Wednesday, 4 October 2023

NIPAH : VIRUS KHIẾN CỘNG ĐỒNG KHOA HỌC LO LẮNG (Phan Minh / RFI)

 



Nipah : Virus khiến cộng đồng khoa học lo lắng

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 04/10/2023 - 11:18

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20231004-nipah-virus-khi%E1%BA%BFn-c%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BB%93ng-khoa-h%E1%BB%8Dc-lo-l%E1%BA%AFng

 

Ấn Độ đang phải đối mặt với dịch bệnh Nipah, có tỷ lệ tử vong lên tới 40-70%, với nhiều triệu chứng khác nhau, trong đó có viêm não. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học trên thế giới đang theo dõi sát sao tình hình. Đó là nội dung bài viết đăng hôm 28/09/2023 trên tuần báo Pháp L’Express. RFI xin giới thiệu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/2d2b5e92-561b-11ee-b603-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP21250417504394.webp

Các nhân viên y tế thu thập mẫu máu, sau khi một cậu bé 12 tuổi chết vì virus Nipah ở Kozhikode, bang Kerala, Ấn Độ, ngày 07/09/2021. AP - Shijith. K

 

Chuẩn bị bước sang mùa đông, các nhà chức trách châu Âu đang theo dõi sát sao các dấu hiệu về việc dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát trở lại, đi kèm với mối lo lại phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc các biện pháp khác gợi nhớ một thời kỳ mà mọi người tưởng đã thuộc về quá khứ. Thế nhưng cách đó vài nghìn km, ở Ấn Độ, mối đe dọa đó đã trở thành hiện thực : y tá đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ, bộ Y Tế đề cập đến những bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cao, trường học đóng cửa, nhiều khu vực bị phong tỏa... Trong vài tuần qua, Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới phải sống chung với một loại virus mà công chúng hầu như không biết đến. Tên của nó là Nipah (tên một ngôi làng ở Malaysia, nơi lần đầu tiên virus này được phát hiện và có ca tử vong đầu tiên). Hiện tại, những số liệu của Nipah không đáng sợ. Đã có sáu trường hợp được xác định, trong đó hai trường hợp đã tử vong, ở Kerala, một bang ở miền nam Ấn Độ. Nhưng loại virus lây truyền từ động vật sang người này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi hết sức sát sao. Gần 300 nhà khoa học thậm chí gần đây đã xếp Nipah vào danh sách các mầm bệnh đáng được ưu tiên nghiên cứu do khả năng gây dịch bệnh cao...

 

Nhà virus học Hervé Fleury, giáo sư danh dự tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) và đại học Bordeaux nhận định : “Điều khiến Nipah đặc biệt nguy hiểm là tỷ lệ tử vong, có thể lên tới khoảng 70%, do hiện tại không có phương pháp điều trị hoặc vac-xin nào, và các triệu chứng của bệnh này bao gồm từ sốt cao đến viêm não đe dọa tính mạng.” Một yếu tố đáng lo ngại khác : loại virus có nguồn gốc từ động vật này có khả năng lây truyền từ người sang người. Tất cả những đặc điểm này làm cho nó trở thành một mối đe dọa thực sự về y tế. Tuy nhiên, mọi người có cần lo lắng về một đại dịch bùng nổ trong tương lai do virus Nipah gây ra không ?

 

Để trả lời câu hỏi này, cần phải tìm hiểu về quá khứ của nó. Đợt bùng phát virus Nipah đầu tiên ở người được ghi nhận chính thức vào năm 1998 khi nó lây lan giữa những người chăn nuôi lợn ở Malaysia. Các nhà khoa học nhanh chóng phát hiện rằng mầm bệnh thường lây truyền sang người thông qua động vật hoặc thực phẩm bị ô nhiễm, nhưng nó cũng có thể lây truyền trực tiếp giữa người với người.

 

Nguồn gốc của Nipah nằm trong quần thể dơi ăn quả thuộc chi Pteropus, sống chủ yếu ở châu Á và Madagascar và là nơi ẩn náu tự nhiên của loại virus này thuộc họ Henipavirus - cũng bao gồm cả Hendra (được phát hiện ở Úc) và Langya (được tìm thấy ở Trung Quốc). Đợt dịch Nipah đầu tiên đã giết chết hơn 100 người ở Malaysia (trong 300 trường hợp lây nhiễm) và dẫn đến việc tiêu hủy 1 triệu con lợn nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Sau đó, nó lan sang Singapore với 11 trường hợp, trong đó có một trường hợp tử vong, là công nhân lò mổ tiếp xúc với lợn nhập khẩu từ Malaysia.

 

Kể từ đó, căn bệnh này được ghi nhận chủ yếu ở Bangladesh và Ấn Độ, cả hai nước đều hứng chịu đợt bùng phát đầu tiên vào năm 2001. Bangladesh bị ảnh hưởng rất nặng nề trong những năm gần đây, với hơn 100 người chết vì Nipah kể từ năm 2001. Nhưng bang Kerala tại Ấn Độ hiện đang trải qua đợt dịch thứ tư trong vòng 5 năm, loại virus này đã giết chết 17 người trong đợt bùng phát vào năm 2018, khiến các cơ quan y tế thế giới hết sức lo ngại.

 

Ở những khu vực này, một tập tục truyền thống đã khiến dịch bệnh bùng phát : thu hoạch nhựa (mủ) cây cọ. Những người nông dân khoan lỗ trên thân cây cọ và đặt những chậu đất nung lớn bên dưới để hứng. Ban đêm, lũ dơi đến uống. Bị đẩy ra khỏi môi trường sống tự nhiên do nạn phá rừng, những loài động vật này ngày càng tiến gần hơn đến con người để kiếm ăn. Buổi sáng, một người có thể đến uống nước cọ mà không biết rằng nó đã bị ô nhiễm bởi những con dơi, có thể đã tiểu vào chậu. Và đây là người nhiễm bệnh đầu tiên. Một khi bị nhiễm, người này sẽ lây nhiễm cho người thân và đội ngũ y tế, và như vậy, một chuỗi lây truyền được tạo ra.

 

Mối lo về một đại dịch trong tương lai ?

 

Mặc dù vậy, vẫn có một điều tích cực về con virus này : Nipah không truyền từ người sang người một cách dễ dàng. Julien Cappelle, nhà sinh thái y tế tại Trung tâm hợp tác quốc tế nghiên cứu phát triển nông nghiệp (CIRAD), nhấn mạnh : “Covid có thể lây truyền mà không có triệu chứng và không cần tiếp xúc gần gũi, còn Nipah dường như cần có sự tiếp xúc gần gũi để lây truyền.” Do vậy, chuỗi lây truyền của Nipah không lan rộng và số lượng bệnh nhân rất hạn chế. Việc dơi mang virus Nipah, ăn quả, chỉ sống ở châu Á và Madagascar cũng hạn chế nguy cơ xảy ra dịch bệnh toàn cầu. Tuy nhiên, càng có nhiều sự lây truyền sang người, thì nguy cơ virus thích nghi tốt hơn với loài người càng lớn. Nhà nghiên cứu Cappelle nói tiếp : “Một trong những mối lo là Nipah thích nghi và biến đổi, đặc biệt với việc lây truyền qua bụi khí (thể lỏng hoặc rắn - aerosol), như Sars-CoV-2. Việc này sẽ mất nhiều năm, nhưng không phải là không thể.”

 

Tuy nhiên, nếu một biến thể của virus Nipah tiến hóa và lây lan mạnh hơn, liệu nó có gây chết người như hiện nay không ? “Chúng ta hãy nhìn vào Ebola, căn bệnh có chung một số đặc điểm dịch tễ học với Nipah (tỷ lệ tử vong cao, chuỗi lây truyền diện hẹp...). Trong trận đại dịch ở Tây Phi năm 2013-2014, căn bệnh này đã “thay đổi diện mạo” với 28.000 ca mắc bệnh trong đó có 11.000 trường hợp tử vong, điều chưa từng xảy ra trước đó. Đã có một biến thể khiến loại virus này lây truyền mạnh hơn, nhưng đồng thời, tỷ lệ tử vong thấp hơn. Điều này có thể xảy ra với Nipah, nhưng rất khó để có thể hình dung về một biến thể của loại virus này khi chúng ta vẫn chưa biết nhiều về nó”, Julien Cappelle nhận định.

 

Đối với nhà virus học Hervé Fleury, nguy cơ xảy ra đại dịch do Nipah gây ra hiện gần như là không, nếu không có sự kiện bất thường nào và do đó, rất khó dự đoán : “Các loại virus khiến thế giới khốn đốn chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, và Nipah không thuộc diện này. Tuy nhiên, có nguy cơ sẽ ngày càng có nhiều dịch bệnh cục bộ trong tương lai, với nhiều ca tử vong. Và nếu nó biến đổi và lây lan mạnh hơn, thì đó có thể là một thảm họa.”

 

Trước nguy cơ tiềm ẩn của virus Nipah, chúng ta có thể ứng phó cục bộ như thế nào ? Mặc dù ý tưởng về việc xua đuổi các đàn dơi ăn quả gần những nơi có con người sinh sống có vẻ “lọt tai”, song Julien Cappelle cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ quyết định vội vàng nào : “Những loài động vật này đóng vai trò quan trọng như loài thụ phấn, đặc biệt là cho cây trồng. Và ở nhiều nơi, dơi chung sống với con người mà không gây ảnh hưởng gì. Chẳng hạn, chúng tôi chưa thấy người bị nhiễm Nipah ở Cam Bốt, bởi phương pháp thu thập nước cọ ở đây cũng khác. Họ không thu hoạch nhựa cọ mà lấy mật hoa : hoa được nén ép trong các khúc tre hoặc những hộp nhựa nhỏ và loài dơi khó có thể tiếp cận.” Do đó, người chỉ có thể nhiễm virus khi đã tồn tại con đường lây truyền virus từ dơi sang người, được thúc đẩy bởi một số tập tục nhất định cần được điều chỉnh.

 

Tình trạng lây truyền từ động vật sang người gia tăng ?

 

Các bệnh lây truyền từ động vật sang người đã tăng mạnh trong 20 năm qua không phải do loài dơi vốn dĩ đã mang trong mình một số lượng virus không thể đếm được kể từ khi thế giới tồn tại. Với việc sử dụng ngày càng nhiều diện tích trên hành tinh, con người thúc đẩy việc phá vỡ hệ sinh thái và làm tăng khả năng xảy ra các đột biến virus truyền sang người. Công nghiệp hóa hoạt động nông nghiệp làm tăng nguy cơ mầm bệnh lây lan giữa các loài động vật trong khi nạn phá rừng làm tăng sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi với con người.

 

Việc tiếp xúc trà trộn giữa các loài làm tăng khả năng lây truyền virus và thúc đẩy sự xuất hiện của các bệnh mới. Tạp chí khoa học Nature cảnh báo trong một nghiên cứu công bố năm 2022 rằng biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhiều loài động vật chạy trốn khỏi hệ sinh thái của chúng để đến những vùng đất dễ sống hơn. Theo ước tính được công bố trên tạp chí Science năm 2018, có 1,7 triệu loại virus chưa được biết đến ở động vật có vú và chim, trong số đó có từ 540.000 đến 850.000 được cho là có khả năng lây nhiễm sang người.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats