thương mại cấp cao trong chương trình nghị sự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến hôm thứ Năm
(15/11) trong chuyến thăm cấp nhà nước trước hội nghị.
Nhưng điều Trung Quốc quan tâm ở quốc gia này không
có gì là mới lạ.
Trong thập kỷ qua, quy mô viện trợ và đầu tư của
Trung Quốc ở Thái Bình Dương gia tăng đáng kể, như những nghiên cứu gần đây của
Viện Lowy cho thấy.
Theo bản đồ viện trợ khu vực Thái Bình Dương của viện,
chi tiêu của Trung Quốc ở Papua New Guinea tổng cộng là 20,83 triệu USD trong
năm 2016. Số tiền này tăng gấp ba lần trong năm sau đó.
Hãy xem xét việc này trong bối cảnh.
Úc vẫn chi nhiều tiền hơn ở Papua New Guinea so với
Trung Quốc - 70% viện trợ của quốc gia này đến từ nước thực dân cai trị cũ.
Papua New Guinea là thành viên nghèo nhất trong APEC
với khoảng 40% dân số sống dưới mức 1 USD một ngày, theo báo cáo của Liên Hiệp
Quốc.
Một trạm xe buýt do Trung Quốc tài trợ ở trung tâm thủ đô Port
Moresby. GETTY IMAGES
Dân bản xứ kể với tôi rằng Úc từ lâu đã đầu tư vào
các lĩnh vực như giáo dục và cung cấp đào tạo quản trị tốt hơn.
Trong khi đó Trung Quốc đang đầu tư vào các lĩnh vực
mà Papua New Guinea đang rất cần ngay bây giờ là cơ sở hạ tầng.
"Trung Quốc xây cho chúng tôi những con đường, cây cầu và họ sẽ tiếp
tục làm điều đó," giám đốc điều hành Hội đồng
Kinh doanh Papua New Guinea Douveri Henao nói với tôi.
"Và không chỉ ở Papua New Guinea. Tham vọng là trên toàn Thái Bình
Dương."
Đó là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của
Trung Quốc, một chương trình trị giá hàng tỷ đô la nhằm kết nối Trung Quốc với phần
còn lại của thế giới thông qua thương mại và đầu tư.
Nó là đứa con của Chủ tịch Tập Cận Bình - nhưng
tương tự tham vọng của Trung Quốc là những gì được cho là đằng sau cam kết của
Úc về quỹ 1 tỷ USD hồi tuần trước để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chống lại ảnh
hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở đây.
Ngoài ra, giới chỉ trích chính sách đầu tư và hỗ trợ
của Trung Quốc ở Papua New Guinea nói với tôi rằng vấn đề với tiền của Trung Quốc
ở đây thường là không có sự minh bạch về giải ngân và tiền sẽ đến tay ai.
Một phần của vấn đề là sự yếu kém về quản trị và mức
độ tham nhũng cao ngay trong Papua New Guinea. Nhưng vấn đề khác là Bắc Kinh
thường chi tiền trước - rồi mới hỏi sau.
Điều này thường dẫn đến các dự án không cần thiết và
lãng phí, trong khi tiền có thể được sử dụng cho các nhu cầu cấp thiết khác
trong nước như chăm sóc sức khỏe.
Viện trợ
trở thành chính trị
Có những lý do kinh tế và ngoại giao tại sao Bắc
Kinh đang đầu tư vào Thái Bình Dương.
Ví dụ, Papua New Guinea là nơi có nhiều tài nguyên thiên
nhiên như khoáng sản đất hiếm, và các quốc đảo Thái Bình Dương là nơi có một phần
ba số nước trên thế giới ủng hộ Đài Loan - những điều mà giới phân tích cho rằng
Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng.
Papua New Guinea nằm trong khu vực Thái Bình Dương, nơi mà Úc và Trung Quốc
đang cạnh tranh ảnh hưởng
Nhưng những tham vọng chiến lược dài hạn của Trung
Quốc đang làm dấy lên những câu hỏi lớn nhất.
Jonathan Pryke thuộc Viện Lowy nói với tôi: "Những gì bạn đang thấy là hỗ trợ địa
chính trị".
"Nỗi sợ lớn của các quốc gia như Úc và Hoa Kỳ là cuộc chơi cuối cùng
của Trung Quốc là thiết lập một căn cứ quân sự vĩnh viễn ở đâu đó trên Thái
Bình Dương trong hai mươi đến ba mươi năm tới. Đó là lý do tại sao bạn thấy
Washington và Canberra phản ứng trước việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở
Thái Bình Dương."
Papua New Guinea cách Guam, căn cứ của Mỹ, vài nghìn
cây số.
Báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sức mạnh
quân sự của Trung Quốc nhấn mạnh rằng hoàn toàn có thể thấy quân đội Trung Quốc
sẽ muốn "mở rộng hoạt động ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên, cho thấy khả năng
tấn công Mỹ và lực lượng đồng minh và các căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương,
gồm cả Guam."
Hầu hết các nhà phân tích, trong đó có cả ông Pryke
của Viện Lowy, không thực sự tin rằng điều này sẽ xảy ra.
VIDEO
: Săn phù thủy ở Papua New Guinea
Nhưng nó là mối đe dọa đủ để thuyết phục Hoa Kỳ và
Úc chú ý nhiều hơn đến Thái Bình Dương.
Đó là lý do tại sao sẽ không chỉ có Trung Quốc vung
tiền vào Papua New Guinea tuần này. Mỹ, Úc và Nhật Bản có khả năng sẽ mang các
món quà đến cho các quốc đảo Thái Bình Dương khi họ đến Port Moresby dự hội nghị
APEC.
Papua New
Guinea giờ đây là chiến trường mới nhất trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng
kinh tế và chính trị giữa Trung Quốc và phương Tây.
No comments:
Post a Comment