Friday, 20 October 2023

VIỆT NAM BẮT HÀNG LOẠT LÃNH ĐẠO NGÀNH ĐẤT HIẾM, GÂY LO NGẠI VỀ KẾ HOẠCH CẠNH TRANH VỚI TRUNG QUỐC (VOA Tiếng Việt, Reuters)

 



Việt Nam bắt hàng loạt lãnh đạo ngành đất hiếm, gây lo ngại về kế hoạch cạnh tranh với Trung Quốc

VOA Tiếng Việt,  Reuters

20/10/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7319403.html

 

Công an Việt Nam vừa bắt giữ sáu người bị cáo buộc vi phạm các quy định về khai thác mỏ, trong đó có chủ tịch của một công ty đi đầu trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm để có thể cạnh tranh với sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này, Reuters và truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Bộ Công an cho biết hôm 20/10.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-325e-08dbc4e86810_cx0_cy6_cw0_w650_r1_s.jpg

Bảng chỉ đường đến Đông Pao, mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Công an Việt Nam vừa bắt giữ 6 người trong ngành đất hiếm, bao gồm cả chủ tịch một công ty tham gia đấu giá khai thác mỏ Đông Pao.

 

Trước đó, Việt Nam cho biết đang có kế hoạch bán đấu giá các nhượng quyền khai thác đất hiếm mới vào cuối năm nay.

 

Trong số những người bị bắt có lãnh đạo của ít nhất một công ty tham gia đấu thầu là Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE).

 

Chủ tịch của VTRE, ông Lưu Anh Tuấn, đã bị buộc tội giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng khi mua bán đất hiếm với Tập đoàn Thái Dương, công ty điều hành một mỏ ở tỉnh Yên Bái, miền bắc Việt Nam.

 

Hồi đầu tháng này, ông Lưu Anh Tuấn cho báo giới Việt Nam biết về kế hoạch đấu giá khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất trong nước là mỏ Đông Pao ở tỉnh Lai Châu, giữa bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng đất hiếm, trong lúc các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đang muốn giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

 

VTRE đã hợp tác với các công ty khai thác mỏ của Úc là Australian Strategic Materials (ASM) và Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam). Các công ty này không có tên trong cuộc điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam.

 

Hãng tin Reuters đã gọi cho ông Tuấn hôm 20/10 nhưng không được trả lời. Một người có mặt tại tòa nhà cho hãng tin của Anh biết văn phòng của VTRE tại Hà Nội đã đóng cửa nhiều ngày qua.

 

Blackstone cho biết vào tháng 9 rằng họ đã đồng ý hợp tác với VTRE để giành được quyền nhượng quyền tại mỏ Đông Pao. Một giám đốc điều hành của Blackstone nói với Reuters rằng khoản đầu tư của họ vào dự án sẽ lên tới khoảng 100 triệu USD nếu giành được nhượng quyền.

 

ASM đã ký thỏa thuận ràng buộc vào tháng 4 với VTRE về việc mua 100 tấn đất hiếm đã qua chế biến trong năm nay và cam kết đàm phán một thỏa thuận cung cấp dài hạn hơn.

 

Cả Blackstone và ASM đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về việc liệu các thỏa thuận của họ với VTRE có bị ảnh hưởng bởi vụ bắt giữ chủ tịch công ty hay không.

 

Cổ phiếu Blackstone đã giảm hơn 8% vào thứ Sáu, trong khi giá trị cổ phiếu ASM vẫn ổn định. Nguyên nhân khiến cổ phiếu Blackstone sụt giảm vẫn chưa rõ.

 

Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm (loại khoáng sản đặc biệt dành cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao) lớn thứ hai trên thế giới với 22 triệu tấn. Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn, đứng thứ ba là Brazil với 21 triệu tấn.

 

Tuy nhiên, phần lớn đất hiếm ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác, đầu tư không được khuyến khích vì giá thấp do Trung Quốc ấn định và do nước này gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.

 

TIÊU THỤ BẤT HỢP PHÁP

 

Ngoài ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thái Dương, ông Đoàn Văn Huân, cũng bị bắt với cáo buộc kiếm 632 tỷ đồng (25,80 triệu USD) từ việc bán trái phép quặng khai thác từ mỏ mà công ty ông điều hành ở tỉnh Yên Bái.

 

Trước đó, vào ngày 9/10, cảnh sát điều tra đã khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết và kinh doanh đất hiếm ở Yên Bái và đã tạm giữ 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt, Tiền Phong dẫn thông tin của Bộ Công an cho biết hôm 20/10.

 

Phía công an nói ông Đoàn Văn Huấn và ông Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng của Tập đoàn Thái Dương đã tổ chức khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm và gần 153 triệu kg quặng sắt, với tổng giá trị khoảng 632 tỷ đồng.

 

Tuyên bố của chính phủ không nói rõ vì sao việc mua bán quặng đất hiếm của các lãnh đạo và công ty trên lại trở nên bất hợp pháp, nhưng Reuters dẫn lời một người biết trực tiếp về vấn đề này nói rằng quặng thô ở mỏ Yên Bái đã được xuất khẩu sang Trung Quốc do chi phí tinh luyện trong nước đối với loại quặng này không có lãi.

 

Theo quy định của Việt Nam, việc xuất khẩu quặng thô phần lớn bị hạn chế vì Việt Nam đang muốn tăng cường khả năng tinh chế.

 

Chính quyền gần đây cũng đã tăng cường trấn áp hoạt động khai thác đất hiếm bất hợp pháp từ các mỏ bị bỏ quên hoặc bỏ hoang, vẫn theo Reuters.

 

Ngoài các lãnh đạo trên, còn có Giám đốc Đặng Trần Chí, Kế toán Phạm Thị Hà của Công ty Hợp Thành Phát, Kế toán Nguyễn Thị Hiền của Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam cũng tbị bắt trong cùng ngày với cáo buộc “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

 

VIDEO :

Hàng loạt lãnh đạo ngành đất hiếm ở Việt Nam bị bắt | VOA Tiếng Việt

https://www.youtube.com/watch?v=raB2OsT_ckg

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats