Thursday, 26 October 2023

HOA KỲ và ISRAEL TRỞ THÀNH ĐỒNG MINH THÂN THIẾT NHƯ THẾ NÀO? (Võ Văn Quản / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Hoa Kỳ và Israel trở thành đồng minh thân thiết như thế nào?

Võ Văn Quản  -  Luật Khoa Tạp Chí

October 25 2023 5:47 PM

https://www.luatkhoa.com/2023/10/hoa-ky-va-israel-tro-thanh-dong-minh-than-thiet-nhu-the-nao/

 

Kết nối “cứng” và kết nối “mềm”.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/10/us_israel_flags_capitol001-e1517246564639.webp

Nguồn ảnh: The Brookings Institution.

 

Trong những ngày qua, xung đột Israel - Hamas (tổ chức chính trị và quân sự đang kiểm soát Dải Gaza) tiếp tục cho thấy vai trò quốc tế khổng lồ của Hoa Kỳ, dù nhìn dưới góc nhìn tiêu cực hay tích cực.

 

Việc điều chuyển hai nhóm tàu sân bay tác chiến vào các khu vực biển quan trọng lân cận, nỗ lực đàm phán của Ngoại trưởng Blinken lẫn Tổng thống Biden trong vòng một thời gian ngắn với tất cả các tác nhân có tiếng nói trong khu vực, đã giúp giữ bình ổn và hạn chế leo thang xung đột, cho thấy vai trò cường quốc của Hoa Kỳ mà cho đến nay ít ai có thể thay thế. [1] [2]

 

Hiển nhiên, không ít quan điểm chỉ ra sự thiên vị cũng như tham vọng ủng hộ phe chủ chiến Israel của Hoa Kỳ. Trong bài viết này, tác giả hy vọng có thể cung cấp cho các độc giả một lược sử ngắn gọn, dễ hiểu về mối liên hệ giữa hai quốc gia này. 

 

 

Kết nối “mềm” và kết nối “cứng”

 

Để nói về mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel, chúng ta trước tiên phải nói về những điểm kết nối “mềm” và “cứng” giữa hai quốc gia mà cho đến nay vẫn tiếp tục là một phần lý do cho mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa họ. [3]

 

Nói về các kết nối cứng, chúng ta có thể nghĩ ngay đến những lợi ích liên quan đến quân sự, chính trị, và kinh tế. 

 

Trong thực tế, các khoản viện trợ kinh tế lẫn quân sự; chương trình hợp tác song phương để phát triển các loại vũ khí tối tân; hệ thống chia sẻ thông tin tình báo; nhiều thỏa thuận hợp tác kiềm chế các thế lực địa phương lẫn quốc tế tại Trung Đông; hay các vấn đề liên quan đến thương thuyết, thỏa thuận hòa bình với thế giới Ả Rập; v.v. đều có thể được xem là những kết nối “cứng” khiến cho hai quốc gia trở thành những đồng minh thân thiết không thể thay thế. 

 

Ví dụ, Hoa Kỳ là tác nhân hỗ trợ tài chính cho một số chương trình quốc phòng quan trọng nhất của Israel như dự án xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava và dự án máy bay chiến đấu IAI Lavi. [4] [5] Ngược lại, Israel cũng là bên thu mua nồng nhiệt, đầu tiên của rất nhiều dự án quốc phòng tốn kém của Hoa Kỳ như chương trình chiến đấu cơ F-35 Lightning.

 

Ngoài ra, chắc chắn chúng ta không thể bỏ qua lịch sử viện trợ dài hơi của Hoa Kỳ dành cho Israel. Tính từ giai đoạn lập quốc của Israel vào năm 1948 cho đến nay, Hoa Kỳ được cho là đã chi tổng cộng gần 150 tỷ Mỹ kim. Đây không phải là một con số quá lớn, nhưng cân nhắc tính hiệu quả của Israel trong khu vực, vẫn còn rất nhiều chính trị gia và người Mỹ nói chung cho rằng đây vẫn là một khoản đầu tư quá hời. 

 

Hiện nay, mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ khoản 3,8 tỷ Mỹ kim cho Israel. [6]

 

Tuy nhiên, những con số này không chắc chắn tạo nên một mối quan hệ ổn định, bền vững và êm ả trong suốt lịch sử. Đã có rất nhiều xung đột, tranh cãi và bất đồng giữa hai quốc gia, đặc biệt trong vấn đề mở rộng các khu tái định cư Do Thái ở Bờ Tây lẫn Dải Gaza.

 

Trong những thời khắc này, khả năng kết nối “mềm” giữa hai quốc gia giúp cho mối quan hệ giữa hai bên luôn ổn định, trong khi những khó khăn vướng mắc đều có thể hòa giải, gỡ bỏ. 

Nhóm kết nối “mềm” trải dài từ nguồn gốc Do Thái - Kitô giáo tương đồng của cả hai xã hội; quá trình xây dựng quốc gia thông qua làn sóng nhập cư; tinh thần tiên phong của các nhóm tổ phụ của hai quốc gia; sự ủng hộ đáng kể của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái, người theo đạo Tin Lành lẫn Công giáo dành cho Israel; v.v.

 

Ngoài ra, chắc chắn cũng cần phải kể đến các giá trị chung giữa cả hai nhà nước về mô hình dân chủ, tự do - cấp tiến, v.v. 

 

 

Quan hệ ngoại giao qua từng giai đoạn

 

Hoa Kỳ trước Đệ nhị Thế chiến thường đi theo xu hướng cô lập trong quan hệ quốc tế (international isolationism). Vì vậy, yêu cầu lập quốc và những thảo luận liên quan của các nhóm Do Thái trước giai đoạn này thường được ghi nhận với chính phủ của Vương quốc Anh. [7]

 

Dưới thời của Tổng thống Harry Truman (1945 - 1953)

 

Kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến Trung Đông và khả năng hình thành của một nhà nước Do Thái tại khu vực ủy trị Palestine trở nên cao hơn bao giờ hết. 

 

Đặc biệt, ngay sau Nghị quyết Phân giới Palestine năm 1947 của Liên Hiệp Quốc công bố, và vào năm 1948 khi chính quyền lâm thời Israel tuyên bố thành lập nhà nước, chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Harry Truman đưa ra công nhận thực tế (de facto recognition) gần như ngay lập tức. [8]

 

Hiển nhiên, cũng cần ghi nhớ rằng đây không phải là quyết định độc nhất, đơn phương của một siêu cường trên thế giới. Cùng với Hoa Kỳ, Xô Viết cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nhà nước Israel. [9]

 

Đây có thể được xem là sự cạnh tranh tầm ảnh hưởng của hai cường quốc đối với quốc gia nhỏ bé mới thành lập ngay giữa Trung Đông, và cũng tạo ra nhiều tình huống lịch sử bất ngờ đến dở khóc dở cười khi chúng ta nhìn lại từ góc nhìn ngày nay.

 

Trong đó, có thể kể đến tình huống của Hoa Kỳ buộc phải đặt lệnh cấm vận vũ khí đến Trung Đông (bao gồm cả Israel) khi thế giới Ả Rập có một phản ứng tương đối bạo lực với tin tức nhà nước Israel thành lập. Thay vào đó, Israel chủ yếu nhận khí tài từ Xô Viết và Tiệp Khắc.

 

Dưới thời của Tổng thống Dwight Eisenhower (1953 – 1961)

 

Mối quan hệ của Hoa Kỳ và Israel từ năm 1949 đến năm 1956 không quá mặn nồng, cũng không có nhiều xung đột. 

 

Tuy nhiên, sự ổn định này gặp phải phép thử lớn nhất trong khủng hoảng kênh đào Suez-Sinai khi lực lượng phối hợp của Israel, Vương quốc Anh, và Pháp chiếm cứ kênh đào này mà không có bất kỳ thông báo gì cho chính quyền Tổng thống Dwight Eisenhower. [10]

 

Hoa Kỳ quá bất ngờ trước sự kiện này, và vì nước này cũng là một đồng minh của Ai Cập, Tổng thống Eisenhower vô cùng tức giận và yêu cầu Thủ tướng Israel David Ben-Gurion phải rút quân không điều kiện. Nếu không, các khoản tiền đóng góp cho Israel từ người Mỹ gốc Do Thái sẽ không còn được ghi nhận là các khoản được miễn trừ thuế. Cân nhắc số tiền kiều hối khổng lồ mà người Do Thái tại Mỹ gửi cho Israel hằng năm, Ben-Gurion buộc phải nhượng bộ.

 

Như vậy, với sức ép của Hoa Kỳ, khủng hoảng Suez kết thúc và Hoa Kỳ cam kết sẽ bảo đảm quyền tự do hàng hải từ Biển Đỏ đến Eilat. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Israel vì vậy cũng không có quá nhiều bước tiến nồng hậu nào. 

 

Dưới thời của Tổng thống John Kennedy (1961 - 1963) và Lyndon Johnson (1963 - 1969)

 

Thời gian nắm quyền của hai tổng thống Kennedy và Johnson có thể nói là giai đoạn biến đổi quan trọng của mối quan hệ Hoa Kỳ và Israel. 

 

Đầu tiên, Kenney là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên nói về mối quan hệ đặc biệt (special relation) giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là diễn ngôn cho đến khi Israel chiến thắng cuộc chiến sáu ngày.

 

Cho đến năm 1968, toàn bộ báo chí, nguồn lực lẫn tâm trí của người dân và chính quyền Hoa Kỳ đều dồn vào Việt Nam và cuộc chiến tưởng chừng như không có hồi kết tại đây. Chiến thắng chóng vánh và gây chấn động thế giới của Israel khiến Hoa Kỳ ấn tượng và dần tìm con đường trở lại Trung Đông thông qua sự áp đảo của quân đội Israel ở đây. [11]

 

Kể từ sau năm 1969

 

Từ sau năm 1969, Hoa Kỳ dần đẩy mạnh các chương trình tài trợ, viện trợ, và giúp đỡ Israel. Đầu tiên là việc cho phép các ngân hàng Hoa Kỳ cho Israel vay phát triển kinh tế, rồi sau đó là vay phát triển vũ khí. Tiếp tục là các chương trình cho vay lãi suất thấp, rồi viện trợ, và cung cấp vũ khí nói chung.

 

Tuy nhiên, sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Israel cũng có nhiều khía cạnh và nhiều sắc thái. 

 

Trong đó, các khoản viện trợ vũ khí hay tài trợ kinh tế được xem chỉ là hỗ trợ cho sự tồn tại và phòng thủ của Israel giữa một rừng các quốc gia thù địch. Cùng lúc, Hoa Kỳ vẫn rất tích cực tham gia vào các nỗ lực kết nối và đàm phán hòa bình giữa Israel, người Palestine, cũng như các quốc gia Ả Rập khác. 

 

Trong năm 1977, Tổng thống Jimmy Carter là người kết nối và làm trung gian cho sự thành hình của Hiệp định Trại David giữa Israel và Ai Cập, từ đó mở đường cho việc Israel rút khỏi Sinai để đổi lại việc Ai Cập công nhận Israel và bình thường hóa đường biên giới cũng như các hoạt động ngoại thương, du lịch khác. 

 

Đến năm 1993, Tổng thống Bill Clinton là người kết nối và hỗ trợ các cuộc thảo luận bí mật giữa Thủ tướng Yitzhak Rabin của Israel và lãnh đạo Yasser Arafat của Tổ chức Giải phóng Palestine, và từ đó là lễ ký kết thỏa thuận hòa bình ấn tượng tại Nhà Trắng giữa hai thực thể. Đến năm 1994, Clinton giúp việc ký kết hiệp định hòa bình giữa Jordan và Israel trở thành hiện thực. 

 

Trong năm 2000, ông Bill Clinton tiếp tục nỗ lực nối lại các đối thoại hòa bình bằng việc mời cả ông Ehud Barak và ông Yasser Arafat đến Trại David lần nữa để tiến hành đàm phán và thuyết phục phía Israel đưa ra nhiều nhượng bộ sâu rộng. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không thành công vì Arafat từ chối hợp tác. 

 

                                                         *** 

 

Cho đến hiện nay, mối quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Israel có thể nói là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, điều này không nên được hiểu rằng Hoa Kỳ là hậu phương vĩnh viễn hay sẽ luôn ủng hộ những gì Israel đã và đang làm. 

