Wednesday, 4 October 2023

PHÁP : CUỘC KHỦNG HOẢNG CHƯA TỪNG CÓ CỦA CÁC HIỆP HỘI THIỆN NGUYỆN TRONG BỐI CẢNH NGHÈO KHÓ GIA TĂNG (Thùy Dương / RFI)

 



Pháp : Cuộc khủng hoảng chưa từng có của các hiệp hội thiện nguyện trong bối cảnh nghèo khó gia tăng

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 04/10/2023 - 16:15

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/2023...BA%A3nh-ngh%C3%A8o-kh%C3%B3-gia-t%C4%83ng

 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, số người nghèo tại Pháp gia tăng mạnh, nhu cầu được cứu trợ thực phẩm vì thế cũng tăng chóng mặt. Hiềm nỗi, các tổ chức thiện nguyện mà họ đang phải « bấu víu » vào cũng « hụt hơi, đuối sức ». Thu hút sự chú ý của công luận nhất là hồi chuông báo động và lời kêu gọi lòng hảo tâm nhắm vào các doanh nghiệp và giới chính trị hôm 03/09/2023 của Patrice Douret, chủ tịch hiệp hội Les Restos du Cœur.

 

https://s.rfi.fr/media/display/723b31d2-4a9b-11ee-96a5-005056a90321/w:980/p:16x9/000_33U96H8.webp

Thực phẩm tại một trung tâm phân phối của Hiệp hội Quán ăn tình thương (Les Resto du cœur), Paris, ngày 23/11/2021. AFP - STEPHANE DE SAKUTIN

 

Sau gần 40 năm Les Restos du cœur (Các quán ăn tình thương) hoạt động và được xem là biểu tượng của các hiệp hội cứu trợ thực phẩm tại Pháp, trên kênh truyền hình TF1, chủ tịch hiệp hội Les Restos du Cœur, Patrice Douret, gióng hồi chuông báo động, theo đó những khó khăn, thiếu hụt tài chính nghiêm trọng hiện nay khiến hiệp hội cứu trợ thực phẩm này có nguy cơ đóng cửa sau 3 năm nữa, trong khi hàng năm trung bình Les Restos du Cœur đóng góp khoảng 35% tổng lượng thực phẩm cứu trợ cho người nghèo trong cả nước. Trước mắt, Các quán ăn tình thương phải tính đến việc cắt giảm hàng triệu bữa ăn cứu trợ.

 

Điều đáng lưu ý là Les Restos du Cœur không phải là trường hợp cá biệt. Tiếp sau lời kêu cứu khẩn thiết của chủ tịch hiệp hội này, một loạt hiệp hội khác cũng nêu bật những khó khăn mà họ đang phải đối mặt, trong đó có La Croix-Rouge (Hồng Thập Tự của Pháp), Les Secours populaires, Le Secours catholique, Les Banques alimantaires (Các ngân hàng thực phẩm) ... Trên đài RFI Pháp ngữ ngày 05/09/2023, bà Laurence Champier, giám đốc Liên đoàn các Ngân hàng thực phẩm (Banques alimentaires) giải thích :

 

« Trước hết, tôi nghĩ rằng lạm phát tác động đến tất cả các hiệp hội, vì vậy đó không phải là một trường hợp cá biệt. Tổ chức Banques alimentaires/Các ngân hàng thực phẩm hiện giờ cũng đang gặp các khó khăn về nguồn cung, nhưng vấn đề của chúng tôi không giống họ, bởi chúng tôi không theo mô hình kinh tế như của Les Restos du Cœur. Các ngân hàng thực phẩm mua rất ít thực phẩm hoặc sản phẩm vệ sinh. Mô hình của chúng tôi dựa vào các hoạt động quyên tặng hiện vật. Chính các nhà phân phối lớn, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến hoặc các nhà sản xuất nông nghiệp quyên tặng sản phẩm cho chúng tôi, ngoài ra cũng có phần đóng góp của cá nhân trong các đợt quyên tặng ».

 

Nhu cầu tăng chóng mặt

 

Trung bình hàng năm, Các ngân hàng thực phẩm quyên góp được 132.000 tấn thực phẩm, tương ứng với hơn 2 triệu bữa ăn. Tuy nhiên, theo giám đốc của Les Banques alimentaires, số người cần được hiệp hội này cứu trợ thực phẩm đã tăng mạnh. Điều gây ngạc nhiên cho giám đốc Laurence Champier là nay kể cả nhiều người có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định hàng tháng, cũng phải cầu viện Les Banques alimentaires :

 

« Có 2 yếu tố : Chúng tôi thấy có sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực. Theo số liệu của Các ngân hàng thực phẩm, thì kể từ năm 2008, tình trạng này liên tục xấu đi. Hồi năm 2008, có 780.000 người phải nhờ đến sự hỗ trợ của chúng tôi. Hiện giờ, con số này là 2 triệu người. Như vậy, có thể thấy là có sự gia tăng rất mạnh. Quả thực là có nhiều cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau, sau Covid-19 là chiến tranh Ukraina, rồi đến lạm phát, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình. Lạm phát khiến những người trước đây không trong tình cảnh mất an ninh lương thực hoặc những người vừa đủ chi tiêu nay rơi vào tình huống bấp bênh (…).

 

Lạm phát không phải là lý do dẫn đến mọi chuyện, nhưng tôi nghĩ rằng đó là yếu tố khiến tình hình thêm nghiêm trọng, đè nặng lên ngân sách của chúng tôi. Đối với Các ngân hàng thực phẩm, chúng tôi đã kiểm lại tình hình năm ngoái, có tính đến giá năng lượng tăng, và thấy là chi phí của chúng tôi đã tăng thêm 1,6 triệu euro. Làm sao chúng tôi gánh vác được khoản tăng này ? Phải tìm thêm nguồn tài chính ở đâu để có thể đối phó với các chi phí đã bị đẩy lên cao ?

 

(…) Khủng hoảng Covid-19 là yếu tố đầu tiên. Chúng tôi có thêm nhiều nhóm đối tượng mới đến xin viện trợ lương thực. Trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19, chúng tôi đã nhiều lần nói đến giới sinh viên. Ngoài ra, phải kể đến những người đã nghỉ hưu. 17% những người được hưởng trợ cấp lượng thực của chúng tôi là người đã nghỉ hưu. Chúng tôi biết rất rõ rằng họ là nhóm đối tượng người mà chúng tôi cần hỗ trợ đến hết cuộc đời. Cũng có nhiều người tự kinh doanh, nhiều phụ nữ và các gia đình không còn người thân thích, nhưng cũng có cả những người có hợp đồng lao động dài hạn. Đó là điều làm tôi vô cùng bất ngờ. Vậy đấy, có những người có việc làm, có nhà ở, có hợp đồng lao động dài hạn nhưng vẫn cần đến Các ngân hàng thực phẩm ».

 

Số người cần được cứu trợ thực phẩm gia tăng mạnh trong thời gian qua là một thực tế không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh hiện nay,trong cả nước có 9,2 triệu người nghèo (15% dân số Pháp), theo số liệu của Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE.

 

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro ngày 09/09/2023, ông Patrice Douret, chủ tịch hiệp hội Các quán ăn tình thương, cho biết trong năm 2023, hiệp hội đã phục vụ 170 triệu bữa ăn, so với con số 142 triệu hồi năm ngoái. Vào năm 2022, số người được cứu trợ là 1,1 triệu người, năm nay số này là 1,3 triệu. Chỉ sau vài tháng, số người cầu viện thực phẩm đã tăng gần 25%, mức tăng nhanh chưa từng có. Cứ với đà tăng này, có lẽ chả lâu nữa nhu cầu sẽ lên thành 200 triệu, 250 triệu bữa ăn tình thương/năm. 38% số người cầu viện sự giúp đỡ của hiệp hội này chẳng còn đồng nào trong túi sau khi đã thanh toán tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước, chất đốt. 50% số người được Les Restos du Cœur phục vụ bữa ăn là người dưới 25 tuổi.

 

Trong khi đó, trang mạng đài France Bleu hôm 05/09 trích dẫn bà Nathalie Smirnov, giám đốc điều hành Hồng Thập Tự, chi nhánh Pháp, theo đó số người cần được hiệp hội cứu trợ trong quý 1/2023 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi con số của năm 2022 đã tăng 22% so với năm trước đó. Số người cần được cứu trợ tăng không ngừng, trong khi chi phí về năng lượng của hiệp hội cũng tăng chóng mặt, phát sinh 45 triệu euro trong năm nay khiến hiệp hội thiếu hụt 25 triệu euro, chỉ riêng để thanh toán hóa đơn năng lượng.

 

Tương tự, cũng theo France Bleu, Le Secours Populaire cũng đang lâm cảnh « thiếu phương tiện » bởi nhu cầu được cứu trợ tại các địa phương đều tăng 20-40%.

 

Chính phủ và doanh nghiệp chung tay góp sức

 

Ít giờ sau phát biểu đáng chú ý của chủ tịch hiệp hội Các quán ăn tình thương hôm 03/09/2023, chính phủ Pháp đã có hành động. Bộ trưởng bộ Tương Tế - Đoàn Kết, Aurore Bergé, cũng trên đài TF1 thông báo trong những ngày tiếp theo đó sẽ giải ngân 15 triệu euro để tài trợ thêm cho hiệp hội. Chính phủ cũng hứa cung cấp 6 triệu euro cho các hiệp hội giúp đỡ trẻ em, đồng thời kêu gọi công ty lớn đóng góp.

 

Cộng đồng, nhất là giới doanh nghiệp đã có hành động hồi đáp. Đặc biệt, gia đình tỉ phú Bernard Arnault, chủ tịch - tổng giám đốc của LVMH, tập đoàn hàng đầu thế giới về hàng xa xỉ, cao cấp, thông báo tài trợ 10 triệu euro cho Les Restos du Cœur. Ngân hàng Crédit Mutuel đóng góp 12,5 triệu euro cho hai hiệp hội Hồng Thập Tự (7,5 triệu euro) và Các Ngân hàng thực phẩm (5 triệu euro). Các hệ thống phân phối hàng lớn tại Pháp như siêu thị Auchan, Carrefour, Leclerc, Lidt cũng tích cưc « chung tay góp sức »

 

Trên đài RFI Pháp ngữ, bà Laurence Champier, giám đốc Liên đoàn các Ngân hàng thực phẩm, cũng hy vọng sẽ được Nhà nước tài trợ thêm, cũng như huy động được thêm những đóng góp từ cộng đồng :

 

« Chúng tôi rất trông chờ vào điều đó. Có một quỹ do thủ tướng lập ra và được công bố hồi tháng 11 năm ngoái. Đó là quỹ có tên gọi « Mieux manger pour tous » (kế hoạch cứu trợ lương thực cho những người có hoàn cảnh bấp bênh), sẽ được triển khai trong những tuần sắp tới. Chúng tôi mong đợi rất nhiều từ quỹ này vì sẽ có 60 triệu euro dành cho các hiệp hội cứu trợ lương thực. Nhưng thế cũng sẽ không thể đủ cứu trợ và đó là lý do tại sao chúng tôi cũng đang kêu gọi cộng đồng quyên tặng tiền, hỗ trợ cho hoạt động của Các ngân hàng thực phẩm và các hiệp hội thiện nguyện. »

 

Lòng hảo tâm của các cá nhân khi phải « thắt lưng buộc bụng »

 

Riêng về sự đóng góp của các cá nhân, bối cảnh kinh tế khó khăn khiến người dân Pháp, dù hàng năm rất hảo tâm đóng góp cho các tổ chức thiện nguyện, nay « lực bất tòng tâm », dù muốn cũng không thể hào phóng như trước. Về điều này, bà Laurence Champier, giám đốc Liên đoàn các Ngân hàng thực phẩm cho biết thêm trên đài RFI Pháp ngữ :

 

« Quý vị thấy đấy, thực phẩm vốn chiếm vị trí quan trọng thứ hai trong các khoản chi tiêu của các hộ gia đình, nhưng nay đã thành khoản chi tiêu cần điều chỉnh. Quả thực, người ta sẽ mua ít thực phẩm hơn, mua những sản phẩm rẻ tiền hơn, mọi người sẽ phải kìm chế nhu cầu của bản thân. Chúng tôi thấy đang có những thay đổi trong cách mua sắm, chẳng hạn như kể từ một ngày nhất định nào đó trong tháng trở đi, nhiều người sẽ không mua các sản phẩm vệ sinh nữa, vì như thế là quá tốn kém, hoặc họ sẽ ngừng không mua các mặt hàng không phải là thực phẩm. Quả thực là điều đó cũng ảnh hưởng đến khả năng mọi người có thể quyên góp cho Các ngân hàng thực phẩm.

 

Trước tiên có sự thay đổi trong hành vi, nhiều người nói với chúng tôi rằng trước đây họ có thể tặng thực phẩm cho chúng tôi nhưng giờ thì họ không thể. Hoặc trước đây họ đóng góp cho chúng tôi 3 gói mì ống hoặc 3 hộp thức ăn chế biến sẵn, nhưng nay họ chỉ có thể quyên góp 1 thôi. Họ xin lỗi là chỉ có thể góp như vậy. Đó là sự thay đổi đầu tiên trong hành vi. Chúng tôi cũng thấy rằng có ít người đến cửa hàng mua sắm hơn. Về mặt toán học, khi có ít người đến cửa hàng hơn, thì lượng người mua hàng cũng ít hơn, lượng thực phẩm quyên tặng cũng giảm đi ».

 

France Générosité, nghiệp đoàn của các hiệp hội tổ chức từ thiện, đang đề nghị Nhà nước có biện pháp giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc để các tổ chức thiện nguyện có nguồn lực tốt hơn, đồng thời phát triển các hình thức quyên tặng mới, như qua tin nhắn SMS, chuyển đổi ngày nghỉ RTT hay ngày nghỉ phép năm …

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats