Tuesday, 13 November 2018

BIỂN ĐÔNG : LẦN ĐẦU TIÊN MỸ ĐÒI TRUNG QUỐC RÚT TÊN LỬA KHỎI TRƯỜNG SA (Trọng Nghĩa - RFI)




Đăng ngày 12-11-2018 

Trước thềm các hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á EAS tại Singapore (13-15/11/2018), nơi vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được gợi lên, Washington ngày 09 /11/2018 đã tăng cường đáng kể sức ép trên Bắc Kinh nhân Đối Thoại Ngoại Giao và An Ninh Mỹ-Trung thường niên tại thủ đô Hoa Kỳ. Không những thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, muốn Mỹ dừng các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông, Mỹ còn công khai lên tiếng đòi Bắc Kinh phải triệt thoái các loại tên lửa ra khỏi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa.

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, họp báo chung ngày 09/11/2018 tại Washington (Mỹ). REUTERS/Leah Millis

Thái độ cứng rắn hẳn lên của Hoa Kỳ trên hồ sơ Biển Đông được thấy một cách rõ ràng trong bản thông cáo báo chí về cuộc Đối Thoại - thường được gọi là 2+2 - mà bộ Ngoại Giao Mỹ công bố sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis với Ủy Viên Quốc Vụ phụ trách đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.

Công khai yêu cầu Trung Quốc triệt thoái các hệ thống tên lửa
Trong phần nói riêng về Biển Đông, ngoài những lời lẽ ngoại giao thường thấy như « cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông… giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… bảo đảm an toàn hàng không và hàng hải… xử lý các rủi ro một cách xây dựng… », giới quan sát đã ghi nhận môt lời yêu cầu Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa :

« Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc rút các hệ thống tên lửa ra khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, và khẳng định trở lại rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết tranh chấp thông qua các hành vi cưỡng chế hay hù dọa ».

Theo tờ báo Nhật Bản The Japan Times, số ra ngày 10/11, đây là lần đầu tiên mà Mỹ thúc giục Trung Quốc triệt thoái các hệ thống tên lửa mà họ đã triển khai trên các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.

Sự kiện Washington trực tiếp và công khai kêu gọi bằng văn bản Trung Quốc rút tên lửa, thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên từ phía Washington, vì cho đến nay mối quan ngại của Mỹ chỉ được nêu lên một cách kín đáo.

Tờ Japan Times đã nhắc lại rằng hồi tháng Năm vừa qua chẳng hạn, Lầu Năm Góc còn từ chối bình luận về các thông tin tình báo cho biết là Trung Quốc đã cho triển khai các loại tên lửa hành trình chống hạm và phòng không trên 3 hòn đảo nhân tạo mới được họ bồi đắp là Đã Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.

Nhắc nhở Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế
Ngoài chi tiết cụ thể liên quan đến yêu cầu Trung Quốc rút tên lửa, bản thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Mỹ còn nhắc nhở Bắc Kinh về nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, khi xác định cam kết « hậu thuẫn quyền tự do hàng hải và hàng không và quyền khai thác biển một cách hợp pháp trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế ».

Bản thông cáo cũng nêu lên thái độ quan ngại của Mỹ khi xác nhận rằng trong cuộc họp « Hoa Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc mọi tàu thuyền và máy bay quân sự, dân sự và của các lực lượng chấp pháp, đều phải hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật lệ quốc tế ».

Nhận xét này đã gợi đến sư cố ngày 30/09/2018 tại Đá Ga Ven (Trường Sa) khi một chiến hạm Trung Quốc cố tình cắt ngang đường đi của một khu trục hạm Mỹ, gây nguy hiểm cho cả hai phía.

Bản thông cáo cũng lưu ý rằng « Mỹ vẫn quyết tâm cho tàu thuyền và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».

Đấu khẩu “nẩy lửa” về Biển Đông trong cuộc họp báo chung
Quan điểm cứng rắn của Mỹ trên hồ sơ Biển Đông còn được hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ thể hiện trong cuộc họp báo chung với hai trưởng đoàn Trung Quốc sau cuộc đối thoại.

Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không ngần ngại công khai chỉ trích Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ « tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động và chính sách quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông (và) yêu cầu Trung Quốc thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trước đó trên vấn đề này ».

Phản ứng trước lời đả kích của ông Pompeo, Ủy viên Quốc Vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cho rằng Bắc Kinh « có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết » ở những khu vực mà ông gọi là « lãnh thổ » của Trung Quốc. Không chỉ thế, ông Dương Khiết Trì còn lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ là phải « đình chỉ việc đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo đá của Trung Quốc và dừng những hoạt động phá hoại chủ quyền Trung Quốc ».
Đòi hỏi nói trên đã bị bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis bác bỏ ngay sau đó khi ông tuyên bố : « Chúng tôi đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Hoa Kỳ luôn kiên định trong cam kết về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một khu vực xây dựng trên nền tảng luật pháp và trật tự quốc tế cũng như sự ổn định của toàn vùng ».

Trung Quốc sẽ lại làm ngơ trước yêu cầu của Mỹ
Sức ép trên đây của Mỹ liệu có làm cho Trung Quốc thay đổi thái độ về Biển Đông hay không ? và cụ thể là yêu cầu triệt thoái tên lửa có được Bắc Kinh đáp ứng hay không ? Trên vấn đề này, một số chuyên gia phân tích được nhật báo The Japan Times trích dẫn đã tỏ ý rất hoài nghi.

Trên tài khoản Twitter của mình, ông Jeffrey Ordaniel, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương Diễn Đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) ở Hawaii cho rằng dù đây là lần đầu tiên mà Mỹ lên tiếng đòi Bắc Kinh rút tên lửa khỏi Trường Sa, lời kêu gọi này ít có khả năng được Trung Quốc lắng nghe.

Theo chuyên gia Ordaniel, Trung Quốc đã « không bị hề hấn gì » khi làm ngơ trước lời kêu gọi của Mỹ trước đây, muốn Bắc Kinh dừng việc bồi đắp và xây dựng mới ở Biển Đông, vì vậy họ « không có lý do gì » để đáp ứng yêu cầu lúc này về tên lửa.

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại viện nghiên cứu Rand Corp. cũng thận trọng, cho rằng Trung Quốc có thể rút các hệ thống tên lửa ra khỏi Trường Sa trong một động thái xây dựng lòng tin để tỏ thiện chí với Mỹ vào lúc này. Tuy nhiên theo ông, Bắc Kinh « có thể dễ dàng tái triển khai loại vũ khí này nếu quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trở lại».


-------------------------------------

VOA Tiếng Việt
10/11/2018

Đứng cạnh quan chức Trung Quốc, các quan chức hàng đầu của Mỹ hôm 9/11 kêu gọi phía Trung Quốc ngừng quân sự hóa vùng Biển Đông đầy tranh chấp, khơi ra phản pháo từ Trung Quốc về việc Mỹ điều các tàu chiến tới gần các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên tuyến đường thủy chiến lược này.


Cuộc gặp song phương có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cùng với Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa. Cuộc Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung hàng năm lúc đầu lẽ ra được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng trước nhưng đã bị hủy trong bối cảnh căng thẳng gia tăng.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục lo ngại về các hoạt động và việc quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông,” ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo chung sau hội đàm. “Chúng tôi đã hối thúc Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết trong trước đây của họ trong khu vực này.”

Ông Dương nói Trung Quốc cam kết “không đối đầu” nhưng Bắc Kinh có quyền xây dựng “các cơ sở quốc phòng cần thiết” ở nơi mà họ xem là lãnh thổ của mình. Ông kêu gọi Washington ngưng điều tàu chiến và máy bay quân sự tới gần các đảo mà Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền.

Ông Mattis đã nói rõ rằng đòi hỏi này sẽ không được Washington đáp ứng. Washington khẳng định họ hành động theo luật quốc tế để bảo toàn khả năng của Mỹ và các nước khác tiếp cận được Biển Đông.

“Mỹ không theo đuổi một cuộc Chiến tranh Lạnh hoặc chính sách kiềm tỏa đối với Trung Quốc,” ông Pompeo nói thêm.

Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đối mặt với những thách thức khó khăn, “sự hợp tác vẫn cần thiết đối với nhiều vấn đề,” ông nói, dẫn ra những nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Hai bên cũng nêu ra những khác biệt của đôi bên về những vấn đề bao gồm tranh chấp thương mại quyết liệt, đảo Đài Loan tự trị và việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo thiểu số.

Hai quan chức cấp cao Trung Quốc cũng đã nhân cơ hội này cảnh báo công khai rằng một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ làm tổn thương cả hai bên và kêu gọi để ngỏ các kênh liên lạc để giải quyết một vấn đề đã khiến các thị trường tài chính toàn cầu bất an.

---------------------------------------

Thụy My – RFI
Đăng ngày 13-11-2018

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay, 13/11/2018, chỉ trích chương trình phát triển hỏa tiễn tầm trung của Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh tham gia hiệp định quốc tế kiểm soát vũ khí.

Tham quan hệ thống tên lửa chống chống hạm CM-401 tại một triển lãm quốc tế của Trung Quốc, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, ngày 8/11/2018. REUTERS/Brenda Goh

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình công ZDF của Đức, ông Jens Stoltenberg tuyên bố : « Chúng tôi quan sát thấy Trung Quốc đầu tư rất lớn vào việc chế tạo nhiều loại vũ khí mới và hiện đại, trong đó có các loại hỏa tiễn, và phân nửa số hỏa tiễn của Trung Quốc vi phạm hiệp ước INF, nếu Trung Quốc là nước tham gia ký kết ».


Tổng thư ký NATO muốn nhấn mạnh đến Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 giữa tổng thống Ronald Reagan và tổng bí thư Mikhail Gorbatchev. Hiệp ước này nhằm tiêu hủy các loại hỏa tiễn có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, phóng từ mặt đất, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Ông Jens Stoltenberg nói : « Chúng tôi rất mong mở rộng hiệp ước INF, làm thế nào để Trung Quốc có thể tham gia ». Còn về Nga, ông bày tỏ mối quan ngại các loại hỏa tiễn mới của Matxcơva có thể tấn công các thành phố tại miền trung châu Âu như Berlin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây loan báo Hoa Kỳ sẽ rút khỏi INF. Washington tố cáo Matxcơva vi phạm hiệp ước, nhưng đồng thời cũng cáo giác các chương trình vũ khí của Bắc Kinh.

Đối với phía Nga, Hoa Kỳ phản đối hệ thống hỏa tiễn mới 9M729, có thể phóng đi từ mặt đất với tầm bắn trên 500 km – cáo buộc này bị Matxcơva bác bỏ. Và trong cuộc đối thoại thường niên về ngoại giao và an ninh Mỹ-Trung lần thứ hai mới đây, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh rút các hỏa tiễn bố trí tại các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Trước đó trong Đối thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tố cáo việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông nhằm « đe dọa và cưỡng ép » các nước láng giềng nhỏ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats