Sunday, 1 October 2023

TÀU HẢI CẢNH TRUNG QUỐC CANH CHỪNG CẢ THÁNG TẠI BÃI TƯ CHÍNH (Người Việt)

 



Tàu Hải cảnh Trung Quốc canh chừng cả tháng tại bãi Tư Chính

Người Việt

October 1, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/tau-hai-canh-trung-quoc-canh-chung-ca-thang-tai-bai-tu-chinh/

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) .- Tàu Hải cảnh Trung Quốc quanh quẩn để theo dõi các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính.

 

“Tàu Hải cảnh Trung Quốc 5204 suốt 30 ngày qua đã có mặt tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam”. Ông Ray Powell, giám đốc dự án Project Myoushu tại đại học Stanford, California, thông tin qua trang mạng X (tên cũ là Twitter) ngày Chủ Nhật mùng 1 Tháng Mười.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/10/VN-hai-canh-5204-NatunaSea-IndonesiaCoastguard-091420.jpg

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc quanh quẩn tại bãi Tư Chính, vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Hình: Indonesia Maritime Security Agency)

 

Ông Powell nói rằng tàu Hải cảnh kể trên hiện diện thường trực tài bãi Tư Chính có vẻ như để “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các mỏ dầu khí Việt Nam đang khai thác tại bãi Tư Chính”, dựa trên các dữ liệu thông tin hàng hải và hình ảnh vệ tinh mà người ta thấy ông dẫn chứng.

 

Dự án Project Myoushu đặt trọng tâm nghiên cứu về chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc sử dụng tại khu vực Biển Đông, thay vì dùng lực lượng hải quân, trong chiến lược lấn chiếm để tuyên bố chủ quyền gần hết vùng biển rộng khoảng 3.4 triệu km2 nhiều tài nguyên dầu khí và hải sản này. Đây cũng là thủy lộ quan trọng hàng đầu thế giới với hàng ngàn tỉ đô la trị giá hàng hóa vận chuyển mỗi năm.

 

Thông tin do ông Powell đưa ra cho thấy Bắc Kinh canh chừng chặt chẽ các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam trong phạm vi “Lưỡi bò” mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Nhiều khu vực những cái vạch “Lưỡi bò” đó lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước khác trong khu vực, theo Công ước quốc tế UNCLOS.

 

Hồi Tháng Ba vừa qua, hãng tin Reuters dẫn dữ kiện theo dõi hoạt động hàng hải toàn cầu nói rằng một tàu của Việt Nam theo dõi một tàu Hải Cảnh Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính, nơi các công ty của Nga cùng với đối tác Việt Nam khai thác các mỏ khí đốt. Dữ kiện tổng hợp lại cho thấy tàu Hải Cảnh và tàu khảo sát đại dương Trung Quốc hiện diện thường trực ở khu vực vừa kể và các khu vực khác trên Biển Đông suốt hơn một năm qua.

 

Reuters nói các tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã tiến thẳng vào các khu vực các lô dầu khí đang do công ty Nga hợp tác với Việt Nam khai thác ít ra 40 lần kể từ Tháng Giêng, 2022, dẫn theo tài liệu của tổ chức nghiên cứu Biển Đông ở Hà Nội (SCSCI).

 

Trong khi Bắc Kinh sử dụng lực lượng Hải giám và dân quân biển to lớn để áp đảo các nước nhỏ phía nam, họ vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận quy mô trên biển Đông để đe dọa. Mới đây, Cục Hải sự Trung Quốc tại tỉnh Quảng Đông loan báo một cuộc tập trận của họ tại Biển Đông vào ngày 28 Tháng Chín, cấm tàu bè qua lại ở khu vực tập trận. Cuộc tập trận như để giương oai chỉ 3 ngày sau khi Cảnh sát biển Phi Luật Tân cắt giây cáp chuỗi phao nổi Trung Quốc đặt tại bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa, nhằm ngăn chặn ngư dân Phi đến gần. Bãi này chỉ cách đảo Luzon của Phi 137 hải lý.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/10/VN-China-Coastguard-5204-baiTuChinh-RayPowell-100123.jpg

Thông tin tàu Hải cảnh Trung Quốc 5204 tại bãi Tư Chính. (Hình: Ray Powell)

 

Ngày 28 Tháng Chín, bà Lindsey Ford, Phó phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đặc trách khu vực Nam và Đông Nam Á châu, điều trần ở Quốc hội, tố cáo những gì Trung Quốc đang thi hành tại Biển Đông như chiếu laser, bắn vòi rồng vào tàu biển nước khác, trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo.

 

Bà cũng tố cáo Trung Quốc đồn trú chiến đấu cơ J-20, bố trí hỏa tiễn chống tàu, hỏa tiễn phòng không tầm xa tại các đảo nhân tạo họ cưỡng chiếm của Việt Nam ở Trường Sa dù từng tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông. Bà liệt kê nhiều vụ điển hình đã xảy ra trên Biển Đông do hành động bá quyền của Trung Quốc như đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của nước khác.

 

Cũng giữa tuần qua, một viên chức chính phủ Phi Luật Tân nói rằng nước họ đang nghiên cứu nghiêm chỉnh khả năng kiện Trung Quốc về các hành động ngăn chặn ngư dân Phi đánh cá tại vùng biển bãi cạn Scarborough.(TN)

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats