Thursday, 5 October 2023

GIỘT TỪ TRÊN NÓC, HỨNG BAO NHIÊU CHO ĐỦ?! (VietTuSaiGon)

 



Giột từ trên nóc, hứng bao nhiêu cho đủ?!

VietTuSaiGon  

Thứ Tư, 10/04/2023 - 23:26 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/7788

 

Đó là câu chuyện giáo dục Việt Nam hiện nay, mọi biến cố học đường xảy ra, từ việc ông hiệu trưởng môi giới cho nữ sinh bán dâm, chuyện ông hiệu trưởng gạ gẫm nam sinh vào phòng riêng để cưỡng hiếp, chuyện tham nhũng, lạm thu, ếm bài để dạy thêm, dạy kèm, bạo lực học đường, Hiệu trưởng nhảy múa cùng giang hồ mạng trước mặt học sinh trong buổi lễ... cho đến gần đây là chuyện một học sinh đã quì trước cửa lớp để van xin giáo viên chủ nhiệm tha thứ chỉ vì nữ sinh này đã đi mua bánh sinh nhật không đúng chỗ giáo viên chủ nhiệm chỉ định. Và hình ảnh giáo viên chủ nhiệm lôi học trò của mình sềnh sệch trên nền nhà là một ám ảnh giáo dục, không những thế, nó là ám ảnh lịch sử.

 

Khi tôi nói rằng hình ảnh này là một ám ảnh lịch sử, bởi lẽ, lịch sử, dù như thế nào chăng nữa thì nó hàm chứa giáo dục và thời đại nhiều nhất, sau đó mới đến chuyện văn hóa, kinh tế, chính trị. Và mọi xung năng lịch sử đều phản ánh qua giáo dục, một chương lịch sử đẹp tuyệt nhiên không có một nền giáo dục tồi tệ.

 

Bởi lẽ, nền giáo dục vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của xã hội nó đang trải, và nền giáo dục phản ánh cả sắc màu chính trị, văn hóa trong nó. Với nền giáo dục Việt Nam hiện nay thì sao? Và tại sao cho đến giờ phút này, mọi câu chuyện từ giáo dục ngày càng trở nên tồi tệ, mặc dù vẫn có những hình ảnh giáo viên cắm bản, sống kham khổ với học trò nghèo? Vậy những giáo viên cắm bản này là ai? Những giáo viên đang hành hạ học trò, đang hành xử thiếu văn hóa, thậm chí bỉ ổi này là ai?

 

Xin thưa, tất cả họ đều là giáo viên xã hội chủ nghĩa, nhưng họ được “định nghĩa” bởi những bàn tay quyền lực khác nhau và số phận, hành xử của họ hoàn toàn khác nhau.

 

Những giáo viên cắm bản là những người thân cô thế cô, họ bị loại ra khỏi hệ thống quyền lợi ngành, lợi ích ngành, họ chỉ có thể lựa chọn hoặc đi dạy miền núi, cắm bản, hoặc không có việc. Hiếm hoi, vô cùng hiếm hoi giáo viên cắm bản là đảng viên Cộng sản, vì họ thân cô thế cô, đơn giản là vậy.

 

Chỉ riêng về “nguồn gốc” của họ, cũng đủ cho họ một đời sống giàu lòng trắc ẩn, thương người nghèo giống mình, thương người thân cô thế cô giống mình, thương những cuộc đời thiếu ánh sáng nhưng thừa tai ương giống mình... Dường như, họ không còn gì để mất, họ chỉ có những học trò nghèo làm lẽ tồn tại. Chính vì vậy, hình ảnh của họ đầy hi sinh, trách nhiệm và yêu thương. Yêu thương của người giáo viên cắm bản là yêu thương thoát ra từ đáy lòng, từ sâu thẳm nỗi đau thân phận làm người và từ những rung động của núi rừng, cảnh vật, con người với đầy đủ yếu tính tự nhiên của nó.

 

Ngược với giáo viên cắm bản, giáo viên thành phố, giáo viên đồng bằng, đương nhiên, muốn dạy học, nếu không phải con nhà quyền thế thì cũng con nhà nhiều tiền, và đương nhiên có cả yếu tố đỏ, phải đỏ, càng đỏ càng tốt, càng đỏ càng nhanh vào ngạch nhà nước, đó là tất yếu.

 

Và vì những yêu cầu hết sức ngặt nghèo, hết sức bí bách cũng như hết sức căng thẳng này, mà giáo viên nữ bao giờ cũng có cơ hội thăng tiến cao và nhanh hơn giáo viên nam, ngược lại, nếu lãnh đạo phòng giáo dục hay hiệu trưởng nhà trường là nữ, thì giáo viên nam may mắn có chút nhan sắc lại nhanh thăng tiến hơn. Đương nhiên con số nam thăng tiến rất hãn hữu và hiếm hoi so với nữ.

 

Những cuộc trò chuyện, bàn giao quyền lực nơi phòng karaoke, phòng nhậu vip hay khách sạn, nhà trọ luôn là những cuộc bàn giao thiết thực và hiệu quả, có tính thực thi nhất. Sau đó nó được hợp thức hóa trước hội đồng.

 

Hay nói khác đi, những cái bắt tay dưới gầm bàn, thậm chí bắt tay dưới gầm giường đã chi phối nền giáo dục này một cách khủng khiếp, khó nói. Vì đâu nên nỗi?

 

Vì nền giáo dục tự bao giờ đã biến thành cái chợ, nơi mà bên trên có thể kinh doanh, đút lót, hối lộ, tham nhũng trong xây dựng, nhận đút lót, cải cách sách giáo khoa, xuất bản sách giáo khoa và là cái ổ đấu đá chính trị, đấu đá quyền lực đầy nọc độc.

 

Nền giáo dục mà bên dưới, những hiệu trưởng biết dựa vào quyền lực chính trị để biến mình thành ông vua một cõi, vua địa phương, vua của trường, và mọi thứ bưng bít nối tiếp từ trên cao xuống dưới thấp.

 

Sau vụ học sinh quay video clip và phát tán trên mạng, đã có hành vi truy tìm học sinh quay và phát tán video clip này để “trừng trị”. Động thái tìm và trừng trị bằng kỉ luật này cho thấy có một sự trả thù trá hình, nấp bóng trong tính răn đe toàn thể học sinh, và sâu xa hơn, nó như đánh tiếng báo động và đe nẹt toàn ngành giáo dục.

 

Liền sau vụ phát tán video clip là các trường bắt đầu cấm học sinh mang điện thoại di động trong lúc đi học, thậm chí cấm cả mang theo đồng hồ thông minh. Cấm học sinh tiểu học và trung học cơ sở dùng điện thoại di động và đồng hồ thông minh, cấm học sinh trung học phổ thông dùng điện thoại di động?

 

Cả hai “lệnh cấm” này có vi phạm pháp luật không? Có hợp lý không?

 

Xin thưa, cấm học sinh trung học phổ thông dùng điện thoại là vi phạm pháp luật và vi hiến. Vì học sinh trung học phổ thông đã bước qua khỏi giai đoạn “chưa đủ năng lực hành vi dân sự”, đã bước vào tuổi thành niên và có mọi quyền hành xử, lựa chọn cá nhân theo qui định pháp luật. Nếu nhà trường cấm để chuông reo, cấm dùng trong giờ học thì hoàn toàn hợp lý, nhưng cấm mang theo điện thoại là vi phạm pháp luật. Và cấm học sinh phát tán video clip về trường trên mạng xã hội có đúng luật không? Có mà không.

 

Có vì nếu như các hoạt động bình thường, các hoạt động giảng dạy hay hình ảnh thầy cô giáo, bạn bè bị phát tán trên mạng xã hội là vi phạm quyền cá nhân, vi phạm quyền dân chủ, vi phạm pháp luật. Cấm theo hướng này hoàn toàn đúng.

 

Ngược lại, trường hợp học sinh trong trường bị xúc phạm cá nhân, bị đánh tập thể, bạo lực học đường, cần sự lên tiếng, phản đối của cộng đồng để giảm bớt tình trạng này, thì việc cho video clip lên mạng xã hội là cần thiết, là hợp pháp. Hợp pháp bởi tính báo động xã hội cũng như tính khiếu kiện, công khai, bạch hóa tội lỗi và tố cáo tội lỗi của nó. Sâu xa hơn, việc tung video clip nhằm tìm tiếng nói bảo vệ bạn bè, bảo vệ người thân và tránh tình trạng bị chìm xuồng, bị ếm nhẹm thông tin là trường hợp bất khả kháng, hoàn toàn hợp pháp, hợp lương tri.

 

Như vậy, việc truy tìm và phạt học sinh đã tung video clip nhằm mục đích gì? Và tại sao lại có hành vi trái khoáy, phi khoa học, vi phạm pháp luật và lương tri như vậy trong ngành giáo dục?

 

Câu trả lời là: Lẽ ra, ngành giáo dục phải có qui định về việc này ngay từ đầu, nhằm hỗ trợ học sinh và tránh tình trạng bạo lực học đường, tránh thiệt thòi cho học sinh, tức là qui định cho phép học sinh trung học phổ thông dùng điện thoại ngoài giờ học và trong giờ học ở tình trạng bất khả kháng, qui định cho học sinh trung học cơ sở và tiểu học được đeo đồng hồ thông minh, bởi độ tuổi này cần có sự giám hộ, giám sát từ xa của cha mẹ, nhà trường không thể quan sát từng em học sinh được.

 

Nhưng vì sao lại không có những qui định nhằm bảo vệ quyền lợi cho học sinh, cho trẻ em? Vì ngay từ trên nóc, nhà đã dột, nên bên dưới vũng nước nào cũng to như lỗ trâu, lỗ voi, bây giờ nếu để hình ảnh ấy lộ ra thì chẳng giống ai.

 

Và khi nóc dột nát, thì làm sao mong được bên dưới khô ráo, không ẩm ướt, không hôi hám?!

 

Hình ảnh một giáo viên chủ nhiệm bạo lực, đe dọa sẽ hạ hạnh kiểm (điểm đạo đức) học sinh khi học sinh không nghe lời cô đến mua bánh sinh nhật đúng cái cửa hàng mà cô ta đã chỉ định chỉ cho thấy duy nhất một điều: Hạnh kiểm của giáo viên chủ nhiệm mới có vấn đề trầm trọng. Nền giáo dục để một kẻ hạnh kiểm có vấn đề quản lý hạnh kiểm của những tâm hồn non trẻ, những chồi non của tương lai, hay nói đúng hơn là tương lai dân tộc, thì liệu nền giáo dục ấy là thứ giáo dục gì? Và nó hứa hẹn điều gì?!

 

Thiết nghĩ, đã đến lúc nhân dân và nhà nước, chính phủ, đảng lãnh đạo phải chung tay để làm sạch nền giáo dục một cách toàn triệt, thấu đáo. Và làm sạch nền giáo dục cũng là một cách cứu lấy đảng Cộng sản không bị đạp nát trên tiến trình lịch sử. Đó là sự thật không thể chối cãi, vì càng ngụy biện thì càng nhanh chóng đến gần miệng hố!

 

VietTuSaiGon's blog

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats