Monday, 2 October 2023

VÌ SAO CHỈ Ở HOA KỲ MỚI CÓ CHUYỆN CHÍNH PHỦ ĐÓNG CỬA? (BBC News)

 



Vì sao chỉ ở Mỹ mới có chuyện chính phủ đóng cửa?

Robin Levinson King & Anthony Zurcher

BBC News

2 tháng 10 2023, 11:30 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz48eqn0znpo

 

Chính phủ Mỹ đã đóng cửa 10 lần trong hơn 40 năm qua. Trong khi đó, ở các nước khác, chính phủ vẫn tiếp tục hoạt động, ngay cả khi xảy ra chiến tranh và khủng hoảng hiến pháp. Vì sao hiện tượng chỉ có ở Mỹ lại cứ diễn ra?

 

Đối với hầu hết các nơi trên thế giới, việc chính phủ đóng cửa là tin tức rất tệ - hậu quả của một cuộc cách mạng, xâm lược hoặc thảm họa.

 

Việc các nhà lãnh đạo của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất trên Trái đất sẵn sàng gây ra một cuộc khủng hoảng khiến nhiều dịch vụ công bị gián đoạn và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế là điều làm nhiều người ngạc nhiên.

 

Trong một thỏa thuận vào phút chót vào thứ Bảy 30/09, Quốc hội đã tránh được tình trạng đóng cửa bằng việc thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, giúp chính phủ tiếp tục hoạt động thêm 45 ngày nữa.

 

Nhưng điều đó có nghĩa là các chính trị gia sẽ phải quay lại bàn đàm phán và đất nước có thể phải đối mặt với tình trạng đóng cửa lần nữa một khi nguồn ngân sách cạn kiệt.

 

Vậy tại sao điều này cứ diễn ra?

 

Hệ thống chính quyền liên bang của Hoa Kỳ cho phép các nhánh khác nhau của chính phủ thuộc sự kiểm soát của các đảng phái khác nhau.

 

Đó là một cơ cấu do những người lập quốc nghĩ ra để khuyến khích sự thỏa hiệp và tham vấn lẫn nhau, nhưng gần đây đã có tác dụng ngược lại.

 

Vì vào năm 1980, Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Jimmy Carter đã ban hành một cách diễn giải theo nghĩa hẹp về Anti-Deficiency Act 1884 (Đạo luật Phòng ngừa thiếu hụt năm 1884).

 

Luật chi tiêu của thế kỷ 19 cấm chính phủ đạt được khế ước mà không có sự chấp thuận từ Quốc hội; trong gần một thế kỷ, nếu có sự chênh lệch về ngân sách, chính phủ vẫn tiếp tục cho phép những chi tiêu cần thiết.

 

Nhưng sau năm 1980, chính phủ đã có quan điểm nghiêm ngặt hơn nhiều: không ngân sách, không chi tiêu.

 

Cách diễn giải đó đã khiến Mỹ khác biệt với các nền dân chủ phi nghị viện khác, chẳng hạn như Brazil, nơi nhánh hành pháp mạnh có khả năng duy trì hoạt động trong thời gian bế tắc về ngân sách.

 

Lần đóng cửa đầu tiên của Hoa Kỳ xảy ra ngay sau đó vào năm 1981, khi Tổng thống Ronald Reagan phủ quyết một dự luật tài trợ và kéo dài trong vài ngày.

 

Kể từ đó, đã có ít nhất 10 vụ đóng cửa khác dẫn đến tình trạng ngừng cung cấp dịch vụ, kéo dài từ nửa ngày đến hơn một tháng. Lần cuối cùng, từ ngày 21/12/2018 đến ngày 25/01/2019, là khoảng thời gian kéo dài nhất được ghi nhận.

 

Trong khi một số dịch vụ thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động, như an sinh xã hội và quân đội, hàng trăm nghìn công chức liên bang vẫn không được trả lương.

 

Vào thời điểm đó, Nhà Trắng ước tính rằng việc đóng cửa làm giảm mức tăng trưởng GDP 0,1 điểm phần trăm, tính theo mỗi tuần ngừng trả lương.

 

Ở những nơi khác trên thế giới, việc đóng cửa như vậy thực tế là chuyện không thể. Hệ thống nghị viện được hầu hết các nền dân chủ châu Âu sử dụng đảm bảo rằng cơ quan hành pháp và lập pháp được kiểm soát bởi cùng một đảng hoặc liên minh.

 

Có thể hiểu rằng quốc hội có thể từ chối thông qua ngân sách do thủ tướng đề xuất, nhưng hành động như vậy có thể sẽ dẫn đếnn một cuộc bầu cử mới - chứ không phải là ngừng các dịch vụ như công viên quốc gia, hoàn thuế và các chương trình hỗ trợ lương thực.

 

Mỹ: Hậu quả của việc chính phủ đóng cửa

 

'Văn hóa đình công' ở Mỹ diễn ra mạnh mẽ như thế nào trong năm 2023

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0c79/live/db9738e0-60d7-11ee-a2cc-89c9f3fc75a6.jpg

Điện Capitol

 

Đó chính xác là những gì đã xảy ra ở Canada vào năm 2011, khi các đảng đối lập bác bỏ ngân sách do Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Stephen Harper lúc bấy giờ đề xuất, vốn chỉ chiếm thiểu số trong quốc hội.

 

Hạ viện sau đó đã thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dẫn đến một cuộc bầu cử. Trong khi đó, các dịch vụ của chính phủ vẫn hoạt động.

 

Ngay cả ở Bỉ, nơi không có chính phủ dân cử nắm quyền trong 589 ngày từ năm 2010-2011, các đoàn tàu vẫn chạy.

 

Gần đây hơn, Ireland đã cố gắng duy trì mọi hoạt động từ năm 2016-2020 dưới một chính phủ do phe thiểu số nắm với hệ thống "tín nhiệm và hỗ trợ", đó là khi các đảng không nắm quyền đồng ý hỗ trợ các dự luật chi tiêu và bỏ phiếu tín nhiệm.

 

Nhưng kiểu hợp tác này ngày càng trở nên hiếm hoi ở Mỹ, nơi các đảng chính trị đang đấu đá nhau dường như sẵn lòng dùng hoạt động hàng ngày này của chính phủ như một con bài mặc cả để loại bỏ các yêu cầu từ phía bên kia.

 

Ví dụ, lần đóng cửa mới nhất là kết quả của việc một số ít thành viên Đảng Cộng hòa bảo thủ có đường lối cứng rắn trong Quốc hội yêu cầu cắt giảm chi tiêu dữ dội mà những người có khuynh hướng trung dung trong đảng của họ và các đảng viên Dân chủ sẽ không ủng hộ.

 

Một thỏa thuận cuối cùng đã đạt được vào thứ Bảy, nhưng với một cảnh báo rất lớn: không có nguồn tài trợ bổ sung nào cho cuộc chiến Ukraine.

 

Khi đồng hồ đang đếm ngược với khoản tài trợ tạm thời trong vòng 45 ngày, vẫn còn phải xem sẽ đạt được loại thỏa thuận mới nào - và liệu có thể tìm được thỏa thuận nào không.

 

Mỹ: Hậu quả của việc chính phủ đóng cửa

 

'Văn hóa đình công' ở Mỹ diễn ra mạnh mẽ như thế nào trong năm 2023

 

--------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

  •  

Đóng cửa chính phủ: 13 ảnh hưởng tiêu cực

9 tháng 1 năm 2019

  •  

Mỹ: Chính phủ đóng cửa đến hết Giáng sinh

23 tháng 12 năm 2018

  •  

QH Mỹ nỗ lực phút chót tránh đóng cửa chính phủ

21 tháng 1 năm 2018

  •  

'Văn hóa đình công' ở Mỹ diễn ra mạnh mẽ như thế nào trong năm 2023

30 tháng 9 năm 2023






No comments:

Post a Comment

View My Stats