Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 6, cuối, đáng đọc nhất, ai bỏ lỡ ráng chịu)
Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Ở miền Bắc những năm trước 1975, học sinh cấp
3 và sinh viên đại học đứa nào cũng biết thuật ngữ “ai thắng ai?” nói về cuộc đấu
tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới. Những giờ học
chính trị và triết học Mác - Lê Nin, các thầy khẳng định chắc như đinh đóng cột
phe tư bản, thực dân, đế quốc, bóc lột đang giãy chết, phe xã hội chủ nghĩa
ngày càng lớn mạnh. Bọn tư sản tư bản mà giai đoạn tột cùng là đế quốc ngày
càng cùng đường, chó dại cắn càn, gây chiến tranh, nhưng sẽ không tránh khỏi bị
diệt vong. Cuối bài, bao giờ các thầy hoặc báo cáo viên cũng kết luận “Sức ta
là sức thanh niên/Thế ta là thế đứng trên đầu thù”, chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản là hiện thực và tương lai nhân loại, vô sản sẽ lãnh đạo toàn thế
giới..., cả thầy lẫn trò đều hỉ hả.
Sự dối trá ấy bị xé toạc khi những người ở
thiên đường miền Bắc sau tháng 4.1975 được tận mắt chứng kiến cuộc sống và nền
kinh tế miền Nam. Người cộng sản không nghĩ rằng đồng thời với việc họ “giải
phóng” được miền Nam thì chính miền Nam cũng giải phóng đầu óc u mê cho hàng
triệu người Bắc, nhất là về kinh tế. Dân chúng ngoài vĩ tuyến 17 tận mắt thấy
chủ nghĩa tư bản ở miền Nam đã xây dựng một nền kinh tế hàng hóa dồi dào tới mức
những người quen sống trong chế độ bao cấp có nằm mơ cũng không dám nghĩ.
Tháng 4.1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn,
chỉ một thời gian ngắn hiểu rằng những gì mình được trang bị về chủ nghĩa xã hội
và chủ nghĩa tư bản bị sụp đổ hoàn toàn, hay nói chính xác hơn là đảo ngược 180
độ. Những chuyến hàng hóa, một dạng chiến lợi phẩm, ùn ùn chảy ra bắc; từ xe cộ,
tivi, tủ lạnh, quạt máy, đồng hồ, vải vóc, cục xà phòng, cây kem đánh răng, quả
pin, hộp sữa, gói mì chính tới cái kim sợi chỉ đều lên đường ngược bắc, đủ chứng
minh cho cuộc nhận thức lại. Chả biết miền Nam “nhận họ” thì được cái gì, chứ
miền Bắc “nhận hàng” không chỉ làm thay đổi cuộc sống vốn nghèo khó bền vững mà
còn đổi cả nhận thức cho con người.
Rất tiếc là, tầng lớp lãnh đạo đất nước sau
năm 1975 hoặc không nhận ra điều đó bởi họ quá say chiến thắng hoặc cố tình lờ
đi để củng cố quyền lực. Họ thừa hiểu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ
không thể đưa đất nước, dân tộc đến bến hạnh phúc; thừa hiểu phương thức sản xuất
tư bản, xã hội tư bản có bao nhiêu đều tốt đẹp cần phải tận dụng và phát huy,
nhưng đối với họ thay đổi đồng nghĩa với tự sát nên cứ nhắm mắt lao vào đường hầm,
tự đánh lừa chính mình và lừa nhân dân. Họ say sưa tự lừa dối chính mình/trong
đói nghèo vẫn hét toáng quang vinh. Quang vinh, quang vinh, rực rỡ, “chưa có
bao giờ đẹp như hôm nay”…
Nếu thực sự tôn trọng doanh nhân, doanh nghiệp,
tư sản ngoài quốc doanh, ghi nhận đóng góp của họ, tạo điều kiện cho họ phát
triển, để họ tin tưởng làm ăn, thì việc cụ thể nhất là hãy cắt phụp cái đuôi định
hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Đó chính là thứ sản phẩm chắp
vá, dở hơi của tư duy cố chấp, cùn mòn, tăm tối. Chính nó thành chiếc cùm, cái
khóa, cái còng trói buộc, đe dọa, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, của
làm ăn cá thể, tư sản. Suốt bao năm dài ở đất nước này, do chế độ cầm quyền coi
thường, khủng bố doanh nhân, người tài nên cuộc sống đã thực sự lụn bại, xuống
dốc thê thảm. Những thay đổi gần đây bởi nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất
là con người, trong đó có doanh nhân, đã phần nào được tôn trọng, cởi trói để
được sáng tạo, làm ăn, phát huy tài năng, sức lực làm giàu cho mình và cho đất
nước. Chỉ có điều, lưỡi dao bén "định hướng xã hội chủ nghĩa" treo lơ
lửng trên đầu kia có thể trảm doanh nhân bất cứ lúc nào, hoặc biến tư sản, dù
tư sản đỏ, thành quả cam để vắt kiệt và rục vỏ vào thùng rác. Không ai có thể
yên tâm làm ăn trong cái cơ chế mưu mẹo ấy.
Xử bắn “địa chủ”, phá
đình phá chùa, tàn hại công thần, bỏ tù văn nghệ sĩ, truất phế doanh nhân, đi
ngược thời đại… cũng từ chuyên chính vô sản mà ra cả.
Nguyễn
Thông
.
*****
Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 5)
Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Thực ra, tôi cũng tham gia vào việc đánh tư sản,
kìm hãm xã hội này, góp phần để cuộc sống vất vưởng đến tận bây giờ. Giờ kể ra,
giống như tự chuyển hóa, tự diễn biến, suy thoái. Chả là hồi từ năm 1977 tôi
vào Sài Gòn, suốt mấy năm các thầy cô giáo chúng tôi từ miền Bắc vào được chính
quyền huy động cho công cuộc long trời lở đất (xứ mình làm gì cũng long trời lở
đất) đánh tư sản. Cứ làm theo miệng cán bộ tuyên truyền, chúng tôi hăng hái lên
án kịch liệt bọn "tư sản mại bản ôm chân đế quốc Mỹ" Lý Long Thân, Mã
Hỷ, Hoàng Kim Quy, Trương Dĩ Nhiên, Mã Tuyên, Nguyễn Tấn Đời, Nguyễn Văn Hảo...,
tham gia phong trào đấu tố "bọn bóc lột, đầu cơ tích trữ, phá hoại kinh tế".
Chúng tôi cả tin rằng lưới thép (gọi là lưới
B40) do nhà máy của Hoàng Kim Quy sản xuất chủ yếu để bọn đế quốc Mỹ sử dụng
ngăn đạn B40 của phe cách mạng; gạo xuất khẩu của Mã Hỷ là chiếm đoạt mồ hôi
công sức nông dân đồng bằng sông Cửu Long, sắt thép do Lý Long Thân nhập về chủ
yếu đúc súng đạn, phim ảnh do Trương Dĩ Nhiên nhập và phát hành để đầu độc thế
hệ trẻ, xà bông Trương Văn Bền giàu là nhờ bóc lột sức công nhân... Kết quả từ
một nền kinh tế đang phát triển, hàng hóa phong phú, sự nghiệp cách mạng kinh tế
đánh tư sản đã thành công khi nhanh chóng đưa xã hội trở lại mức "mua cái
đinh cũng phải giấy", miền Nam mau mắn hòa đồng với kinh tế nghèo nàn, thủ
công, thiếu thốn, bao cấp ở miền Bắc, cùng dắt tay nhau đi trên con đường xã hội
chủ nghĩa đói nghèo.
Gieo gì gặt nấy, chính chúng tôi không cần chờ
đợi lâu, phải trệu trạo nhai hạt bo bo, củ sắn (mì) thay gạo suốt hơn chục năm
trời, chịu cảnh phân phối từng cây kim sợi chỉ, viên đá lửa, gói thuốc Vàm Cỏ
khét lẹt, mảnh vải chỉ đủ may cái quần đùi…
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, đẻ khi “miền
Bắc hoàn toàn giải phóng” hăm hở tiến lên chủ nghĩa xã hội, nên từ bé tí đã
nghe tuyên truyền về tư bản giãy chết. Vừa căm thù vừa thương hại chúng, tức là
bọn tư bản. Khi đi học, ăn sâu vào đầu là những bài về đấu tranh giai cấp. “Dù
quần đẹp áo lành/Anh vẫn là người xấu”. Mặc nhiên hiểu giai cấp tư sản rất ác,
nhất là bọn tư sản mại bản. Chúng bóc lột, làm giàu trên mồ hôi nước mắt công
nhân. Ngay cả những nhà tư sản có tinh thần dân tộc, biết giúp đỡ cách mạng và
kháng chiến như Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, những chủ hãng Cự Doanh (dệt), Vạn
Vân (mắm)… cũng cần phải được cải tạo để trở thành người… lao động.
Cách cải tạo phổ biến nhất là tịch thu tài sản,
ban đầu núp dưới hình thức công tư hợp doanh, giao cho nhà tư sản chút chức vụ,
sau khi nhà nước đã thâu tóm được hoàn toàn thì gạt họ khỏi bộ máy điều hành
không thương tiếc. Rất nhiều nhà tư sản đã trở nên trắng tay bởi mưu mẹo mánh lới
này của người cộng sản. Tôi nhớ, từng đọc đâu đó lời chua chát của một người
trong cuộc sau khi toàn bộ tài sản phải “tự nguyện hiến” hết cho nhà nước, rằng
mấy ông bà cách mạng kháng chiến, sau khi giành được tự do, độc lập cho đất nước
và dân tộc thì đã tiến hành cuộc cướp bóc vĩ đại, cào bằng xã hội, căm ghét người
giàu, biến cách mạng thành công cuộc ăn cướp chưa từng có trong lịch sử loài
người.
Công bằng mà nói, lúc ban đầu đích tiêu diệt của
người cộng sản xứ này không có chủ nghĩa tư bản, đối tượng bị thù hằn không có
nhà tư sản. Tới tận thập niên 1950, tiến hành cải cách ruộng đất, mà họ gọi là
cuộc cách mạng long trời lở đất, vẫn chỉ tập trung vào địa chủ - kẻ thù của
cách mạng, chưa thấy bóng dáng nhà tư sản trong danh sách đen. Chỉ có điều, với
người cộng sản Việt Nam, lòng căm thù phe “tư bản giãy chết” đã ngấm vào máu từ
khi được Mác - Lê Nin giác ngộ, chỉ chờ dịp là bùng phát thành những cơn cuồng
nộ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
*****
Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 4)
Nguyễn
Thông cùng với Nguyễn
Thông Cào.
Nói gì thì nói, trong khoảng 2 chục năm trở lại
đây, sự đổi thay bề mặt ở đất nước này, chẳng hạn nhà cửa, đường sá, khu dân
cư, nhà máy xí nghiệp, nơi du lịch… chủ yếu là nhờ doanh nhân, những nhà tư bản,
nhà sản xuất kinh doanh nằm ngoài hệ thống nhà nước. Ngay cả công ăn việc làm,
tạo thu nhập cho người dân cũng chủ yếu dựa vào họ - nhà tư sản trong nước lẫn
nhà đầu tư nước ngoài.
Kể đâu xa, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi
là vùng quê thuần nông, tới cuối thập niên 90 càng tiến lên chủ nghĩa xã hội càng
xơ xác tiêu điều. Ruộng đất ít, nông dân không việc làm, thanh niên nam nữ bỏ
đi khắp nơi làm thuê làm mướn, cu li bốc vác, buôn thúng bán bưng lê la hè phố.
Cuộc sống cực kỳ bấp bênh, bế tắc. May nhờ có những nhà tư bản cả trong và
ngoài nước mở nhà máy xí nghiệp công ty sản xuất ven sông Đa Độ, khu chợ Hương,
lối thông ra đường 14 cũ (nay là đường Phạm Văn Đồng đi Đồ Sơn) mà cả vạn thanh
niên nông dân có việc làm, chăm chỉ lao động nên có thu nhập nuôi bản thân và
gia đình. Không phải kiểu vô sản hóa như mấy ông hồi xưa, mà là công nhân hóa,
nhờ doanh nhân nên sống được, chứ không phải nhờ chính quyền.
Thỉnh thoảng tôi về quê, cứ sáng sớm hoặc chiều
tối, thấy từng đoàn, cả nghìn công nhân, nhiều nhất là nữ, lũ lượt đạp xe hoặc
chạy xe máy trên đường, thương và cảm động, lòng thầm biết ơn những nhà tư bản.
Họ không bóc lột bóc liếc gì hết, không như lý luận xưa nay của cộng sản, của
chế độ xã hội chủ nghĩa, mà là cứu người, đem lại chút hạnh phúc dù còn nhỏ
nhoi cho con người. Nhà cai trị hẳn cũng hiểu điều đó nhưng họ cứ lập lờ.
Đối với họ, kinh tế thì trường định hướng xã hội
chủ nghĩa là điều cần thiết để duy trì chế độ, nhưng doanh nhân, tư sản cũng rất
cần. Bây giờ với mấy chú tư sản đỏ hoặc hơi đo đỏ đang là idol của xứ này, chẳng
ai dám nghĩ tới việc chê một câu chứ nói gì đánh. Đánh họ là phải tội, có khi
đi tù.
Nhưng ngày xưa, mà nào có xa xôi gì cho cam, mới
hơn 4 chục năm, ai dính tí tư sản thì lên bờ xuống ruộng, nhà nước đánh cho
không còn đường sống. Thiếu gì cách kết tội. Ngay cả Tăng Minh Phụng cũng chết
bởi "ai biểu giàu quá", dám làm tư sản, nhà nước kiếm vài cớ “sai phạm”
(mà làm ăn trong buổi nhố nhăng tránh sao khỏi) nên toi cả mạng lẫn sự nghiệp.
Dạng như Tăng Minh Phụng lúc này rất nhiều, điều xui của Phụng là “sinh bất
phùng thời”, lại không có người chống lưng. Hồi năm 1990, con trai tôi học cùng
lớp với con Phụng ở Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5). Bất kỳ đóng góp nào cho lớp,
Phụng tự nguyện gánh hết. Trường Minh Đạo nhờ có phụ huynh Phụng nên không phải
lo chuyện tài chính tiền nong mỗi khi lễ lạt.
Có lần họp phụ huynh, đại gia Phụng kể với
giáo nghèo tôi rằng ông đang nhận nuôi dưỡng 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng cho đến
hết đời các mẹ. Đùng một cái, người ta diệt Phụng, bắt giam, xử án kinh tế,
khép tội chết, lôi ra bắn. Cái chết của Phụng kéo theo sự sụp đổ của hệ thống
làm ăn tư bản tư nhân đang có đà khởi sắc. Mà cũng chẳng biết sau đó nhà nước
có “kế nghiệp” Phụng nuôi 5 bà mẹ kia đến hết đời không. Vụ Tăng Minh Phụng là
tấn thảm kịch đâu chỉ của doanh nhân mà còn của chục nghìn công nhân từng sống
được nhờ tài làm ăn của Phụng, nay Phụng chết, nhà máy đóng cửa, họ bị mất việc,
mất luôn cả hiện tại và tương lai.
Bài học hơi gần là Trịnh Vĩnh Bình, còn có tên
Bình Hà Lan. Bây giờ đi trên đường Trần Hưng Đạo quận 1, ngay sát "Sở Công
an" hoành tráng hơn cả dinh toàn quyền, vẫn còn tòa nhà 9 - 10 tầng xây dở
dang, gạch đã rêu phong của Bình Hà Lan, đang bị thi hành án, như một thứ chứng
tích khốn nạn của công cuộc đánh tư sản man rợ. Cam để vắt nước uống, còn nếu
không vắt được thì rục thùng rác. Doanh nhân sinh ra để nộp tiền, không chịu
cúng thì tìm cách cho vào tù. Bình Hà Lan bây giờ mà vô tình gặp được trung tá
Ngô Chí Đan thì không ai dám đảm bảo không xảy ra án mạng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
*****
Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 3)
Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Những người lứa tuổi tôi, sinh hồi giữa thập
niên 50, thời nay gọi tắt là 5X, chắc không mấy ai quên chuyện nhà cai trị xứ
này đánh tư sản, diệt doanh nghiệp doanh nhân. Họ gọi bằng cái tên “cải tạo
công thương nghiệp”, xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội
chủ nghĩa. Tất cả những gì vướng víu, vướng mắt trên con đường lớn không tưởng,
mơ hồ ấy đều bị họ đưa lên đoạn đầu đài. Diệt cho bằng hết. Lại nhớ cụ Phan
Khôi từng chua chát cay đắng “Đánh đùng một cái/Kêu eng éc ngay/Bịt mồm bịt miệng/Trói
chân trói tay/Từ đây đến con dao/Chẳng còn xa là bao”. Cụ tả về chuyện giết lợn,
nhưng “giết” văn nghệ sĩ, doanh nhân cũng đều thế cả, cùng bàn tay đao phủ.
Thời Pháp cai trị (còn gọi là thời Pháp thuộc),
nhà cầm quyền thực dân rộng đường cho tư nhân tư sản làm ăn, sản xuất, kinh
doanh, để họ phát huy tài năng khả năng của mình làm giàu, vừa “vinh thân phì
gia”, vừa tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội, đất nước. Cho tới giờ, nói tới doanh
nhân Việt, người ta vẫn nhắc đến nhưng idol, tấm gương tiêu biểu như Bạch Thái
Bưởi (tàu thủy), Nguyễn Sơn Hà (sơn), Trịnh Văn Bô (kinh doanh vải lụa), Đoàn Đức
Ban (chủ hãng nước mắm Vạn Vân lớn nhất miền Bắc), Trịnh Văn Mai (chủ hãng dệt
Cự Doanh), Vũ Đình Long (xuất bản, in ấn)…, họ được tự do làm ăn làm giàu,
không bị người Pháp tước đoạt quyền tự do kinh doanh. Nhưng sang chế độ mới, tư
sản chết như ngả rạ, bởi tư sản, làm ăn tư bản là kẻ thù không đội trời chung của
vô sản, của làm ăn kiểu xã hội chủ nghĩa. Ngay cả việc góp 5.000 lượng vàng cho
tuần lễ vàng năm 1945, nuôi cả cụ Hồ và hàng đống quan chức thủ lĩnh Việt Minh,
hiến cả nhà 48 Hàng Ngang, v.v.. cũng không cứu được vợ chồng ông Bô bà Hồ bị
chính quyền chiếm mất nhà, đòi mãi họ không trả, phải “vùng lên” chiếm lại. Ai
muốn biết rõ hơn sự “lấy oán trả ân” này, cứ hởi các con cháu của hai cụ.
Sau khi miền Bắc được hòa bình, các nhà máy xí
nghiệp tư nhân đều bị quốc hữu hóa hết, hoặc thành quốc doanh, hoặc công tư hợp
doanh. Gọi là công tư hợp doanh nhưng thực chất tư nhân chả có quyền hành gì,
nhà cửa công xưởng, máy móc đều phải “tự nguyện” góp cho nhà nước (vốn không có
gì), sản xuất theo mệnh lệnh, chủ cũ chỉ tham gia cho có chứ cán bộ nhà nước nắm
hết quyền điều hành. Dạng nhà máy dệt kim Cự Doanh của cha con ông Mai ông Căn ở
Hà Nội là vậy, sau chủ cũ chán quá bỏ luôn, thế là mặc nhiên thuộc về nhà nước.
Bất chiến tự nhiên thành. Công cuộc cải tạo tư bản tư doanh ấy thực chất là cuộc
chiếm đoạt quyền sở hữu tư liệu sản xuất cá thể để gom về một đầu mối theo mô
hình Liên Xô, Trung Quốc.
Công cuộc đánh tư sản, cải tạo công thương
nghiệp, quốc hữu hóa tàn bạo kết quả đã giết chết một nền sản xuất kinh doanh
đang phát triển, đưa kinh tế miền Bắc về thời mông muội, cái gì thứ gì cũng thiếu,
kể từ hạt muối. Tôi còn nhớ, khoảng năm 1965, nhà tôi được hợp tác xã mua bán
phân phối cho chục bát ăn cơm bằng sành, về nhà giở ra có cả cái mẻ cái sứt, có
chiếc còn nguyên mảnh vỡ dính vào. Không dám bỏ, bởi bỏ thì chẳng nhẽ ăn bốc. Không
còn tư sản doanh nhân, chỉ có độc nhất nền kinh tế tập trung do nhà nước chỉ đạo
điều hành, miền Bắc trước năm 1975 như đang trở về thời cộng sản nguyên thủy.
Hàng hóa thiếu thốn, vật chất nghèo nàn, đi lại khó khăn; hai thứ thiết thực nhất
là hạt gạo và tấm vải đã thành thứ tiêu chuẩn để đánh giá giàu nghèo, sang hèn,
sướng khổ. Người đem lại “thành công” u ám ấy, diệt trừ tư sản ấy, dĩ nhiên là
chính quyền, công của những Đỗ Mười, Trường Chinh, Lê Duẩn, ông này bà nọ,
trong đó có cả cụ Hồ.
Thực tế đen tối như vậy, nhưng bộ máy tuyên
truyền của họ cố tình lờ đi, và luôn ca ngợi, khen tụng thành công thế này, thắng
lợi thế nọ, dù thâm tâm họ nhận thấy sai lầm. Và đáng nói hơn, biết sai, nhưng
họ với bản chất kiêu ngạo cộng sản, vẫn không chịu sửa, vẫn lặp đi lặp lại về
sau, đi từ sai lầm này tới sai lầm khác. Sau cuộc cải tạo công thương, triệt bỏ
doanh nhân tư sản ở miền Bắc thập niên 50, hơn 2 chục năm sau, họ vẫn lặp lại y
chang, thậm chí còn tàn bạo hơn trong cuộc đánh doanh nhân ở miền Nam, và cả những
chiến dịch kiểu Z30 ở miền Bắc thập niên 80. (còn tiếp)
.
*****
Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (phần 2)
Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Trong suốt quá trình tồn tại và chiếm đoạt vị
trí cai trị, từ khi nắm quyền tới nay, nhất là sau 1954 ở miền Bắc, rồi sau
1975 trên cả nước, chính quyền cộng sản chỉ chú trọng, đề cao công nông binh, gần
như gạt hẳn tầng lớp, đội ngũ doanh nhân ra khỏi hệ thống của họ. Họ chủ trương
làm ăn tập thể, như ông Lê Duẩn từng nhận định “làm chủ tập thể là phát minh vĩ
đại”, công hữu hóa, bài trừ tư sản, diệt lối làm ăn tư hữu cá nhân… nên doanh
nhân không có đất để tồn tại. Chỉ cần hé ra, lộ ra cách làm ăn riêng lẻ, dù hiệu
quả tới mấy đi chăng nữa, cũng bị tiêu diệt.
Nói đâu xa, chính trong đội ngũ của họ, cái gì
đi chệch hướng đường lối của chủ nghĩa xã hội đều phải lên đoạn đầu đài. Dù hợp
tác xã nông nghiệp - biểu tượng của lối làm ăn tập thể ở nông thôn chỉ sau gần
chục năm tồn tại đã ngày càng thể hiện sự lạc hậu, phi lý, cản trở quá trình
phát triển nhưng họ vẫn ngu dốt, cố tình, nhắm mắt nhắm mũi duy trì. Chuyện ông
Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc) ở Vĩnh Phú xé rào đường lối, “chống lại trung ương”,
tiến hành khoán hộ, làm thay đổi cơ bản cuộc sống nông dân, nông nghiệp, nông
thôn theo hướng đi lên, thoát khỏi nghèo đói nhưng vẫn bị các đồng chí của ông,
cấp trên ông hành lên bờ xuống ruộng thì đủ biết họ bảo thủ ngu dốt thế nào. Họ
chỉ cần cái gọi là chủ nghĩa xã hội tồn tại, còn bất kỳ thứ nào khác đều không
có giá trị.
Sau này, khi bị dồn vào chân tường, thấy rõ nếu
không thay đổi thì sẽ chết, nói theo kiểu Fidel “đổi mới hay là chết”, họ lại
quay ngoắt nhận công lao về mình, tụng ca đổi mới, như chính họ là người mở đường.
Suốt nửa thế kỷ, đưa đất nước, xã hội, nền kinh tế lên bờ thì ít mà xuống ruộng
thì nhiều, tận diệt biết bao tinh hoa làm ăn, cuối cùng họ lại thành người có
công. Cứ mỗi lần tới dịp này dịp nọ ngày sinh tháng đẻ, ngày giỗ ngày cúng, họ
lại tâng bốc những Lê Duẩn, Trường Chinh, Đỗ Mười… lên tận mây xanh, như đuốc
soi đường, như cứu tinh, thánh sống.
Với lề thói làm ăn ấy, thì dạng xé rào Kim Ngọc
hay Nguyễn Văn Chẩn vua lốp chỉ là tội đồ, chưa bị bắn như bà Nguyễn Thị Năm là
may. Có thời gian rất dài, họ nhét vào đầu óc đám học trò chúng tôi những hình ảnh
Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Đình Kính, Đỗ Đình Đạo… dù làm ăn rất tài
giỏi nhưng bản chất là kẻ bóc lột, thậm chí còn quy thành tư sản mại bản, phản
động, tay sai thực dân phát xít cần phải đánh đổ, tiêu diệt. Nhà xưởng, cơ
ngơi, tài sản của doanh nhân tư sản bị họ tịch thu, được gọi bằng cái tên mỹ miều
“công hữu hóa”. Ở miền Bắc sau 1954 không một doanh nhân nào thoát khỏi tay họ
trong cuộc càn quét tiêu diệt tàn bạo ấy.
Cứ tưởng sự ngu dốt, ấu trĩ của đám cai trị cầm
quyền chỉ diễn ra nhất thời trong buổi mông muội, lúng túng ngơ ngác ban đầu,
nhưng không phải, nó còn kéo dài, lặp đi lặp lại rất nhiều lần qua những cuộc
“đánh tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp” ở cả hai miền Nam, Bắc. Thủ phạm vẫn
không ai khác, mà chính là họ. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
******
Doanh
nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (nhân cái gọi là Ngày doanh nhân 13.10)
Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Xứ này có rất nhiều ngày vinh danh dành cho từng
loại đối tượng. Tôi mày mò tìm tra trên Gu gồ, thấy chưa đâu lắm ngày này ngày
nọ như nước An Nam ta. Một kiểu tự sướng và khoái màu mè hình thức. Chỉ những
anh đội cái bệnh hình thức lên đầu đi ngênh ngang giữa đường mới khoái kiểu vậy.
Ngày nghiếc cũng là thứ bệnh, bệnh nặng, cùng khối u với bệnh ưa cờ quạt, băng
rôn, khẩu hiệu. Vừa lừa dối, vừa mị dân.
Kể từ năm 2004, ông Phan Văn Khải thay mặt nhà
nước ký quyết định chọn ngày 13.10 là ngày doanh nhân Việt Nam. Tới nay đã tròn
chẵn 19 năm bởi hôm nay là 13.10.
Thời xưa, lẩu lầu lâu rồi, các cụ xứ ta nhấn đến
4 tầng lớp-hạng người đáng để ý nhất trong xã hội, đời sống, là “sĩ nông công
thương”. Khi cộng sản làm cách mạng, họ đặt ra mục đích “trí phú địa hào - đào
tận gốc trốc tận rễ” (trí thức, phú nông, địa chủ, cường hào). Chả hiểu sao người
ta lại thích số 4 đến thế. Tới khi cướp được chính quyền, phe cách mạng đưa lên
ban thờ nhóm ngôi vị độc tôn gồm “công nông binh”, chỉ 3 thành phần thôi, mãi về
sau họ giật mình khi nghe thiên hạ, nhất là những anh có chữ có học eo xèo xì
xào nên bổ sung “trí” cho thành bộ tứ “công nông binh trí” nhưng bắt trí đứng ở
cuối hàng. Những người còn lại trong xã hội chỉ là công dân hạng 2, “bắt phong
trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”, đâu có doanh diếc
gì.
Có một giai đoạn rất dài dưới sự cai trị của
nhà nước công nông, khi khai lý lịch mà khai thành phần gia đình hoặc cha mẹ là
buôn bán, tiểu thương, thương nhân, kinh doanh, làm ăn cá nhân… thì không khác
chi hạ dấu chấm hết cho tương lai mình. Trong con mắt nhà cai trị, đó là đối tượng,
thành phần bóc lột, cùng duộc với bọn tư sản. Cộng sản cực kỳ ghét tư sản, nếu
bắn nghìn viên đạn vào đầu thằng tư sản họ cũng bắn, cũng không tiếc đạn. Dẫn
chứng chả khó kiếm.
Bà Nguyễn Thị Năm không phải chỉ là địa chủ mà
còn là doanh nhân cực kỳ tài giỏi, nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc. Bà đã chết
bởi những viên đạn thù của đám khố rách áo ôm nắm quyền bởi chúng ghét người
giàu. Gần hơn nữa, thời thập niên 80 còn mấy ai tài giỏi hơn ông Nguyễn Văn Chẩn,
được tôn là vua, vua lốp. Giỏi, lại biết làm giàu. Dù ông làm giàu một cách cực
kỳ chính đáng, đáng được trân trọng, tôn vinh, nhưng những kẻ ngu muội đã hành
ông lên bờ xuống ruộng, bắt giam ông hết đợt này đến lần khác, tịch thu tài sản,
tịch biên kê biên nhà xưởng, máy móc. Vua Chẩn tội gì? Không hề phản động, thù
địch, chống đối gì sất. “Tội” của ông và gia đình là biết làm giàu, làm ra sản
phẩm phục vụ đời sống. Tôi đâu dám kể đơn sai. Con cái ông còn sống sờ sờ ra
kia, họ là nhân chứng.
Nếu ai muốn biết thêm, lên mạng tìm đọc ký sự
“Vua lốp” của nhà văn Trần Huy Quang (người đã viết những tác phẩm lừng danh,
trong đó có truyện ngắn “Linh nghiệm” và ký sự “Lời khai của một bị can”). Làm
văn, văn nghiệp phải như Trần Huy Quang, bênh vực con người, phụng sự công lý,
đạo lý, chứ không phải xun xoe dùng chữ nghĩa ve vuốt nịnh bợ, viết thứ văn cờ
xí khẩu hiệu nhan nhản trong làng văn xứ này. (còn tiếp)
Nguyễn
Thông
No comments:
Post a Comment