Sunday, 15 October 2023

TIẾNG VIỆT ĐANG BỊ KHINH THƯỜNG? (Thái Hạo)

 



Tiếng Việt đang bị khinh thường?   

Thái Hạo

14-10-2023  22:32   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0okVFYno35LW5WRxH6ae3EWq3DRiXDVcvCFwufUrAtrgN7LMDns26oV4BcmSigAU4l&id=100059910855657

 

Tiếng Việt có quan trọng không? Quan trọng, nếu không nói là vô cùng hệ trọng.

 

Khi tôi phát biểu quan điểm rằng môn Ngữ văn là môn học tiếng Việt (trong đó có một mảng là tiếng Việt nghệ thuật – tức tác phẩm văn chương) thì có vẻ nhiều người tỏ ra thất vọng, một số khác thì bắt đầu cảm thấy môn này dường như không quan trọng lắm. Vì đáng ra, theo họ, “văn học là nhân học”, “học văn là học làm người”, thế mới xứng với sứ mạng to tát của môn Văn.

 

Nhưng, chắc chưa ai quên câu nói của học giả Phạm Quỳnh: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Tiếng nói của một dân tộc không chỉ là thiêng liêng bởi trầm tích lịch sử, văn hóa chất chứa ngàn năm trong nó, mà còn quyết định đối với hiện tại và tương lai của một cộng đồng. Một khi ngôn ngữ đã bị làm hỏng thì mọi sự truyền thông tri thức và kết nối tinh thần đều sẽ bị chặn đứng. Đất nước ấy không phát triển được. Nhưng ngày nay, tiếng Việt đang bị sa sút nghiêm trọng.

 

Ngôn ngữ không phải chỉ là “công cụ của tư duy”. Triết học ngôn ngữ chỉ ra rằng ngôn ngữ còn là “hiện thực của tinh thần”, nó “hướng dẫn thế giới quan người nói”, nó quy định tư duy của con người... Nói cách khác, nó (ngôn ngữ) “thống trị” đầu óc con người.

 

Nhà báo, nhà văn hóa Nguyễn An Ninh đã dẫn một định đề mà tôi tâm đắc: “Điều gì người ta suy nghĩ kĩ sẽ diễn đạt rõ ràng, và dễ dàng tìm thấy những từ để nói ra”.

 

Fareed Zakaria, tác giả của cuốn sách “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” thì viết: “Khi bạn nghe ai đó tán dương về lợi ích của một nền giáo dục khai phóng, có lẽ bạn sẽ nghe người ấy nói rằng “nó dạy cho bạn cách suy nghĩ”. Tôi chắc chắn điều đó đúng nhưng đối với tôi nó chính xác là giáo dục khai phóng dạy bạn cách viết như thế nào và viết làm cho bạn suy nghĩ”.

 

Phong trào học tiếng Anh đang rầm rộ trên cả nước, đó là một đòi hỏi của thực tế hội nhập, và có cả phần thổi phồng nữa; tuy nhiên điều đáng lo lắng là tâm lý coi thường việc học tiếng Việt. Các nhà trường trên cả nước đang rầm rộ đưa nào là tiếng Anh tích hợp, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh đủ loại vào để kiếm tiền, nhưng lại không thèm để ý đến tiếng mẹ đẻ của mình đang tồi tệ như thế nào.

 

Không phải cứ là người Việt thì tất nhiên sẽ giỏi tiếng Việt. Tôi quan sát thấy, người giỏi tiếng Việt bây giờ không phải quá nhiều, nếu không nói là rất ít so với 100 triệu dân.

 

Ngay cả môn tiếng Việt trong nhà trường cũng bị coi thường và bỏ bê, nếu không nói là bị khinh thường. Chỉ có ở cấp Tiểu học vì yêu cầu dạy đánh vần, đọc chữ mà môn này được dạy tập trung, nhưng lên cấp THCS thì bắt đầu xem nhẹ, cấp THPT thì thảm hại: các bài học về tiếng Việt thường bị lướt qua hoặc bỏ qua. Học sinh, sau 12 năm học Ngữ văn không viết nổi một bài văn cho ra hồn.

 

Nguyên nhân có nhiều nhưng một phần là do cách thi cử: suốt những năm Trung học toàn cắm cúi học và thi nghị luận văn học với những bài văn chết cứng trong sách văn mẫu, với lối đánh giá “đếm ý cho điểm”..., thành ra nội dung tiếng Việt bị vô tình hoặc cố ý bỏ quên.

 

Chúng ta có thể thấy tiếng Việt đang bị nói sai, viết sai, viết dở tràn ngập trên sách báo, thậm chí cả trong các bản luận văn. Lời ăn tiếng nói hàng ngày cũng dần xơ cứng, nghèo nàn và mất dần đi sự tinh tế, ý nhị. Thậm chí nhiều nhà văn cũng dùng sai và viết dở.

 

Tình trạng này đang bày ra trước mắt những nguy cơ to lớn đến mức phải gióng lên một hồi chuông báo động khẩn thiết.

 

                                                         ***

 

Đọc thêm:

 

- Học văn là học cái gì: https://www.facebook.com/100059910855657/posts/717457080261314/

 

- Câu thần chú 'Văn học là nhân học': https://www.facebook.com/100059910855657/posts/717637826909906/

 

.

135 BÌNH LUẬN  

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats