Monday 5 November 2018

CHIẾN THUẬT TẤN CÔNG TRUYỀN THÔNG CỦA TRUMP (Anthony Zurcher - BBC)




Anthony Zurcher
Phóng viên BBC ở Bắc Mỹ
5 tháng 11 2018

Trump tấn công truyền thông báo chí vì muốn giới nhà báo khen ngợi ông nhưng lại muốn họ chỉ trích đối thủ của ông.

VIDEO : Giải 'Tin tức giả' của năm 2017

Năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên gọi các phương tiện truyền thông là "kẻ thù của nhân dân", điều đó tạo lên một sự phẫn nộ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Arizona, ông Jeff Flake, cho biết đây là một cuộc tấn công "chưa từng có" và "không cần thiết" của Nhà Trắng vào tự do báo chí .

Lần thứ hai, thứ ba và thứ tư ông Trump sử dụng cụm từ này, thiên hạ cho là điều đó hầu như không xứng đáng với một cái nhún vai.

Nhưng đó chính là tài năng độc đáo của tổng thống này - khả năng lấy một hành động hay ý kiến, ​​thoạt nghe dường như thái quá, và biến nó thành một tình trạng bình thường mới.
Nhưng ngay cả khi câu nói này không còn làm bùng nổ những bài viết phản đối, các nhà báo vẫn lưu ý.

Và khi một phòng tin ở Maryland bị bắn xả vào, những nguy hiểm của nghề báo - ngay cả trong một nền dân chủ phương Tây đã trưởng thành, có hoặc không có sự xúi giục của tổng thống - đã một lần nữa được làm nổi bật.

Nhà xuất bản New York Times, AG Sulzberger, rõ ràng đã muốn làm rõ điểm này trong cuộc gặp gỡ bí mật với ông Trump vào hồi cuối tháng Bảy.

Tuy nhiên, ông Trump chưa chắc đã nhận ra thông điệp của Sulzberger.

Trong tweet đi sáng Chủ Nhật sau buổi gặp mặt, tổng thống dường như khẳng định rằng chính là vì lỗi của giới truyền thông khiến ông phải quyết định gắn nhãn cho họ "kẻ thù của người Mỹ".

Vậy thì, đối với ông Trump, loại ngôn ngữ này - nếu đó là một vấn đề - thì là một vấn đề cho các phương tiện truyền thông, chứ không phải ông ta, phải sửa chữa.

Điều trớ trêu, tất nhiên, là ông Trump, trong một tweet gửi đi, trích dẫn tường trình của New York Times các chi tiết về cuộc điều tra việc thông đồng với của Nga của Robert Mueller dựa trên các nguồn tin giấu tên.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào tờ Times đăng một câu chuyện về chính quyền của Trump với nguồn tin tương tự, thì với Trump, đó là "tin tức giả mạo".

Và điều này dẫn đến trọng tâm của vấn đề.

Tổng thống muốn truyền thông báo chí đưa tin tốt cho bản thân, đồng thời lại muốn họ chỉ trích các đối thủ của ông.

"Tin tức giả", "kẻ thù của nhân dân" và tất cả các cách tấn công các phương tiện truyền thông khác chỉ đơn giản là một cách để Trump đạt được mục tiêu đó.

Trong thể thao, chiến lược này được gọi là "nắn gân trọng tài". Chính trị cũng có chiến thuật tương tự - nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều.

Nhưng vấn đề còn lớn hơn thế. Ông Trump không chỉ muốn trọng tài luôn luôn xử có lợi cho mình. Mục tiêu của ông là đặt câu hỏi về độ đáng tin cậy của trọng tài.

Và cách đặt câu hỏi của ông đã đạt được hiệu qủa - ít nhất là trong số những người ủng hộ trung thành nhất của ông.

Một cuộc thăm dò gần đây của CBS News cho thấy 91% "người ủng hộ mạnh mẽ" Trump nói họ tin tưởng là tổng thống Trump luôn cung cấp cho họ những tin chính xác. Chỉ 11% có nhận định tương tự về "truyền thông chính thống", trong khi 63% cho biết họ tin tưởng "bạn bè và gia đình" của mình.

Cuộc chiến của tổng thống với truyền thông đã củng cố khối cử tri ủng hộ ông rất hữu hiệu, với kết quả là những người này hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì vì những tin xấu báo chí đăng tải về Trump.

Ông Sulzberger cảnh báo rằng lời nói của ông Trump có thể dẫn đến bạo lực. EPA

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu khối cử tri này có đủ để chiếm ưu thế trong các cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới hay không, và cuối cùng, đưa Trump đến được đích tái đắc cử vào năm 2020.

Nhưng dẫu sao, ít nhất với Trump, tấn công truyền thông là một chiến thuật tốt - và đó là lý do tại sao tổng thống Trump có thể sẽ tiếp tục những tuyên bố kiểu này, bất chấp những lời cảnh cáo của ông Sulzberger là điều đó có thể kích động bạo lực.

-----------------
Tin liên quan
·        

·        





No comments:

Post a Comment

View My Stats