Trong lời nói sau cùng ở phiên điều trần chống tra tấn
tại Liên Hợp Quốc, Trưởng phái đoàn Việt nam, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý
Vương nói:
“Ở Việt Nam chúng tôi có câu thành ngữ “trăm nghe
không bằng một thấy”. Và vì vậy, chúng tôi xin trân trọng kính mời Ngài Chủ tịch
và các thành viên trong Ủy ban sang thăm Việt Nam để hiểu rõ hơn về việc thực
thi Công ước Chống tra tấn của Việt Nam, thời gian do Ủy ban quyết định.”
Lời nói sau cùng ấy, như thể nhắn nhủ với các thành
viên Ủy ban rằng, các vị không nên nghe các thông tin xuyên tạc, bịa đặt về
tình trạng tra tấn ở Việt nam nữa, hãy đến đi, hãy đến đi, chúng tôi để lời mời
ngỏ cho quý vị đến Việt Nam vào bất kỳ lúc nào, để quý vị có cái nhìn chuẩn xác
hơn về tình hình Việt Nam.
Trích dẫn câu thành ngữ trong thời điểm đó quả thật
rất đắt giá, rất thâm sâu, cùng với lời mời càng củng cố thêm cho sự xác tín.
Nhưng, là người theo dõi toàn bộ phiên điều trần,
xin hỏi Ngài Thứ trưởng, tại sao Ngài lại mạnh dạn gửi lời mời đến các thành
viên Ủy ban Chống tra tấn sang Việt Nam, trong khi đó lại từ chối lời mời dành
cho Báo cáo viên Đặc biệt về Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc, và Tiểu ban phòng
chống tra tấn của Liên Hợp Quốc?
Trong phiên điều trần vừa qua, các thành viên của Ủy
ban đã đưa ra 2 đề nghị: Việt Nam hãy gửi lời mời cho “Báo cáo viên Đặc biệt về
Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc” để người này thực hiện chuyến thăm viếng quốc
gia theo nhiệm vụ; và phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Công ước chống tra tấn
để “Tiểu ban phòng chống tra tấn của Liên Hợp Quốc” có thể thực hiện chuyến
thăm viếng quốc gia theo nhiệm vụ, nhưng cả 2 lời đề nghị này đều bị phía Việt
Nam từ chối khéo.
Trả lời cho những lời đề nghị này, một người trong
phái đoàn Việt Nam đến từ Bộ ngoại giao cho biết, hiện nay có rất nhiều Báo cáo
viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc muốn đến Việt Nam, nên phía Việt Nam cần thời
gian thu xếp, và chắc chắn sẽ xem xét việc mời Báo cáo viên Đặc biệt về Chống
tra tấn của Liên Hợp Quốc đến Việt Nam “vào một thời điểm thích hợp”. Phê chuẩn
Nghị định thư để Tiểu ban Phòng chống tra tấn của Liên Hợp Quốc có thể thăm viếng
Việt Nam cũng bị từ chối với lý do “sẽ xem xét vào một thời điểm thích hợp”.
Vậy có gì uẩn khúc bên trong câu chuyện này, sao lại
“bên trọng, bên khinh” như thế?
Vấn đề này sẽ được tìm thấy trong chức năng và nhiệm
vụ của các cơ quan này. Báo
cáo viên đặc biệt Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc khi thăm viếng quốc
gia, sau chuyến thăm sẽ có báo cáo đầy đủ tất tần tật về mọi vấn đề liên quan
trong lĩnh vực mà họ đang phụ trách. Bản báo cáo sau chuyến thăm quốc gia là một
văn kiện chính thức nộp lên Liên Hợp Quốc để đánh giá tình trạng tra tấn ở quốc
gia ấy. Còn Tiểu ban Phòng
chống tra tấn khi thăm viếng quốc gia thì có nhiệm vụ đi điều tra tra tấn,
sẽ xộc thẳng vào các trại giam để điều tra vụ việc, sau đó cũng đệ trình báo
cáo lên Liên Hợp Quốc.
Còn Ủy ban Chống tra tấn mà phái đoàn Việt Nam gửi lời
mời không có chức năng, nhiệm vụ đánh giá tình hình quốc gia bằng cuộc thăm viếng
quốc gia. Ủy ban chỉ đánh giá tình hình tra tấn tại một quốc gia thông qua nhiệm
vụ như: nhận và giải quyết đơn tố giác tra tấn, tổ chức thực hiện các phiên điều
trần, và xem xét báo cáo định kỳ của quốc gia thành viên. Thành viên của Ủy ban
có thể đi thăm viếng quốc gia trong tư cách cá nhân hoặc chuyến thăm viếng mang
hình thức ngoại giao.
Vì vậy, lời mời của Ngài trưởng đoàn Việt Nam dành
cho Ủy ban không phải là chỉ dấu cho thấy Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các cơ
quan nhân quyền Liên Hợp Quốc đến Việt Nam để đánh giá về tình hình tra tấn. Người muốn đến theo nhiệm vụ thì
không cho, người không có nhiệm vụ đi thì lại mời. Nên gọi lời mời này là “sợ một
lần thấy, nên nói trăm lời dễ nghe” mà thôi.
No comments:
Post a Comment