 

Sau các cuộc tấn công của Hamas khiến cho hàng ngàn người ở Israel thiệt mạng, Hoa Kỳ có thể nói là quốc gia duy nhất có tiếng nói đủ trọng lượng với Israel cùng kỳ vọng đề nghị mở hành lang nhân đạo, tiếp tục cung ứng nhu yếu phẩm cho Dải Gaza, hay kiềm chế trong việc đáp trả các công kích từ các nhóm khủng bố như Hezbollah. [12] [13]

 

Sẽ thật sai lầm nếu cho rằng mối quan hệ Hoa Kỳ - Israel tại Trung Đông là một mối quan hệ ngoại giao mang tính chất đế quốc áp đặt thuần túy. Có thể khẳng định luôn có nhiều khác biệt giữa hai quốc gia, và Hoa Kỳ cũng có nhiều đóng góp trong những kiến thiết hòa bình trong khu vực. 

 

Bản thân những xung đột tại Trung Đông là một bài toán khó mà có hay không có Hoa Kỳ tại đây, chúng vẫn sẽ diễn ra. Tiếp cận mối quan hệ Hoa Kỳ - Israel một cách khách quan sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đầy đủ về những điều đang diễn ra và đường hướng lịch sử của chúng.

 

-----------

Chú thích

 

1. CNN. (2023, October 15). US sending second carrier strike group, fighter jets to region as Israel prepares to expand Gaza operations. https://edition.cnn.com/2023/10/14/middleeast/us-aircraft-carrier-eisenhower-israel-gaza-intl-hnk-ml/index.html

 

2. Crawford, S. K., Gittleson, B., Gomez, J., & Hutzler, A. (2023, October 17). President Biden to visit Israel on Wednesday: Sec. Blinken. ABC News. https://abcnews.go.com/International/president-biden-visit-israel-wednesday-sec-blinken/story?id=104027428

 

3. Gilboa, E. (2023). US-Israel relations at 75. Israel Affairs, 29(3), 473–491. https://doi.org/10.1080/13537121.2023.2206210 .

 

4. Opall-Rome, B. (2022, August 19). Israel signs heavy APC deal with GDLS. Defense News. https://www.defensenews.com/land/2015/05/05/israel-signs-heavy-apc-deal-with-gdls/

 

5. Babcock, C. R. (1986, August 6). How U.S. came to underwrite Israel’s LAVI fighter project. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/archive/politics/1986/08/06/how-us-came-to-underwrite-israels-lavi-fighter-project/ec6a0eeb-66ae-4593-9b16-58d7d560c831/

 

6. Narea, N. (2023, October 13). US-Israel support: How the US became Israel’s closest ally. Vox. https://www.vox.com/world-politics/23916266/us-israel-support-ally-gaza-war-aid

 

7. Bạn đọc có thể tham khảo lại một bài viết chi tiết khác của Luật Khoa về lịch sử của Palestine - Israel. 

 

8. Review: Truman and Israel: The Politics of Mythology on JSTOR. (n.d.). https://www.jstor.org/stable/24912279

 

9. Staff, C. (2021, September 21). Soviet Union recognizes Israel. CIE. https://israeled.org/soviet-union-recognizes-israel/

 

10. Herzog, C. The Arab-Israeli Wars: War and Peace in the Middle East. New York: Vintage, 2005. 

 

11. Narea (n 6).

 

12. Szuba, J. (2023, October 18). Biden to visit Israel as US pushes humanitarian corridor for Gaza. Al-Monitor: Independent, Trusted Coverage of the Middle East. https://www.al-monitor.com/originals/2023/10/biden-visit-israel-us-pushes-humanitarian-corridor-gaza

 

13. Schwartz, M. (2023, October 23). Water in Southern Gaza remains “limited” despite US urging Israel to end the shutoff. Business Insider. https://www.businessinsider.com/water-gaza-blinken-jake-sullivan-israel-netanyahu-hamas-war-siege-2023-10

 

===============================================

 

 

Biên niên sử bỏ túi về xung đột Israel – Palestine: Từ góc nhìn công pháp quốc tế

Cuộc tranh chấp điển hình nhất, dai dẳng nhất về chủ quyền lãnh thổ.

Luật Khoa tạp chí                               Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

 

Israel và các vấn đề của luật hiến pháp hiện đại - Kỳ 1: Điều gì đang xảy ra ở Israel?

Mở ra cuộc tranh luận điển hình trong luật hiến pháp.

Luật Khoa tạp chí                            Lê Nguyễn Duy Hậu






No comments:

Post a Comment

View My Stats